Sau niềm vui là những trăn trở
VNTN - Đưa sản phẩm sáng tạo nghệ thuật đến gần công chúng là điều mà người nghệ sĩ luôn mong muốn. Chương trình giới thiệu tác giả - tác phẩm âm nhạc của các nhạc sĩ Thái Nguyên đã phần nào đáp ứng niềm mong mỏi đó. Được đánh giá là hoạt động ý nghĩa, dù chưa thể nói là đã thỏa mãn người xem.
Hơn mười năm mới lại có một cuộc giới thiệu tác giả - tác phẩm âm nhạc của các nhạc sĩ Thái Nguyên, khoảng thời gian mà có lẽ với những người sáng tạo nghệ thuật hẳn là đủ dài rộng để “chắt” được tinh hoa. Tại trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc đêm 9/12, các tác phẩm của các nhạc sĩ trong Chi hội Âm nhạc thuộc Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên đã được trình diễn gồm: Hội xuân (Đỗ Minh); Tâm sự đời tôi (Lê Tú Anh); Thái Nguyên hương đất hương chè (Phạm Đình Chiến); Phú Đình yêu thương (Vũ Văn Học); Thái Nguyên nhớ lời Bác (Quản Đức Thắng); Minh Tiến quê tôi (Nguyễn Đức Nghị); Em giữ bếp hồng đợi anh (Bùi Quang Vĩnh); Đôi nhẫn cỏ trà (Lý Khắc Vịnh), Chiều về trên bản em (Hoàng Việt Dũng), Hành trình yêu thương (Vũ Văn Lực).
Âm nhạc - với đặc thù chuyên ngành đòi hỏi cách thể hiện và thưởng thức tác phẩm có sự đầu tư nhất định, không chỉ đơn giản là một bản thu thanh mà còn phải biểu diễn và phổ biến tới công chúng. Để làm tốt cả ba điều đó là việc không phải tự thân nhạc sĩ nào cũng có thể muốn thì làm được, bởi nó liên quan đến nhiều khâu, đặc biệt là nguồn lực kinh phí. Vì lẽ đó, lần giới thiệu này nhận được sự quan tâm của các nghệ sĩ. Ở đó có sự góp mặt của các ca sĩ, diễn viên chuyên nghiệp từ Đoàn Nghệ thuật, trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc; chương trình được đầu tư dàn dựng, phối khí lại ca khúc… đã nâng tầm một hoạt động chuyên môn, tạo sự hứng thú cho các tác giả.
Một nét ấn tượng và cảm động đối với giới âm nhạc có mặt trong đêm diễn, là hai đơn vị đồng tổ chức đã bày tỏ sự kính trọng, tri ân cố nhạc sĩ Đỗ Minh - Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, hội viên sáng lập Hội Văn học nghệ thuật Thái Nguyên - bằng việc dàn dựng một tiết mục trong di cảo của ông. Đó là bài “Hội xuân”, một bài hát khai thác chất liệu dân ca Nùng, vẫn giữ nguyên chất tươi mới và ấm áp tình yêu cuộc sống của ông qua nhiều năm tháng.
Viết về quê hương đất nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu lứa đôi… không phải là những đề tài mới mẻ, song mỗi ca khúc là một câu chuyện, một mạch nguồn cảm hứng sáng tạo riêng biệt. Có những người đã theo đuổi đề tài “Bác Hồ với Thái Nguyên, Thái Nguyên với Bác Hồ” nhiều năm như nhạc sĩ Quản Thắng, giới thiệu ca khúc “Thái Nguyên nhớ lời Bác”, ông khẳng định sẽ còn tiếp tục theo đuổi đề tài này đến hết cuộc đời. Tình đất tình người quyện hương chè vang danh gần xa, mộc mạc mà ấm áp trong “Thái Nguyên hương đất hương chè”. Cất lên câu hát về “Phú Đình yêu thương”, là gửi gắm những tình cảm đầy ân tình tới đồng bào các dân tộc Định Hóa, nơi mà “bóng dáng núi trải dài nương rẫy, rừng lao xao tiếng chim gọi bầy, một điệu then hát từ bản xa, hòa nhịp suối róc rách róc rách…”. Hình ảnh người phụ nữ giữ bếp hồng vừa thực vừa ảo; họ - dù trong thời chiến hay thời bình, vẫn luôn có những cuộc chia ly và chờ đợi người thân, người yêu xa nhà vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; giữ bếp hồng là giữ tổ ấm, giữ tình cảm sắt son của người phụ nữ Việt Nam trung hậu, đảm đang, chung thủy.
Đơn ca “Em giữ bếp hồng đợi anh” của nhạc sĩ Bùi Quang Vĩnh
Tình yêu lứa đôi kết se từ nghèo khó bằng “Đôi nhẫn cỏ trà”, để rồi cùng năm tháng đủ đầy vẫn không vơi cạn. “Tâm sự đời tôi” như một cuốn nhật ký, một lời tâm sự của bản thân tác giả, rằng mới ngày nào nằm trong nôi nghe mẹ hát ru, thoáng chốc tóc đã bạc màu; cuộc đời giống như dòng sông, có êm đềm phẳng lặng và không thiếu những cơn sóng cả, niềm vui và nỗi buồn lẫn xen…, hãy cứ sống và nhân lên niềm vui, gạt bớt ưu phiền. Biết khai thác những nét độc đáo cả về đề tài và phong cách âm nhạc, người nhạc sĩ đã đem đến một “Chiều về trên bản em” đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Dựa trên âm hưởng của dân tộc Dao, pha trộn cái mới nhưng không mất đi cái cũ, tạo màu sắc, hơi thở âm nhạc phù hợp với lớp trẻ, kéo họ lại gần với văn hóa dân tộc. Ở đó có sự hùng vĩ của núi rừng, sự no ấm của bản làng, sự kết hợp trong một bản phối mang phong cách dân gian đương đại quen mà lạ, đã nhận lời khen từ công chúng.
Ca khúc “Chiều về trên bản em” mang phong cách âm nhạc mới mẻ
Điều đáng ghi nhận nhất chính là sự lao động nghiêm túc, chăm chút cho sản phẩm âm nhạc từ phía đơn vị tổ chức và các tác giả. Phụ trách phần dàn dựng, phối khí cho các ca khúc lần này là nhạc sĩ Hoàng Việt Dũng (Đoàn Nghệ thuật Thái Nguyên). Anh có lợi thế là người trực tiếp làm nghề chuyên nghiệp về âm thanh, hiểu biết về các xu hướng và phong cách âm nhạc, vì thế dễ dàng triển khai ý tưởng dàn dựng nội dung bài hát, làm mới phần nhạc.
Tham gia thể hiện, trình diễn trong đêm giới thiệu này ngoài các ca sĩ chuyên nghiệp còn có cả các diễn viên không chuyên. Nhạc sĩ Nguyễn Đức Nghị (Đại Từ) đã tổ chức tự dàn dựng, tập luyện thể hiện ca khúc “Minh Tiến quê tôi”. Người hát chính là một giáo viên, các diễn viên múa phụ họa là học sinh, đều là con em của quê hương Minh Tiến; với tinh thần mến mộ, trân trọng ca khúc viết về xứ sở, họ đã “tự biên tự diễn”. Nhạc sĩ Đức Nghị bộc bạch: Bài hát nhận được sự ủng hộ từ chính quyền, đoàn thể ở cơ sở. Lực lượng diễn viên, cổ động viên tham gia rất hào hứng và đông đảo gần 50 người. Kinh phí để tập luyện, dàn dựng, thuê xe di chuyển…, chủ yếu do đơn vị xã Minh Tiến thực hiện xã hội hóa và giúp đỡ.
Có thể nói, giới thiệu tác giả - tác phẩm là một chương trình ý nghĩa đối với các nhạc sĩ và đứa con tinh thần của họ. Hội Văn học nghệ thuật tỉnh đã tạo điều kiện tối đa để các nghệ sĩ có cơ hội đưa tác phẩm của mình tỏa sáng. Chương trình đã kết hợp được 3 yếu tố: sáng tác, biểu diễn, thưởng thức…, nhận được sự ủng hộ, trân trọng của cá nhân nhạc sĩ và những người thân của họ. Song đằng sau những niềm vui là những nỗi trăn trở không dễ giãi bày.
Nhạc sĩ Việt Dũng bộc bạch rằng, trong thời đại công nghệ vượt bậc, người nghe nhạc hiện nay rất đa dạng, xu hướng thích những thứ gần gũi với họ, đến nhanh và đi cũng nhanh. Nếu nhạc sĩ không có những tác phẩm chất lượng, đậm bản sắc để đáp ứng thị hiếu khán giả thì rất đáng buồn. Làm sao để có nhiều ca khúc hay hơn, ý nghĩa hơn nữa đến với công chúng trẻ, đặc biệt có giá trị về mặt tinh thần là điều các nhạc sĩ cần chú trọng nâng cao. Bản thân nhạc sĩ nỗ lực vẫn là chủ yếu, song chỉ tài năng, nỗ lực từ cá nhân thôi thì chưa đủ, mà cần cơ chế, sự tác động, quan tâm cần thiết đối với âm nhạc từ phía Hội VHNT nói riêng, các cơ quan quản lý văn hóa tỉnh nhà nói chung.
Vui thì có vui, song xem toàn bộ chương trình thì thấy rằng, mặt bằng các tác phẩm không đồng đều. Có những tác phẩm giới hạn về nội dung đề tài nên độ phổ biến khá hẹp. Cuộc giới thiệu vẫn chỉ dừng ở mức “hát cho nhau nghe”. Vì thế, dẫu là một chương trình ý nghĩa nhưng chưa có nhiều tác phẩm chất lượng cao.
Nhìn từ những hạn chế của chương trình, xa hơn là từ thực tế hoạt động của chuyên ngành âm nhạc Thái Nguyên nhiều năm qua, thấy rõ thực trạng thiếu hụt đội ngũ sáng tác. Người thành danh và sống bằng nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay, tài năng trẻ là của hiếm, hoặc có nhưng chưa có sức bật mạnh mẽ. Thẳng thắn mà nói, không có nhiều tác phẩm âm nhạc của các tác giả Thái Nguyên bán được trong thị trường nghệ thuật, trên các sân khấu chuyên nghiệp. Điều này phần nào phản ánh sự bất cập về tư duy sáng tạo và những nỗ lực tự thân của nghệ sĩ trong việc tìm kiếm giá trị nghệ thuật đỉnh cao.
Làm thế nào để các tác phẩm âm nhạc vượt tầm, hướng đến những cuộc giới thiệu quy mô và thênh thang đất sống, hẳn là điều mà chúng ta cần nghĩ đến. Câu trả lời sẽ không khó nếu nhạc sĩ có được những sản phẩm chất lượng, đáp ứng thị hiếu khán giả. Phần còn lại mới kể đến là sự đầu tư, quan tâm khai thác từ các ban ngành liên quan.
Kim Việt
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...