Thanh Ninh một thoáng
Dường như mọi thứ trong cuộc đời này đều được điều khiển bởi một chữ “duyên”. Khi có “duyên”, thì như có sợi dây vô hình ràng níu từ vạn kiếp, cứ thấy tự nhiên gần gũi, quý mến lạ lùng. Như lần tôi đến nơi này, lần đầu mà đã thấy quen thân, quyến luyến.
Ấy là ngày đầu Thu mưa dầm dề, nhưng khi tôi chớm bước chân vào đất Thanh Ninh (Phú Bình), thì ánh dương rạng rỡ chiếu rọi, vạn vật sáng bừng. Trước mắt tôi, làng quê dịu dàng, trẻ trung như thiếu nữ tươi xinh trong tà áo dài xanh biếc. Nhưng tôi biết, đây là vùng đất cổ chứa bao huyền tích. Chỉ cần tôi lắng tai nghe, triệu lá lúa rì rào kia sẽ kể bao điều thú vị.
Đợi tôi ở Vân Đình (một trong 13 xóm của xã Thanh Ninh) là bộ ba chủ chốt: Ông Đường, Bí thư Chi bộ; ông Tĩnh, Trưởng xóm và bà Thành, Trưởng Ban Công tác Mặt trận. Họ đều có quê gốc Bắc Ninh. Mà không chỉ có họ, 100% người dân xóm Vân Đình đều có quê gốc ở hai làng Vân Điềm và Quan Đình (thuộc tổng Mẫn Xá, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc xưa, nay là xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh). Câu chuyện theo bước chân chúng tôi nối dài trên các cung đường vắt qua ruộng vườn bát ngát. Những ngôi nhà ở đây mát rượi trong lùm cây bưởi, thanh long, chuối, mít…
Họ dẫn tôi đến một nơi vừa rõ ràng vừa bí hiểm để kể về lịch sử làng: Ngôi mộ của người khai sơn phá thạch, dựng làng lập ấp. Rõ ràng vì, tên tuổi, công trạng khắc đậm nét trên bia: “Cụ Hiệu Phúc Cẩn, sinh năm 1878, mất năm 1950. Năm 1915, cụ khai khẩn đất hoang, lập ấp. Năm 1921, cụ cất nóc nhà thờ họ Mẫn. Năm 1939, cụ làm ngôi nhà 3 gian 2 tầng đầu tiên ở Mẫn Xá”. Bí hiểm vì, mọi người truyền tai nhau, hơn 70 năm trước, con cháu cụ Cẩn đã mua cả khoảnh đất rất rộng, chọn được chỗ này rồi mời thầy phong thủy cao tay về ngắm thế, yểm trấn. Đến nay, họ hàng nhà cụ, người xa người gần đều giàu sang phú quý, nhờ vị trí “phát lộc” của lăng mộ. Từ thông tin trên mà suy, thì làng Vân Đình ra đời đến nay là 118 năm, khởi nguồn từ người đàn ông 37 tuổi quê Bắc Ninh. Nhưng lại có thông tin khác, rằng người khai sinh ra làng là cụ Lý Hạp. Năm 1916 cụ Lý Hạp (làm chức Lý trưởng, lấy tên con là Hạp) từ Bắc Ninh sang đất này, dựng làng lập ấp. Trong những ngày chuẩn bị Tổng khởi nghĩa (1945), cụ Lý Hạp là một trong những người giàu được giác ngộ. Cụ đã ủng hộ 1.000 đồng tiền Đông Dương và 400kg thóc cho cách mạng. Không những thế, căn nhà 5 gian xây bằng đá ong và mật mía của cụ còn là nơi hội họp của cán bộ tiền khởi nghĩa xã Thanh Ninh.
May mắn, tôi gặp ông Lê Viết Cương, một “cây sử” của Thanh Ninh. Ông Cương là bộ đội xuất ngũ, có 18 năm làm Bí thư Chi bộ xóm Vân Đình. Vẫn mang tác phong nhanh nhẹn, dứt khoát, thẳng thắn của người lính, ông Cương kể: “Năm 1988, tôi được cụ lão thành cách mạng Phùng Văn Kha gọi đến nhà. Cụ Kha khi đó đã rất yếu lại mang bệnh trọng. Cụ nói: Tôi tin tưởng giao cho đồng chí những tài liệu quan trọng này. Đồng chí hãy tìm thêm tư liệu, ghi chép tỉ mỉ, cung cấp thông tin để viết lịch sử cho chính xác. Xã mình phải được công nhận là xã ATK II đồng chí ạ”. Ông Cương biết mình đang mang trọng trách lớn. Ông đọc kỹ tập tài liệu và dành ra 15 ngày đi thu thập thêm, từ đó cung cấp nhiều thông tin quan trọng cho ban biên soạn hoàn thành cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Thanh Ninh (1946 - 2010) và xã Thanh Ninh được công nhận là xã ATK II năm 2019.
Tôi được “cây sử sống” đưa đến thăm ngôi nhà xưa của cụ Lý Hạp. Hơn 100 năm rồi mà ngôi nhà vẫn nguyên dạng. Một chái nhà sụp xuống lộ những viên gạch đá ong nâu bóng. Theo ông Cương cho biết thì tại ngôi nhà này, bà Hà Thị Quế (cán bộ Xứ ủy Bắc Kỳ), chồng bà Quế là ông Nguyễn Trọng Tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên và các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang hội họp. Cạnh ngôi nhà xưa, con cháu cụ Hạp đã xây nhà tưởng niệm. Và cũng theo ông Cương, thì con cháu cụ sẵn sàng dành một khu đất để xóm (hoặc xã) xây lên một ngôi nhà truyền thống để lưu giữ hiện vật, cho con cháu biết cội nguồn quê hương mà yêu thương đùm bọc nhau hơn.
Miên man chuyện xưa chuyện nay, chúng tôi đến khu Đình - Chùa miền Tân Tiến, nơi các hương lão của ba làng là Vân Đình, Tiền Phong và Đồng Phú đang chung sức xây dựng một công trình quan trọng. Trước mắt tôi, ngôi đình đường bệ mà thanh mảnh hiển hiện. Các bậc cao niên làm nhiệm vụ giám sát nhanh chóng quây quần, hồ hởi kể cho tôi nghe nhiều câu chuyện về mảnh đất này.
Mọi người kể với tôi rằng: Khu văn hóa, tâm linh gồm Đình - Chùa - Nhà văn hóa xóm Đồng Phú là nơi sinh hoạt chung của bà con miền Tân Tiến. Hơn 3.000 mét vuông đất làm công trình đều do nhân dân hiến tặng. Những nhà liền kề như gia đình ông Mẫn Văn Tích, Nguyễn Văn Nghìn, Lê Quang Bốn… người góp nhiều nhất là một sào đất. Lòng dân rộng rãi, đình chùa cần đất đến đâu dân sẵn sàng hiến đến đấy. Khoảng 100 năm trước, nơi này là cánh đồng hoang, các cụ dựng lên đây một cái quán cho người làm đồng nghỉ chân. Rồi người làng mang bát hương từ núi Ngò về thờ. Đất lành chim đậu, dân từ Bắc Ninh, Nam Định về ở đông, cụ Lý Hạp huy động mọi người lên rừng lấy gỗ về dựng ngôi đình ba gian. Cụ về đình làng Quan Đình (Bắc Ninh) rước bài vị Đức thánh Đuổm Dương Tự Minh về thờ, vì thế người dân quen gọi “Đình cụ Lý Hạp”. Giai đoạn cách mạng 1939 - 1945, ngôi đình trở thành địa điểm để anh em giao liên, dân quân tự vệ luyện tập, canh gác. Trong đó nhiều cụ đã được công nhận là Lão thành cách mạng và Cán bộ Tiền khởi nghĩa như các cụ: Nguyễn Văn Quý, Nguyễn Văn Mỹ, Phùng Văn Kha, Tư Đào, Nguyễn Văn Chín, Nguyễn Văn Lộng, Nguyễn Duy Hợp, Mẫn Thị Thêu, Nguyễn Văn Chấp, Đỗ Văn Lễ, Nguyễn Văn Cương... Khi cải cách ruộng đất, ngôi đình do người dân quản lý, một tiểu đoàn bộ đội về đóng tại đình, chiến đấu cản đường tấn công của giặc Pháp. Năm 1962, người ta dỡ đình để làm các công trình phúc lợi. 50 năm sau (2012), dân làng đồng lòng đóng góp dựng lại đình tại địa điểm mới, cách địa điểm cũ không xa. Năm 2022, các hương lão quyết tâm nâng cấp đình. Ngoài phần thiết kế được tài trợ, dân đóng góp cộng với tiền công đức, dự kiến ngôi đình hoàn thành sẽ có tổng kinh phí khoảng 1,4 tỷ đồng. Họ đang đốc thúc thợ hoàn thành đình vào cuối tháng Tám (âm lịch), trước ngày giỗ Thành Hoàng. Hiện vật còn lại từ ngôi đình xưa là một con rùa đá đã được chôn giấu trong phần móng Đình, như một bảo bối phong thủy mang lại phồn thịnh cho dân làng.
Tôi mải mê nghe chuyện và ngắm các khuôn mặt nhuốm thời gian thật đẹp. Dù cao niên, họ vẫn tràn đầy nhiệt huyết, ngời ngợi tâm hồn, trí tuệ, là điểm kết nối và giữ gìn nền nếp chòm xóm, quê hương. Họ chính là hiện thân của hôm nay và hôm qua. Như ông Nguyễn Văn Tiến, trưởng xóm Đồng Phú là con trai của cụ Nguyễn Văn Cương, Lão thành cách mạng; như ông Mẫn Kim Cúc, người có 20 năm làm Chi hội trưởng Chi hội Cựu Chiến binh xóm Đồng Phú, thành viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Thanh Ninh và có bà nội là chị ruột của cụ Lý Hạp…
Tạm biệt các cao niên miền Tân Tiến, tôi cứ men theo màu xanh của lúa mà đi. Đất Thanh Ninh trước đây có tên gọi là Phao Thanh. Lịch sử còn ghi lại: Phao Thanh có vị trí đắc địa, thuận lợi cho việc tiến công và phòng thủ, nên được các sĩ phu yêu nước chọn làm nơi gây dựng phong trào chống đế quốc, phong kiến. Phao Thanh ngày nay được nhắc đến là tên ngôi đình cổ xây dựng cách đây hơn 700 năm, thờ đức thánh Dương Tự Minh. Trong phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược, Đình Phao Thanh là nơi hoạt động của nghĩa quân Đề Thám. Trong Cách mạng Tháng Tám, Đình là nơi hội họp bí mật của cán bộ Mặt trận Việt Minh và xuất phát khởi nghĩa giành chính quyền. Tại sân đình, ngày 15 tháng 3 năm 1945, tổ Trung kiên đã lãnh đạo dân làng nổi dậy phá kho thóc của Nhật, cứu được 1.500 người dân trong vùng khỏi nạn đói…
Đình Phao Thanh nay được phục dựng, trưng bày nhiều hiện vật cổ xưa như gốc cây đại trồng từ năm 1775, phiến đá dân làng mài binh khí chống giặc. Đây cũng là nơi tổ chức hội làng, diễn ra các hoạt động văn hóa, góp phần giữ gìn nhiều phong tục đặc sắc của làng quê xưa…
Gặp cảnh, gặp người ở Thanh Ninh, tôi như nghe lịch sử chảy rì rầm. Mỗi mạch đất, mạch máu ở đây đều có thể cất lên câu chuyện của mình. Tôi bỗng nhớ câu ông Trần Trọng Đường, Bí thư Chi bộ xóm Vân Đình nói với tôi: “Giờ cấy hái chỉ toàn người già thôi, người trẻ đi làm công ty hết rồi”.
Vâng, làng quê đang “già” đi, ruộng đồng thiếu sức trẻ, mọi thứ đang dần khác. Tôi lại nghĩ đến mong muốn của “cây sử” Lê Viết Cương: “Có nhà truyền thống để lưu giữ kỷ niệm cho đời sau biết nguồn cội, ghi nhớ công lao của cha ông”.
Vậy thì, các bậc cao niên Thanh Ninh ơi, hãy mau ghi chép lại điều mình nghe, mình thấy, mình nhớ về làng quê, về ông bà, bố mẹ mình; hãy tìm lại những đồ vật xưa và lắng nghe nó “nói”. Rồi mươi, mười lăm năm nữa, những hồi ức đó chính là lịch sử, truyền thống, báu vật để lại cho đời sau.
Thời gian trôi đi chẳng chờ ai, vạn vật rồi mờ nhòe cùng năm tháng, nếu để mọi thứ trôi vào quên lãng, chúng ta sẽ mắc lỗi với tiền nhân và hậu thế.
Cây có gốc mới nở cành xanh ngọn
Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu
Người ta nguồn gốc từ đâu
Có tổ tiên trước rồi sau có mình
Tự nhiên tôi cứ lẩm nhẩm đọc bài ca dao ấy trên suốt chặng đường về.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...