Phụ nữ Việt Nam “đem chuông đi đánh xứ người”
VNTN- Ngày 8/6 vừa qua, Trường Quốc học Pháp (Collège de France) đã tổ chức một Hội thảo với chuyên đề đặc biệt về “Phụ nữ Việt Nam: Năng lực sáng tạo và dấn thân”. Hội thảo diễn ra là cơ hội để cho mọi người theo dõi 12 diễn giả nữ Việt Nam, tham gia trực tiếp và trực tuyến, chia sẻ những trải nghiệm về sáng tạo và dấn thân trong nghề nghiệp.
Quang cảnh buổi Hội thảo
Hội thảo được nữ giáo sư Bùi Trân Phượng đề xuất với Trường Quốc học Pháp và đã được trường đồng thuận tổ chức. Hội thảo là sự kết thúc chuỗi bài giảng của giáo sư Phượng về Phụ nữ Việt Nam: quyền năng văn hóa và đa căn tính, được bà chứng minh qua các thời kỳ dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam từ hàng ngàn năm đến nay.
Buổi hội thảo đã thu hút rất đông khách tham dự và đều rất hứng thú trước phần trình bày của các diễn giả. 12 diễn giả nữ Việt Nam thuộc các thế hệ khác nhau, xuất thân trong nhiều tầng lớp xã hội, hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa khác nhau như giảng dạy, doanh nhân hoặc văn học nghệ thuật và đến từ mọi miền Việt Nam và trên thế giới.
Bà Nguyễn Thị Xuân Phượng (TP Hồ Chí Minh) với chủ đề Sắc màu không biên giới; bà Trần Tố Nga (Pháp) kể câu chuyện “Vụ kiện của một phụ nữ Việt Nam” liên quan đến vụ bà kiện 26 tập đoàn công nghiệp hóa học hàng đầu của Mỹ là nguyên nhân chính gây ra thảm họa nạn nhân chất độc da cam; Nguyễn Thục Quyên (Mỹ) chia sẻ lộ trình từ một ngôi làng Việt Nam đến Học viện Kỹ thuật Quốc gia Hoa Kỳ; hay nữ nhà văn trẻ tật nguyền Trần Thị Trà My đến từ TP Hồ Chí Minh kể lại câu chuyện vượt khó của mình với phương châm “Tàn nhưng không phế”; Phan Thúy Hà (Hà Nội), người viết sách độc lập, tự mình đi tìm những nhân vật là các cựu binh trong chiến tranh và viết thành sách, tự in ấn và phát hành…
Chia sẻ của diễn giả
Cử tọa đã rất chăm chú lắng nghe và xúc động trước câu chuyện của nhà văn Trần Thị Trà My. Sinh ra trong một tỉnh nghèo ở Miền Trung, tỉnh Quảng Trị, mới ba tháng tuổi, trong một ca tiểu phẫu cắt một cục u máu ở bàn chân, do sơ xuất của bác sỹ, Trà My đã bị chết lâm sàng. Sau cứu được nhưng não bộ của chị đã bị tổn thương hệ thần kinh vận động, khiến chị bị đi lại và nói năng rất khó khăn.
Nhà văn Trần Thị Trà My (áo đỏ) chia sẻ
Chị chia sẻ “Tôi nghĩ chính cái giây phút mình bật lên tiếng khóc trong nhà xác ấy, thì số phận đã cho tôi hai sự lựa chọn. Một là chôn vùi thanh xuân của mình nơi góc nhà, để chờ tái sinh ở một kiếp sống khác với hình hài trọn vẹn hơn. Hai là trở thành người phụ nữ dám dân thân cho những ước mơ của mình”. Trà My không được đi học, mãi đến 9 tuổi mới được em gái dạy cho những chữ cái đầu tiên. Phải mất một năm chị mới có thể học đọc và viết thành thạo. Ở tuổi 21, cơ duyên khiến My gặp báo Tuổi Trẻ, nơi đã giúp My hiện thực hóa giấc mơ được vào TP. Hồ Chí Minh lập nghiệp.
Choáng ngợp giữa dòng người nơi phố thị, sau những khoảng khắc có phần lo sợ thì từ đâu đó trong tiềm thức My văng vẳng giọng nói: “Nhất định mình phải tìm được một chỗ đứng giữa dòng người này!”. Và để làm được điều đó nơi phồn hoa đô hội, My đã có những trải nghiệm rất nhọc nhằn của cõi nhân sinh như phải ngủ cạnh xe máy nhà người khác, hoặc phải xin ngủ dưới góc bếp nơi My làm việc.
Và cứ như thế, vừa xin đi làm truyền thông, vừa nuôi dưỡng đam mê viết văn, vừa đi học thêm các khóa học về PR và vừa tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Năm 23 tuổi, My đã xuất bản cuốn sách đầu tay của mình. Cuối năm 2018, My đã thực hiện được giấc mơ là mang sách của mình gửi tặng các phạm nhân ở khắp Việt Nam. “Bản thân tôi luôn mơ ước về một thế giới mà ở đó chúng ta luôn đề cao sự tử tế, để chiến tranh, bạo lực, và những vấn nạn liên quan đến việc tàn phá môi trường sẽ phần nào được giảm tải”, My nói. Tác phẩm “Tin vào điều tử tế” được rất nhiều độc giả đón nhận, trong đó có nhóm đối tượng đang ở trong trại giam.
Nghệ sỹ Đào Lê Na
Nữ nghệ sỹ trẻ Đào Lê Na ở TP. Hồ Chí Minh lần đầu tiên mang tác phẩm sân khấu cách tân của mình đến giới thiệu tại Pháp. Chị chia sẻ tình hình sân khấu Việt Nam hiện nay, dẫu đang gặp nhiều khó khăn nhưng các đồng nghiệp của chị, đều còn rất trẻ, vẫn rất cố gắng làm việc để đem đến cho khán giả những cái nhìn mới mẻ về nền nghệ thuật này. Chị rất vui khi thấy cử tọa quan tâm rất nhiều đến phụ nữ Việt Nam hiện nay. Chị chia sẻ: “Mình rất vui, bởi vì khán phòng rất kín và mọi người đặt rất nhiều câu hỏi dành cho diễn giả trong chương trình. Những câu hỏi rất có chiều sâu, bởi vì mọi người hỏi những vấn đề mà họ thực sự muốn biết, chứ không phải chỉ là những câu hỏi chung chung, bởi đó là những câu hỏi mà mọi người phải thật lắng nghe bài tham luận trong hội thảo rất kỹ.
Ý tưởng của người đề xuất
Chủ đề Phụ nữ Việt Nam quyền năng văn hóa và đa căn tính được giáo sư Phượng nghiên cứu từ nhiều năm nay, nên trước khi lên danh sách diễn giả tham dự Hội thảo, nữ giáo sư đã tìm hiểu và trò chuyện với hàng trăm người “những nhân chứng mà tôi chọn cho Hội thảo ngày hôm nay thì tôi đã biết rất rõ về cuộc đời họ, bà chia sẻ rồi nói tiếp: “Tôi nghĩ cái làm nên sự khác biệt của những phụ nữ chúng ta mời hôm nay là ngoài cuộc đời cá nhân họ, thì họ còn nhìn ra rộng hơn, họ thấy trách nhiệm của mình đối với một cộng đồng lớn hơn. Họ có động lực đủ mạnh thúc đẩy”.
Theo bà, động lực đó có thể đến từ hoàn cảnh bên ngoài nhưng chủ yếu là nó đến từ nội tâm của mình. Bà nói tiếp: “Ví dụ chị Trần Tố Nga thì bản thân chị là nạn nhân chất độc da cam. Cái gì đã dẫn chị ấy đến câu nói rất là xúc động lòng người: “Hàng triệu người là công dân Pháp nhưng họ không bị nhiễm chất độc da cam, hàng triệu người nhiễm chất độc da cam nhưng họ không phải là công dân Pháp, chỉ có tôi hội đủ hai điều kiện đó nên may quá tôi bị nhiễm chất độc da cam”.
Câu đó nghe có vẻ rất mâu thuẫn nhưng nó lại là thật sự vì lòng chị ấy muốn đấu tranh, không phải chỉ vì bản thân chị ấy mà còn vì nhiều người khác, cùng là nạn nhân chất độc da cam, kể cả ở Việt Nam, kể cả ở Mỹ, hoặc ở các nước khác, quốc tịch khác, và vì chị hiểu cuộc đấu tranh của chị ấy là vì công lý nói chung cho nhân loại, chứ không phải chỉ vì mình”.
Giáo sư Bùi Trân Phượng
Sau đó bà nhắc đến trường hợp của nữ nhà văn trẻ tật nguyền đến từ TP Hồ Chí Minh: “Hay như bạn Trà My, bạn ấy nói có thể chọn lựa một cuộc sống vật vờ bình thường phụ thuộc, nhưng bạn ấy đã không chọn thứ đó mà lấy một cái khác, đó là làm một cái gì đó có ý nghĩa cho cuộc đời mình, và không ngừng đặt cho mình những kế hoạch những dự án ý nghĩa hơn, lớn lao hơn. Đó là từ nội lực của bạn ấy. Chuyện dấn thân và sang tạo không phải là chuyện “thấy người ta ăn khoai thì vác mai đi đào” được, bà kết luận.
Đánh giá của khách tham dự
Bà Lương Cần Nhân, một Kiều bào lâu năm tại Pháp đã tham dự tất cả các buổi giảng của giáo sư Phượng cũng như buổi Hội thảo. Bà rất xúc động khi được hiểu thêm tường tận về lịch sử phụ nữ Việt Nam từ thời Âu Cơ – Lạc Long quân, truyền thống thống Tam tòng Tứ đức xuyên qua tất cả các thế hệ và các triều đình để cho thấy rõ vai trò của từng phụ nữ ở ngay trong lòng lịch sử của dân tộc cho đến phụ nữ thời hiện đại ngày nay.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Theo bà cuộc Hội thảo đã đem lại một cảm giác tinh thần cho khách tham dự phương xa, đó là dù mình đã đi xa đất nước như thế nào, thì cái mà đã ẩn sâu trong con người mình, tức mình là người Việt Nam, cho dù đất nước, lịch sử như thế nào cũng vậy, cho dù ra sao mình cũng vẫn là người Việt Nam và tự hào là người phụ nữ Việt Nam. Bà nói: “Tôi nghĩ đây là những tấm gương tiêu biểu cho thấy rõ bản lĩnh của người Việt Nam. Người phụ nữ Việt Nam cho dù không có học hay người bình dân cũng vậy. Người phụ nữ Việt Nam rất can đảm và rất thông minh, cho nên không phải vì mình không có bằng cấp, không phải vì mình không có địa vị mà mình không có được phẩm giá rất hay và rất can đảm của người Phụ nữ Việt Nam. Tôi đánh giá rất cao người phụ nữ Việt Nam. Nói chung nếu không có người phụ nữ thì có lẽ lịch sử đất nước không được như ngày nay”, bà nhấn mạnh.
Bà Annie Noirot Maaziz, một nữ khách tham dự người Pháp đã tham dự tất cả các buổi giảng của giáo sư Phượng. Bà thổ lộ rằng với thế hệ của bà, thời sinh viên sôi nổi năm xưa gắn liền với cuộc chiến tranh chống Mỹ ở Việt Nam, khi ấy bà cũng như các đồng môn đã xuống đường tham gia biểu tình chống cuộc chiến tranh ấy.
Bà Annie Noirot Maaziz
“Tôi thực sự không biết nhiều về lịch sử Việt Nam, về phụ nữ Việt Nam. Thế nên tôi rất hứng thú khám phá về các thế hệ phụ nữ Việt Nam xuyên suốt lịch sử của đất nước, của dân tộc Việt Nam. Tôi cũng rất ngưỡng mộ nhân cách của vị nữ giáo sư. Bà giảng rất hấp dẫn, rất dễ hiểu. Đúng như cô đã nói, quả thật trước tiên là rất xúc động, sau đó ta khám phá Việt Nam thông qua lịch sử của họ, thông qua những người phụ nữ. Theo tôi đây là một chuyên đề rất thú vị cung cấp nhiều thông tin”.
Là một nhà giáo quan tâm đến cải cách giáo dục, Giáo sư TS Bùi Trân Phượng tham gia nhiều diễn đàn cũng như cho tổ chức nhiều chương trình giao lưu, tọa đàm. Những công trình nghiên cứu của bà luôn được các nhà khoa học quốc tế đánh giá là có cái mới về tri thức cũng như phương pháp. Bà đã được Tổng thống nước Cộng hòa Pháp trao tặng Huân chương Bắc đẩu bội tinh Hiệp sĩ vì những đóng góp trong việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Pháp và Việt Nam trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục vào ngày 1/7/2014.
Trường Quốc học Pháp là một cơ sở giáo dục đặc biệt, được vua François I khởi lập từ năm 1530, Trường Quốc học Pháp từng là nơi tập trung nhiều học giả lỗi lạc người Pháp và cả người nước ngoài. Không phải một đại học, cũng không phải một trường lớn, nhưng Collège de France tổ chức các khóa học cao cấp về khoa học, văn học và nghệ thuật. Các học viên không cần đăng ký trước, không đóng học phí và cũng không được cấp bằng. Những người giảng dạy tại đây là những giáo sư có uy tín, những bài giảng được tự họ soạn thảo theo chương trình mà họ đưa ra và đã được trường chấp thuận. Các giáo sư của Trường Quốc học Pháp ngày nay được xem như danh giá bậc nhất trong hệ thống giáo dục của Pháp.
Paris 6/2023
Hiệu Constant
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...