Thứ sáu, ngày 03 tháng 05 năm 2024
00:30 (GMT +7)

Tết xưa ơi là nhớ!

Dẫu bao người kêu ca, phàn nàn rằng mệt mỏi, thậm chí “sợ” Tết, bởi được mấy ngày nghỉ phải tất bận dọn dẹp nhà cửa. Lại còn “bạc mặt” lo lắng biết bao khoản tiền chi tiêu, rồi cỗ bàn, rượu bia chúc tụng chẳng được thảnh thơi hưởng thụ, thì tôi vẫn thích Tết về. Tết hiện đại nay thật vui bởi rất nhiều người vẫn có ý thức lựa chọn cách đón Tết theo phong tục cổ truyền, để mùa Xuân ấm áp đong đầy dư vị ngọt ngào, tươi vui…

Gia đình chị Nguyễn Thúy Linh, phường Gia Sàng (TP. Thái Nguyên) chụp ảnh lưu niệm bên góc Tết nơi tổ ấm của mình.

Gói trọn yêu thương

Cuộc sống hiện đại, bận rộn, nhiều người đã lựa chọn việc đặt sẵn những chiếc bánh trong siêu thị, song ở nhiều gia đình cả nông thôn lẫn thành thị vẫn chọn việc gói bánh chưng để giữ lại nét phong tục đẹp ngày Tết cổ truyền. Gia đình bà Đoàn Thị Tiến, Dương Thị Chất, ở tổ 14, phường Túc Duyên (TP. Thái Nguyên) là một trong số đó. (ảnh bên) Ngày 28 Tết, các bà lại rộn ràng chuẩn bị gạo, lá dong gói bánh. Đã hẹn sẵn nên tối 28, tôi cùng các con sang nhà các bà “gói Tết”. Hai con trai tôi tung tăng chạy chơi đùa ở sân trong khi người lớn rửa lá, ngâm gạo, đỗ. Bà Chất bảo: Xưa là “đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết”. Vậy nên Tết dù khó khăn đến đâu cũng phải sắm đủ đầy, nhất là nhà nào cũng gói thật nhiều bánh chưng để ra Giêng đi cấy về còn có cái ăn. Giờ ăn hết bao nhiêu đâu, vài chiếc thờ, đôi cái sắp mâm mời khách mà ít người ăn. Gói bánh chưng chủ yếu đón không khí Tết!

Nhìn bàn tay các bà khéo léo gói tạo thành hình vuông vắn, dùng lạt buộc chặt, để lá không bị bung, tôi chợt nhớ lại những cái Tết thuở ấu thơ của mình. Những năm ấy, cứ vào 28, 29 tháng Chạp, tôi lại rửa lá, phụ mẹ gói bánh. Công việc này mỗi năm chỉ thực hiện một lần nên tôi luôn đón chờ cùng sự háo hức mong Tết đến, cảm thấy lòng ấm áp khi nhìn đôi bàn tay chai sần đen đúa của mẹ nâng niu, gói ghém từng chiếc bánh. Tôi quên sao được niềm vui trẻ thơ tự tay làm chiếc bánh chưng nhỏ xíu lựa phần gạo và đỗ thừa cuối cùng. Khi bánh chín, vớt ra, nếm thử chiếc bánh mình làm là niềm vui và sự xúc động thật khó tả. Món ngon nhất trên đời dịp Tết với tôi và có lẽ bao đứa trẻ thời ấy là vừa cắn miếng bánh chưng còn nóng hổi, vừa xuýt xoa thổi, hít hà mùi gạo thơm nức mũi, nhân bánh béo ngậy, bùi bùi trong hương lá dong dìu dịu vô cùng quyến rũ.

Bao năm qua, gia đình bà Đoàn Thị Tiến, tổ 14, phường Túc Duyên (TP. Thái Nguyên) vẫn giữ phong tục gói bánh chưng đón Tết.

Tôi lại nhẩm tính thấm thoát đã 12 năm tôi về làm dâu. Cũng là chừng ấy cái Tết chúng tôi bận việc cơ quan, áp Tết mới tất bật về quê. Bố chồng tôi là người khéo tay, ông luôn tự tay gói, luộc bánh chưng. Mỗi lần cầm chiếc bánh ông làm, chúng tôi như thấy hình ảnh ông gói trọn yêu thương cho con cháu suốt bao năm qua. Trong từng chiếc bánh ấy chứa bao niềm mong ước, hy vọng năm mới các con cháu đều khỏe mạnh, bình an, hạnh phúc. Năm nay, biết ông bà tuổi cao, sức khỏe giảm sút, chúng tôi gọi điện về nói đặt bánh chưng Bờ Đậu sẵn, ông không phải vất vả gói bánh nữa, đồ Tết cũng ra siêu thị sắm loáng là xong. Nghe vậy, ông chậm rãi bảo: Bố muốn tự tay gói, để còn dạy các cháu biết được truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình. Gói bánh cũng là cách để tạo niềm vui đón Tết, chứ chẳng biết bố mẹ già rồi, làm được bao nhiêu nồi bánh chưng nữa. Câu nói của bố khiến tôi thấy mình nghèn nghẹn…

Và hôm nay, chứng kiến niềm vui của những người hàng xóm thân thiết quây quần, ríu ran chuyện trò khi gói bánh, luộc bánh, tôi càng hiểu hơn ý nghĩa của phong tục đẹp này với mỗi gia đình Việt. Ngọn lửa đỏ bên bếp canh nồi bánh chưng luộc luôn được duy trì như hơi ấm nồng truyền trao bao thế hệ nhắc nhở ta phải giữ gìn.

Tôi không quên nhiều lần, được tham gia hoạt động gói bánh chưng cùng các đơn vị, nhà hảo tâm để tặng những hoàn cảnh khó khăn dịp Tết. Dẫu kỹ thuật gói còn vụng về, dẫu nhiều người lần đầu tiên trải nghiệm việc rửa lá, đong gạo, gói, dùng lạt buộc song ai cũng đều nâng niu, trân trọng khoảnh khắc ấy. Mới thấy niềm vui, sự hạnh phúc khi đồng cảm, sẻ chia trao yêu thương cho những người kém may mắn có ý nghĩa đến thế nào. Họ không đơn thuần gói bánh, mà đang gói ghém những thương yêu. Tết với những hoàn cảnh kém may mắn, có thêm chiếc bánh chưng nghĩa tình, mùa Xuân cũng dường như ấm hơn…

Cho mùa Xuân ngập tràn hương sắc

Sơn nhà mới đón Tết là phong tục đẹp của người dân Việt bao đời nay. Tôi còn nhớ khi nhỏ, hai chị em vẫn được mẹ giao cầm chiếc chổi rơm mẹ bện chặt để vôi, ve sơn mới lại ngôi nhà. Không chỉ gia đình tôi mà nhà nhà trong xóm đều quét tường vôi mới tinh từ trong nhà ra ngoài ngõ, khiến không khí Tết rộn ràng hơn. Thời hiện đại, dẫu nhịp sống hối hả, thì thói quen sơn nhà đón Tết vẫn không hề thay đổi. Chỉ khác là thay vì dùng chổi bện rơm quét vôi ve như xưa, các gia đình sửa sang, trang trí cho ngôi nhà đón năm mới bằng các loại sơn thật đẹp. Và xu hướng làm đẹp nhà ở với tranh tường nghệ thuật được nhiều người lựa chọn. Thời điểm áp Tết, chị Nguyễn Như Quỳnh, hoạ sĩ vẽ tranh tường ở phường Tân Thịnh (TP. Thái Nguyên) lại bận rộn hơn. Hơn 10 năm gắn bó với công việc vẽ tranh tường nghệ thuật, chị Quỳnh đã xây dựng thương hiệu riêng của mình và được nhiều người đặt hàng vẽ trang trí dịp Tết. Chị bảo: Có người vẽ tranh tường trang trí trong nhà, có người thuê vẽ hàng rào. Nội dung tranh chủ yếu là phong cảnh, hoặc phỏng theo những nhân vật trong câu chuyện cổ tích với mong muốn không gian ngôi nhà đẹp hơn, gần gũi thiên nhiên và đầy sắc Xuân tươi mới.

Ngoài vẽ tranh trang trí nhà cửa dịp Tết, rất nhiều người đã chọn cách giữ Tết xưa bằng cách mua tranh thư pháp về trang trí. Những năm gần đây, “Thư pháp chữ Việt” xuất hiện trên những tấm thiệp tặng bạn bè vào dịp đầu Xuân, xin chữ trên lịch, trên các sản phẩm trang trí, hay trong các hội chữ dịp Tết. Không chỉ các bậc cao niên, nhiều người trẻ cũng yêu thích tranh thư pháp. Được biết đến là “ông đồ” viết thư pháp rất có duyên, dịp lễ Tết, anh Nguyễn Giang Thanh, phường Túc Duyên (TP. Thái Nguyên) lại “đắt sô” với những đơn hàng từ Bắc vào Nam đặt vẽ tranh, câu đối thư pháp. Thời điểm trước Tết hai tháng, anh đã có lượng lớn khách hàng đặt viết những câu đối đỏ, với các chữ: Phúc, Lộc, Thọ, Vạn Sự Như Ý, Phát Lộc, Phát Tài… Ngoài vẽ câu đối, anh còn “thổi hồn” vào các loại hoa quả như bưởi, dừa nghệ thuật, biến những trái cây bình thường thành những bức thư pháp độc đáo hút lòng người trong dịp Tết cổ truyền.

Anh Thanh chia sẻ: Viết thư pháp, dù thể hiện trên chất liệu nào thì người viết vẫn rất chỉn chu trong từng nét bút. Tết đến Xuân về là dịp để những người yêu thư pháp như tôi duy trì niềm đam mê và lưu giữ một nét văn hóa truyền thống tốt đẹp trong nhịp sống hối hả, xô bồ của cuộc sống hiện đại. Tôi vui khi mình thể hiện được tình yêu với chữ thư pháp Việt. Vui hơn khi mang những thông điệp ý nghĩa gửi đến với khách hàng dịp đầu Xuân, cầu chúc mọi người, mọi nhà một năm mới tươi vui, an lành, vạn sự như ý.

Nghe anh chia sẻ, nhìn cây cọ trên tay anh thoăn thoắt đưa những đường khéo léo, tôi thấy không khí Tết xưa dường như vẫn âm thầm lan toả trong trái tim mỗi người.

“Thầy đồ” Nguyễn Giang Thanh (phường Túc Duyên TP. Thái Nguyên) viết chữ thư pháp Việt với mong muốn mang những thông điệp ý nghĩa gửi đến với khách hàng dịp đầu Xuân.

Góc Tết nơi tổ ấm

Vì quá yêu Tết cổ truyền và muốn giữ mãi không khí những ngày Xuân nên chị Nguyễn Thúy Linh, phường Gia Sàng (TP. Thái Nguyên) thường chơi Tết sớm. Khác với nhiều người trẻ “sợ Tết”, chị bảo, không để Tết “ăn mình” nên muốn chơi Tết là chính. Bởi vậy, năm nào chị cũng bày biện, trang trí nhà cửa sớm trước Tết 1 - 2 tuần. Góc Tết nơi tổ ấm với chị, đó là cây đào nở đầy hoa duyên dáng, là chậu hoa cúc vàng gợi nhớ Tết xưa, là những tấm giấy được trang trí cùng bánh pháo, câu đối đỏ, thêm nền vải hoa họa tiết sặc sỡ giúp không gian Xuân ngập tràn. “Việc trang trí tiểu cảnh suốt cả tuần lễ trước Tết, là dịp mọi người trong gia đình ba thế hệ có thể ngồi vui trò chuyện bên nhau, chụp những bức hình lưu niệm, nhất là cảm nhận và lưu giữ được bầu không khí đậm chất ngày Tết cổ truyền. Sự háo hức của tụi trẻ con khi nghỉ học được phụ bố mẹ, ông bà dán pháo, sắp xếp chậu hoa, cây cảnh, treo câu đối… làm không khí gia đình thêm ấm cúng. Đó cũng chính là sợi dây gắn kết gia đình và cách lưu giữ phong tục Tết xưa cho các con mà gia đình tôi luôn trân trọng nâng niu”. Chị Linh chia sẻ.

Cũng với suy nghĩ giữ nét đẹp cổ truyền của dân tộc và tạo sợi dây gắn kết gia đình nên dịp Tết Nguyên đán, anh Nguyễn Mạnh Dũng, xã Phấn Mễ (Phú Lương) đã sớm mua các đồ vật về trang trí tiểu cảnh tạo góc Xuân riêng bên tổ ấm. Anh bảo: Con trai tôi đang học mầm non, tôi luôn muốn mang đến những trải nghiệm thú vị cho mình. Trang trí một góc Tết vừa là cơ hội để hai cha con gần gũi với nhau hơn, vừa dạy con biết thêm những điều tốt đẹp về ngày Tết truyền thống cổ truyền của dân tộc.

Còn chị Nguyễn Thị Huệ, xã Thanh Ninh (Phú Bình) lại chọn giữ nét Tết xưa với việc trang trí bình hoa violet và thược dược trong phòng khách. Chị cười nhẹ nhàng bảo: Có những thứ cần phải khác xưa nhưng có những điều tốt đẹp ta mãi muốn lưu giữ. Hồi nhỏ còn mẹ, tôi được mẹ đưa đi chợ và bảo: con gái đảm đang, nhờ cả vào con để nhà mình có bình hoa Tết thật đẹp. Thế là tôi tung tăng cầm mấy nghìn tiền lẻ mua bó hoa violet, thược dược về cắm Tết. Từ khi mẹ mất hơn 10 năm qua, năm nào tôi cũng giữ thói quen mua những loại hoa này về cắm. Góc Tết giản dị ấy luôn cho tôi gợi nhớ những Tết xưa nghèo khó mà đầm ấm, khi ấy mẹ tôi còn sống, cả gia đình đoàn tụ biết bao yêu thương.

Cành đào trước ngõ nhà tôi đã hé nụ, gió Xuân phơi phới bay mang theo hương vị Tết thật ngọt ngào. Tết xưa ơi là nhớ! Tết nay ơi là vui! Tôi mỉm cười, thấy trong đầu mình reo ngân lên những ca từ ấy…

Linh Lan

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục