Phố Hà Nội ngày Tết – Tản văn. Uông Triều
VNTN - Hà Nội ngày nào cũng đông, thậm chí có chỗ đông đặc, đông kịt, đông đến mức muốn nhích một chân sang đường cũng khó, tắc đường đến ngạt thở nhưng cũng có một ngày, một sáng sớm thức dậy bỗng ngỡ ngàng nhận ra Hà Nội quang đãng và yên bình lạ thường: đó là sáng mồng một Tết.
Sáng mồng một Tết, phố xá Hà Nội vắng ngắt như thành phố đang chìm đắm trong một cơn mê bất ngờ hoặc mọi người đã ngủ quên từ bao giờ. Các cửa hiệu lớn trên phố Hàng Bông, Hàng Bài, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Tây Sơn… đóng kín cửa, quanh Hồ Gươm chỉ lác đác vài người đi dạo. Cầu Thê Húc vào sáng sớm bỗng lặng lẽ cong mình khoe màu đỏ kiêu kì, phố xá như rộng ra, dài ra, hun hút các ngõ nhỏ, vài chiếc lá vàng rơi dìu dịu trên phố như một điểm nhấn nhá của sự tĩnh lặng.
Nhưng sự tĩnh lặng của phố xá Hà Nội sớm ngày mùng một Tết không phải đến quá bất ngờ, nó đã được chuẩn bị từ chiều ba mươi Tết và vài hôm trước đó. Từ cỡ 23 tháng Chạp trở đi, các bến xe Mỹ Đình, Gia Lâm, Nước Ngầm… đã đông đặc hành khách lên đường về quê ăn Tết. Các ga tàu hỏa Hà Nội, Long Biên đoàn tàu đã dài như con rắn vẫn phải nối thêm toa, hành khách thì ai cũng khệ nệ hành lí chuẩn bị cho một kì nghỉ dài ngày và lách nhách những món quà mang về cho gia đình nơi xa. Con tàu dài và nặng chầm chậm chuyển bánh vượt sông Hồng, bánh xe nghiến ken két trên đường ray gò mình về Hải Phòng, Lạng Sơn, Lào Cai và tỏa ra khắp nơi cả nước. Chiều muộn ngày ba mươi vẫn có những chuyến xe, chuyến tàu vét những hành khách cuối cùng rời khỏi Hà Nội, bớt đi một lượng lớn người vẫn sinh sống, học tập, làm việc ở Thủ đô hàng ngày.
Chiều ba mươi Tết, phố xá Hà Nội đã vắng dần, hầu hết các cửa hiệu đã đóng cửa để dọn dẹp đón năm mới, nhưng trên các con phố thỉnh thoảng vẫn thấy các quầy hàng bán rau mùi già để đun nước tắm cho thơm người theo phong tục cổ truyền. Ở các khu chợ, siêu thị vẫn còn nhộn nhịp người mua sắm, nhất là khu chợ hoa, chợ bán đồ cổ ở ngã năm mấy phố hàng Mã, hàng Cân, hàng Lược, hàng Đồng... Chợ hoa đông vì người ta đi mua vét những cành hoa cuối cùng với giả rẻ hoặc lượn qua chợ đồ cổ để lượm những món hàng vừa ý mà có thể vì người bán muốn về nhà mà bán rẻ. Tuy thế, vào chiều muộn, trên phố Phan Đình Phùng, một trong những con phố đẹp nhất của Hà Nội, nổi tiếng vì có ba hàng cây sấu cổ thụ và nhiều biệt thự Pháp, chị lao công vẫn miệt mài quét những chiếc lá cuối cùng để chuẩn bị chu đáo cho ngày đón năm mới thật sạch sẽ.
Chiều ba mươi, phố Hà Nội vắng dần nhưng gần đến giao thừa phố xá lại đông vui rộn rã vì mọi người đổ ra đường để xem bắn pháo hoa và đi dạo phố để tận hưởng cảm giác se lạnh của thời khắc trời đất chuyển giao trong đêm cuối cùng của năm. Đêm ba mươi Tết thành phố không ngủ, quanh bờ Hồ và các quảng trường lớn đông nghịt người. Trai gái đưa nhau đi chơi, ông bà già ra ngắm phố, trẻ con háo hức xem bắn pháo hoa và những người nước ngoài thì quan sát và thưởng thức một không khí đón Tết ấm cúng, đông vui ở một nước Á Đông xa lạ.
Đêm ba mươi Tết, phố xá rực ánh đèn, sắc màu và pháo hoa. Các phố lớn như Phan Đình Phùng, Láng Hạ, Hai Bà Trưng, Bà Triệu… đèn trang trí lung linh đủ màu. Người người đi trong màu sắc rực rỡ và âm thanh của thời khắc giao thời, ai cũng háo hức chờ đón một năm mới. Giao thừa vừa xong người ta lại đổ về chùa Quán Sứ, Trấn Quốc, phủ Tây Hồ… xin lộc cầu may.
Ảnh: Đào Tuấn
Đêm ba mươi Tết phố thức khuya nên sáng mùng một, phố yên bình và tĩnh lặng như những ngày rất xưa. Phải đến 9h sáng trở đi phố xá mới bắt đầu đông, người Hà Nội thích du xuân vào buổi chiều nên từ khoảng 2h chiều, đường phố mới nhộn nhịp người đi chơi, chúc Tết. Điểm đến ưa thích vẫn là những ngôi chùa lớn nổi tiếng linh thiêng, ngoài Quán Sứ, Trấn Quốc, Bà Đá còn có phủ Tây Hồ, đền Quán Thánh, đền Bạch Mã…
Lạ nhất là ngày mùng một Tết thường khá lạnh mà người Hà Nội vẫn ăn kem. Người lớn, trẻ em, thanh niên ai cũng thích món kem truyền thống nổi tiếng trên phố Tràng Tiền. Trời lạnh mà hàng kem vẫn đông, có khi phải xếp hàng dài mới đến lượt mình.
Phố Tết Hà Nội như thế, yên bình vào sáng mùng một rồi cứ ồn ào đông đúc dần dần. Đến một ngày, dù có thức dậy sớm thì vẫn thấy phố ồn ã, nườm nượp người xe, lại phải chờ đến sang năm để có một buổi sáng bình yên, dịu dàng và thư thái đến thế…
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...