Thứ sáu, ngày 03 tháng 05 năm 2024
01:07 (GMT +7)

Nốt nhạc sau song sắt

Lê Công Hội (Biên dịch và tổng hợp)

Âm nhạc chạm đến tất cả mọi người, kể cả những người đã từng lạc lối. Không kể người phạm tội có phải nghệ sỹ hay không, họ đều có nhu cầu thưởng thức âm nhạc. Họ thậm chí còn cần âm nhạc hơn những người khác để có hy vọng và động lực hoàn lương. Vậy nhưng làm cách nào để tù nhân có thể đem âm nhạc vào sau song sắt với mình?!

Một số tài liệu ghi chép còn lại từ thời La Mã cổ đại cho chúng ta biết tù nhân có những bài hát riêng của họ. Họ tự nghĩ, tự hát những điệu hò khi phải lao động khổ sai ngoài cánh đồng hay chèo thuyền trên các con tàu viễn dương. Truyền thống âm nhạc trong vòng tù tội này kéo dài qua thời trung cổ đến tận thế kỷ XIX. Mặc dù hiện tại không còn lưu giữ được nhiều những bài hát này, nhưng dấu vết ảnh hưởng từ sáng tác của tù nhân vẫn còn tồn tại trong một số nền âm nhạc, đơn cử như nhạc vè truyền thống ở Pháp.

Người châu Âu dưới sự ảnh hưởng của các nhà tư tưởng lớn thời kỳ Khai Sáng bắt đầu bàn tới vai trò của âm nhạc trong nhà tù. Những nhà triết học, nghệ sỹ như John Ruskin (Anh) cho rằng người phạm tội chỉ bị tước đi tự do chứ không bị tước đi những quyền cơ bản của con người, trong đó có quyền thưởng thức nghệ thuật. Chưa hết, các ông còn bày tỏ ý kiến âm nhạc có tác dụng tốt trong quá trình cải tạo. Âm nhạc sẽ giúp cảm hóa những tâm hồn “khiếm khuyết” để khi tù nhân bước ra khỏi cổng nhà tù, họ có thể tái hòa nhập với xã hội như người bình thường.

                      Nốt nhạc sau song sắt

Một số quốc gia bắt đầu thử nghiệm với việc đưa âm nhạc vào nhà tù. Tại Thụy Điển, luật pháp cho phép tù nhân lập ban nhạc. Tại Áo, chính quyền cho xây thêm trong nhà tù phòng nhạc (và thư viện). Tại Pháp, nơi nhiều loại nhạc cụ được sản xuất trong tù, tù nhân được quyền chơi chính các nhạc cụ mà họ làm ra. Những chính sách này nhanh chóng đem lại hiệu quả thực chất. Nhờ có âm nhạc mà các tù nhân ít gây rối, làm loạn hơn hẳn. Những ban nhạc của tù nhân giúp làm giảm lòng thù hận giữa những băng nhóm, sắc tộc khác nhau. Một số ít cá nhân sau khi ra tù còn kiếm được cho mình những công việc như ca sỹ, nhạc công, thợ làm đàn, nhà sản xuất âm nhạc,…

Trường hợp của cố danh ca, nhạc công blues người Mỹ Huddie William Ledbetter (hay còn được biết nhiều dưới nghệ danh Lead Belly) là một ví dụ nổi bật cho tác dụng của việc đưa âm nhạc vào nhà tù. Lead Belly sinh năm 1988, thời còn trẻ làm nhạc công cho nhiều sàn nhảy, quán cà phê. Trong thời gian phải ngồi tù vì buộc phải hành nghề ăn trộm để có cái nuôi sống gia đình, Lead Belly dạy nhạc cho các tù nhân khác. Nhà nghiên cứu âm nhạc John Lomax khi nghe tin này đã sử dụng quan hệ của mình để xin cho Lead Belly tại ngoại một thời gian. Trong hơn ba tháng ròng họ rong ruổi khắp các nhà tù miền Nam nước Mỹ để ghi lại những bài hát của tù nhân. Đến khi thời gian tại ngoại của Lead Belly sắp hết, John Lomax gửi cho thống đốc bang một bức thư xin ân xá cho người tù nhân. Đính kèm theo bức thư là một cái đĩa than ghi âm bài hát do Lead Belly tự sáng tác và biểu diễn. Thống đốc bang quá xúc động sau khi nghe bài hát đã ngay lập tức ký giấy ân xá cho Lead Belly.

Một phòng thu âm trong nhà tù Na Uy với những trang thiết bị hiện đại

Vấn đề âm nhạc trong nhà tù hiện nay có thể chia ra làm hai phương diện: thưởng thức và biểu diễn. Tất cả các quốc gia văn minh hiện nay đều cho phép tù nhân sở hữu máy cassette, đài radio, đầu đĩa, hay thậm chí là TV. Đây không phải là vật phẩm tù nhân được đem từ ngoài vào mà phải mua từ các cửa hàng trong tù cùng với băng đĩa. Những món đồ phát nhạc này rất dễ nhận ra vì chúng có vỏ trong suốt. Đây là cách để các quản giáo ngăn chặn tù nhân giấu bất kỳ thứ gì trong thiết bị điện tử.

Ngoài băng đĩa, các tù nhân còn có cơ hội thưởng thức âm nhạc qua những buổi trình diễn trực tiếp. Ngay từ giữa thế kỷ trước đã có những danh ca như Johnny Cash và Elvis “đi tour” qua một loạt các nhà tù ở Mỹ. Việc này ngày nay ít xảy ra hơn, nhưng vẫn có một số ca sỹ và nhóm nhạc như Michael Franti, Flipsyde, E40,… thường xuyên tổ chức biểu diễn ngay giữa sân nhà tù. Ở miền Nam nước Mỹ và Nam Âu, nơi mà hoạt động cải tạo có quan hệ chặt chẽ với nhà thờ (một số nhà tù còn có nhà thờ riêng ngay trong khuôn viên), tù nhân có thể thưởng thức các dàn đồng ca biểu diễn khi họ đi lễ vào ngày Chủ nhật.

Trong thời gian họ không phải lao động, tù nhân có thể chơi nhạc ở một khu vực riêng. Người tù nâng niu các nhạc cụ như đứa trẻ không chỉ vì chúng đắt tiền mà còn vì chúng đều được những nhà hảo tâm đóng góp. Mà họ quý trọng không chỉ nhạc cụ. Căn phòng nhạc là một thứ vô cùng quý giá đối với họ. Nhờ có nó mà họ có những giây phút hiếm hoi được tìm lại tự do qua âm nhạc.

Những phòng nhạc trong tù rất khác nhau giữa các quốc gia. Tại Mỹ, căn phòng chỉ rộng khoảng 30m2 và được lát gạch cách âm. Nhà tù chỉ cho phép tù nhân sử dụng nhạc cụ acoustic bởi vì họ sợ người tù có thể lấy phụ kiện điện tử bên trong để chế tạo thứ gì đó. Trái lại tại Na Uy phòng nhạc không khác gì một studio ghi âm thực thụ cả. Ngay cả người đang lãnh án ở nhà tù an ninh tối đa Halden cũng được tiếp cận với những thiết bị ghi âm hiện đại nhất. Tù nhân còn được quyền bán những bản ghi âm thu được trong tù, đổi lại nhà tù sẽ nhận lại được một phần lợi nhuận để chi trả cho việc bảo dưỡng thiết bị âm nhạc.

Một trong những nhà tù nổi tiếng nhờ âm nhạc là trại giam Angola tại bang Louisiana, Mỹ. Hầu hết những người da đen phạm tội tại Louisiana đều bị gửi đến Angola, trong đó có cả Lead Belly. Sau ông còn có nhiều nghệ sỹ da đen khác như Charles Neville (một trong bốn anh em cùng chơi trong ban nhạc Neville Brothers) cũng từng có thời gian ngồi tù ở Angola. Một truyền thống âm nhạc dần dần hình thành ở nơi đây. Tại Angola có những ban nhạc như Cavaliers, Nic Nacs và Westernaires đã hoạt động liên tục hơn 30, 40 năm, từ thế hệ tù nhân trước sang thế hệ tù nhân sau.

Vernon Cook biểu diễn cùng ban nhạc của mình

Vào thập niên 1970, các ban nhạc ở Angola thường xuyên biểu diễn tại các lễ hội địa phương. Quản giáo đi theo họ vừa để canh giữ tù nhân, vừa để dựng sân khấu cho ban nhạc. Số tiền họ kiếm được chia đôi giữa tù nhân và ban lãnh đạo nhà tù. Chính sách tù nhân mới dưới thời cố tổng thống Ronald Reagan khiến suýt chút nữa các ban nhạc bị buộc giải thể. Chỉ nhờ có nỗ lực của tổng quản giáo Burl Cain và các nhà hoạt động quyền tù nhân mà hoạt động biểu diễn tại Angola mới được tiếp tục.

Ngày nay tù nhân ở Angola có cơ hội chơi nhạc tại nhiều sự kiện cấp bang hoặc trong các buổi lễ nhà thờ. Vernon Cook, một nhạc công không chuyên đang lãnh án tội buôn bán ma túy, cho biết: “Chúng tôi chỉ có khoảng từ một đến hai tiếng mỗi ngày để luyện tập, vậy nên tất cả mọi người trong ban nhạc phải thật hiểu nhau mới có thể biểu diễn thành công được… Việc ở trong ban nhạc đã cho tôi thêm động lực để tiếp tục chịu án phạt. Tôi không thể tưởng tượng mình sẽ ra sao nếu không được chơi nhạc!”.

Ban nhạc của Vernon là thành viên trong Hiệp hội Âm nhạc Hunt, một tổ chức đại diện cho các ca sỹ, nhạc công đang lãnh án tù ở bang Lousiana. Hiệp hội được thành lập vào năm 2010 tại Trung tâm quản giáo Elyan Hunt. Khi đó rapper nổi tiếng McKinley “Mac” Phipps Jr, đang phải chịu án tù 30 năm vì tội giết người tại trung tâm. Mac tiếp tục sáng tác và còn lập ra Hiệp hội Âm nhạc Hunt để bảo vệ quyền lợi của nghệ sỹ và giúp họ phát hành album ra bên ngoài.

Những tổ chức, chương trình khác thúc đẩy đưa âm nhạc vào nhà tù đang nở rộ. Ca sỹ trẻ Zoe Boekbinder từ tám năm nay đã điều hành dự án “Prison Music Project” tạo điều kiện để những nghệ sỹ như Zoe giảng dạy kiến thức nhạc lý cho tù nhân tại Mỹ và Canada. Hay là công ty ghi âm “Die Jim Crow” do rapper Fury Young sáng lập. “Die Jim Crow” là một trong những hãng đĩa hiếm hoi chấp nhận phát hành album do tù nhân sáng tác.

Hiện nay do việc cắt giảm chi phí và tư nhân hóa nhà tù mà nhiều cơ sở giam giữ ở phương Tây đang thu hẹp các hoạt động âm nhạc. Tù nhân muốn sử dụng phòng nhạc phải trả cho nhà tù một khoản tiền. Nhiều người không có tiền đành phải thỏa mãn nhu cầu nghệ thuật của mình theo cách khác. Rapper Gucci Mane trước khi nổi tiếng từng phải ngồi tù. Anh thường hay hát khi gọi điện cho người nhà để họ ghi âm lại, sau này tổng hợp thành một album. Theo quan sát của giới chuyên gia, sự thay đổi chính sách của các nhà tù là một bước đi sai lầm. Âm nhạc giúp người từng lầm lỗi nhận ra rằng mình vẫn còn cơ hội quay đầu lại. Và nếu họ chọn điều này, họ sẽ luôn có những người bạn đồng hành.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Những chú mèo của Freya

Nhìn ra thế giới 9 tháng trước

Vĩ đại cây sự sống

Nhìn ra thế giới 11 tháng trước

Những nàng thơ Muse xinh đẹp

Nhìn ra thế giới 1 năm trước

Đắm say cùng hộp đêm Moulin Rouge

Nhìn ra thế giới 2 năm trước

Khám phá Havana

Nhìn ra thế giới 2 năm trước

Sống trong tâm dịch

Nhìn ra thế giới 2 năm trước