Thứ bảy, ngày 19 tháng 10 năm 2024
11:47 (GMT +7)

Giếng nguồn

- Thôi, ông cứ ở nhà đón chúng nó, để tôi tự đi một lúc, tìm cảm xúc ngày xưa.

- Ừ, “Cây đa, bến nước, sân đình” ở cả phía bờ sông ấy, chắc gì còn nhớ đường. Mà khéo lạc vào “nhà ấy” thì… không có đường ra…

Tôi hứng thú với câu đùa của Lăng, hôm nay đến lượt hắn đăng cai cuộc gặp mặt thường niên của nhóm CCB đồng ngũ trong xã. Tôi ở phố huyện nhưng cũng cùng đơn vị, dịp này có mấy việc liên quan, hay gặp nên tiện hắn mời “lên cho vui”. Cái thằng già rồi vẫn nhí nhảnh như chuột ngày, chỉ khéo chọc kháy. Làng Dần bằng cái bàn tay, lạc càng hay, khéo lại gặp được người quen cũng nên. Nhưng hắn nói cũng có ẩn ý, trong làng ngoài ba thằng đồng ngũ thì chỉ còn nhà bác An, bạn lính chống Pháp của cha. Nghe nói hai bác đã mất, con cái riêng tây, cô cả ở lại nhà cũ cùng đứa… cháu nuôi!, sao không phải là con nuôi? một điềm gì sai sai khiến tôi tò mò…

Giếng nguồn
Minh họa: Lê Quang Thái

Tôi phó mặc đôi chân đưa đi trong vô thức, đến đâu cũng được. Cảnh vật đã đổi rời, đâu còn bóng dáng những bụi sim quanh bãi mía nương ngô, những ngôi nhà trình với con trâu bỏm bẻm nhai lại bên đống rơm. Giờ là vành lao kiên cố phân chia các lô vườn hoa trái như bản đồ sống. Kia, cây thị cổ thụ nhà ai lừng lững vô lý mà thân thiện đến đáng yêu. Cả cây khế xù xì lúc lỉu cả hoa lẫn quả, rụng đầy gốc chả ai thèm nhặt, nói chi đến phượng hoàng cổ tích. Chắc cũng nhờ chủ ý của chủ nhà mà nó tồn tại như hai người lính gác cổng, bỏ qua chuyện lợi ích thu nhập, nó chiếm nửa sào vườn. Linh tính mách bảo tôi đã gần khu tâm linh, chỉ có tín đồ tâm phúc mới chủ ý để cây cổ thụ như thế.

Một đoàn các cháu thanh niên đồng phục áo xanh đi ngược chiều, chắc học sinh cuối cấp hay sinh viên nghỉ hè. Trong tay nào cuốc, xẻng, chổi, dao… Chúng đùa nhau chí chóe như gà con: “Chồng ơi, đợi vợ với, không em theo thằng Cường Nhặng bây giờ”. Tôi không nén nổi, tiếng cười khùng khục trong họng. Cô bé bạo miệng đến cây thị thì định rẽ vào nhà, thấy tôi đứng tần ngần, nó nhìn chăm chú rồi reo lên:

- Ơ, chào bác, bác đi đâu đấy?

- Cháu biết bác ư, mà các cháu làm gì về đấy?

- Chi đoàn cháu dọn vệ sinh khu di tích đình làng, mai có hội nghị ở đó. Mà bác không nhớ à, cháu là Lê, cùng lớp bạn Ngà nhà bác. À, bà cháu mê thư của bác lắm, hôm nào cũng lôi ra đọc rồi lại khóa khư khư trong tủ!

- Ôi trời, ra là cháu, bác lú quá, mà bà cháu có khỏe không?

- Bác cứ vào chơi khác biết, bà cháu sẽ mừng… rơi lệ đấy - nó cười rúc rích.

Cái con bé, ranh mãnh như bà cụ non, nói như… “đúng rồi” ấy. Song tôi cũng đang rảnh, lại trùng ý tưởng mục đích nên tặc lưỡi té nước theo mưa. Vả lại trong thư tôi đã hứa sẽ có dịp đến thăm, vậy tội gì không thực hiện, đỡ mang tiếng hão.

***

Rằm tháng Giêng năm kia, tôi và cháu cùng tham dự cuộc thi của “Ngày thơ Việt Nam”. Cháu là thành viên của CLB trường phổ thông trung học. Tiết mục ngâm thơ của Lê khiến tôi ngỡ ngàng, không chỉ vì chất lượng mỹ mãn, cái chính là văn bản. Bài “Đi học”- một bài trong sách giao khoa từ thời chưa cải cách, nó đã chìm vào kho lưu trữ sau khi hoàn thành sứ mạng lịch sử. “Có buổi trong tù tay bị xích/ Nghiến răng quên hết những đau thương/ Chị lâm râm học bên đồng chí/ Lòng hướng tương lai một mái trường”. Vậy mà giờ đây nó được phát ra từ một cô bé tuổi teen. Tôi tò mò hỏi chuyện, cô bảo đấy là bài bà hay đọc, cháu nghe nhiều đâm thuộc, thấy thích nên đăng ký dự thi. Bà đã bảy mươi rồi… Tôi cảm phục nên viết một lá thư nhờ cháu chuyển tới người chị không quen biết…

Ngôi nhà mái bằng nhỏ, song đã ra chiều lạc hậu, bù lại được mái tôn chống nóng đỏ tươi, nó nổi bật trên nền xanh của khu vườn, trông vui mắt.

- Bà ơi, có khách hằng mong đợi của bà này!

- Khách nào mà hằng mong đợi, cái con này lắm chuyện.

- Chào chị, bác cháu tôi có quen nhau hôm ngày thơ, nó kéo vào bằng được, con bé lanh lợi đến phát sợ! Chị vẫn khỏe chứ?

Cả hai bỗng như sững lại, có chút ngỡ ngàng, nhưng không giống nhau. Cái con nhóc Lê này, trông chị thế kia mà bảo bảy mươi á. Chỉ tầm em gái thứ ba của tôi. Gọi bằng “chị” thì nghe ngọng thật. Tuổi đầu sáu mà vẫn mảnh mai thanh tú chứ không phát phì. Sau cái nhìn trân trân có thoáng thất thần, chị lấy lại khẩu khí, mỉm cười, chọn cách xưng hô:

- À vâng, cảm ơn anh đã có thư động viên, em có phúc đáp, anh nhận được chứ!

Tiếng “Em” đã định vị ngôi thứ khiến câu chuyện trở nên trơn chu, tôi “vào gam” ngọt xớt:

- À có, song anh không hiểu tại sao con bé lại…

- Lại “dìm hàng” bà chứ gì, tính nó ẩu vậy, mà em cũng kém anh một tuổi thôi.

- Sao em chắc vậy, mình đã biết nhau đâu…

- Vội gì, anh uống nước đi, rồi từ từ sẽ biết điều cần biết.

Bị tấn công bất ngờ, tôi đâm lúng túng đến tức cười, bất giác nhìn lên tường nhà như tìm cách gỡ thế bí. Trên khung kính có bức ảnh bốn người đàn ông trung niên. Tôi chợt nhận ra người thứ hai là cha tôi hồi trẻ. Các ký ức ùa về, tôi thảng thốt:

- Trời ạ, đây là nhà bác An, em là Doan đấy ư, em vẫn…

- Vẫn đơn lẻ đúng không, đàn ông ác thật, nói cũng trơn tuột như lươn vậy.

- Không, ý anh là em vẫn trẻ lắm, bằng tuổi em phụ nữ lên lão cả rồi, nếu gặp ở chỗ khác chắc anh không dám… mon men!

- Vâng - em dài giọng - không dám hay không thèm, bởi nên mới bỏ của chạy lấy người - Doan cười khúc khích nhưng chẳng hiểu sao lại hai tay bưng mặt, lúc buông ra đã đọng hai giọt lệ ở đuôi mắt, liệu em đang cười hay cả khóc nữa chăng!

***

Sau ngày Tây rút chạy, cha tôi cũng phục viên, hồi hương sinh sống. Ông được tiếng khen là năng thăm viếng bạn bè lính cũ. Ông cười thầm thông cảm, chẳng qua là họ không có xe đạp, lại chúi đầu vào ruộng vườn thì còn đi đâu được. Biết vậy nên những dịp lễ tết Đoan Ngọ, tết Trùng thập (10/10 âm), Quốc khánh 2/9 ông hay đến thăm bạn bè. Cũng phải, một công đôi việc, vừa đi chơi, cũng là đi làm, mà chỉ những dịp ấy họ mới có thời giờ, nhất là có “mồi” để chạm chén lai rai, ngày thường nhà nông bói đâu ra thịt thà cá mú. Trong các chuyến ấy ông nhận được hàng đặt, đó là những bức ảnh nhỏ hoặc cũ, ông vẽ truyền thần thành bức to, đôi khi nhận cả vẽ tranh thủy mặc nếu ai thích. Chiếc xe đạp đuya ra màu trắng của Pháp độc nhất một kiểu trong huyện, đi tới đâu là như sáng lên ở đó. Mỗi đợt như thế, các bạn ông thường buộc cho một bọc bánh dày vào gác ba ga, “về cho tụi nhỏ”. Một lần cha cho tôi đi theo đến nhà bác An. Cái không gian mênh mang của đồi hoang cạnh nhà, đầy những bụi sim làm tôi thích thú. Vừa lúc Doan chăn trâu về, hai đứa quen nhau ngay, nó dắt tôi đi ăn sim tại cây, tôi háo hức ăn cả quả vàng bò, hậu quả là hôm sau khóc nổi nang vì táo bón. Lúc về mẹ Doan cho một bọc bánh dày. Thấy tôi cười tít mắt, cha bảo: “Biết đường rồi, lần sau con tự đi nhé”. Tôi sướng rơn. Năm sau dịp hè ông cho tôi đi một mình, ông bảo bận, thực ra ông muốn tôi bạo dạn dần. Chiếc xe nam hơi cao khiến chân tôi phải với pê đan, vậy mà tôi đạp một mạch. Doan chạy ùa ra đón như đã thân thiết lắm, lại rủ đi ăn sim, hái thêm về làm quà. Chán chê, sực nghĩ ra Doan bảo:

- Anh có thích ra chơi giếng đình không, mát cực.

- Có, quê em cái gì anh cũng thích!

Qua sân đình, tụt một đoạn dốc là tới giếng. Thực ra là một vũng nước đến đầu gối, người làng xếp đá, kè thành cái bờ sơ sài để ngăn mạch nước rỉ từ vách núi ra. Nước trong vắt quanh năm, làng ít giếng, dân đến gánh về dùng. Thấy nước trong, tôi lội ào xuống rửa mặt mũi, kì cọ chân tay. Sự mát lạnh của nước khiến tôi khoái chí, còn té trêu Doan cho ướt áo. Nó đứng trên bờ vẻ ngần ngại, hình như biết điều gì sai sai mà không nỡ can ngăn. Bỗng một bà phăm phăm quẩy đôi ang sành đến, thấy thế bà hét lên “Con cái nhà nào kia, giếng cả làng ăn mà dám rửa chân à, gọi dân quân nhốt vào kho hợp tác cho muỗi nó thiêu”. Tôi chạy thục mạng, chân vướng phải bên quang khiến bà ngã chổng kềnh, hai chiếc nồi đất lăn xuống dốc, va vào đá vỡ toang. Hồn vía tôi thăng thiên, bà chỉ ngã ngồi, chắc không sao, cái đáng sợ là đôi ang sành, chắc phải tới 20 đồng chứ ít đâu. Các cụ nghiêm khắc và dữ đòn lắm, ông nào chả có roi mây giắt mái gianh! Tôi vội vã chạy về, dắt xe ra, lí nhí trong miệng: “Chào bác cháu về”. Bác An giữ ở lại ăn cơm nhưng tôi cự tuyệt như sắp khóc. Bác gái vội đưa cho đùm bánh dày “về cho các em”. Cũng may, nếu không có bọc bánh ấy về nhà kiểu gì cũng bại lộ!.

Doan ở lại hứng tội thay tôi, xin bà Tý giữ kín, em sẽ đi hái sim bán lấy tiền đền. Mặt ngoài bà làm dữ, song trong bụng thầm nghĩ khác. Nửa tháng sau Doan trả tiền thì bà cười hiền lành: “Cháu để mà mua sách vở, bà bắt đền cháu làm gì”.

***

Ra là vậy, dù bà Tý không bắt đền thì tôi cũng mắc nợ Doan. Em đã trải qua nửa tháng trời chống đỡ, xoay sở thời gian đến khổ sở, vừa phải hoàn thành việc nhà, lại phải tranh thủ hái sim … vụng, mang ra tận phố Sến chứ trong làng ai mua, tới 5 cây số cả đi, về. Khổ nhất là phải giấu kín chuyện, hở ra là bung bét ngay. Tôi bỗng ân hận, xấu hổ đến nỗi muốn biến khỏi tầm mắt em tức khắc. Lát sau, cái nhìn ấm áp khoan thai của Doan đã dưa tôi trở lại chính mình. Đâu rồi cô bé lọ lem cổ tích ngày xưa, cái ngày mà ý thức của cả hai đều hồn nhiên, bông xốp như đám mây trắng trên trời, không hề bị vướng mắc bởi sự ràng buộc sắp đặt nào đó. Đến tuổi xế chiều bỗng gặp lại sợi nhớ sợi thương. Sao vẫn đủ để ngân lên trong sâu thẳm của con tim những âm thanh kỳ diệu. Trước mặt tôi giờ là một em Doan mặn mà, điềm đạm và cuốn hút. Tôi dè dặt mon men như mới làm quen, cũng nhận ra tín hiệu đón nhận từ khuôn mặt bồ tát. Hóa ra em cũng đồng tâm trạng, cần nơi để trải lòng. Những tâm sự trong “hũ nút” gắn si kia, nếu không phải là tôi, biết bao giờ em mới có dịp thổ lộ…

Trong một lần đi thăm đồn biên phòng - đơn vị kết nghĩa của huyện nhà, Doan đã nhận một chiến sỹ đã có vợ làm con nuôi. Khi bé Lê ra đời, cai sữa xong, Doan đón về chăm sóc, vừa để ấm cửa nhà, vừa để cho vợ chồng trẻ rảnh rang công tác.

- Sao em không lấy chồng, người như em đàn ông xếp hàng dài!

- Anh hỏi ác thế, người khác thì được, riêng anh thì không, một phần vì anh đấy.

- Vì anh? Em nói rõ hơn xem nào!

- Anh đã không muốn hiểu sao em nói được. Sau lần ấy anh không một lần trở lại, em mong anh mòn cả mắt.

- Ừ, tại năm sau máy bay đánh phá ác liệt, cha mẹ nào dám cho con cái chơi xa, nhà anh cũng đi sơ tán, nhưng vô lý, ngày ấy mình còn trẻ trâu mà.

- Anh nói có lý, con trai thì đúng, còn con gái thì có ngoại lệ - Doan bỗng đỏ mặt - Gái thập tam, nam thập lục mà, nàng Cúc Hoa chả yêu Phạm Tải lúc mới mười ba, còn Hoàng Cầm nếu là con gái chắc hoang thai dưới mười tuổi… hí hí!

Tôi bật cười chịu thua, song vẫn căn vặn:

- Nhưng lúc ấy anh đang là kẻ trốn chạy hèn nhát, em không ghét anh sao?

- Ơ, đúng ra thì thế, nhưng anh giả vờ khiêm tốn hay không nhớ một việc đã làm rất đáng mặt đàn ông sao?

- Là việc gì vậy?

- Ôi trời, đúng, có thể câu chuyện bị đứt quãng ở đây, các cụ ỉm đi rồi quên luôn. Nửa tháng sau đó thì bác Bách thợ xe đạp ngoài ngã ba phố Sến vào chơi, anh nhớ chưa?

- À, à, bác ấy có hứa, nhưng sau đó ra sao anh chịu, đâu có dịp gặp lại…

***

Ra khỏi nhà bác An, tôi đạp thục mạng trong tâm trạng hỗn loạn, khi đâm vào một rễ cây nổi, ngã chỏng quèo, ngẩng lên thấy một chùm săm lốp, vành xe lủng lẳng trên đầu. Bác chủ hiệu xe đạp Bách Hợp đến nâng dậy, hỏi han.

- Có việc gì không cháu, xe hỏng à?

- Dạ không, cháu… cháu - tôi nói như sắp khóc.

Con mắt người làm cha đã phát hiện ra rằng tôi đang gặp rắc rối. Chợt bác ngắm xe tôi rồi hỏi độp:

- Cháu con bố Sung ở dưới phố huyện phải không?

- Sao bác biết? - Tôi há hốc mồm.

- Bác cùng đơn vị bố cháu, chiếc xe này chính bác xuống tận Bắc Giang mua hộ, cả tỉnh chỉ có hai chiếc loại này. Năm nào bọn ta chẳng chúc rượu mừng Quốc khánh rồi ôn lại đời lính, mấy hôm nữa gặp ở nhà ông An.

- Thế ạ?, cháu vừa ở đấy ra.

- Hiểu rồi, thôi có gì kể đi, bác giúp.

Như gặp được bụt giữa đường, sau khi kể mọi chuyện, tôi rụt rè lấn tới.

- Hay bác mua cái gác ba ga này giúp cháu, không có tiền đền chắc em Doan bị ăn đòn đấy.

Ông bật cười sằng sặc vẻ lý thú.

- Thôi, cứ về đi, bác sẽ lo cho, cũng biết nghĩ cho nhau đấy nhỉ.

- Cháu sẽ trả tiền bác thế nào, bác tin cháu sao?

- Bác tin cháu không biết nói dối, mà thiếu cái gác ba ga về cháu sẽ ăn đòn trước cả con Doan đấy.

Hai tuần sau bác vào nhà Doan chơi, ông kể hết với cha mẹ em, cả ba lấy làm thích chí: “Bọn trẻ ghê nhỉ, cũng biết bao bọc nhau rồi đấy”. Bác gọi Doan ra cho tiền đền bù thì vừa lúc bà Tý đi qua ghé chơi, câu chuyện lại lưu thông nốt đoạn Doan phải đi hái sim vụng trộm. Mẹ Doan bỗng kêu lên: “Khổ thân con bé, tôi cứ mắng nó sao dạo này chểnh mảng, chơi bời đâu mà toàn đi sớm về muộn”. Nấp trong buồng, nghe mẹ nói Doan suýt òa khóc. Còn bà Tý giọng bô bô: “Các ông các bà cứ vun vào không chừng nên duyên đấy”.

***

- Sau khi bác Bách ra về, em như trút được gánh nặng, vậy là em không mất anh, dù chỉ là trong tiềm thức. Từ cảm phục em lại thầm mong gặp lại anh. Trời khéo chiều người, lên cấp III mình lại chung một lớp. Em nhớ mãi vụ… xì căng đan, anh đòi làm “con rể vạn nhà” - Doan lại khúc khích cười.

- Ôi giời, sao em toàn nhớ chuyện xấu của anh thế!

…Hôm ấy, tiết văn, cô giáo kiểm tra lấy điểm bằng cách bắt thăm học thuộc lòng. Doan được bài “Đi học”, em đọc suôn sẻ, hình như em rất sính bài ấy. Tôi bốc phải bài “Từ ấy” của Tố Hữu. Qua khổ đầu “…Hồn tôi là một vườn hoa lá/ Rất đậm hương và rộn tiếng chim”, sang khổ hai tôi thuận miệng:

“Tôi đã là con rể vạn nhà

Là em của vạn kiếp…”

Chưa hết câu, cả lớp cười vỡ trận, cô giáo bỏ ra ngoài để nín cười. Lát sau cô chìa bài thơ trong sách tận mặt tôi: “Về đọc lại”. Tôi đã nhầm chữ “của” thành “rể”.

- …Khi anh nhập ngũ, em xuống trọ hẳn nhà anh để học nốt lớp 10. Mẹ anh quý ra mặt. “Sau này làm con dâu cô nhé”. Tuy ngượng đỏ bừng mặt nhưng em thấy vui lắm, chắc thư vào bác cũng kể gì nên trong một lần thư về anh có gửi kèm cho em một lá, ngắn thôi mà em vui thích, nhâm nhi câu kết “Hẹn ngày chiến thắng gặp lại em”. Em đã vơ vào, coi đó là mật mã hứa hẹn của tình yêu. Đó cũng là lý do thuộc phần anh khiến em chả chịu lấy chồng.

Em mở tủ, trong quyển an bum ảnh có một lá thư bằng giấy pô luya đã ố vàng, một lá thư giấy A4 còn mới, em lấy đưa tôi xem. Đúng là chữ tôi thật.

- Em thật là, còn phần nữa vì sao? - Tôi hỏi với giọng đắng ngắt.

- Hết lớp 10, em đi công tác, say sưa với lý tưởng người đoàn viên cộng sản, rồi phấn đấu vào Đảng, rồi đi học các lớp chính trị cao cấp. Đến khi ngoái đầu lại đã ngoại tứ tuần, cao không tới, thấp không thông, dần dà rồi cũng nghỉ hưu, thành ra bây giờ…

Tôi ngồi bất động, sợ rằng mọi thứ đang rung rinh sẽ tan vụn như ánh trăng mặt hồ. Trời xanh khéo đùa, sinh ra hai kẻ chúng tôi sao còn căng rèm che chắn. Tôi nhìn em, cặp má đỏ lựng lên không xóa nổi những vết chân chim nơi khóe mắt. Trong cơn mộng du, không biết tôi đến bên em bằng cách nào. Em cũng vậy, sẵn sàng đón nhận. Bốn con ngươi lần đầu dò dẫm tìm nhau trong lạ lẫm. Chỉ đến khi bé Lê bước vào, “a” một tiếng rồi ù té chạy, cả hai mới nhận ra đang trong vòng tay của nhau.

- Anh thật đáng tội, giờ em định xử ra sao? - Tôi giở giọng bông lơn…cùn.

- Được, xưa dám ăn mặn thì nay chịu khát nước đi. Làm con tin một đêm nhé!

- Tùy cô nương định đoạt, nhưng cái mạng quá đát này còn gì để “khai thác” đây.

- Thôi, để sau, giờ ta đi thăm lại “hiện trường gây án”của anh ngày xưa nhé.

Tôi sánh bước bên em tới sân đình, hơn năm chục năm trời còn gì, đất cũ người xưa đã xa ngái, may mà cảnh vật khác theo chiều dương. Đình xây lại khang trang, tươi màu khởi sắc, cây đa qua thời gian càng vươn những cành lớn dầu dãi, bươn chải nắng mưa. Ngoài kia, thấp thoáng sau những ngọn tre đung đưa là dòng nước sông quê trong xanh, đầy ăm ắp. Kể cũng lạ, cùng một dòng nước, đoạn thượng nguồn nơi đây lại đầy hơn đoạn hạ lưu phố huyện nơi tôi. Nó quanh co uốn lượn bên những hàng tre soi tóc êm đềm.

Lăng đã ngồi ở bậc lưng chừng lối xuống giếng từ lúc nào. Có ai hẹn hắn đâu, chắc đến gọi về ăn cơm. Nhưng sao không điện cho nhanh! Hắn bỗng nhoẻn cười nửa miệng như bắt thóp được điều gì:

- Thế nào, đền bù thỏa đáng chưa, với lãi suất của 50 năm thì đôi nồi đất cũng đến tiền tỷ đấy, lấy gì thế chấp đây? - Ha ha ha! Hắn cười phá.

- Ơ, đồ ma xó, sao ông biết?

- Nhân chứng đây, lúc ấy tôi đang chăn trâu thì nghe tiếng bà Tý om sòm nên chạy đến, may sao mình cũng vượt qua được tính trẻ ranh thường tình mà không mách lẻo, bởi nên giờ trước mặt em - Hắn quay sang Doan - anh vẫn có quyền vênh mặt như cái bánh đa sắp mời em đến nhắm rượu đây này.

- Thế ra giờ em phải cảm ơn anh chắc. Bà Tý không bắt đền mà.

- Em chơi ác quá, chim nhà không thích, cứ ngóng chim trời, khác nào chích vào tim anh! Cái thằng nó ở mãi rời hơi dưới huyện… Khác gì …bên kia vĩ tuyến 17!

Cả ba sặc sụa, khi trận cười lắng xuống tôi phản công:

- À, biết tỏng tổ con chuồn chuồn ớt rồi, ông cũng định “xâm lược”, nhưng lại sợ… cái dây rau muống, là họ hàng đúng chưa?

- Quỷ sứ, sao ông biết - mặt hắn nghệt vuông ra như con xúc xắc.

- Chính miệng ông nói, có nhớ đêm giao thừa 1973 ở rừng Trường Sơn, trong lúc đón thư của bác Tôn, ai cũng thi nhau kể chuyện mình, ông cũng không ngoại lệ.

- Ừ, chịu bố thật, nhưng hôm nay là cái ngày gì mà ai cũng nhớ toàn chuyện… kiếp trước vậy!

- Hóa ra em cũng có duyên ghê mà không có phận, giá anh Lăng cứ nói cho người lớn biết có khi đã khác, mẹ em và mẹ anh cũng chỉ là… chị em họ xa đằng ngoại. Mà thôi, anh có đi thăm giếng cùng chúng em không?

- Thôi, hai người đi đi, nhanh về ăn cơm, mà đừng có dại lội xuống nữa nhé!!!

Giếng giờ đã xây kè bằng xi măng hình bầu dục. Nước vẫn trong như chưa bao giờ đục. Từ trong vách núi hai mạch vẫn rỉ đều đều khiến mặt nước lăn tăn. Bất giác tôi ngoảnh lại ngắm khuôn mặt của em, chợt nhận ra phiên bản tương đồng. Phải chăng em cũng là một “Giếng nguồn” đã lặng lẽ tắm mát hồn tôi “Từ ấy” cho tới tận bây giờ… Vậy mà tôi đã từng vô tình… phụ bạc, từng lội đôi chân bụi bặm làm vấy bẩn nguồn nước trong tinh khiết ấy. Em mắng trách trong cái mắng yêu: “đàn ông các anh ác lắm,… trơn tuột như con lươn!”. Mắng phải lắm, thế là còn nhẹ, giá mà có phép tàng hình tôi sẽ biến đi cho khuất… chính mắt mình, song lại mong được em kéo về… trong tầm mắt của em.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Ứớc mơ tuyết phủ

Văn xuôi 3 ngày trước

Mía

Văn xuôi 6 ngày trước

Hà Nội - trái tim hồng

Văn xuôi 1 tuần trước

Bình dị Hà Nội

Xem tin nổi bật 1 tuần trước

Chùm tản văn của Mai Đình

Văn xuôi 2 tuần trước

Hương mặt trời

Văn xuôi 3 tuần trước