Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
01:16 (GMT +7)

Quốc hội lo quốc kế dân sinh

VNTN- Sau khi hoàn thành toàn bộ nội dung của 11 ngày họp trực tuyến, Quốc hội đang tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn trong đợt họp trực tiếp (từ 8/11 đến 13/11) - vấn đề được cử tri đặc biệt quan tâm.

Từ sáng 10 cho đến hết sáng 12/11, bốn vị Bộ trưởng và Thủ tướng Chính phủ sẽ đăng đàn, trả lời trực tiếp các nhóm vấn đề quốc kế dân sinh vừa nóng hổi thời sự vừa tính kế dài lâu.

Đất nước đang đứng trước những khó khăn chưa từng có tiền lệ bởi dịch bệnh COVID-19. Bởi thế, thật dễ hiểu khi có đến 304/352 đại biểu qua phiếu xin ý kiến đã chọn chất vấn về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid thời gian qua và chiến lược phòng, chống dịch, chiến lược vắc xin trong thời gian tới.

326 vị muốn chất vấn về việc thực hiện các gói hỗ trợ cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, bảo đảm tiến độ, đúng đối tượng, hiệu quả. Công tác bảo vệ quyền trẻ em, đặc biệt là trẻ em mồ côi do đại dịch. Thực trạng và nguyên nhân người lao động rời TP.HCM và các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam trong nhiều đợt. Giải pháp tháo gỡ những khó khăn của thị trường lao động theo diễn biến của dịch. Chính sách thu hút lực lượng lao động trở lại làm việc và giải pháp hỗ trợ giải quyết việc làm đối với lực lượng lao động bị mất việc.

272 vị đại diện của dân chọn chất vấn về việc bảo đảm chất lượng dạy và học, tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo trong điều kiện dịch Covid.

Và 295 vị muốn chất vấn về giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh tình hình mới; các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh...

Đó đều là những vấn đề quốc kế, dân sinh. Nhưng quốc kế dân sinh không phải chỉ có thế. Trước kỳ họp thứ hai, qua ý kiến của 54 đoàn đại biểu Quốc hội và 23 đại biểu, đã tổng hợp bước đầu 59 nhóm vấn đề cần chất vấn. Tuy vậy, thời gian hai ngày rưỡi chỉ đủ để cho 5 vị trực tiếp trả lời chất vấn. Và đương nhiên, những nhóm vấn đề liên quan trực tiếp đến phục hồi kinh tế, chăm lo cho y tế, giáo dục, trong bối cảnh dịch COVID-19 chưa dễ đoán định cần phải được ưu tiên trước hết.

Đại biểu dự kỳ họp tại Hội trường Diên Hồng (Hà Nội)

Trước khi chất vấn, Quốc hội dành hai ngày để thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, về báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 - nghị quyết trao quyền đặc biệt cho Chính phủ trong chống dịch COVID-19.

Trước đó, vào đầu kỳ họp nội dung này đã được thảo luận tại tổ với ngồn ngộn những lo lắng về quốc kế dân sinh.

Cũng như nhiều vị khác, đại biểu Đoàn Thị Hảo (Thái Nguyên) có chung nhận xét, Chính phủ đã linh hoạt trong điều hành, tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn để vừa đảm bảo mục tiêu kinh tế vừa đảm bảo phòng chống dịch bệnh Covid. Nhưng đại biểu Đoàn Thị Hảo cũng chỉ ra những hạn chế như việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm, chương trình nông thôn mới kết quả không đồng đều, tỷ lệ người dân Thái Nguyên được tiêm vắc xin tương đối thấp...

Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, đại biểu Nguyễn Thanh Hải nhận xét, chiến lược vắc xin bước đầu lúng túng nhưng sau đó đã có những giải pháp kịp thời. Giải pháp huy động lực lượng công an, quân đội tham gia phòng chống dịch các tỉnh phía Nam linh hoạt, hiệu quả cao, được nhân dân ủng hộ.

Bà Đoàn Thị Hảo, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu từ điểm cầu tỉnh Thái Nguyên.

Bí thư Thái Nguyên cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo đánh giá về tâm lý xã hội trong thời gian vừa qua, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch diễn ra phức tạp. Đại biểu Thanh Hải cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có báo cáo với Quốc hội và đại biểu Quốc hội về chất lượng học online, chất lượng đội ngũ giáo viên trong công tác giảng dạy, học trực tuyến.

Đều là những vấn đề cần được thảo luận kỹ càng, nhưng những vấn đề nói trên cũng mới chỉ là một phần nhỏ trong hàng loạt các vấn đề đại sự khiến đại biểu của dân lo lắng. Tổng hợp trên 300 ý kiến thảo luận tại tổ, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường phản ảnh, nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp suy yếu, phải tạm dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Một số doanh nghiệp dừng hoạt động trong thời gian dài nhưng vẫn mất chi phí để duy trì trụ sở, phân xưởng, bảo dưỡng máy móc; việc giá xét nghiệm cao, thực hiện 3 tại chỗ, thuê chỗ ở cho lao động làm đội chi phí của doanh nghiệp, tình trạng thiếu công nhân đang cản trở quá trình khôi phục sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, việc các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, đơn hàng bị chậm trễ khiến doanh nghiệp bị hủy đơn hàng, mất khách hàng, đối tác, bạn hàng truyền thống.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, một số địa phương, chính quyền còn chưa tích cực trong việc hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp để khôi phục, ổn định sản xuất kinh doanh.

Theo chương trình kỳ họp thứ hai đã được Quốc hội thông qua, vào sáng 13/11 Quốc hội sẽ họp phiên bế mạc. Trước đó, trong chiều 12/11 Quốc hội sẽ thông qua nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Đó là Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế, Nghị quyết về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025), Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022.

Sáng 13/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê, Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022.

Trong phiên bế mạc, Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn và Nghị quyết kỳ họp thứ 2.

Vĩnh An

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy