Quốc hội tập trung gỡ khó cho đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản
Quốc hội khóa XV vừa bế mạc kỳ họp thứ năm sau hai đợt họp với hơn 20 ngày làm việc.
Tuần làm việc cuối cùng, bên cạnh biểu quyết thông qua 8 luật và 11 nghị quyết, Quốc hội còn thảo luận 10 dự án luật, trong đó có việc sửa đổi 3 luật liên quan mật thiết với nhau, tác động đến mọi nhà, là các luật: Nhà ở, Đất đai, Kinh doanh bất động sản. Đại biểu Quốc hội đoàn Thái Nguyên đã tích cực tham gia góp ý hoàn thiện các dự thảo luật quan trọng này.
Dành cả một ngày cho Luật Đất đai
Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi (Dự thảo) được dành trọn ngày 21/6 để thảo luận tại hội trường, thời gian nhiều gấp đôi các dự án luật khác.
Ngay từ phút đầu đã có 170 đại biểu đăng ký phát biểu, cho thấy sự quan tâm đặc biệt của các vị đại diện cho dân với Dự thảo. Riêng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên có đến ba đại biểu đăng ký, song chỉ có đại biểu Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội có thời gian phát biểu.
Một phiên họp tại Hội trường Diên Hồng
Bên cạnh làm thế nào để hạn chế bất công, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, nhân dân và nhà đầu tư, đất cho đồng bào thiểu số cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Ở góc độ trách nhiệm của nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), ông Thành nói, việc quy định chính sách đất đai cho đồng bào DTTS chỉ giới hạn trong phạm vi địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn (ĐBKK) là không hợp lý. Vì, đồng bào DTTS hiện cư trú chủ yếu trên địa bàn 5.226 xã, phân bố trên 2/3 diện tích cả nước trong khi vùng ĐBKK hiện tại theo Quyết định 861 chỉ có hơn 1500 xã. Diện ĐBKK ngày càng giảm mạnh theo từng năm và theo Nghị quyết của Quốc hội đến năm 2030 sẽ không còn diện ĐBKK trong khi trên thực tế đây vẫn còn là vùng khó khăn và ĐBKK. Diện đồng bào thiếu đất nằm cả ở các xã khu vực I và II, xã về đích nông thôn mới.
Điểm không hợp lý thứ hai là diện các xã ĐBKK thay đổi theo từng năm và từng giai đoạn, có ra, có vào theo các tiêu chí quy định (nhất là tỷ lệ hộ nghèo) dẫn đến sự bất cập trong áp dụng chính sách, dễ dẫn đến sự phức tạp và bất bình đẳng. Đây cũng là điểm bất cập chung trong chính sách, pháp luật đối với DTTS hiện nay khi lấy tiêu chí ĐBKK để quy định đối tượng hưởng lợi chính sách, trong khi chính sách dân tộc chủ yếu tác động đến đối tượng con người, nhất là chính sách an sinh xã hội, là vấn đề lớn cần được nghiên cứu, điều chỉnh.
Lý do nữa được ông Thành nêu là, vùng ĐBKK phần lớn không có hoặc còn rất ít quỹ đất. Trung bình diện tích đất có canh tác nông nghiệp trên đầu người khu vực miền núi phía Bắc (theo nghiên cứu trung bình chỉ là hơn 300m2), còn lại là có một số đất nương rẫy và đất rừng khó có khả năng canh tác. Đơn cử, có bản người La Hủ ở Mường Tè, Lai Châu mỗi gia đình chỉ có khoảng 60-70m2 làm chỗ ở, hay huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang, lãnh đạo huyện nói rằng không thể tìm được mặt bằng khoảng 200m2… Do vậy, việc cấp đất, giao đất cho người dân nhiều nơi là bất khả thi và cần có giải pháp phù hợp hơn.
Do vậy, vị đại biểu Thái Nguyên đề nghị các quy định chính sách nên áp dụng cho địa bàn vùng DTTS và miền núi là phù hợp.
Về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, Dự thảo quy định việc bố trí tái định cư phải được hoàn thành trước khi có quyết định thu hồi đất.
Quy định này, theo đại biểu Lâm Thành trên thực tế sẽ trói buộc, làm chậm trễ, đánh mất cơ hội trong việc thực hiện các dự án đầu tư do quá trình đền bù, tái định cư rất dài, mất nhiều thời gian thực hiện theo các qui định. Ông Thành cho rằng nên phân chia theo các trường hợp, với dự án có số lượng tái định cư không lớn, phương án tái định cư nhận được sự đồng thuận người dân thì có thể song song triển khai thu hồi đất. Với dự án có số lượng tái định cư lớn thì có thể thực hiện nguyên tắc này. Dự thảo nên qui định theo hướng mở hơn: đối với các dự án có số lượng tái định cư lớn, việc bố trí tái định cư phải được cơ bản hoàn thành trước khi có quyết định thu hồi đất.
Sau kỳ họp, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sẽ tiếp tục được hoàn thiện trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ sáu (tháng 10/2023).
Nhà ở, kinh doanh bất động sản vẫn “rối”
Tương tự Luật Đất đai sửa đổi, Luật Nhà ở sửa đổi cũng đã được thảo luận tổ từ đợt họp thứ nhất, đợt hai được bàn thảo tại hội trường.
Lần sửa đổi này, ứng xử với nhà chung cư cũ, nhà ở xã hội, nhà ở cho người nước ngoài là những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm bàn thảo.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) phát biểu
Quan điểm chính sách về nhà ở xã hội cần tập trung vào mục tiêu cốt yếu là đáp ứng nhu cầu có nơi ở phù hợp cho người dân, không phải là đáp ứng nhu cầu sở hữu nhà ở được đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) nêu đầu phiên thảo luận đã tạo ra cuộc tranh luận sôi nổi.
Theo ông Hiển, nhà ở là tài sản rất lớn, quá sức với đại bộ phận người có thu nhập thấp, vì vậy việc mua, sở hữu một căn hộ, dù là nhà ở xã hội trả góp cũng là gánh nặng quá lớn về tài chính.
Tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, đại biểu Hiển cho rằng lần sửa đổi này chính sách về nhà ở xã hội phải được điều chỉnh theo hướng tăng nhà ở cho thuê, nguồn hỗ trợ của ngân sách nhà nước được phân chia phù hợp cho cả ba bên chủ đầu tư, cơ quan quản lý vận hành và người dân.
Cũng tham gia thảo luận về nhà ở xã hội, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) đề nghị mở rộng hơn khái niệm về nhà ở xã hội, cần tránh quan điểm bất thành văn nhà ở xã hội là nhà ở cho đối tượng loại 2, giá rẻ đi cùng với chất lượng kém, không đảm bảo các điều kiện sử dụng cho người dân, cũng như đã tồn tại ở một số dự án thời gian qua, nhất là vấn đề nhà ở tái định cư, gây bức xúc trong dư luận.
Vị đại biểu Thái Nguyên nhấn mạnh quyền có chỗ ở an toàn tốt hơn luôn là nhu cầu chính đáng của mọi tầng lớp trong xã hội, nên chăng đưa khái niệm nhà giá thấp thay cho nhà giá rẻ trong tiếp cận, xây dựng chính sách để thúc đẩy phát triển thị trường nhà ở, cả nhà ở xã hội và nhà ở thương mại.
Cần có chính sách mạnh mẽ, đột phá để xây dựng nhà ở xã hội cho thuê. Nếu chỉ thiên về xây dựng nhà ở xã hội để bán sẽ không đáp ứng được nhu cầu xã hội cả về nguồn cung, cũng như tài chính của đại bộ phận nhân dân, đại biểu Lâm Thành nói.
Tranh luận với đại biểu Hiển, đại biểu Ngô Trung Thành (Đắc Lắc) cho rằng phát triển theo hướng chỉ phát triển nhà ở xã hội để cho thuê là giải pháp hợp lý. Nhưng để thực hiện được thì Nhà nước phải bỏ ra một nguồn lực rất lớn, điều này vượt quá khả năng thực tế. Đối với nhà đầu tư, việc bỏ tiền chẵn ra rồi thu tiền lẻ về cũng rất khó thu hút, như tình trạng đã xảy ra thời gian qua.
Tranh luận với đại biểu Ngô Trung Thành, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) nói rõ ông ủng hộ ý kiến của đại biểu Hiển, Bởi vì, nếu tập trung xây dựng nhà ở xã hội để bán, thì thời gian vừa qua, người lao động không có khả năng tài chính để có thể mua.
“Đại biểu Thành cho rằng, nhà nước không có đủ tiền, tôi nghĩ rằng, chúng ta nên thực hiện rà soát đất công và tài sản công đang còn để hoang phí rất nhiều. Nếu như Chính phủ tiến hành rà soát và Quốc hội giám sát thì sẽ có một nguồn lực tài chính rất lớn để đầu tư xây dựng nhà cho công nhân thuê”, ông Ngân nêu khả năng về nguồn lực.
Với Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi, một trong những điểm mới gây tranh cãi là Chính phủ đề nghị, mọi giao dịch bán, cho thuê nhà hình thành trong tương lai phải qua sàn.
Tuy nhiên, đa số ý kiến tại Ủy ban Kinh tế Quốc hội (cơ quan thẩm tra dự án luật) đề nghị không bắt buộc giao dịch qua sàn giao dịch bất động sản, vì chưa đủ cơ sở thực tiễn, chưa làm rõ được an toàn pháp lý của giao dịch bất động sản qua sàn. Ngoài ra, việc bắt buộc các giao dịch bất động sản nhà ở trên giấy phải qua sàn sẽ làm tăng chi phí, và tính vào giá và người mua sẽ phải chịu cả phí bảo lãnh, chi phí cho sàn giao dịch. Thảo luận ở tổ, nhiều đại biểu cũng đồng ý với quan điểm này.
Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên bấm nút thông qua luật
Đại biểu Hoàng Ngọc Định (Hà Giang) phân tích, không nên bắt buộc mua bán bất động sản qua sàn vì sẽ phát sinh chi phí, tăng giá bán và người mua phải chịu.
“Nội dung này từng bị bãi bỏ, nay khôi phục lại, trong khi Bộ luật Dân sự cũng không quy định, tôi cho là chưa hợp lý”, ông Định tỏ rõ quan điểm và cho rằng, quy định cần thiết hơn là công chứng các giao dịch bất động sản, thì lại không bắt buộc tại Dự thảo.
“Các nước phát triển (chẳng hạn như đa số các nước trong EU) đều quy định phải công chứng”, ông Định góp ý.
Đồng tình phân tích này, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) lo ngại, sàn giao dịch bất động sản trong nhiều trường hợp còn là sân sau của chủ đầu tư. Ông Hòa đề nghị tất cả các giao dịch đều phải qua công chứng, chứng thực, trừ khi 2 bên mua bán đều là tổ chức.
Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi sẽ được Quốc hội tiếp tục cho ý kiến và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ sáu (tháng 10/2023).
THÔNG QUA 8 LUẬT QUAN TRỌNG
Tuần làm việc cuối cùng, Quốc hội đã bấm nút thông qua Luật Giá (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Tại Luật Giá (sửa đổi), Quốc hội đã quyết định quy định giá trần đối với dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường hàng không nội địa và sách giáo khoa.
TIẾP TỤC GIẢM THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG 2%
Tại phiên bế mạc chiều 24/6, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, trong đó có nội dung tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022.
Sáng cùng ngày, Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, đặt kỳ vọng TP.Hồ Chí Minh sẽ có bước đột phá, trở thành đầu tàu của nền kinh tế của cả nước.
Vĩnh An
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...