Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
19:51 (GMT +7)

Nữ nhà báo duy nhất trong Ban Chấp hành lâm thời Hội Nhà báo Việt Nam (1950)

Bà nhắc tôi nhớ tìm tấm ảnh nhà báo Pháp Léo Figueres - Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Pháp - cùng những người viết báo Việt Nam thăm vùng tự do Việt Bắc (1950). Bà Như Quỳnh, phóng viên báo Phụ nữ Việt Nam, là nhà báo nữ duy nhất trong ảnh. Trên vai còn đeo túi vải do bà tự may.

Sau Đại hội thành lập Hội Những người viết báo Việt Nam năm 1950 tại An toàn khu Việt Bắc (xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên ngày nay), bà Như Quỳnh làm Phó Tổng thư ký. Nhà báo Như Quỳnh kể lại: “Hồi đó ông Xuân Thủy làm Chủ tịch Hội, Tổng thư ký là Nguyễn Thành Lê”.

Từ báo “Tiếng gọi phụ nữ”

Mỗi khi vào Sài Gòn, tôi đều đến thăm bà ở ngôi nhà nhỏ trên đường Trần Tuấn Khải, quận 5. Kỹ sư Lê Võ Bạch Thông, con trai bà, kể cho tôi biết: Về hưu, bà dịch sách tài liệu tiếng Hoa và tiếng Pháp, đồng thời làm cố vấn tiếng Hoa cho báo Sài Gòn giải phóng phiên bản tiếng Hoa. Ở tuổi sáu mươi, bà lại cắp sách đi học. Nối nghiệp cha, cụ Võ Hoành, nhà chí sĩ là yếu nhân trong phong trào Đông Kinh nghĩa thục, bà học Đông y. Bà chữa bệnh từ thiện không lấy tiền, nhiều khi bà lặn lội ra Bắc lên vùng núi Ba Vì tìm mua lá thuốc của người Dao cho bệnh nhân. Nhiều người đến thăm bà tại nhà riêng, thấy chỗ ở khiêm tốn, đã tỏ ý không bằng lòng. Theo họ, bà xứng đáng được ở chỗ đàng hoàng hơn. Bà chỉ cười, dùng câu đối của Ngô Thì Nhậm với Đặng Trần Thường mà đáp rằng: “Thế Chiến Quốc thế Xuân Thu/ Gặp thời thế thế thời phải thế”.

Nhà báo Như Quỳnh (thứ 2, từ trái qua) đón nhà báo Pháp Léo Figueres thăm vùng tự do Việt Bắc (1950) - Tư liệu KMS.

 

Do tuổi cao sức yếu, bà Như Quỳnh đã từ trần ngày 23/11/2017 (tức ngày 6/10 năm Đinh Dậu) tại nhà riêng, hưởng thọ 95 tuổi, an táng tại nghĩa trang Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. “Thác là thể phách”, con người có tầm nhìn rộng rãi và nhân ái ấy, đã còn trong ký ức của những người đương thời. Với riêng tôi, là kẻ hậu sinh, may mắn được gặp bà nhiều lần, được nghe bà kể chuyện làm báo từ Tiếng gọi Phụ nữ ở Hà Nội đến báo Cứu Quốc Khu 2 rồi báo Phụ nữ Việt Nam tại chiến khu Việt Bắc. Có dịp về ATK Định Hóa (Thái Nguyên), thăm di tích Hội Nhà báo Việt Nam, tôi lại nhớ những câu chuyện bà kể.

Cách mạng Tháng Tám, rồi tiếng súng Nam Bộ kháng chiến chuẩn bị phát nổ (23/9/1945), bà được cử ra Bắc mang tài liệu của Xứ ủy Nam Kỳ báo cáo tình hình với Trung ương Đảng.

“Anh Hoàng Quốc Việt, đặc phái viên của Trung ương cử tôi đi. Tôi đề nghị cho tôi một ngày tôi về thăm cha rồi đi. Anh Việt nói không được, bây giờ không biết chiến tranh sẽ nổ ra ở đây hay ở Hà Nội, mà báo cáo này gửi Trung ương thì chị phải đi sớm. Chị nhớ mang con theo, kẻo loạn lạc chẳng biết ở đâu. Thế là tôi ẵm con đi. Tôi ra đến Thanh Hóa ngày 23/9/1945 thì quân Anh mới chiếm Nam Bộ phủ”, bà Như Quỳnh nhớ lại.

Chính chuyến ra Bắc công tác năm 1945 đã gắn cuộc đời bà với báo chí. Bà được giao cùng bà Thanh Thủy - vợ Bộ trưởng Bộ Thanh niên Dương Đức Hiền - cùng phụ trách nội dung tờ báo Tiếng gọi Phụ nữ.

Từ báo Tiếng gọi Phụ nữ, bà làm báo Cứu Quốc Khu 2, cho đến khi về báo Phụ nữ Việt Nam mà bà tự nhận là người may mắn được cử làm Tổng Biên tập đầu tiên. Trong ký ức của bà, những chuyện nghề có đủ cả niềm vui lẫn nỗi buồn.

Tản cư theo kháng chiến, bà sinh người con trai thứ hai ở huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn, nên đặt tên con là Lê Võ Bạch Thông. Sinh con được hơn 1 tháng, có tin nhắn bà về cơ quan ở Chợ Chu, gặp ông Lê Văn Lương nhận công tác. Ban đầu, người phụ trách nhà in là ông Nguyễn Lương Hoàng nói “ngày 30 thì có xe để chị về Chợ Chu”. Vài hôm, ông Hoàng lại báo, không có xe con, chỉ có xe tải. “Xe gì tôi cũng đi”, bà cương quyết. Lên xe tải, bác tài cho biết xe không về báo Nhân Dân, chỉ về báo Vui Sống. Đến Chợ Mới xe đi hướng Đại Từ. Bà gật đầu: “Cũng được, tôi xuống ở Chợ Mới”.

Sáng hôm sau đến Chợ Mới, bà ra chợ mua đồ thì bất ngờ gặp chính người lái xe đưa bà từ miền Nam ra. Lúc này, ông lái xe cho Tổng Tư lệnh. Bà lại quá giang về đến Quán Vuông rồi từ đó đi về Chợ Chu.

Sáng về đến Chợ Chu thì chiều ông Lê Văn Lương đến, cho biết: “Công việc của chị thì chúng tôi đã bàn rồi, anh Trường Chinh đã viết thư gửi đi Bắc Kạn cho chị”.

“Công việc gì thế anh?”, bà Như Quỳnh hỏi.

“Để anh Trường Chinh sẽ phổ biến”, ông Lê Văn Lương trả lời. Lúc này bà Như Quỳnh mới thấy rõ nguyên tắc của người phụ trách công tác Đảng vụ Trung ương (nay là Ban Tổ chức Trung ương).

Không ngờ, hôm sau máy bay Tây vù vù trên trời. Bà bế con cùng cơ quan chạy trú vào rừng. Ở được 3 ngày thì mẹ con lại bồng bế nhau ra đường cái quan để tìm về cơ quan báo Cứu Quốc.

Đến trụ sở báo Cứu Quốc lúc này đang đóng ở Ninh Bình, bà được ông Đặng Xuân Thiều cử sang phụ trách báo Cứu Quốc Khu 2. Nhưng bà thành thật nói: “Tôi đi như thế này chẳng có lệnh của ai, bây giờ xuống dưới này tôi chẳng dám nhận công tác, anh hỏi lại anh Trường Chinh”. Ông Đặng Xuân Thiều viết công văn hỏi ý kiến Tổng Bí thư Trường Chinh. Đồng chí Tổng Bí thư viết thư xuống, cho biết: “Chị Như Quỳnh không có khuyết điểm, cũng không bị kỷ luật gì, nhưng phê bình chị không có lệnh của Trung ương mà tự ý về Khu 3”. Bà Như Quỳnh nhớ trong thư Tổng Bí thư có nhắc đổi bí danh để giữ bí mật. Trước đó tên bí danh là Thận, giờ đổi là Phương. “Phương tên mới của Thận”, đồng chí Trường Chinh nhắc. Có ý kiến của Tổng Bí thư, bà Như Quỳnh mới nhận làm báo Cứu Quốc Khu 2.

“Tôi làm báo Cứu Quốc Khu 2, rồi khi Khu 2 với Khu 3 nhập thành Liên khu 3 thì tôi lại làm báo Cứu quốc Liên khu 3”, bà Như Quỳnh kể tiếp.

 

Nhà báo Như Quỳnh phỏng vấn nhà báo quốc tế

 

Hồi đó báo Cứu Quốc Khu 2 có các ông Tô Ninh (sau về Văn phòng Hội Nhà báo Việt Nam), ông Văn Lang (trước khi nghỉ hưu công tác tại Sở Văn hóa Hà Nội). Quản lý báo Cứu Quốc là ông Ngô Quang Châu, từng có thời gian làm Ủy viên BCH Hội Văn nghệ Việt Nam, Giám đốc Nhà xuất bản Văn nghệ…

Sang báo Cứu Quốc Liên khu 3 đóng ở Tiên Hưng (Thái Bình) và mấy nơi nữa như Duyên Hà, bà Như Quỳnh gặp bà Hoàng Ngân lúc này về làm Bí thư Phụ vận Liên khu 3. Đang ở Việt Bắc, người Bí thư Phụ nữ Cứu Quốc đem cơ quan về Khu 3 để “gần dân còn học dân”. Từ đó, bốn chị em gồm Hoàng Ngân, Ngọc (Như Quỳnh), Thùy và Bạch Diệp thân thiết với nhau.

Không lâu sau đó, bà Hoàng Ngân lại về cơ quan Trung ương Hội Phụ nữ. Bà rủ Như Quỳnh về cùng. Dùng dằng công việc dở dang ở cơ quan báo Cứu Quốc Liên khu 3, năm 1949 bà Như Quỳnh mới lên Trung ương Hội, thì bà Ngân vừa qua đời được hơn 10 ngày vì sốt rét ác tính. Vừa trông thấy nhau, bà Trương Thị Mỹ khóc rầm lên: “Có một người chờ mày giờ người ta chết rồi mày còn lên làm gì nữa, Ngọc ơi”.

Nhớ về người Bí thư Phụ nữ Cứu quốc một thời, bà Như Quỳnh trầm ngâm: “Chị Hoàng Ngân là người tài giỏi. Con người tầm cỡ. Phải nói Hoàng Ngân rộng lượng và nhường nhịn chị em”.

Hồi ở Việt Bắc, cơ quan Hội Phụ nữ Trung ương do bà Lê Thị Xuyến (1909 - 1996) làm Chủ tịch, bà Hoàng Thị Ái (1900 - 2005) làm Bí thư Đảng đoàn. Cơ quan Hội đóng cách lán Tỉn Keo của Hồ Chủ tịch độ chừng 2 cây số. Khi Bác đi họp Hội đồng Chính phủ thường qua hỏi thăm và động viên một vài câu.

Bà Như Quỳnh nhớ rằng cơ quan Trung ương Hội Phụ nữ ra báo. Ban đầu là bích báo, dùng ký ninh với thuốc đỏ làm màu để minh họa. Đưa tập bích báo lên cho Bác xem. Bác nhận xét đại ý báo này của các cô nó là hoa là lá. Các cô muốn ra báo cho phụ nữ nó phải là củ khoai, củ sắn. Năm ấy, dù Tây càn vào chiến khu, cơ quan phải chạy Tây đến Võ Nhai, song vẫn ra được tờ báo.

“Hồi ấy phụ trách nhà in là anh Tám Râu - sau này là Chủ tịch Hội Nhà báo miền Nam (tức nhà báo Tân Đức) - bà Như Quỳnh kể - Tụi tôi hay đến ấp Đồi Cháy ở Bắc Giang chỗ anh Kim Lân, cụ Ngô Tất Tố, anh Tạ Thúc Bình ở... để nhờ các anh minh họa. Lúc ấy tôi chưa ở đấy mà mới có chị Tâm Trung (Bảo) sau này làm Phó Giám đốc Nhà xuất bản Tác phẩm mới. Chị Nguyệt Tú, vợ anh Lê Quang Đạo. Các chị tham gia làm tờ Phụ nữ Việt Nam.

Tôi lại hỏi: “Khi thành lập lớp viết báo Huỳnh Thúc Kháng ở Bờ Rạ, bà có tham gia giảng dạy không?”.

“Không. Lúc đấy tôi làm báo Cứu Quốc Khu 2 - Bà Như Quỳnh trả lời - Mãi tháng 9/1949 thì tôi mới từ báo Cứu Quốc lên. Phương Lâm và Lý Thị Trung học ở đấy. Lý Thị Trung dễ thương lắm chứ”.

Bà Phương Lâm vốn là Bí thư Huyện ủy Bắc Quang (tỉnh Hà Giang), sang viết báo rồi cũng sớm qua đời trong kháng chiến. Bà Lý Thị Trung năm nay 91 tuổi, từng làm phóng viên báo Hà Nội mới, sáng lập báo Phụ nữ Thủ đô… Nhắc lại kỷ niệm về nhà báo Như Quỳnh, bà Lý Thị Trung cứ tiếc nuối lần cuối cùng bà Như Quỳnh ra Hà Nội, chị em cán bộ cũ của Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã hẹn nhau gặp mặt tại tư gia nhà văn Thanh Hương nhưng rồi bà Lý Thị Trung không đến được. Nay thì âm dương cách trở…

Tôi cứ ngỡ Đại hội thành lập Hội Nhà báo năm 1950 bà Như Quỳnh từ cơ quan Hội Phụ nữ Trung ương sang họp. Nhưng bà cho tôi biết, khi đó đã có báo Phụ nữ Việt Nam rồi. Nhà báo Như Quỳnh là đại biểu đại diện của báo Phụ nữ Việt Nam tham gia vào Ban Chấp hành lâm thời, được cử làm Kiểm soát viên. Ban Chấp hành lâm thời có đại biểu của cả 3 miền Bắc - Trung - Nam: ông Quang Đạm (báo Sự thật), ông Như Phong (báo Cứu Quốc Khu 3), ông Hải Triều (báo Thời mới), ông Phan Thao (báo Cứu Quốc Liên khu V), ông Huỳnh Tấn Phát (báo Độc lập Nam Bộ)…

Hội nghị tranh luận văn nghệ Việt Bắc (1949)

Bà Như Quỳnh còn tham dự Hội nghị tranh luận văn nghệ Việt Bắc do Hội văn nghệ Việt Nam tổ chức trong các ngày 25, 26, 27 và 28/9/1949. Hội nghị đã trao đổi, tranh luận từ những vấn đề chung về đường lối, phương pháp, đến các vấn đề riêng của từng bộ môn nghệ thuật. Đặc biệt, buổi chiều ngày cuối cùng hội nghị đã dành để bàn riêng về thơ Nguyễn Đình Thi, một tiếng thơ lạ nên bị coi là lạc lõng lúc ấy.

Nhà thơ Xuân Diệu mở đầu phê bình thơ Nguyễn Đình Thi: “Các đoạn trong tứ thơ không dính nhau, phạm cái điều mà tôi gọi là đầu Ngô mình Sở (incohérence). Ví dụ: bài Đêm mít tinh, ban đầu nói trên rừng Phan Lương có sao, rồi nói đến Hà Nội của chúng ta, sau đến cờ sao kéo về, và câu kết: "Sao ơi, núi rừng ơi, nức nở". Tôi thấy nó xa quá. Không hiểu sao đang đêm mít tinh lại nói nhớ đến Hà Nội. Cái tứ chạy đi như thế, người ta khó theo”.

“Hôm đó tôi ngồi cạnh bác Ngô Tất Tố - bà Như Quỳnh lần lại mạch ký vãng - Họ chê thơ Nguyễn Đình Thi là “đầu Ngô mình Sở”. Tôi mới bảo, trong các thể phú, tỉ, hứng thì thể hứng với câu như “Trên trời có đám mây xanh/ Mây trắng ở giữa xung quanh mây vàng” thì sao? Tôi lại rỉ tai bác Ngô Tất Tố: “Quan quan thư cưu/ Tại hà chi châu/ Yểu điệu thục nữ/ Quân tử hảo cầu”, chả đầu Ngô mình Sở thì là cái gì. Thể hứng người ta nhìn thấy người ta nói ra. Sau bác Ngô Tất Tố mới phát biểu đấy”.

 

 

Bà Như Quỳnh tiếp tục làm Ủy viên BCH Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam khóa II (1959 - 1962), khóa III (1962 - 1983); Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam thống nhất (1976 - 1983) kiêm Thường trực cơ quan Trung ương Hội (1962 - 1983) cùng nhà báo Xích Điểu. Trong gian gian đó, bà có 10 năm liền làm Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Việt Nam. Nhà thơ Cẩm Lai trong hồi ký mang tên "Thời con gái", đã nhắc đến Tổng Biên tập Như Quỳnh - Võ Ngọc Nghi với tình cảm đầy trân trọng: “Chị không phải là người trực tiếp phụ trách tôi mà chị lo lắng cho tôi hơn những người trực tiếp có trách nhiệm với tôi. Chị xứng đáng là một cán bộ lãnh đạo có tầm nhìn rộng rãi và có tấm lòng nhân ái. Nếu ai cũng có được tấm lòng như chị Ngọc Nghi thì chị em cán bộ cấp dưới sống thoải mái biết bao”.

KIỀU MAI SƠN

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước