Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
14:24 (GMT +7)
ĐƯA NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ XIX VÀO CUỘC SỐNG

Phát triển kinh tế “họ” ở Phú Bình

 

Kinh tế hộ gia đình là một hình thức kinh tế cơ bản và tự chủ trong nông nghiệp. Nó được hình thành và phát triển một cách khách quan và lâu dài dựa trên tư hữu các yếu tố sản xuất, là loại hình kinh tế có hiệu quả phù hợp với sản xuất nông nghiệp, thích ứng, tồn tại và phát triển trong mọi chế độ kinh tế - xã hội. Ở huyện Phú Bình, không những kinh tế hộ phát triển mạnh, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng Nông thôn mới, mà đặc biệt, có nhiều mô hình kinh tế “họ” - giữa các hộ có yếu tố họ hàng, chòm xóm - mang lại hiệu quả và sự phát triển bền vững, rất đáng chú ý.

Gây dựng một làng nghề

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Dương Đình Vui ở xóm Tân Sơn 8, xã Xuân Phương, huyện Phú Bình. Trước đây, gia đình ông cũng khó khăn như bao hộ làm nông nghiệp ở địa phương, hơn nữa, với 7 người con, ông bà cũng không đủ kinh tế để cho các con đi học các trường chuyên nghiệp. Năm 1987, khi người con trai cả Dương Đình Tuyến (sinh năm 1972) học xong cấp 2, ông gửi đến người nhà ở Linh Sơn (nay thuộc TP. Thái Nguyên) học nghề mộc. Sau đó, anh Tuyên về mở quầy nhận đóng đồ (bàn, ghế, giường, tủ…) cho nhân dân địa phương, đồng thời truyền dạy cho các em cùng làm. Khi ấy, Xuân Phương là một xã thuần nông, dịch vụ hầu như không có gì. Quanh trong xã, mới có độ 2-3 người làm nghề mộc, nhưng chủ yếu họ đóng tràng kỷ và đục đẽo kèo cột để dựng nhà. Nói về đóng đồ gia dụng, ông Vui khẳng định: anh Tuyến là người đầu tiên làm nghề.

 

Trang trại nuôi gà đẻ trứng để chuyển sang ấp ra con giống của gia đình anh Lê Duy Thạch, xóm Na Ri, xã Tân Khánh (Phú Bình)

Ông Vui kể lại: Lúc mới vào nghề, cũng gặp không ít khó khăn, gia đình phải lập dự án để vay ngân hàng 2 triệu đồng. Nhưng vừa có sản phẩm thì “nạn” đề đóm tràn đến, tàn phá kinh tế khiến hàng hóa làm ra không ai mua. Gia đình phải bán đi 1 con trâu để trả nợ ngân hàng, rồi quay về làm nông nghiệp, thậm chí đi gánh lúa, cày thuê… để mưu sinh.

Bước sang thời kỳ đổi mới, nhu cầu đồ mộc tăng dần, 5 người con trai nhà ông Vui dần dần theo nhau làm mộc. Rồi cứ phát triển dần lên, họ hàng, hàng xóm láng giềng cũng cho con em tham gia. Sau khi biết làm mộc, một số được cho đi học thêm ở Đồng Kỵ (Bắc Ninh), tiếp cận với mẫu mã, công nghệ, kinh nghiệm để trở về áp dụng vào sản xuất. Làng nghề mộc Phương Độ, xã Xuân Phương được nhen nhóm từ đấy. Sản phẩm mộc gia dụng dần có thương hiệu, không thua kém Đồng Kỵ, được thị trường trong và ngoài tỉnh chấp nhận. Năm 2010, UBND tỉnh đã công nhận Làng nghề mộc, mỹ nghệ Phương Độ, xã Xuân Phương (Phú Bình) là làng nghề truyền thống. Các hộ dân trong Làng nghề đã không ngừng đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại, qua đó, góp phần hạn chế lao động thủ công, đồng thời, tạo ra các sản phẩm ngày càng tinh xảo, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Dọc trục đường liên xã từ Quốc lộ 37 tới đình Phương Độ hiện có trên 40 hộ làm nghề và kinh doanh sản phẩm. Hộ sản xuất, kinh doanh ở mức trung bình cũng cho doanh thu trên dưới 1 tỷ đồng mỗi năm; tạo việc làm ổn định cho 3 - 4 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 3 đến 6 triệu đồng/người/tháng.

Hợp tác chăn nuôi

Ở xã Tân Khánh (Phú Bình) ai cũng biết đến Hợp tác xã (HTX) Gà đồi Đông Thịnh do ông Nguyễn Văn Thịnh làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc; ông Nguyễn Văn Tuyên làm Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Giám đốc. Ông Thịnh và ông Tuyên vốn là hàng xóm thân thiết như anh em ruột thịt, lại cùng đam mê nghề chăn nuôi, vì vậy đã bàn cách phối hợp với nhau làm kinh tế. Năm 2002, hai anh em đã huy động, tập hợp được trên 30 người để thành lập Câu lạc bộ chăn gà nhằm trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau, mang lại hiệu quả kinh tế. Năm 2012, được Hội Nông dân huyện và xã Tân Khánh tạo điều kiện, Câu lạc bộ chuyển thành Tổ HTX, chủ yếu là anh em, họ hàng thân thích. Năm 2014, phát triển lên thành Hợp tác xã Gà đồi Đông Thịnh với 10 hộ thành viên và 20 lao động chính.

Các hộ trong HTX chủ yếu là chăn nuôi gà, tận dụng điều kiện vườn, đồi rộng rãi. Bình quân, mỗi năm xuất chuồng 2,5 lứa gà thịt, mỗi lứa khoảng 35 - 40 nghìn con, giá bán hiện tại từ 50 - 65 nghìn đồng/kg tùy loại. Hầu hết gà thương phẩm của HTX được thương lái đến mua tận nơi, thu nhập mỗi hộ hàng trăm triệu đồng/1 năm, cao hơn nhiều so với trồng trọt. Ngoài ra, có hộ còn đầu tư lò ấp trứng để sản xuất con giống, nuôi thêm lợn, cá, trâu, bò, dê, cừu và chim bồ câu. Để tăng cường kỹ thuật, HTX tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm, bồi dưỡng kiến thức thú y cho các thành viên. Bên cạnh đó, từ khi hoạt động theo mô hình HTX, Đông Thịnh luôn được sự quan tâm, giúp đỡ của Hội Nông dân các cấp, đặc biệt là giúp đỡ về kỹ thuật, tư vấn hướng đi cho đơn vị. Hiện tại, HTX đang triển khai dự án Chăn nuôi gà công nghệ cao an toàn sinh học do Trung tâm Khuyến nông, Sở NN&PTNT tỉnh hỗ trợ, đồng thời hướng đến thị trường tiêu thụ sản phẩm tại các bếp ăn tập thể, các khu công nghiệp để tăng được giá bán, tránh khâu trung gian.

Ông Nguyễn Anh Võ, Phó Chủ tịch phụ trách UBND xã Tân Khánh cho biết: trên địa bàn xã hiện có 11 tổ hợp tác (gồm 6 tổ nuôi gà; 4 tổ nuôi cá; 1 tổ làm vườn) và 1 HTX (Gà đồi Đông Thịnh). Kinh tế hợp tác có thể giúp đỡ nhau hỗ trợ về vốn, kinh nghiệm sản xuất, đầu vào và công tác bao tiêu nhanh, dễ, kịp thời, vì vậy UBND xã khuyến khích thành lập các tổ hợp tác sau đó hình thành các HTX.

Cùng quyết tâm phát triển kinh tế nhờ chăn nuôi, ông Nguyễn Văn Phấn, xóm Núi Chùa, xã Tân Kim kể: Năm 1986, ông bán nhà cửa, ruộng vườn ở Động Đạt (Phú Lương) để chuyển gia đình về xóm Núi Chùa sống gần chị gái là bà Dương Thị Tuyết. 6 gia đình con cháu, họ hàng sống quây quần bên nhau, cùng giúp nhau làm ăn, phát triển kinh tế. Hầu như nhà ai cũng có 1 trang trại để nuôi bò, lợn, gà, vịt. Thời điểm chăn nuôi “lên ngôi”, mỗi nhà nuôi vài nghìn con gà, hàng trăm con lợn. Anh Nguyễn Văn Thuận, con út của bà Tuyết còn mạnh dạn làm dịch vụ, từ máy khâu, xay sát đến bán hàng tạp hóa, vì vậy kinh tế phát triển mạnh. Anh Thuận đã có một cơ ngơi “kha khá”: 2.000m2 đất trang trại, 9 con bò, 3 sào ao cá, 1 ngôi nhà 3 tầng, mỗi sàn hơn 110m2, 1 xe con 4 chỗ trị giá 700 triệu đồng phục vụ sinh hoạt của gia đình…

Ông Bùi Văn Thái, Trưởng xóm Núi Chùa cho biết: trong xóm có 138 hộ, chủ yếu phát triển kinh tế nhờ chăn nuôi gia súc, gia cầm. Họ gia đình nhà ông Phấn là điển hình về lập nghiệp. Các thành viên luôn đoàn kết, chấp hành tốt mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, gương mẫu trong các hoạt động. Trong làm ăn kinh tế, mọi người luôn chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau, nên kịp thời hỗ trợ, giúp nhau vượt qua khó khăn, nhất là khi gặp biến động (dịch bệnh, mất giá…), bởi vậy kinh tế của các gia đình này rất “vững”.

Nuôi dưỡng những “tế bào” kinh tế

Kinh tế hộ đóng vai trò quan trọng trong việc đổi mới kỹ thuật sản xuất, là nơi tích lũy kinh nghiệm sản xuất, đồng thời cũng là nơi áp dụng khoa học mới vào sản xuất, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới ở vùng sản xuất nông nghiệp.

Những mô hình phát triển kinh tế giữa các hộ là họ hàng, chòm xóm như trên không phải hiếm ở Phú Bình. Theo ông Phạm Đăng Ninh, Phó Trưởng phòng, phòng NN&PTNT huyện: trên địa bàn huyện Phú Bình hiện có 35 HTX, 254 trang trại, trong số đó, không ít các HTX, tổ, nhóm, câu lạc bộ được hình thành nhờ sự liên kết các thành viên có mối quan hệ họ hàng hoặc hàng xóm thân thiết. Nhờ đóng góp của mô hình kinh tế này, những năm qua, kinh tế nông nghiệp của huyện đã có những chuyển biến tích cực theo hướng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị.

 

Anh Dương Đình Toàn (người bên phải), con trai thứ 3 của ông Vui, chủ hộ đồ gỗ Toàn Loan đang giới thiệu sản phẩm của gia đình với khách hàng.

Ông Thái Quang Hải, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện cho biết: Để phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, Huyện ủy, UBND huyện đã ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 10/NQ/TU ngày 21/10/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Dựa trên tiềm năng, thế mạnh và lợi thế của từng vùng, Huyện khuyến khích các phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung áp dụng công nghệ cao. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về kinh tế tập thể giúp các tầng lớp xã hội hiểu đầy đủ hơn vai trò, vị trí của kinh tế tập thể trong kinh tế thị trường; hình thành mô hình Hợp tác xã kiểu mới, tạo được môi trường thuận lợi cho sự phát triển kinh tế tập thể. Hình thành các vùng chăn nuôi tập trung tại các xã có lợi thế chăn nuôi như: Tân Khánh, Tân Thành, Tân Hòa, Tân Kim, Bàn Đạt,… Các vùng sản xuất lúa tập trung tại các xã: Tân Đức, Thanh Ninh, Lương Phú, Xuân Phương.

Đại hội XII của Đảng định hướng phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, đồng thời khẳng định “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật”. Thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình, trong đó có các nhóm, tổ, HTX gồm chủ yếu là các thành viên trong họ hàng, chòm xóm cũng là một hướng đi cần được quan tâm, góp phần giúp người dân phát huy lợi thế, mở rộng quy mô sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh, phát triển bền vững, làm thay đổi diện mạo quê hương.

Trần Thép

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Xuân về một dải biên cương

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Nghiêng mình bên xứ lạ

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Nơi ngày xuân vương vấn niềm thương

Xem tin nổi bật 3 tháng trước