Thứ ba, ngày 17 tháng 09 năm 2024
02:31 (GMT +7)

Ăn ngủ cùng rừng

Nhận lời mời đến tham quan trang trại của vợ chồng anh Đỗ Bằng Giang và chị Trần Thị Lụa ở xóm Cuốn Cờ xã Khôi Kỳ huyện Đại Từ. Tôi, một mình leo lên con “ngựa sắt” giữa trời nắng gắt, phải qua vài lần hỏi đường mới đến được hồ Đoàn Ủy. Mà lạ, hỏi thăm vài người về đường đi đến hồ, thì ai cũng đều hỏi tôi: “Hỏi nhà anh Giang hả”. Và mọi thắc mắc đã được giải đáp khi tôi vào đến nơi.

Một phần khu trang trại trồng rừng và chăn nuôi của gia đình anh Giang
Một phần khu trang trại trồng rừng và chăn nuôi của gia đình anh Giang

Thoạt đầu mới gặp anh, nhìn dáng người cao ráo, nhanh nhẹn lại thêm làn da sáng nên tôi đoán chắc chưa đến tuổi 60, nhưng hóa ra anh tuổi Canh Tý (1960). Sau vài chén trà, anh đưa tôi đi tham quan khu chăn nuôi của gia đình.

Hiện diện trước mắt tôi là khu trang trại nằm giữa một vùng đất trũng, dưới chân núi Tam Đảo. Nói là khu trang trại nhưng tôi hơi thất vọng vì chỉ thấy có ba cái ao thả cá và hai dãy chuồng lợn. Nhìn từng đàn cá bơi lượn tìm mồi làm đen sẫm một khoảng nước rộng, thi thoảng có con “phởn chí” búng mình lên khỏi mặt nước quẫy đuôi, khiến cho những hạt nước tung lên giữa nắng hè, trông như những viên kim cương lấp lánh. Tiếng róc rách của nước từ đường ống bắc từ trên núi chảy vào ao rồi lại chảy ra khiến khung cảnh rất nên thơ, đúng như đứng giữa đại ngàn Tam Đảo vậy.

Bên trên, cách bờ ao không xa là mấy dãy chuồng lợn có vài chục con lợn bột đang đang nằm thở hổn hển bên cạnh cái máng cám đã sạch trơn. Dãy bên kia là chục con lợn nái đang lim dim đôi mắt, phơi cái bụng có những núm vú màu hồng cho đàn con tranh nhau chụt chịt. Có vài con chưa đẻ thì nặng nhọc lê lết cái bụng của mình dưới sàn xi măng. Chị Lụa cho biết thu hoạch về lợn thì mỗi lứa chỉ được khoảng 40 triệu đồng.

Ngắm mấy cái ao cá, rồi tham quan mấy dãy chuồng lợn, chẳng tốn bao nhiêu thời gian. Hình như trên mặt tôi hiện lên nét thất vọng, nên anh Giang nhìn tôi rồi quay đi miệng tủm tỉm cười. Rồi anh đưa tay chỉ lên phía trước như mời tôi tiếp tục khám phá. Ngược lên phía núi trước mặt khoảng hơn trăm mét. Oa! Thì ra đây mới là trang trại thực sự. Lạc giữa một rừng cau bạt ngàn tới hơn 5 nghìn gốc, tai tôi như bị ù đi bởi tiếng vỗ cánh của vô số chú ong đang cần mẫn bay ra, bay vào gần trăm thùng ong đang mùa làm mật. Mọi năm anh chị có hai trăm thùng ong, nhưng vì bận nhiều việc và mải mê với rừng không có thời gian chăm sóc, nên đã phải bán bớt đi mấy chục thùng… Anh Giang cho biết: “Mật ong chỉ khai thác từ tháng 3 đến tháng 7, mỗi thùng thu được từ 5 – 6 lít mật. Tuy nhiên năm nay do thời tiết không thuận, nên số lượng mật cũng giảm nhiều so với mọi năm”.

Những thùng ong đặt dưới gốc cau trong trang trại
Những thùng ong đặt dưới gốc cau trong trang trại

Tiếp theo anh dẫn tôi đến khu chăn nuôi gà. Khu này cũng không nhiều gà lắm, chỉ khoảng 70 con nhưng con nào cũng nặng khoảng trên dưới 3 kg với bộ lông và cái mào đỏ chót... Anh nói: “Gà thì tôi bán cho toàn khách quen với giá ưu đãi 100 nghìn/kg chứ tôi không bán buôn, nhiều người lạ vào hỏi mua nhưng tôi không bán vì mình không nuôi nhiều… Đưa tôi đi qua mấy quả đồi, anh khoát cánh tay một vòng như chỉ cho tôi xem. Nhìn những quả đồi trọc vừa được trồng những cây cao khoảng vài chục cm, tôi ngạc nhiên khi thấy hình thù của những giao thông hào.

Anh Giang giải thích: “Mảnh đất này gắn liền với di tích lịch sử, những gì chị nhìn thấy là giao thông hào hình chữ chi. Đây là khu trụ sở của Ủy ban cải cách ruộng đất Trung ương ở và làm việc tại đây từ năm 1953 đến 1955 nên được gọi là Khu Đoàn Ủy. Những rãnh này là dấu tích đường thông hào tránh bom đạn của địch đấy chị ạ”. Ánh mắt anh sáng bừng lên khi nhìn quanh một vùng đồi trước mặt, rồi anh nói tiếp: “Từ những cây mới trồng chỉ bằng gang tay trên các đồi trọc này, thì vài ba năm nữa thôi sẽ biến thành một đại ngàn rộng lớn. Cây không chỉ là nguồn thu lợi, mà cây còn giữ độ ẩm cho đồi núi, bảo vệ môi trường và giúp đất hạn chế xói mòn, góp phần làm giảm bớt lũ lụt nữa”...

Khi chỉ còn hai người phụ nữ ngồi với nhau, tôi hỏi chị Trần Thị Lụa: Từ khi nào thì anh chị trồng rừng và để có cơ ngơi như ngày hôm nay anh chị đã trải qua những khó khăn gì? Bằng giọng đều đều chị Lụa tâm sự: Anh chị lấy nhau năm 1980. Thời gian đầu mới ra ở riêng, cũng giống như bao cảnh vợ chồng son, thời kỳ mới xóa bỏ bao cấp nên không tránh khỏi thiếu ăn thiếu mặc. Rồi thì con cái ra đời nên nhà càng túng bấn hơn. Hai gia đình nội, ngoại đều nghèo nên có thương con, thương cháu cũng chịu chứ có gì mà hỗ trợ. Hai vợ chồng tự lực cánh sinh, làm nhà ở riêng. Công việc chủ yếu từ làm ruộng, trồng chè đến làm thuê, làm mướn. Mãi đến năm 1990, nhờ có chương trình trồng rừng bằng nguồn vốn tài trợ của chương trình lương thực thế giới (gọi tắt là PAM), anh Giang tham gia lớp tập huấn ngắn ngày về và bắt tay ngay vào thực hiện.

 Anh đã ươm, trồng thành công trên tổng diện tích 150 ha, chủ yếu là cây keo và cây bạch đàn. Dự án chi trả cho anh 80kg gạo/ha ươm giống và trả tiếp 500 kg gạo/ha công trồng và bảo vệ 3 năm trên cùng diện tích đó, tổng số gạo anh nhận được là hơn 80 tấn. Vào thời kỳ đó thì con số ấy quả là khổng lồ. Cũng nhờ thế mà gia đình đã bớt khó khăn hơn. Anh không làm cả, mà chia diện tích đó cho bà con trong xóm cùng làm để họ có gạo ăn, đồng thời mang những kiến thức mình đã học được, phổ biến cho người dân trong xóm. Đông đảo bà con xóm Cuốn Cờ đã tham gia nhiệt tình, trong đó mạnh nhất là Trường cấp 1-2 xã Khôi Kỳ gồm có 400 học sinh cùng các thầy cô giáo vào trồng rừng cho gia đình anh. Đối với công lao động phụ trợ, bên Dự án trả cho mỗi ngày công lao động là 2kg gạo thì anh trả cho họ 4kg. Đến năm 2005, Vườn Quốc gia Tam Đảo quy hoạch trồng rừng đặc dụng, gia đình anh bàn giao một số diện tích rừng PAM để chuyển sang trồng rừng đặc dụng nhằm tái tạo rừng theo hướng ổn định, bền vững, phát huy tác dụng phòng hộ và bảo vệ môi trường. Từ mô hình trồng rừng PAM, đến nay, toàn xã Khôi Kỳ có đến 70-80% số hộ phát triển kinh tế nhờ trồng rừng.

Lấy tầng ong để quay mật
Lấy tầng ong để quay mật

Vốn là người đàn ông trụ cột gia đình, và là người biết nhìn xa trông rộng, ngoài việc trồng 30 ha rừng ra, anh Giang còn ký hợp đồng bảo vệ hơn 60 ha Vườn Quốc gia Tam Đảo. Với anh, việc trồng lại rừng hoặc xúc tiến tái sinh để tái tạo rừng, bảo đảm cho rừng phát triển bền vững, giữ gìn ổn định môi trường sinh thái, cũng là cách bảo vệ lá phổi xanh cho nhân loại. Nhưng vì thời gian thu hoạch lấy gỗ hơi dài (7 năm) nên để lấy ngắn nuôi dài, song song với việc trồng và bảo vệ rừng, hơn 1 năm trở lại đây, biết cây sâm cau có đầu ra nên anh đã mạnh dạn trồng ba nghìn cây. Ngoài ra cau ăn quả trồng khoảng năm nghìn cây. Chị Lụa cho biết thêm: “Từ khi trồng rừng đến nay, nhà tôi chỉ biết có rừng và rừng, anh ấy chuyển vào làm nhà trong rừng rồi ăn ngủ cùng rừng luôn. Hiện anh ấy đã ký hợp đồng bảo vệ hơn 60 ha rừng đặc dụng vườn Quốc gia Tam Đảo. Mỗi năm thu trên dưới hai chục triệu tiền khoán bảo vệ và tái sinh rừng đấy chị”.

Khi tôi hỏi về thu nhập trong một năm được bao nhiêu thì chị nói: “Mấy năm trước thì mỗi năm được trên dưới 400 triệu nhưng bây giờ thì khó tính lắm chị ạ, vì hai năm trở lại đây sức khỏe sa sút nhiều nên em làm bình bình thôi. Rồi thì cứ bán ra, mua vào nên chả nhớ để tính nữa, ước chừng tất cả các nguồn thu thì mỗi năm được tầm gần 300 triệu. Chưa tính đến sâm cau và cau lấy quả vì chưa được thu hoạch”.

Tôi biết là chị khiêm tốn, không muốn nói con số cụ thể vì chị ngại “nói ra họ cười cho lại bảo mình khoe khoang”. Nhưng chỉ cần nhìn qua mấy chục ha rừng cây và 60ha rừng bảo vệ, 80 thùng ong, hai dãy chuồng lợn và ba ao thả cá, chưa kể đến đàn gà đồi, tôi ước con số thực lớn hơn nhiều.

Vợ chồng anh Giang, chị Lụa kiểm tra thùng nuôi ong
Vợ chồng anh Giang, chị Lụa kiểm tra thùng nuôi ong

Thấy tôi lẩm bẩm tính toán thì chị cười đôn hậu nói: “Thế này có đáng là bao đâu chị”. Vâng, quả là không đáng là bao so với dãy núi Tam Đảo hùng vĩ trước mặt nhưng nhìn cơ ngơi của anh chị, tôi thật sự ngạc nhiên với sức người có thể khai phá được nhiều ha rừng đến vậy.

Khôi Kỳ là một xã ATK của tỉnh Thái Nguyên và nằm trong Chương trình 135 (Chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi) của Chính phủ. Bởi vậy, đây là vùng khó khăn, đời sống của nhân dân dù đã được cải thiện nhưng chưa theo kịp với khu vực đồng bằng, đô thị. Nghị lực vượt khó, dám nghĩ, dám làm của vợ chồng anh Giang, dù thành công mới chỉ là bước đầu, nhưng đã chia sẻ, giúp đỡ người dân cùng phát triển kinh tế, được bà con ghi nhận. Nhiều người được anh giúp đỡ đã có kinh tế khá và phát triển và bền vững hơn.

Vườn chè trong trang trại. Phía xa theo hướng anh Giang chỉ là hồ Đoàn Ủy. Ảnh: V.T
Vườn chè trong trang trại của gia đình. Phía xa theo hướng anh Giang chỉ là hồ Đoàn Ủy. Ảnh: V.T

Giờ thì tôi đã hiểu là tại sao khi hỏi thăm đường đến hồ Đoàn Ủy thì ai cũng đoán chắc tôi vào nhà anh Giang. Những người như anh Giang, chị Lụa sẽ giúp cho Khôi Kỳ nói riêng và những địa phương ven sườn Tam Đảo nói chung xóa đói, giảm nghèo, vững bước đi lên trên con đường xây dựng Nông thôn mới. Và tôi bỗng nhớ tới một câu thơ của cố nhà thơ Hoàng Trung Thông: “Bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm”.

Ký. Tiết Thị Minh Hà

2 đã tặng

1

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục