Thứ sáu, ngày 18 tháng 10 năm 2024
13:18 (GMT +7)

70 năm Tiếp quản Thủ đô – khúc ca hào sảng

Đã tròn 70 năm kể từ khi những người lính Pháp cuối cùng rút qua bên kia cây cầu Long Biên lịch sử, chấm dứt ngót trăm năm đô hộ của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn cõi Đông Dương. Góp phần trực tiếp vào thắng lợi đó, có rất nhiều lực lượng. Trong đoàn quân tiến về Tiếp quản Thủ đô (ngày 10/10/1954), có những người con của Thái Nguyên vừa bước ra từ khói lửa của cuộc chiến.

Hà Nội ngày Tiếp quản Thủ đô 10/10/1954. Ảnh tư liệu lịch sử
Hà Nội ngày Tiếp quản Thủ đô 10/10/1954. Ảnh tư liệu lịch sử

Clip: Chia sẻ của nhà thơ Trần Cầu, người tham gia Tiếp quản Thủ đô năm 1954

Khi đoàn quân tiến về

Theo các tài liệu lịch sử, Hội nghị Giơ-ne-vơ kết thúc (21/7/1954) với việc ký kết Các hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia và thông qua Bản tuyên bố cuối cùng về lập lại hòa bình ở Đông Dương. Theo đó, hòa bình sẽ được lập lại ở Đông Dương; nước Pháp thừa nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia; sau một thời gian nhất định, Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia sẽ thống nhất bằng tổng tuyển cử tự do trong toàn quốc; các nước ngoài không được đặt căn cứ quân sự ở Đông Dương; quân đội Pháp sẽ rút khỏi Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia.

Theo Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, nước ta tạm thời chia làm hai miền Nam - Bắc, phân chia bởi vĩ tuyến 17 để hai bên tập kết lực lượng quân sự. Lực lượng vũ trang ta từ miền Nam ra miền Bắc; quân đội Liên hiệp Pháp từ miền Bắc rút vào tạm đóng ở miền Nam rồi sẽ rút về Pháp, được thực hiện ở từng khu vực, trong những khoảng thời gian theo thỏa thuận. Ở miền Bắc, một số khu vực trở thành vùng tập kết, chuyển quân của quân đội Liên hiệp Pháp, trong đó có Hà Nội, với thời gian là 80 ngày. Như vậy, sau ngày các văn bản Hội nghị Giơ-ne-vơ được ký kết, thỏa thuận, Hà Nội chưa có hòa bình. Quân và dân Thủ đô phải tiếp tục cuộc đấu tranh trong bối cảnh mới để tiến tới Tiếp quản Thủ đô Hà Nội.

Là nơi địch tạm chiếm lâu ngày, nên việc Tiếp quản Thủ đô Hà Nội là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp. Khó khăn nổi lên là cơ sở cách mạng ở một số nơi còn mỏng và yếu; chính quyền cơ sở chưa được thiết lập; đoàn thể quần chúng phát triển không đều; lực lượng vũ trang, tự vệ vừa mỏng, vừa yếu. Một khó khăn nữa là bọn hiếu chiến Pháp vẫn ngấm ngầm chống phá cách mạng Việt Nam. Chúng tìm cách di chuyển kho tàng, máy móc, vật liệu, trang thiết bị, thuốc men, tài liệu quý ra khỏi thành phố. Với ngành điện, nước, chúng hạn chế cung cấp than, hòng làm sinh hoạt của nhân dân trong thành phố gặp khó khăn, sản xuất đình đốn, tê liệt. Cùng với đó, địch không ngừng tăng cường tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ đối với công chức, trí thức, học sinh, sinh viên, tư sản, tiểu thương... Nguy hại hơn, chúng huy động lực lượng quân đội, cảnh binh uy hiếp, đàn áp các cuộc đấu tranh của công nhân.

Những hình ảnh về ngày Giải phóng Thủ đô đã đi vào lịch sử. Ảnh tư liệu
Những hình ảnh về ngày Giải phóng Thủ đô đã đi vào lịch sử. Ảnh tư liệu

Tiếp quản Thủ đô không chỉ là mối quan tâm của Đảng bộ, quân và dân Hà Nội, mà hơn hết là của Trung ương Đảng, Chính phủ cùng nhân dân cả nước. Theo Đại tá, TS. Trần Văn Thức (Viện Lịch sử quân sự Việt Nam), Trung ương Đảng đã trực tiếp lãnh đạo công tác này. Ngày 6/9/1954, Trung ương Đảng ra Nghị quyết thành lập Đảng ủy Tiếp quản Thủ đô, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Đồng chí Trần Quốc Hoàn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, làm Bí thư Thành ủy Hà Nội và trực tiếp làm Bí thư Đảng ủy Tiếp quản Thủ đô. Tiếp đó, ngày 17/9/1954, Chính phủ ra quyết định thành lập Ủy ban Quân chính Hà Nội, do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ làm Chủ tịch, đồng chí Trần Duy Hưng làm Phó Chủ tịch.

Trong nhiều mặt công tác chuẩn bị cho việc Tiếp quản Thủ đô, Đảng ủy Tiếp quản Thủ đô chú trọng vấn đề bảo đảm những nhu cầu thiết yếu về đời sống vật chất, sinh hoạt của người dân thành phố, đồng thời, lãnh đạo quần chúng, nhất là công nhân, đấu tranh chống âm mưu phá hoại của địch. Ta đẩy mạnh công tác địch vận, tiếp tục tiến công địch bằng đòn chính trị, tư tưởng, đặc biệt là đã mở “chiến dịch địch vận”, tổ chức hướng dẫn binh lính địch chuyển vũ khí, đạn dược, phương tiện chiến tranh cho ta; tổ chức đưa đón, tạo điều kiện thuận lợi để binh lính trốn khỏi vị trí về quê, hoặc ra vùng tự do. Tính chung lại trong 80 ngày (từ ngày 21/7 đến ngày 10/10/1954), có hơn 1 vạn binh lính địch chạy trốn khỏi hàng ngũ về với nhân dân.

 18 giờ ngày 8/10/1954, tại Cột cờ Hà Nội, quân Pháp làm lễ hạ cờ, đánh dấu kết thúc sự hiện diện của Pháp ở Hà Nội. Đúng 16 giờ ngày 9/10/1954, tốp lính cuối cùng ở bốt gác cầu Long Biên đã rút hết sang Gia Lâm. Một đơn vị của Trung đoàn Thủ đô tiến lên đầu cầu Long Biên giữa tiếng reo hò, hoan hô của nhân dân các phố Hàng Đậu, Trần Nhật Duật. Như vậy, trong ngày 9/10/1954, lực lượng vũ trang ta đã tiếp quản các vị trí quan trọng trong thành phố. Ngày 10/10/1954 là ngày chính thức Tiếp quản Thủ đô Hà Nội.

Nhà thơ Trần Cầu trong đoàn quân tiếp quản

Có thể nhẩm ra, những người tham gia đoàn quân năm ấy, nay nếu còn sống, thấp nhất cũng phải 87 tuổi. Mà cổ nhân từng dạy: “Nhân sinh thất thập cổ lai hy”, giờ tìm người trên dưới 90 tuổi, lại còn minh mẫn để kể lại những kỷ niệm xưa, là điều không dễ.

Thật may mắn, ngay trong số hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên, có nhà thơ Trần Cầu là một trong những chiến sĩ của đoàn quân năm ấy.

Ông Trần Cầu (hàng trước, thứ 2 từ trái sang) cùng các đồng đội trong ngày Tiếp quản Thủ đô tháng 10 năm 1954
Ông Trần Cầu (hàng trước, thứ 2 từ trái sang) cùng các đồng đội trong ngày Tiếp quản Thủ đô tháng 10 năm 1954

Còn nhớ, tại buổi Tọa đàm “Thơ Trần Cầu – những miền lửa riêng” do Hội Văn học nghệ thuật tổ chức ngày 24/10/2023, chúng tôi đã được nghe chia sẻ rất nhiều về cuộc đời và sự nghiệp của ông. Nhà thơ Trần Cầu sinh năm 1934, quê gốc ở xã Nhân La, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, hiện sinh sống tại tổ 10, phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên. Năm 1952 vào bộ đội, ông đóng quân ở Tuyên Quang, sau còn được sang Thái Nguyên tập đánh công đồn ở Đồng Thịnh, thuộc quân số Đại đoàn 316 và tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chúng tôi tới nhà ông vào một sớm đầu thu. Kể về kỷ niệm tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, ông cho biết: Khi ấy, quần áo quân tư trang thì được cấp phát, nhưng chưa có mũ cứng như bây giờ. Mũ được các chiến sĩ đan bằng nan tre hoặc nan cây giang theo một mẫu chung. Mọi người tự đan hoặc nhờ người đan giúp, sau đó, được phát một tấm vải hình elip để trùm vào ngụy trang trên mũ. Chiếc mũ của ông do một người bạn cùng đơn vị, quê ở Định Hóa đan cho. Còn quần cũng có cúc ở phía dưới ống, gần gấu quần như bây giờ, nhưng khi ấy chúng tôi bắt buộc phải đóng cúc gấu quần lại. Mục đích để ống quần bó sát chân, khi hành quân, chiến đấu ở vùng rừng núi sẽ không bị vắt chui vào.

Một kỷ niệm mà ông nhớ mãi, là trước khi tham gia đoàn quân về Tiếp quản Thủ đô, các lực lượng (dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong , bộ đội chủ lực…) được tập trung nghe Bác Hồ nói chuyện vào một buổi tối, dưới ánh sáng bập bùng của những ngọn đuốc. Ông nhớ mãi câu nói của Bác: các chú đã chiến đấu gian khổ, đã chiến thắng kẻ thù. Nay về Hà Nội, thì phở ngon, bút máy, đồng hồ, gái đẹp… nếu không cẩn thận các chú sẽ chết vì những viên đạn bọc đường ấy đấy!

Nhấp chén trà Thái, như đang hồi tưởng về những ngày xa xưa mà cũng chỉ như vừa mới đây, ông kể: Đơn vị chúng tôi về Tiếp quản Thủ đô bằng cách hành quân bộ. Xuất phát từ Đại Từ, chúng tôi đi chéo qua Lập Thạch, Vĩnh Phúc, về đóng quân ở thị xã Sơn Tây. Phải hành quân mất hơn một tuần lễ, tới cuối tháng 9/1954 thì đến Sơn Tây. Đơn vị tạm dừng ở đó, chờ các đơn vị khác được phân công vào trước để tiếp quản, nhận bàn giao các công sở, nhà máy, xí nghiệp từ người Pháp. Đúng ngày mùng 10/10, đơn vị ông được lệnh đi cùng các đoàn quân tiến vào 5 cửa ô. Chỗ ông đóng quân là ở Đông Dương học xá (nay là Đại học Bách khoa Hà Nội). Đây vốn là nơi ở của tất cả sinh viên trên toàn cõi Đông Dương lúc bấy giờ khi học ở Hà Nội.

Công việc trong những ngày đầu sau tiếp quản là đi kiểm tra an toàn ở Nhà hát lớn. Chúng tôi phải lật từng chiếc ghế lên kiểm tra xem có bị gài chất nổ hay không. Những ngày sau đi dọn vệ sinh ở nhiều nơi như nhà ga, công viên, hồ nước… Chúng tôi còn đi canh gác giếng nước ăn ở làng Hoàng Mai (ngày đó chưa có nước máy công cộng). Phải canh suốt ngày đêm, phòng kẻ địch bỏ thuốc độc xuống giếng.

Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên, đó là nhà thơ Trần Cầu đã từng làm… Công an! Ông kể: tháng 11 năm 1954, tôi được về nhà nghỉ phép, khi trở lại đơn vị, thì được điều chuyển sang đơn vị C500 (Học viện An ninh ngày nay) của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), để học nghiệp vụ. Đến tháng 9/1955, tôi ra trường, về làm việc tại Ty Công an Hà Nội. Tháng 10/1955, sau mốc 300 ngày (quân Pháp được quyền ở lại Hải Phòng thêm 300 ngày nữa để tập kết lực lượng trước khi rút qua vĩ tuyến 17, theo tinh thần của hiệp định Giơ-ne-vơ), tôi được cử về Hải Phòng công tác tại Ty Công an Hải Phòng.

Nhà thơ Trần Cầu chụp ảnh lưu niệm cùng các con cháu dịp Tết Giáp Thìn 2024
Nhà thơ Trần Cầu chụp ảnh lưu niệm cùng các con cháu dịp Tết Giáp Thìn 2024

Kể thêm về kỷ niệm Tiếp quản Thủ đô, ông cho biết: Ngày 1/1/1955, tại Hà Nội có một sự kiện rất lớn. 25 vạn đồng bào mặc áo quần ngày hội, mang cờ hoa, biểu ngữ kéo về Quảng trường Ba Đình từ sáng sớm dự Lễ đón Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng, Chính phủ trở về Thủ đô. Cùng với rất nhiều bộ phận khác, đơn vị ông (C500) cũng tham gia phục vụ trong buổi lễ này. Ông được phân công làm nhiệm vụ bảo vệ, mặc thường phục, bí mật quan sát các mục tiêu được phân công.

Khi đang là công an Hải Phòng, ông được cử đi học khóa 1 Đại học Bách khoa, với chuyên ngành Luyện kim, làm Lớp trưởng Lớp kỹ sư luyện kim, được kết nạp vào Đảng năm 1960 khi đang là sinh viên năm cuối. Ra trường, ông về Khu Gang thép Thái Nguyên làm trợ lý cho đồng chí Đinh Đức Thiện khi đó làm Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng Công trường xây dựng Khu Gang thép. Ông gắn bó với Gang thép từ đấy, cho đến ngày 1/1/1997 thì về hưu.

Những người đã từng đứng ở… lễ đài!

Cũng nói về Lễ đón Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng, Chính phủ trở về Thủ đô tại Quảng trường Ba Đình ngày 1/1/1955, nhưng hai cựu thanh niên xung phong (TNXP): Nguyễn Phương Thu và Nguyễn Ngọc Bảo (cùng ở phường Cam Giá, TP Thái Nguyên) lại có những kỷ niệm thú vị khác.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ trong buổi lễ mít tinh chào mừng của nhân dân Thủ đô tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, ngày 1/1/1955. Ảnh tư liệu lịch sử
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ trong buổi lễ mít tinh chào mừng của nhân dân Thủ đô tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, ngày 1/1/1955. Ảnh tư liệu lịch sử

Ông Nguyễn Phương Thu sinh năm 1933, hiện trú tại tổ 5, phường Cam Giá. Quê ông ở xã Trung Nghĩa, huyện Hiệp Hòa tỉnh Bắc Giang. Ông theo gia đình lên Cam Giá năm 1946, tham gia TNXP từ năm 1951, thuộc Liên phân đội 311, TNXP Liên khu Việt Bắc. Năm 1953 ông chuyển sang Đoàn TNXP công tác Trung ương làm cán bộ khung, chức vụ Trung đội trưởng Trung đội 1, Đại đội 265, Đội 36. Khi ấy, đồng chí Tạ Quang Chiến làm Đội trưởng, ông Vũ Kỳ làm Đoàn trưởng Tổng Đoàn Thanh niên xung phong Trung ương.

Nói về chặng đường hành quân về Tiếp quản Thủ đô, ông cho biết: Đoàn các cán bộ chiến sĩ TNXP đi bộ từ Đại Từ đến chân Đèo Khế, rẽ trái qua Đèo Kháng Nhật, sang Sơn Tây về cầu Phùng thuộc Hà Đông, theo đường Mai Dịch về Nhà máy sản xuất khuy áo cũng thuộc Hà Đông. Sau đó đóng quân ở Đông Dương học xá (nay là Đại học Bách khoa). Chỗ ấy có 3 ngôi nhà ba tầng trước đó quân Pháp ở, khi các ông về, lính Pháp vừa đi khỏi, bỏ lại rất nhiều đồ dùng còn mới như chăn, đệm, xe đạp... Anh em chiến sĩ còn thay nhau mang xe đạp ra để tập đi.

Sau ngày Tiếp quản Thủ đô, đơn vị ông được giao nhiệm vụ làm kỳ đài ở ngay vị trí lăng Bác bây giờ phục vụ Lễ đón Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng, Chính phủ trở về Thủ đô. Chỉ vào bức ảnh tư liệu lịch sử chụp Bác Hồ cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tướng lĩnh quân đội đứng trên kỳ đài, ông kể: Tôi được chọn làm tiêu binh, đứng hàng ngang trước cửa kỳ đài. Cùng đơn vị tôi và cùng quê Cam Giá, hôm ấy có ông Nguyễn Xuân Quý cũng đứng trong hàng tiêu binh đó (nay ông Quý đã mất). Cứ mỗi 2 mét lại có một người đứng, thành một hàng các chiến sĩ thanh niên xung phong, cổ quàng khăn đỏ rất đẹp. Tiếc rằng trong bức ảnh này, họ chỉ chụp nửa trên của kỳ đài nên không thấy được chúng tôi. Mọi người kể lại, khi đoàn diễu hành qua Quảng trường, thấy Bác thì dừng lại rất lâu, Bác vẫy tay chào và ra hiệu cho mọi người đi tiếp để đỡ ùn tắc.

Ông Nguyễn Phương Thu (phải) gặp lại Đội trưởng Đội TNXP 36 Tạ Quang Chiến. Ảnh chụp năm 2015 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Phương Thu (phải) gặp lại Đội trưởng Đội TNXP 36 Tạ Quang Chiến. Ảnh chụp năm 2015 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Trước khi buổi lễ bắt đầu, ông Văn Tiến Dũng (Tổng Tham mưu trưởng) đi xe ô tô con vào đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Bộ trưởng Bộ Quốc phòng). Sau đó, tướng Giáp đi ra bằng một xe khác, đó là một chiếc com - măng - ca đít tròn. Hai xe cùng ra để duyệt binh. Buổi duyệt binh rất hoành tráng, trong khí thế chúng ta vừa chiến thắng và giành lại hoà bình, nên ai nấy đều xúc động.

Đến ngày 15/3/1955, ông Thu được ông Vũ Kỳ ký giấy hoàn thành nhiệm vụ TNXP, chuyển công tác sang Tổng cục Bưu điện đóng tại Hà Nội. Đơn vị ông có nhiệm vụ đi xây dựng đường dây hữu tuyến ở khắp nơi trên miền Bắc như Hải Phòng, Lạng Sơn, Cao Bằng, Vĩnh Linh, Thuận Châu, Sơn La... Năm 1959 ông được điều chuyển về công tác tại Bưu điện tỉnh Thái Nguyên, phụ trách tổ trưởng tổ sửa chữa đường dây. Ngày 8/10/1960 ông được kết nạp vào Đảng. Năm 1983 ông về nghỉ chế độ tại địa phương.

Ông Nguyễn Phương Thu và bà Trần Thị Hoàn (vợ ông) kể lại những kỷ niệm xưa
Ông Nguyễn Phương Thu và bà Trần Thị Hoàn (vợ ông) kể lại những kỷ niệm xưa

Cùng là cựu TNXP ở phường Cam Giá, nhưng khác với ông Thu, ông Nguyễn Ngọc Bảo lại có những kỷ niệm khác. Ông Bảo sinh năm 1934, cùng đơn vị với ông Thu và ông Quý ở Cam Giá (Đội 36 công tác Trung ương), nhưng ông Bảo và ông Quý gia nhập TNXP năm 1952, sau ông Thu. (Cũng xin được bật mí: ông Nguyễn Xuân Quý sau này làm Trạm trưởng Trạm Y tế đầu tiên của xã Cam Giá, nghỉ hưu năm 1987, mất năm 2011 và là bố đẻ của nhà thơ Minh Trọng, đồng tác giả bài viết).

Là một trong những đơn vị về Tiếp quản Thủ đô, đơn vị ông có nhiệm vụ chuẩn bị nơi ở cho cơ quan Chính phủ và Bác Hồ. Sau đó, được tham gia dựng lễ đài phục vụ Lễ đón Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng, Chính phủ trở về Thủ đô ngày 1/1/1955. Ông cười vang khi kể với chúng tôi: “Hôm diễn tập chuẩn bị cho buổi lễ, tôi còn được cử đóng vai đại biểu Chính phủ lên lễ đài ngồi. Tôi được phân công ngồi hàng đầu, chắc cũng vào cỡ Thủ tướng đấy!”

Ông cho biết: ngày đó người dân Hà Nội rất quý bộ độ, thanh niên xung phong về tiếp quản. Chúng tôi thường đến giao lưu với thanh niên, dạy múa hát, tập văn nghệ, múa sạp, hát các bài ca cách mạng, làm công tác phong trào.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo với phần thưởng được Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao tặng dịp đầu xuân 2024
Ông Nguyễn Ngọc Bảo với phần thưởng được Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao tặng dịp đầu xuân 2024

Cuối năm 1955, ông Bảo trở về quê hương Cam Giá, sau làm cán bộ y tế Công ty Gang thép Thái Nguyên rồi nghỉ hưu. Về địa phương, ông được giao trọng trách Bí thư chi bộ ngay, sau đó làm công tác Mặt trận và Thanh tra, tham gia Đảng ủy phường hai khóa. Năm 1995, ông là thành viên trong Ban Vận động thành lập Hội Cựu TNXP tỉnh Bắc Thái. Tại Đại hội thành lập Hội Cựu TNXP tỉnh Thái Nguyên, ông là một trong 5 Ủy viên Ban Thường vụ Hội Cựu TNXP đầu tiên (nhiệm kì 2005 – 2010), rồi tham gia Hội Chữ thập đỏ y tế Gang thép, với hơn 100 hội viên, vận động tình nguyện, đóng góp cùng với Hội Chữ thập đỏ tỉnh làm việc thiện, chữa bệnh miễn phí, chăm sóc thương, bệnh binh…

Clip: Chia sẻ của ông Nguyễn Ngọc Bảo

Ông vẫn luôn đau đáu với việc làm sao có thể phát triển kinh tế xã hội vùng đất Cam Giá giàu truyền thống cách mạng này, thậm chí đã nhiều lần ông lên gặp lãnh đạo các cấp, kể cả Bí thư Tỉnh ủy để đề đạt những nguyện vọng chính đáng của người dân, mong sao cho miền quê giàu truyền thống cách mạng này phát triển phồn thịnh. Ông nói: “Cam Giá là nơi đứng chân của nhiều cơ quan đơn vị thời xây dựng Khu Gang thép và cả sau này, chính là nơi đặt Nhà máy Gang thép, lẽ ra phải phồn thịnh từ lâu rồi. Vậy nhưng, nếu so với các phường xung quanh, có thể thấy Cam Giá phát triển rất chậm”.

Ông Bảo (trái) luôn mong muốn miền quê Cam Giá giàu truyền thống cách mạng này phải phát triển phồn thịnh
Ông Bảo (trái) luôn mong muốn miền quê Cam Giá giàu truyền thống cách mạng này phải phát triển phồn thịnh

70 năm đã qua, nhớ về mùa thu cách mạng 1954, về không khí hào hùng của Thủ đô Hà Nội sau ngày quân Pháp thua trận rút quân về nước, ta vẫn thấy vang vọng đâu đây lời bài hát “Tiến về Hà Nội” của nhạc sĩ Văn Cao: “Trùng trùng quân đi như sóng. Lớp lớp đoàn quân tiến về. Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng. Cờ ngày nào tung bay trên phố. Trùng trùng say trong câu hát, lấp lánh lưỡi lê sáng ngời. Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về. Cả cuộc đời tươi vui về đây”

Trần Thép – Minh Trọng

2 đã tặng

1

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy