Thứ bảy, ngày 19 tháng 10 năm 2024
11:39 (GMT +7)

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về bồi dưỡng đạo đức cách mạng đối với văn nghệ sĩ

Kỳ 2:

Để văn nghệ sĩ thực sự là những chiến sĩ xung kích, quả cảm trên mặt trận tư tưởng, văn hóa

Chân dung Nguyễn Ái Quốc và bìa cuốn sách “Đường cách mệnh”. (Ảnh tư liệu)

Trước hết, một lần nữa phải khẳng định rằng: Văn học nghệ thuật (VHNT) là một bộ phận quan trọng của văn hóa, tác động trực tiếp đến quan điểm, nhận thức, tư tưởng, tình cảm và thẩm mỹ của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Trong đời sống xã hội, văn nghệ sĩ là tầng lớp có vị trí, vai trò quan trọng. Bằng các tác phẩm và hoạt động văn học nghệ thuật của mình, họ có thể phản ánh sinh động thực tiễn cuộc sống, góp phần không nhỏ vào việc tạo nên nếp suy nghĩ, ý thức, thái độ của xã hội trước những sự việc, hiện tượng của cuộc sống.

Tư tưởng, tình cảm, thông điệp mà họ thể hiện qua tác phẩm VHNT của mình có thể tác động và làm thay đổi cảm xúc, nhận thức, tư tưởng của một bộ phận dân cư cũng như có tác dụng định hướng dư luận xã hội. Văn nghệ sĩ cũng là lực lượng nòng cốt quan trọng làm nhiệm vụ tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, lên án các hành vi tiêu cực, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, chống lại âm mưu chiến lược “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa.

Tuy nhiên, với đặc điểm tâm lý nhạy cảm, thường diễn biến sâu sắc trước các hiện tượng của đời sống xã hội, những tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường và những vấn đề hạn chế còn tồn tại trong xã hội hiện nay, văn nghệ sĩ rất dễ bị tác động, lôi kéo bởi những luận điệu xuyên tạc, rỉ tai, “phủ đầu” về một bức tranh xã hội Việt Nam nhuộm màu tiêu cực do các thế lực thù địch bịa đặt nên. Hoặc khi vấn đề lợi ích của một cá nhân, một nhóm văn nghệ sĩ không được đáp ứng sẽ nảy sinh tâm lý bất mãn với cách thức quản lý của Nhà nước.

Khi rơi vào các tình huống đó, văn nghệ sĩ có thể sử dụng ngòi bút, hoạt động nghệ thuật của chính mình để thể hiện quan điểm tiêu cực của cá nhân, rồi dần bị lôi kéo, xúi giục, kích động tham gia các hoạt động chống đối. Từ đó dẫn đến sự chuyển hóa về tư tưởng, nhận thức khiến họ có thể xa rời hoặc quay lưng lại với con đường chung, lợi ích chung của quốc gia, dân tộc. Chính vì vậy, văn nghệ sĩ luôn là mục tiêu mà các thế lực thù địch lợi dụng kích động, lôi kéo vào các hoạt động chống Đảng, Nhà nước, xâm phạm an ninh quốc gia trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa.

Thực tế cho thấy, việc rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng đối với đội ngũ văn nghệ sĩ là một vấn đề thực sự có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Bởi vì, khi văn nghệ sĩ có quan điểm, lập trường tư tưởng vững vàng, thấm nhuần đạo đức và lý tưởng cách mạng cao đẹp, họ sẽ thực sự là những chiến sĩ xung kích, quả cảm trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. Họ sẽ không mất cảnh giác để bị lừa, bị kích động, bị lôi kéo vào hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia thông qua lợi dụng hoạt động VHNT. Họ sẽ “tự đề kháng” và nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng để nhận diện và chủ động đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác luận điệu xuyên tạc, thù địch; sẽ tích cực tham gia đấu tranh, ngăn chặn các âm mưu, thủ đoạn lôi kéo, móc nối, kích động chống phá đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng bằng chính “vũ khí mềm” đặc biệt hiệu quả của mình.

Bác Hồ chuyện trò thân mật cùng nhà thơ Tố Hữu và các nhà văn miền Nam: Phan Tứ, Trần Đình Vân. (Ảnh tư liệu)

Khi mỗi văn nghệ sĩ có lập trường tư tưởng, quan điểm rõ ràng, họ sẽ ý thức rõ về vị trí, vai trò của mình trên con đường sáng tạo và truyền bá những giá trị tinh hoa của văn hóa cũng như xây dựng hệ tư tưởng cộng đồng xã hội. Đồng thời, sẽ khơi nguồn cảm hứng, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm của bản thân, tận hiến để tích cực sáng tạo ra những tác phẩm VHNT có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, phản ánh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống xã hội, công cuộc đổi mới đất nước, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân theo đúng quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đường lối phát triển văn hóa văn nghệ của Đảng.

Bồi dưỡng đạo đức cách mạng để văn nghệ sĩ là chủ thể của văn hoá

Thấm nhuần quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Xây dựng văn hoá phải bắt đầu từ mỗi con người với tư cách là chủ thể của văn hoá”, để nâng cao hiệu quả công tác bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng trong văn nghệ sĩ theo tư tưởng của Bác, thiết nghĩ các cấp, các ngành và Hội VHNT địa phương cần chú trọng đến những giải pháp cơ bản, thiết thực như:

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng, quán triệt đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các Chỉ thị, Nghị quyết, Chương trình hành động về lĩnh vực VHNT đến toàn thể văn nghệ sĩ để định hướng, nâng cao nhận thức, tạo động lực và tư duy sáng tạo ở văn nghệ sỹ. Tích cực tổ chức, đề xuất và phối hợp tổ chức các hội nghị riêng để tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của các cấp ủy Đảng, chính quyền mỗi tỉnh/thành phố; tổ chức được các buổi nói chuyện chuyên đề, nói chuyện thời sự, các hội thảo, tọa đàm để cung cấp thông tin chính thống, chính xác để văn nghệ sĩ có cái nhìn toàn cảnh, bao quát và thấu đáo về các vấn đề mới, nóng mang tính thời sự, chiến lược trong nước và trên thế giới hiện nay.

Bám sát các chủ trương, đường lối, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước và địa phương để chỉ đạo xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch, chương trình hành động toàn khóa và từng năm; Đổi mới phương thức lãnh đạo, mô hình tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động và quy chế làm việc của Đảng đoàn, Thường trực, BTV, BCH Hội VHNT cấp tỉnh/thành phố, của BCH, Ban Chủ nhiệm các Hội/Chi hội chuyên ngành, của BBT Tạp chí VHNT địa phương và Văn phòng Hội; nâng cao trình độ nghiệp vụ và năng lực quản lý của cán bộ, đảng viên, nhân viên Văn phòng Hội. Nêu cao vai trò của các Hội chuyên ngành và đơn vị trực thuộc trong công tác tham mưu, tổ chức các hoạt động VHNT và thực hiện quyền chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai các nhiệm vụ chuyên môn.

Chỉ đạo làm tốt công tác quản lý hội viên, công tác quản lý, định hướng hoạt động sáng tác và biểu diễn của đội ngũ văn nghệ sĩ, phục vụ có hiệu quả công tác tuyên truyền, lan tỏa bản sắc văn hóa riêng của mỗi địa phương, vùng, miền. Tăng cường các kênh nắm bắt dư luận xã hội về hoạt động sáng tác, biểu diễn, quảng bá tác phẩm VHNT của văn nghệ sĩ các chuyên ngành nhằm phòng ngừa, ngăn chặn các thế lực thù địch móc nối, lôi kéo văn nghệ sĩ tham gia các diễn đàn, hội thảo có nội dung nhạy cảm chính trị, tuyên truyền, xuyên tạc chống Đảng, Nhà nước; kịp thời phát hiện những biểu hiện tiêu cực, lệch lạc, thiếu chuẩn mực về hành vi ứng xử, nói, viết, tương tác của hội viên trên các trang mạng xã hội để có giải pháp điều chỉnh, xử lý kịp thời.

Tích cực tham mưu, đề xuất với lãnh đạo các cấp giải quyết có hiệu quả những vướng mắc, tồn đọng về lĩnh vực tổ chức và hoạt động của các Hội VHNT địa phương như: Ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển VHNT; xây dựng và ban hành các đề án về phát triển đội ngũ lãnh đạo quản lý VHNT, công tác sáng tạo, quảng bá, bảo tồn tác phẩm VHNT từng giai đoạn; tăng mức đầu tư và bổ sung các chế độ, chính sách đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ đáp ứng yêu cầu mới và tính đặc thù; làm tốt công tác thi đua khen thưởng để động viên, khuyến khích đội ngũ văn nghệ sĩ yên tâm cống hiến, có động lực phát huy tài năng sáng tạo.

Làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo nguồn nhân sự lãnh đạo Hội VHNT; tăng cường bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ văn nghệ sĩ, hội viên, nâng cao chất lượng tác phẩm, chú trọng công tác nghiên cứu, lý luận, phê bình, dịch thuật VHNT. Tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên tham gia các trại sáng tác, cuộc thi sáng tác, thực tế sáng tác, tổ chức giao lưu, cũng như tham gia hội thảo, chuyên đề... để các văn nghệ sĩ phát huy vai trò sáng tạo, đi sâu vào đời sống nhân dân để tìm tòi, phát triển tài năng, năng lực sáng tác, quảng bá văn học nghệ thuật. Đổi mới hơn nữa công tác tổ chức trại sáng tác, thâm nhập thực tế, giao lưu, hội thảo. Tích cực phát hiện, bồi dưỡng, thu hút tài năng trẻ về VHNT.

Chủ động phối hợp thực hiện nhiệm vụ với các cơ quan chức năng, các đơn vị, doanh nghiệp. Mở rộng địa bàn, tăng cường kết nối song phương và đa phương trong nước và nước ngoài, trong và ngoài lĩnh vực chuyên ngành VHNT nhằm mở rộng tầm hiểu biết, học tập kinh nghiệm, khai thác đề tài sáng tác nghiên cứu, tìm kiếm đầu ra cho tác phẩm để văn nghệ sĩ có thêm nguồn thu nhập chính đáng. Tích cực giới thiệu quảng bá tác phẩm thông qua Tạp chí VHNT, trang thông tin điện tử của các Hội chuyên ngành và các báo, tạp chí khác.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. (Nguồn: baodantoc.vn)

Trong giai đoạn hiện nay, việc bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng đối với văn nghệ sĩ theo tư tưởng Hồ Chí Minh có nhiều thuận lợi, khó khăn và thách thức nhất định. Nhưng với sự nhận thức một cách đầy đủ, đúng đắn, nghiêm túc về vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ văn nghệ sĩ, về công tác phát triển văn hóa văn nghệ cũng như ý nghĩa, tầm quan trọng của vấn đề này, cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện của các cấp lãnh đạo,... chắc chắn văn học nghệ thuật sẽ góp phần xứng đáng vào sự phát triển của mỗi tỉnh, thành phố và quốc gia, dân tộc.

Đặng Thị Thúy

Kỳ 1: Văn nghệ sĩ phải trau dồi tư tưởng và nghệ thuật, đi sâu vào quần chúng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy