Tháng Giêng làng Mường mở hội
VNTN - Tháng Giêng là khúc ngân nga những dư âm của ngày Tết. Hoa lá ngân nga những hứng khởi của lộc, chồi, đã ngàn năm tuổi mà những hội hè vẫn háo hức tinh khôi. Trong miên man kí ức của những tích trò, những nghi thức, tục lệ ấy, ta có dịp nhớ về những dấu tích nguồn cội của dân tộc Việt. Nào là tín ngưỡng về lúa gạo, truyền thuyết về Đức Thánh Tản Viên, Bà Âu Cơ… nào là tiếng trống hội, tiếng chiêng nô nức bên rừng đào. Nào có đâu xa, tất cả những dấu tích ấy vẫn còn nguyên vẹn trong các lễ hội của làng Mường mà mỗi mùa xuân về ta có thể cảm nhận và ngẫm ra bao điều lý thú.
Trên miền đất cổ, nơi lưu vực các dòng sông nhỏ như sông Bưởi, sông Bôi, nguồn nước ẩn mình dưới đất, nước không ầm ào xối xả mà lặng lẽ, ân cần tắm mát cho những cánh đồng. Bởi thế, du khách từ miền châu thổ sông Hồng lên tới đây, qua dãy Ba Vì hùng vĩ, qua những con dốc mới hay, nơi đây mới là cái nôi của nền văn minh ấy. Để rồi từ đó lan rộng ra muôn phương hình mái đình vút cao dưới trời xanh, mây trắng nước Nam. Cánh đồng ngàn tuổi thẳng cánh cò bay tuy bé nhỏ giữa bốn bề núi non, tuy khiêm nhường trước những “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” của Tây Bắc hay Tam Thiên Mẫu của Hưng Yên nhưng nơi đây những nề nếp, sinh hoạt văn hóa được khắc họa rõ nét để giúp nền văn hóa Mường vững vàng trước mọi đổi thay.
Lễ hội Cồng Chiêng (Dân tộc Mường - Hòa Bình) Ảnh: Internet
Ra Giêng, làng tôi nô nức lắm. Phải sống dưới mái nhà sàn gỗ dổi hay ít nhất đã được bước chân lên nước thời gian, bước chân lên cái màn thang, nhìn ra cửa voóng, ăn rau rừng đồ với lòng cá, chấm miếng thịt lợn với muối dổi… bạn mới cảm nhận hết được sự giản dị, thanh đạm mà ấm áp của kí ức cộng đồng Việt Mường. Bất kể cả năm tất bật lam lũ nhưng vào thời khắc này, nhà nào cũng nô nức chuẩn bị cho ngày hội của mường mình, cho ngày rước kiệu. Những câu chuyện còn dang dở được gác lại. Những cô, những bác bàn tay điêu luyện giữ nhịp chiêng, những thiếu nữ trẻ bỡ ngỡ gắng hòa theo tiết tấu trong bản hòa âm mùa xuân. Vào ngày hội, các lễ hội mường liên tiếp được tổ chức mà không trùng lặp, tiếng chiêng như gọi nhau mà kết thành dải mây lành bay khắp đất Mường. Những Bi, Vang, Thàng, Động đã nức tiếng, nhưng còn những mường nhỏ từ lâu chỉ còn tên gọi trong kí ức vì được thay bằng các địa danh hành chính thì giờ đây được nhắc đến bằng các ngày hội. Từ tảng sáng đã bắt gặp những bà những cô gái duyên dáng trong trang phục truyền thống với chiếc thắt lưng xanh, với dây xà tích buông lơi. Cây nêu được dựng trước đình làng đợi chờ điềm lành được đoán định, kiệu rước bóng Hoàng Bà, đoàn rước kiệu bồng bềnh với những chàng trai khôi ngô…
Vào phần lễ, tiếng ông mo như vang vọng vào tiềm thức, mo kể lại ngày đẻ đất, đẻ nước, bao chuyện của kí ức dân tộc Mường. Phần hội như vỡ òa những mong đợi khát khao. Cây đu vút cao với niềm hứng khởi của đôi trai gái, tiếng hát đối lại sâu lắng, đượm buồn của đôi lứa gặp nhau muộn màng… Những tâm hồn hồ hởi, bàn chân chắc nịch trụ vững trên đất trong cuộc chơi đẩy gậy, chơi mảng…
Xa kia, dưới gốc đa là chợ mường ngày hội. Những đồng bạc trắng lấp lánh bên vuông thổ cẩm. Những món ăn dân dã đất Mường như cơm lam, cá đồ, những tiếng mời nhẹ nhàng, ấm áp. Làn khói thuốc lào như làn mây huyền thoại bay về phủ quanh câu chuyện kể của bố, mế về tên gọi miền đất này như muốn níu chân du khách lại như mời gọi bao chuyến đi lên rừng già Thượng Tiến, lên núi Đầu Rồng… Trong phiên chợ quê mà sang trọng ấy, ta bắt gặp ánh mắt cô gái Mường bẽn lẽn như lời mời gọi ta cất tiếng hát giao duyên.
Làng Mường đã từng ấp ủ men rượu cần, hun đúc lời chiêng, sản sinh ra những áng mo Mường. Nhưng làng Mường cũng lam lũ trong mưa nguồn, nắng hạn để làm ra hạt thóc. Bởi thế, trong niềm vui ngày hội hôm nay của mế vẫn lắng đọng một giọt lệ buồn nhớ về những năm tháng cơ cực và gian lao nhất. Trong đời sống nông nghiệp, họ luôn cầu mưa thuận, gió hòa, trong giao tiếp ứng xử, họ luôn hòa thuận, hiếu khách nhường nhịn. Đất mường bao đời là đất lành với những miền phù sa bồi đắp. Thiên thời, địa lợi, nhân hòa, với thời vận của một năm mới, trên đà hội nhập, tất cả sẽ còn vang vọng mãi những thanh âm tươi vui của ngày xuân trên mảnh đất này. Làng Mường cứ thế, nô nức trong ngày mở hội
Bùi Việt Phương
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...