Thứ ba, ngày 17 tháng 09 năm 2024
02:20 (GMT +7)
Trại sáng tác văn học trẻ năm 2024:

Những niềm vui lấp lánh

(Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh – Trưởng Ban Tổ chức Trại trả lời phỏng vấn của Tạp chí VNTN)

Trại sáng tác văn học trẻ năm 2024: Những niềm vui lấp lánh
Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh

Xin chào nhà thơ! Dư âm của Trại sáng tác văn học trẻ chắc vẫn còn đến hôm nay, chị hài lòng chứ ạ?

Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh: Sự hài lòng có lẽ là tâm trạng chung của tất cả những người tham dự, từ Ban Tổ chức các học viên, trại viên, đội ngũ giảng viên, những người quan sát và cả đơn vị hỗ trợ cho Hội.

Trại sáng tác năm nay thành công hơn cả mong đợi của chúng tôi. Thứ nhất là số lượng trại viên tham gia rất đông, đông nhất từ trước đến nay; thứ hai là chất lượng bài các em gửi về rất tốt và số lượng thì nhiều. Khi đọc thẩm định tác phẩm để xét đầu vào, chúng tôi đã bất ngờ đấy! (cười)

Chị đánh giá thế nào về thành công này?

Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh: Tôi cho rằng, thành công này trước hết là kết quả của công tác tuyên truyền, nhất là truyền thông trên mạng xã hội. Vì làm tốt, nên các thông tin về Trại đã đến được với đông đảo mọi người, đặc biệt là các em học sinh, sinh viên.

Tiếp đó là kết quả của sự hợp tác và hỗ trợ từ phía ngành giáo dục và đào tạo. Ban Tổ chức rất cảm ơn các thầy cô dạy văn ở các trường đã chia sẻ thông tin với phụ huynh và học sinh để các em biết được mà đăng ký tham gia. Có nhiều thầy cô không chỉ chia sẻ mà còn chủ động kết nối cho học sinh. Có những thầy cô còn chữa bài, chọn bài cho các em gửi Ban Tổ chức. Đặc biệt là các thầy cô Trường THCS Hoàng Ngân (Định Hóa), đã rất quan tâm và chăm lo cho các em học sinh, tạo điều kiện tốt nhất cho các em tham gia. Không chỉ riêng năm nay đâu, mà đã 5 năm rồi. Đầu tiên là thầy giáo Nguyễn Doãn Long tập hợp và động viên một nhóm học sinh tham gia Trại, năm thì tham gia trực tiếp, năm thì trực tuyến. Đến bây giờ thì cả cô Hiệu trưởng cũng ngồi nghe tất cả các buổi lên lớp của giảng viên. Nhà trường còn tạo điều kiện, mở một điểm cầu tại đây cho học sinh của trường và học sinh các trường khác trên địa bàn Định Hóa đến dự trại online. Tất cả những điều đó khiến chúng tôi rất cảm kích!

Một kênh nữa là phụ huynh. Rất nhiều phụ huynh nhiệt tình trong việc hỗ trợ cho con em, kết nối với Ban Tổ chức này, rồi đưa đón con em tham gia để đồng hành với các con này. Tất cả những điều trên đã góp vào sự thành công của chúng tôi. Nó cũng cho thấy rằng, văn chương vẫn còn được xã hội quan tâm lắm. (cười)

Tôi thấy các trại viên năm nay vô cùng hứng thú với chương trình đi thực tế. Có vẻ như Ban Tổ chức đã rất “trúng” khi lên kế hoạch này?

Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh: Ô, vâng! Đây chính là điểm khác biệt của Trại năm nay đấy. Chúng tôi đã chọn hai điểm đến là Công ty CP Gang thép Thái Nguyên và vùng chè La Bằng (Đại Từ) với mong muốn là để các em hiểu hơn những giá trị đặc sắc của Thái Nguyên, giá trị riêng có của Thái Nguyên, cái giá trị làm nên hình ảnh Thái Nguyên trong cả nước. Hơn nữa, không chỉ để các em biết đến, mà còn phải biết sâu về quy trình sản xuất gang thép, quy trình trồng và chế biến chè, để từ đó các em hiểu được giá trị của lao động, hiểu được truyền thống của mảnh đất Thái Nguyên.

Ngành công nghiệp Gang thép Thái Nguyên, sự kết tinh của những giá trị đó, lịch sử truyền thống làm nên sự hào hùng ấy, chính là tình yêu của người Gang thép với Thái Nguyên. Đó là sự cống hiến cho việc xây dựng chiếc nôi của ngành công nghiệp luyện kim nước nhà. Đó còn là sự hy sinh của người Gang thép cho nền độc lập, tự do của dân tộc trên mặt trận bảo vệ Tổ quốc.

Trại sáng tác văn học trẻ năm 2024: Những niềm vui lấp lánh
Các trại viên trong buổi Tổng kết Trại (15/8/2024)

Rồi ở vùng trà cũng vậy, các em được tham gia trải nghiệm hái chè, sao chè, chế biến, đóng gói để từ đó các em hiểu được sự nhọc nhằn vất vả khi làm ra sản phẩm trà của những người nông dân Thái Nguyên. Từ đó biết trân trọng hơn giá trị của sản phẩm quý giá đó, đồng thời cũng hiểu thêm được tiếng thơm “đệ nhất danh trà” từ đâu mà có.

Thế còn những người thổi bùng lên ngọn lửa nhiệt huyết, đam mê của các trại viên, nhà thơ có điều gì muốn chia sẻ không?

Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh: Ý chị muốn nói đến các giảng viên phải không? Điều đầu tiên tôi muốn nói, là cảm ơn sự tận tâm của các giảng viên trong việc truyền đạt tri thức và hỗ trợ thẩm định, đánh giá, giúp đỡ các em trên từng bản thảo.

Các nhà văn đã làm việc với tinh thần cao nhất, trách nhiệm nhất. Những thông tin được truyền thụ tới các em vừa cụ thể, lại vừa có tính chất như chìa khóa để các em mở vào con đường sáng tác trên từng thể loại. Nó vừa có kiến thức rộng lại vừa có kỹ năng, ví dụ như là chuyên đề “Căn tính của thơ và phẩm tính của người làm thơ” do nhà thơ Nguyễn Kiến Thọ truyền đạt, giúp các em không chỉ hiểu về một bài thơ cụ thể mà còn hiểu về giá trị lớn nhất của thơ, cũng như những yêu cầu căn bản nhất của người làm thơ.

Còn về văn xuôi, năm nay nhà văn Tống Ngọc Hân trở lại Trại lần thứ hai với một bài giảng khác hoàn toàn năm trước. Cụ thể, với hai thể loại tản văn và truyện ngắn, là thể loại mà nhiều em quan tâm nhất, nhà văn Tống Ngọc Hân đã giúp các em biết cần phải bắt đầu từ đâu và phải làm gì để đi tiếp con đường của mình. Ngoài việc truyền giảng, nhà văn còn đọc thẩm định và nhận xét góp ý trên tác phẩm của trại viên. Năm nay khối lượng công việc vô cùng lớn, với khoảng 200 bài thơ và 100 bài văn xuôi cả trước và trong quá trình dự Trại, nhà văn đọc và nhận xét cho từng em một, chỉ ra ưu điểm, nhược điểm trên từng từng bản thảo. Điều đó cho thấy lao động của nhà văn rất lớn, không kể ngày đêm, Ban Tổ chức đánh giá rất cao và cảm ơn nhà văn nhiều lắm.

Mời được các giảng viên tốt, chương trình của Trại hay, chứng tỏ sự chuẩn bị rất công phu và sáng tạo của những người trực tiếp thực hiện. Tôi muốn biết thêm về điểm này, thưa nhà thơ?

Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh: Vâng, một điểm cũng rất đáng nói đó là công tác tổ chức của Cơ quan thường trực Hội. Ngay khi tiếp nhận các em, chúng tôi đã hiểu rằng, năm nay số lượng tham gia lớn như thế thì công tác tổ chức cũng phải vất vả hơn rất nhiều, chỉn chu kỹ lưỡng hơn rất nhiều. Vì thế, mặc dù rất ít người nhưng cán bộ nhân viên cơ quan đã bằng mọi cách để làm tốt nhất công việc của mình. Cái khó khăn nhất vẫn là vấn đề kinh phí. Kinh phí từ ngân sách rất ít, với các năm số lượng trại viên ít hơn thì còn tương đối, nhưng năm nay số lượng tăng lên gấp rưỡi mà kinh phí không tăng thì rõ ràng là phải vất vả rồi. “Cái khó ló cái khôn”, chúng tôi kêu gọi xã hội hóa và đã có mạnh thường quân hỗ trợ về phương tiện đi thực tế, có nhà tài trợ tặng quà cho trại viên. Phần hỗ trợ từ các kênh xã hội hóa đã làm giảm bớt áp lực tài chính và giúp cho Ban tổ chức hoàn thành được các mục tiêu đề ra. Sự linh hoạt xử lý các tình huống trong quá trình tổ chức thực hiện cũng mang lại hiệu quả cho chúng tôi. Ví dụ kết hợp nghe giảng trực tiếp với trực tuyến (cho các trại viên dự thính) rồi có những buổi lẽ ra là tổ chức trực tiếp, nhưng vì thời tiết xấu nên đã chuyển sang trực tuyến, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các em tham gia được đầy đủ.

Trại sáng tác văn học trẻ năm 2024: Những niềm vui lấp lánh
Trải nghiệm hái chè trên vùng chè La Bằng, Đại Từ (ngày 9/8/2024)

Tất cả những nỗ lực đó của Ban Tổ chức đã được đền đáp bằng việc chúng tôi được nhận từ phía các em những năng lượng tích cực, đó là sự trong trẻo, thơ ngây, công bằng. Đồng thời các em cũng hiểu và rất trân trọng, yêu quý các cô, chú ở Hội, từ đó thêm yêu quý văn chương, yêu quý cuộc sống. Điều đó làm chúng tôi rất vui.

Sau khi Trại sáng tác năm nay được truyền thông rộng rãi, đã có nhiều bạn bè văn nghệ chúc mừng Thái Nguyên và cho rằng đây là một sáng kiến đáng học tập, mặc dù khó làm theo. Chị nghĩ thế nào về điều này?

Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh: Đây không phải là sáng kiến mà đây là nhiệm vụ. Việc tập hợp, bồi dưỡng đội ngũ sáng tác trẻ là nhiệm vụ của các Hội Văn học nghệ thuật, do đó việc mở trại là việc phải làm. Chỉ có điều, tổ chức như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất thôi. Luôn tâm niệm điều đó nên từ năm 2011, khi đó Hội có những khó khăn không mở Trại được, thì Báo Văn nghệ Thái Nguyên đã tổ chức Trại sáng tác trẻ. Tiếp đó, năm 2014 lại tổ chức Lớp bồi dưỡng cho các cây bút trẻ, là những cộng tác viên đã từng có nhiều đóng góp với tờ báo. Cũng tổ chức đi thực tế đến các nơi đồng bào còn khó khăn, ăn cùng ở cùng để cảm nhận được cuộc sống vùng sâu vùng xa và thu được nhiều kết quả như mong đợi. Lứa tác giả đó, đến nay có nhiều người thành danh, tuy không phải tất cả, nhưng văn chương không thể ép được. Điều đáng nói là, các bạn ấy dù làm gì, ở đâu cũng vẫn giữ được tình yêu văn chương và sự trân trọng, tin yêu Hội.

Ngay cả lứa các em tham gia Trại năm nay nữa, rất nhiều em nổi trội, nhưng việc các em có bước tiếp và bước xa trên con đường văn chương không thì lại còn phụ thuộc vào nhiều thứ, nên cái này không nói trước được.

6 năm nay, Hội Văn học nghệ thuật Thái Nguyên luôn duy trì đều đặn các Trại sáng tác văn học trẻ (bên cạnh các trại sáng tác khác) là việc chúng tôi nghiêm túc thực hiệm nhiệm vụ được giao với một niềm mong mỏi được tiếp lửa đam mê, khơi nguồn sáng tạo cho những người yêu văn chương nói riêng, văn học nghệ thuật nói chung. Và kết quả là chúng ta đã có những cây bút có thể lấp đầy khoảng trống văn học thiếu nhi trong những năm qua. Và hiện giờ, trong tay tôi đang có một lượng bản thảo tương đối nhiều, có chất lượng. Đó là quả ngọt sau những mùa kiếm tìm của chúng tôi.

Trại sáng tác văn học trẻ năm 2024: Những niềm vui lấp lánh
10 trại viên xuất sắc nhận quà của Công ty CP Dược và Thiết bị y tế Hà Tuyên, nhà tài trợ

Mà cũng không riêng Thái Nguyên đâu, tôi thấy có nhiều tỉnh cũng tổ chức Trại sáng tác trẻ rất hay mà chúng tôi học được nhiều điều từ đó, đấy là Đắk Lắk, là Bắc Kạn… Tôi cũng mong rằng, thời gian tới sẽ có thêm nhiều Hội đồng hành cùng các em.

Trân trọng cảm ơn nhà thơ về cuộc trò chuyện đầy cởi mở này. Xin chúc chị sức khỏe! Chúc Hội Văn học nghệ thuật Thái Nguyên sẽ tiếp tục thu được quả ngọt trong những mùa trại sau.

1 đã tặng

0

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục