Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế quan trọng
VNTN- Ngày 22/12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Tại điểm cầu Thái Nguyên, đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Cùng dự còn có đại diện lãnh đạo các sở ban ngành trong tỉnh.
Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước. Qua số liệu ước tính, giá trị tăng thêm (giá hiện hành) của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào nền kinh tế năm 2018 đạt 5,82%; năm 2022 đạt 4,04%. Giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018 - 2022 đóng góp ước bình quân đạt 1,059 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 44 tỷ USD).
Giai đoạn 2018 - 2022, tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa ước đạt 7,2%/năm; năm 2022 thống kê có khoảng 70.321 cơ sở đang hoạt động; lực lượng lao động tăng khá nhanh, năm 2022 thu hút khoảng 2,3 triệu lao động, chiếm tỷ trọng 4,42% trong tổng lực lượng lao động của nền kinh tế. Xuất nhập khẩu sản phẩm, dịch vụ của các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn 2018 - 2022 tạo ra giá trị xuất siêu, năm 2022 xuất siêu đạt 41,9 tỷ USD.
Giai đoạn 2018 - 2022, các bộ, ngành, địa phương đã kịp thời chỉ đạo và phê duyệt các kế hoạch, đề án, quy hoạch liên quan đến phát triển 12 ngành công nghiệp văn hóa, bước đầu đã tạo cơ sở pháp lý, điều kiện cho đầu tư, phát triển một số ngành nghề, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế. Nhận thức của toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của công nghiệp văn hóa từng bước được nâng cao.
Mục tiêu chung đến năm 2030, nước ta phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế quan trọng, trong đó tập trung phát triển có trọng tâm, trọng điểm một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế nhằm đạt mục tiêu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP và tiếp tục góp phần phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Riêng đối với tỉnh Thái Nguyên, thời gian qua đã triển khai nhiều nghị quyết, đề án, chương trình hành động cụ thể như tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi thu hút doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đầu tư vào các hoạt động dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch, tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ đầu tư phát triển nguồn nhân lực.
Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Thái Nguyên đã phân bổ được 4.562 tỉ đồng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn cho 70 công trình, dự án lĩnh vực văn hóa - xã hội và 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, chiếm gần 18% tổng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh. Đồng thời ban hành các chính sách đặc thù để tạo đà phát triển ngành công nghiệp văn hóa có lợi thế của tỉnh là du lịch văn hóa với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất và người Thái Nguyên với bạn bè trong nước và quốc tế được quan tâm đẩy mạnh. Tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan báo chí dành thời lượng thích hợp để đưa tin, bài, ảnh, phóng sự… giới thiệu về du lịch, văn hóa, lịch sử. Phối hợp với các kênh truyền hình đối ngoại của Trung ương tuyên truyền bằng tiếng Việt và tiếng Anh quảng bá, giới thiệu về Thái Nguyên như VTC 10 NETVIET, kênh VTV 4 Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Đầu tư (phiên bản tiếng Anh)…
Một số lĩnh vực của ngành công nghiệp văn hóa đang phát triển như: phát thanh - truyền hình; quảng cáo; xuất bản; du lịch văn hóa; giải trí. Có hơn 1.000 di tích lịch sử trong đó có 302 di tích được xếp hạng gồm: 01 Khu di tích quốc gia đặc biệt (với 13 điểm di tích); 57 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 232 di tích xếp hạng cấp tỉnh và 19 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và nhiều “địa chỉ đỏ” về du lịch văn hóa lịch sử về nguồn như: Khu di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, Di tích lịch sử Quốc gia Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái; cùng với các điểm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng chất lượng cao được triển khai như: Dự án khu du lịch quốc tế 5 sao Hồ Núi Cốc, Dự án sân gôn Glory Phổ Yên…
Có thể nói, việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Thái Nguyên đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, tạo thêm việc làm ổn định cho người dân và tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa có tính cạnh tranh cao, đóng góp cho nền kinh tế địa phương.
Tại Hội nghị, đại diện các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương phát biểu thảo luận liên quan đến các nội dung: thực trạng, mục tiêu, các cơ chế, chính sách phát triển các lĩnh vực: xuất bản, truyền hình và phát thanh, phần mềm và các trò chơi giải trí; định hướng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại địa phương…
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương trong triển khai thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời chỉ rõ những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong thực hiện Chiến lược.
Thủ tướng đề nghị trong thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức cần quyết tâm, nỗ lực cao hơn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm; chủ động, phối hợp chặt chẽ, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp văn hóa. Khuyến khích sự tìm tòi, sáng tạo, tôn trọng tự do sáng tạo; chú trọng phát triển những ngành có nhiều tiềm năng, lợi thế như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa… để đến năm 2030 giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp cao vào GDP. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương liên quan tập trung tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý Nhà nước, xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, cách tiếp cận phù hợp, bình đẳng về chính sách thuế, đầu tư, đất đai, tín dụng và các chính sách khác.
Anh Thắng
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...