Chủ nhật, ngày 08 tháng 09 năm 2024
07:38 (GMT +7)

Ơi con sông quê hương

Sông Cầu, đoạn chảy qua thành phố Thái Nguyên. Ảnh: Việt Hùng
Sông Cầu, đoạn chảy qua thành phố Thái Nguyên. Ảnh: Việt Hùng

“Quá nửa đời phiêu dạt, con lại về úp mặt vào sông quê”. Cứ nghe câu hát ấy tôi lại thấy lòng nao nao đến lạ. Lại thấy đâu đây tiếng vọng của dòng sông vẫn mồn một trong sâu thẳm lòng mình. Lại thấy như mình đã vô tình lãng quên con sông tháng ngày vẫn lặng thầm chia sẻ những yên vui, no ấm và cả những nhọc nhằn với quê hương.

Sông Cầu được bắt nguồn từ xã Phương Viên huyện Chợ Đồn tỉnh Bắc Kạn. Khởi nguồn chỉ là con suối róc rách chảy quanh co bên dãy núi Phja Bjooc, rộng dần qua miền trung du, đồng bằng, mang nặng phù sa và cả nền văn hóa đôi bờ. Đầu nguồn đượm câu sli câu lượn, xanh thắm sắc chàm, in bóng mái nhà sàn, dáng núi, dáng cây. Cuối nguồn mang theo làn quan họ, làn điệu chèo, trên dòng in bóng những con thuyền xuôi ngược, những rặng tre đôi bờ xõa tóc soi xuống dòng sông.Nó đã qua các tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên, xuôi về Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương hợp với sông Thương rồi sông Thái Bình ra biển với chiều dài gần 300km. Câu nói quen thuộc “sông Cầu nước chảy lơ thơ” chỉ đúng từ khúc sông của thành phố Thái Nguyên xuôi xuống. Ngược dòng, chỗ thì do độ dốc, chỗ lại do dòng chảy gấp khúc, uốn lượn quanh dáng núi mà dòng chảy xiết hơn. Có khúc nhẹ nhàng êm trôi, có khúc ào ào tiếng réo bên vách núi đêm ngày.Dòng sông vào đất Thái Nguyên từ đầu huyện Phú Lương.Địa danh cuối cùng nó quatrên địa phận Thái Nguyên là xã Thuận Thành huyện Phổ Yên rồi tiếp tục chảy vào địa phận Bắc Giang.

Lúc còn nhỏ tôi cứ nghe ông bà, bố mẹ nói đến đập Ba - đa - tắc - cun là háo hức, muốn đến xem con đập dài rộng thế nào. Lớn lên tận mắt chứng kiến mới biết là một công trình thủy lợi xây dựng từ thời Pháp thuộc. Nó chắn dòng sông Cầu lại nơi tiếp giáp với huyện Phú Bình, điều chỉnh một phần dòng nước theo con sông đào tưới tiêu cho huyện Phú Bình Thái Nguyên và các cánh đồng của tỉnh Bắc Giang. Chính có con đập này nên đoạn sông từ đập lên thành phố Thái Nguyên nước chảy êm đềm hơn.

Tôi đã lớn lên bên sông, đoạn sông Cầu ôm lấy phía đông thành phố Thái Nguyên. Những vui buồn bên sông có cả. Những kỷ niệm tuổi thơ bên sông cũng nhiều. Bao đổi thay của cuộc sống đã làm con người sướng vui hơn, mà sôngthì thấyngày càng già nua, mà sông ngày càng oằn lưng chịu những hậu quả từ con người.

Cách đây mấy chục năm, tôi nhớ đôi bờ, đời sống người dân còn gian khó nhưng thanh bình lắm. Cảnh con sông cũng hoang sơ với những rặng tre và soi bãi ven bờ. Cách một đoạn sông lại có một bến đò với hai đầu bến vẹt mòn. Chỉ từ đập Ba đa lên đến cầu Gia Bẩy thành phố Thái Nguyên khoảng mấy cây số đã có năm bến đò. Bến đò xóm Cậy đưa khách qua con sông đào đi Phú Bình. Bến đò Bầu Trám, Huống Trung đưa khách của xã Huống Thượng sang thành phố Thái Nguyên. Bến đò Ngọc Lâm và Bến Đò lại đưa khách của xã Linh Sơn và các xã lân cận qua sông. Những con đò gỗ tháng ngày dập dềnh qua lại.Tiếng gọi đò ơi thi thoảng vang vọng nơi hai đầu bến. Có lẽ cảnh vật càng hoang sơ càng gần gũi, gắn bó với con người. Con sông một thời trong trẻo, mát lành với muôn loài. Mỗi năm vài bận nước sông lên to vào mùa hè. Thi thoảng có trận lụt nước dâng khắp cánh đồng bờ bãi. Cũng có những thất bát mùa màng, cũng có những vất vả cực nhọc sau lũ lụt, nhưng phù sa lại như một thứ thuốc nhiệm màu cho màu xanh cây lá đôi bờ. Rồi sông lại xanh trong, lại mát lành cho con người tắm giặt, tưới tiêu hoa màu. Cá tôm lại thi nhau lượn quẫy cho mặt sông sống động.

Ngày nhỏ, tôi hay được mẹ cho đi chợ cùng.Lần đi qua bến Ngọc Lâm, lần đi qua bến Bến Đò vì hai bến rất gần nhau. Tôi nhớ bến Bến Đò vẹt xuống như một cái hào rộng, mùa hè nước đầy đỡ phải xuống dốc hơn, mùa đông nước cạn xuống bến là cái dốc rất sâu. Ló đến đầu bến là ai cũng hướng mắt xuống con đò. Thấy đò còn đậu ở bến thì cứ khoan thai mà xuống. Thấy đò đã ra vài sải, vừa chạy vừa gọi đò ơi. Thấy đò ở bến bên chưa sang thì ngồi đợi mà chuyện trò bên nhau rôm rả. Khối câu chuyện vui, khối bài học được truyền tai nhau ở lúc đợi đò. Người làng này quen biết người làng kia có khi cũng lúc đợi đò. Nhiều anh chị bén duyên nhau cũng vậy. Đợi đò, khi có việc vội thì hơi sốt ruột, nhưng nó đem lại sự gắn kết với nhau nhiều hơn. Khi xuống đò cùng ngồi bên nhau, tình người như gần lại. Người khỏe giúp người yếu lên xuống đò, nhường nhau chỗ ngồi như một nếp quen đã có từ lâu. Tôi thích nhất cái cảm giác lúc đò cập bến. Biết sẽ nhao người theo quán tính mà vẫn dúi vào nhau giữa những tiếng cười vui nhộn. Hình như con đò cố tình tạo một cú hích cuối cùng để trêu ghẹo khách đi đò.

Nhiều lúc nhớ lại bài thơ “Nhớ con sông quê hương” của nhà thơ Tế Hanh đã thuộc lòng một thời đi học, lại thấy những hình ảnh ấy sao đúng như con sông quê mình, sao đúng với tâm trạng mình một thời lặn ngụp bên sông.“Quê hương tôi có con sông xanh biếc/Nước gương trong soi tóc những hàng tre/Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè/Tỏa nắng xuống lòng sông lấp lánh.”

Ngày ấy, nhìn dòng nước con sông trong xanh đã thấy lòng dịu mát, đã muốn sà xuống vẫy vùng để sóng sông mơn man vỗ vào lồng ngực, để hít hà hớp những ngụm nước mát lành vào miệng. Để được “Tôi dang tay ôm nước vào lòng/ Sông mở nước ôm tôi vào dạ.”Mùa hè trên bến sông quê tôi vui lắm. Chiều mát trên bến rất đông người tắm giặt. Tôi vẫn nhớ hình ảnh người lớn thường cuộn chiếc chiếu lại vung tay đập mạnh xuống mặt nước phát ra tiếng nổ như tiếng pháo. Những năm ấy vẫn còn khối người giặt quần áo theo kiểu một thời xa xưa, vỗ bồm bộp trên tay có nhịp có phách hẳn hoi làm nên một âm thanh sống động mặt sông. Bọn trẻ con chúng tôi thì thi nhau leo lên cành cây sung ven bờ rồi lần lượt hô nhau nhảy xuống. Những con cá mương nổi lên từng đàn quanh con người, có lúc chúng còn đùa nghịch rỉa vào da thịt buồn buồn rất dễ chịu. Sông Cầu với tuổi thơ tôi là những ngày tháng gắn bó thật gần gũi êm đềm.

Thập kỷ bảy mươi, chiếc cầu phao do TyGiao thông Bắc Thái lắp ghép bằng những thùng phi và những mảng tre xuất hiện trên bến Oánh. Con đò trên bến Bến Đò lùi vào dĩ vãng. Cả đoạn sông từ cầu Gia Bảy đến đập Bađa còn lại bốn bến đò. Chiếc cầu phao Bến Oánh những năm ấy như một cái gạch nối cho cả xã Linh Sơn và những vùng lân cận lưu thông sang thành phố.Tôi đã mấy năm đi học qua cây cầu đơn sơ ấy. Nó chỉ cách mặt nước vài gang tay. Những chiếc thùng phi dập dềnh, tiếng lọc cọc mỗi bước chân vang khắp mặt sông. Trời nóng có thể khỏa chân xuống dòng nước mát lành. Rồi những tháng năm xa cách trong quân ngũ, về đến sông là lòng bỗng nhiên dịu mát lạ thường.

Thời gian trôi, đầu năm hai nghìn thì không còn bến đò nào trên đoạn sông này. Cầu phao Bến Oánh và Huống Thượng đã có cầu treo. Bến đò Ngọc Lâm, Huống Trung, Làng Cậy đã có cầu phao. Bây giờ cầu treo đã cách mặt sông hơn chục mét, nước to, nước nhỏ không phải đi đò. Người xe tấp nập vùn vụt qua cầu. Tôi đã nhiều bận đứng trên cây cầu nhìn ngắm. Quả thật có con sông, nó như tấm gương phản chiếu cảnh đẹp đôi bờ, nó làm bức tranh quê tôi yên ả, nên thơ. Có không ít những đôi uyên ương đã lưu gữi trong an bum ảnh cưới trên các cây cầu treo trên sông này. Nhiều nhà nhiếp ảnh Thái Nguyên cũng chớp được cái hồn rất riêng của con sông. Đôi bờ sông bây giờ bóng dáng những ngôi nhà cao tầng san sát. Những tháp chuông nhà thờ cao vút xa xa. Quê hương tôi đang thay đổi từng ngày.

Đã bao năm con sông Cầu ôm lấy thành phố Thái Nguyên, trong tương lai thành phố lại ôm con sông vào lòng. Con sông nghìn năm vẫn trọn tình với con người. Mùa hè, mùa đông, mùa xuân, mùa hạ sông vẫn cần mẫn trải phù sa, tưới mát cho đôi bờ. Sông vẫn hát ru con người bằng mùa màng trĩu hạt, bằng hoa trái đơm bông. Sông đã khởi nguồn từ vùng đất ATK lịch sử, đã thấm đẫm những thương đausau trận ném bom cầu Gia Bảy của Đế quốc Mỹ ngày 17/10/1966. Sông đã cùng con người đói khổ, sướng vui suốt một hành trình giữ nước và dựng xây. Tôi linh cảm thấy rằng, ở một thời gian khó, tình người với sông gắn bó hơn. Và dần dần đời sống càng đi lên, sự gắn bó ấy càng phai nhạt dần. Tôi chưa bao giờ được đặt chân đến Châu Âu, nhưng cũng cảm nhận được, ở những nước phát triển thì tài nguyên thiên nhiên, nhất là nguồn nước với họ là cực kỳ quý báu. Phải chăng, họ đã trải qua bài học của sự đánh mất mà không bao giờ làm lại được.Chúng ta đã có dự án đưa con sông vào trong thành phố, đã qua mấy lần hội thảo.Đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt điều chỉnh qui hoạch chung cho thành phố ngày 20/12/2015, mở rộng địa giới hành chính thành phố sang các xã Linh Sơn và Huống Thượng.Tôi ước ao, đó là điểm nhấn để mở ra một diện mạo mới của con sông.

Nếu dự án ấy được thực hiện. Điều tôi tâm đắc nhất là con người đã chú trọng đến dòng sông, đã không bỏ rơi con sông mà thiên nhiên ban tặng. Một tài nguyên quý giá vô cùng, nó là màu xanh của cây lá, là sự sống muôn đời đến mai sau. Tôi cứ nghĩ đến một tình huống mà thấy giật mình. Giả sử thời tiết thay đổi bất thường, nhiều tháng mùa hè không có hạt mưa. Lúc ấy, mọi sinh hoạt và đời sống con người sẽ có bao điều xáo trộn. Thất bát mùa màng, thiếu nước sinh hoạt, bệnh tật phát sinh. Và có lẽ lúc đó người ta mới thấy quý dòng sông như thế nào.

Ừ thì hãy tin một dự án được tính toán kỹ càng thì sớm muộn cũng trở thành hiện thực, nhưng những hiển hiện hôm nay thì còn nhiều lắm nỗi buồn, cả lo lắng nữa. Dòng sông mãi còn đó, nó không thể mất đi dù con người có tệ bạc thế nào. Hãy so với mấy chục năm về trước, đời sống con người còn nhiều thiếu thốn con sông vẫn trong veo chảy bốn mùa. Giờ đời sống lên gấp nhiều lần, con sông cũng vẫn tháng ngày trôi chảy. Chỉ khác, bây giờ mặt sông lặng như tờ, không người tắm giặt bơi lội, cá cũng không nổi từng đàn như xưa nữa.Không phải bây giờ có nước máy, máy giặt, nóng lạnh thì con người không cần sông. Ai cũng hiểu độ sạch của dòng nước bây giờ thế nào. Dòng sông đương nhiên trở thành cái mương thoát nước thải của nhà máy, xưởng chế biến, của các khu dân cư đang ngày càng tăng nhanh. Tôi cứ hình dung một gia đình mỗi ngày xả ra môi trường một lượng rất nhỏ hóa chất từ giặt giũ, rửa chén bát. Vậy nhưng hàng vạn, hàng triệu gia đình thì đã tạo thành số lượng khổng lồ. Rồi trên các cánh đồng còn dư thuốc bảo vệ thực vật. Rồi túi ni lông, rác thải tồn đọng trong khắp ngõ ngách làng quê. Một trận mưa to, ùn ùn trôi ra sông tất. Tất cả hệ thống cống to, cống nhỏ trong thành phố cuối cùng đều chảy cả ra sông.Đến mùa nước cạn, đứng trên cầu phao gần mặt sông không thể chịu được mùi nước phả lên.

Mỗi dịp ông Công, ông Táo cuối năm, mọi người thi nhau thả cá ra sông. Đáng ra đây là niềm vui mới phải. Dù là niềm tin tín ngưỡng nhưng ít ra con người cũng đang trả lại môi trường những con giống để chúng sinh sôi. Vậy mà lại là điều thật buồn. Những con cá nuôi kia liệu thả xuống có sống nổi trong môi trường nước này mà nhân lên nòi giống. Có nhiều tổ chức, cá nhân hàng tháng vẫn tự nguyện phóng sinh một số lượng cá ra sông. Họ đang làm một việc có ích, nhưng lòng lại vẫn nặng trĩu vì thấy thực tại của dòng nước bây giờ. Chỉ khi nào quy hoạch điều chỉnh mới của thành phố, con sông Cầu là chủ thể nằm trong lòng thành phố, khi đó dòng sông mới được xử lý, trả lại sự trong lành. Tôi nghĩ làm được điều đó phải dài lâu, cần sự chung tay của cả xã hội chứ không thể một sớm một chiều.

Khi nghĩ về tương lai của con sông quê mình, tôi vẫn hy vọng một ngày nó sẽ phải đẹp hơn lên, phải sạch hơn lên để tương xứng với nhu cầu cuộc sống ngày càng hiện đại văn minh của thành phố, của cuộc sống con người. Chỉ một khi con sông được trong sạch, hữu ích, nó mới là chiếc gương phản chiếu cái đẹp, cái bản sắc cho đôi bờ, nó mới phản chiếu tầm văn hóa của con người bên sông. Mong thì mong thế nhưng tôi biết nó còn phụ thuộc vàosự quyết tâm giữ gìn của cả xã hội trước một tài sản vô giá của hôm nay và của cả mai sau.

Ơi con sông quê tôi!

Bút ký. Phạm Quý

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy