Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
15:26 (GMT +7)

Nỗi tiếc nuối tháng Ba

VNTN - Tháng Ba, khi vào facebook tôi luôn gặp những hình ảnh cây gạo nở đỏ hoa trên cành. Tấm thì của anh bạn nhiếp ảnh quen tên, đi mấy trăm cây số ghi lại mãi tận Hà Giang. Tấm lại của cô bạn nhà thơ đăng cùng bài thơ về cây gạo ở miếu Bà Cô thuộc huyện Yên Dũng, Bắc Giang. Rồi một nhóm thanh niên ở Hà Nội đăng tin rủ nhau đi pích ních về miền quê có cây hoa gạo ấy. Thì ra, trong mỗi con người, ở thời đại kinh tế phát triển, vẫn luôn muốn tìm về những nét đẹp hoang dã của thiên nhiên.

Gặp những hình ảnh ấy, tôi lại thấy tiếc nuối vô cùng. Giá như cây gạo ấy vẫn còn đó, có lẽ nó đã là cây di sản của Thái Nguyên, nó sẽ mãi sừng sững với mảnh đất này và sẽ vẫn đỏ hoa mỗi dạo tháng Ba về.

 

Ảnh: Ngọc Hải

Vâng! Cây gạo tôi đang nói đến là cây gạo ở một ngã ba, giờ thuộc tổ 4, phường Túc Duyên, thành phố Thái Nguyên. Nếu những người đã sinh ra quanh thành phố từ thập kỷ bảy mươi của thế kỷ hai mươi về trước, chắc sẽ chẳng ai không biết đến địa danh Gốc Gạo đã gắn với cây gạo này. Chưa ai xác định chính xác về tuổi của cây, nhưng những cụ cao tuổi có mặt ở vùng này đầu thế kỷ XX thì cây đã sừng sững ở đó rồi. Tôi không phải là một người am hiểu về cây, chỉ nhìn độ cao, đường kính của cây hay chu vi của tán, rồi nó gắn với văn hóa, lịch sử để so với tiêu chí về cây di sản mà ước đoán điều này.

Cây gạo ấy đã gắn với một thời đi học của tôi. Nhà tôi bên kia sông Cầu, không gần Gốc Gạo, nhưng ba năm học cấp ba ngày hai buổi tôi đi qua đây. Con đường Bến Oánh ngày xưa còn nhỏ, rải cấp phối, cây gạo đứng ngay rìa đường, vươn cành qua đường sang những ruộng rau muống bên kia. Thời đó còn chiến tranh, hai bên đường chỉ là ruộng rau muống, nhà dân thường ở sâu vào gần bờ sông. Cây gạo cao nhất khu này, ước chừng khoảng 40m. Đường kính gốc mấy người ôm mới xuể. Tháng Ba về, hoa nở đỏ trên cành. Chim sáo, chim hét mỏ đỏ từng đàn đu mình trên những cánh hoa.

 

Cây gạo đứng đó giữa ngã ba. Nơi tách con đường chính chạy từ chợ trung tâm ra Bến Oánh, và một con đường nhánh rẽ qua làng cũng chạy ra bến sông Cầu. Trong chiến tranh cả hai con đường này đều là đường chiến lược, với hai bến phà phòng khi cầu Gia Bảy bị hỏng. Nó đã chứng kiến bao dấu tích lịch sử và bao biến đổi thăng trầm ở mảnh đất Túc Duyên và thành phố Thái Nguyên. Cách gốc gạo vài trăm mét về phía đông nam, bức thành nhà Mạc dài mấy trăm mét, cao hơn 2m dấu ấn một thời lịch sử. Cách về phía bắc hơn trăm mét là đình Đồng Mỗ, nơi đặt trụ sở Ủy ban Kháng chiến thời kỳ chống Pháp của Túc Duyên. Chính tại đây ngày 5/9/1950, Tòa án Quân sự tối cao đã mở phiên tòa xét xử tử hình đại tá Trần Dụ Châu, Cục trưởng Cục Quân nhu về tội tham ô. Cũng tại đây là nơi ra đời cơ quan Mậu dịch quốc doanh, chi điếm đầu tiên của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Những sự kiện ấy lịch sử Thái Nguyên còn ghi rõ.

Cây như cánh cổng tự nhiên, đứng đúng nơi cửa ngõ của cả một vùng, cây gạo ấy đã chứng kiến bao biến đổi của thế kỷ trước. Chứng kiến nạn đói năm bốn lăm, bao xác người vật vã nơi gốc cây. Chứng kiến những ngày tiêu thổ, mái đình Đồng Mỗ dỡ bỏ trong kháng chiến chống Pháp, chống Nhật. Rồi kháng chiến chống Mỹ, bao chuyến xe qua hai bến phà chở hàng viện trợ từ cửa khẩu phía Bắc về miền Nam. Bao thanh niên trai tráng của vùng này lên đường chiến đấu đều đi qua, nhiều người mãi mãi không về. Người được trở về khấp khởi bước chân, nhận ra dáng cây thân quen như vẫn đang ngóng đợi từng ngày. Với những người dân phía đông thành phố, ai đi ngược về xuôi chẳng đều qua gốc gạo này. Ông bà tôi đi chợ bán mua sinh sống, suốt một đời người không biết bao lần qua đây. Bố mẹ tôi cũng vậy. Bao thế hệ cả vùng này cũng thế. Và tôi, cũng không biết bao lần đi về dưới cánh tay săn chắc vươn cao lên bầu trời, cùng thân hình sừng sững của nó ở nơi đây.

Rồi một ngày, do nhu cầu phát triển khu dân cư, do nhu cầu cải tiến, nâng cấp dần của con đường Bến Oánh, cây gạo đã phải hy sinh cuộc đời mình. Tôi nhớ đó là năm 1992. Ngày ấy, tiếng cây đổ xuống ai cũng cảm thấy như vừa đổ vỡ một vật gì quý giá trong nhà mình. Nó quá gắn bó, thân thiết với bao thế hệ như thế, sao lại không có nỗi tiếc nuối khi từ nay mất đi một dáng hình cổ thụ của cây.

Giờ thì ngay tại vị trí gốc cây năm xưa đã là nhà. Những ruộng rau muống xưa cũng là nhà. Hình dáng của phố xá đã mọc lên. Ai không mừng cho một đời sống phát triển đi lên, nhưng đến lúc này, tôi lại thấy tiếc cây gạo xưa vô cùng. Tiếc bởi nó đã mọc và sống ở đấy ít ra cũng hơn trăm năm rồi. Tiếc bởi nó gắn liền với đời sống văn hóa của cả một vùng. Tiếc bởi bây giờ nhìn lại quanh thành phố, có còn dáng cây cổ thụ nào đâu. Và chả nhẽ, cái gạch nối cảm xúc với thiên nhiên trong chúng ta đã mất rồi? Tôi không nghĩ cảm xúc ấy đã mất. Chỉ là khi chúng ta quá mải mê lao theo những nhu cầu khác nên bỏ qua thôi. Khi về thăm anh bạn ở viện 108 quân đội, tôi bất ngờ vì ngay đường vào cổng vẫn còn những cây cổ thụ được giữ nguyên vẹn. Hình như có cả dáng cây gạo. Mấy cây ấy trông đều là cây tự nhiên chứ không phải loại cây trồng. Nó khá cao và chiếm khá đất ở một nơi tấc đất tấc vàng. Có những loài chim đã mất dạng ở quanh khu nhà tôi ở, nhưng về đó chúng bay lượn và hót râm ran mỗi sáng. Ngay nơi Thủ đô đất quý từng mét ấy, vẫn có sự yêu quý, gần gũi thiên nhiên sẽ tạo cho mỗi con người sống lạc quan, nhân hậu hơn rất nhiều. Giữa thủ đô Hà Nội những bóng cây cổ thụ ở một góc phố, ở bờ hồ hay ở các khu di tích đều làm nên một vẻ đẹp thu hút riêng.

Một lần khác, tôi ngạc nhiên khi xem bức ảnh mà anh bạn đưa lên mạng. Đó là bức ảnh một cây gạo không to, nhưng thân lại sù sì nằm bò trên mặt đất một đoạn khá dài rồi mới ngóc ngọn lên. Người ta đã phải kê các bệ bê tông nâng đỡ nó và gọi nó là cây gạo gù. Một con đường chạy qua đấy, nhưng để tránh đoạn thân của nó sát đất, họ đã phải nắn cong con đường. Nhìn cây gạo gù và đoạn cong con đường, tôi bị rung động mạnh cảm xúc về những con người nơi đây trước vẻ đẹp thiên nhiên. Tôi hỏi anh bạn và được biết cây gạo ấy ở Thái Thụy - Thái Bình, một vùng quê đồng bằng cũng đất chật, người đông chứ nào phải rộng rãi gì.

Phải khẳng định rằng trong thời đại 4.0 bây giờ con người càng khao khát vẻ đẹp thiên nhiên. Hãy nhìn vào sân vườn và ban công các ngôi nhà sẽ thấy điều này. Hầu như nhà nào cũng có một vài chậu cây cảnh, hay ít nhất vài chậu hoa ở nhà mình. Tôi cho rằng người ta luôn muốn có những dáng cây thật cổ thụ chẳng qua là sự nuối tiếc những gì đã mất. Bóng dáng các cây lâu niên ngày càng hiếm hoi, giờ phải tìm lại dáng chúng nhờ bàn tay uốn ghép của con người. Nhiều loài cây hoang dại xưa kia mọc bên đường, bên khe suối sù sì dáng dấp thì nay đã chẳng còn. Càng nhiều năm tuổi thì giá càng cao. Một thời thì chặt bỏ đi, giờ lại săn tìm như đi tìm cây quý.

Trong một dịp đi cùng mấy anh nhiếp ảnh, chúng tôi về Úc Kỳ, Phú Bình để mục sở thị cây đa cổng làng. Phải có những phút giây ngắm nhìn ấy mới nghe thấy những âm thanh của làng xưa vọng về. Cây đứng đó như vô tri, nhưng thực ra cây đã ghi lại những đổi thay ở làng để kể lại với một ngôn ngữ rất riêng. Đã có không ít những nhà nhiếp ảnh mọi miền đến chiêm ngưỡng dáng hình nó. Họ đã di chuyển các góc để tìm ra cái ngôn ngữ rất riêng đó của cây. Có thể dáng hình nó đã bay đến các phương trời châu lục khác. Tôi ngắm cây mà lòng nặng một nỗi buồn. Hai nhánh cây nối với nhau làm thành cái cổng làng tuyệt tác ấy thì một nhánh đang bị khô héo dần. Tôi cũng không rõ cây có nằm trong sự quản lý của tổ chức nào không mà có vẻ như nó đang bị lãng quên dần. Nếu một nhánh mất đi, cái cổng làng bằng cây có một không hai ấy sẽ chỉ còn là sự tiếc nuối của các thế hệ sau.

Chẳng phải nói riêng về nỗi tiếc các cụ cây vài trăm năm tuổi làm gì. Cây sim, cây mua cách đây mấy chục năm mọc khắp trên các vùng đồi thôn quê. Cứ đầu hè một màu hoa tím bạt ngàn. Những người thuộc thế hệ chúng tôi vẫn gọi là hoa của một thời. Chúng tôi gọi vậy bởi nó gắn với tuổi thơ mỗi người với biết bao kỷ niệm. Bây giờ hè về “nhóm một thời” chúng tôi rủ nhau đi ngắm hoa sim. Tôi về quê, đi suốt một buổi sáng không tìm thấy sắc màu hoa ấy nữa. Đi tiếp về phía Trại Cau thêm hơn chục cây số vẫn không tìm đâu ra. Có còn họa hoằn vài ba cây còn sót mọc ở rìa những bãi cây keo. Tuy vậy, dọc đường thấy tôi ngó nghiêng, rất nhiều người hỏi vọng trong nhà ra: Đi tìm mua sim có phải không? Thì ra, cây sim mọc hoang bây giờ đã là cây để nhiều người kiếm tiền. Tôi ghé vào một nhà, trong vườn nhà anh trồng khoảng chục cây đã đang nhiều hoa nở. Anh bảo bây giờ phải đi về những vùng đồi rất xa ở Văn Hán hay Hích, Hợp Tiến giáp với rừng may ra kiếm được ít cây còn sót lại từng mảng nhỏ thôi. Giá cây càng làm tôi bất ngờ. Cây bé ba trăm, năm trăm. Cây to triệu rưỡi, ba triệu, năm triệu cũng có. Về nói chuyện này với mấy anh hàng xóm, anh Thuận cùng tổ 3 Túc Duyên với tôi chỉ lên ban công: Em vừa lấy cây này bảy trăm ở trong Ao Sen, Nam Hòa về. Tôi nhìn lên, cây sim không to, lại như đang héo lá vì mới đánh về trồng. Chiều đi bộ lại nhìn thấy mấy nhà vừa trồng những cây sim mảnh mai vào chậu cảnh. Vậy mới biết, thời săn những cỏ cây hoang dã một thời lại bắt đầu.

 

Ảnh: Ngọc Hải

Xin được quay về với những cây cổ thụ đã nói ở phần đầu. Tôi đã cố gõ Google để tìm xem ở Thái Nguyên còn cây di sản nào. Tôi làm điều này vì biết đã có Hội đồng Cây di sản Việt Nam thành lập ngày 18/3/2010 thuộc Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam. Tuy vậy, gõ đi gõ lại vẫn chỉ thấy hai cây: cây y lan ở Chùa Hang và cây đa ở Chợ Chu của Định Hóa có tên trong danh sách cây di sản. Tôi điện cho anh Nguyễn Đình Hưng ở Phòng Quản lý Di sản, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thì được biết, Sở không có bộ phận nào quản lý cây di sản. Vậy thì các huyện tự lập hồ sơ đề nghị thẳng lên Hội đồng Cây di sản Việt Nam và tự quản lý sao? Và nếu không có bộ phận nào quản lý cây di sản, những điều nuối tiếc sẽ có thể lại xảy ra khi tốc độ xây dựng đường sá, nhà ở như bây giờ.

Nhắc về nỗi tiếc một cây cổ thụ đã trở thành di sản, đâu phải mấy chục năm trồng là có. Nó phải trải qua thách thức của thời gian vài trăm năm. Nó phải thấm đẫm bao biến cố nhọc nhằn với con người. Cái tên của nó được nhắc trong sử sách và đặc biệt hơn nó sống trong ký ức của biết bao người.

Tôi đi các tỉnh khác, cứ nói đến địa chỉ của nhà mình, không ít người lại hỏi: Ở khu Gốc Gạo phải không? Họ nói đã có thời gian công tác ở đấy hoặc đi qua đấy. Tôi nói với họ rằng cây gạo ấy đã bị đốn hạ cách đây gần ba chục năm rồi. Bây giờ không còn địa danh Gốc Gạo nữa, chỉ có tên tổ dân phố thôi. Ai cũng xuýt xoa tiếc nuối.

Giá như cây gạo xưa còn, tháng Ba này nó đã đỏ hoa trên cành. Và có thể nó đã trở thành cây di sản của thành phố Thái Nguyên.

Giá như ngày ấy, chính quyền phường hy sinh mấy trăm mét vuông đất làm một ô đường tròn chạy quanh gốc gạo, biết đâu giờ nó lại trở thành một ngã ba đẹp nhất ở vùng này. Và chắc chắn nó trở thành di sản trong lòng mỗi con người của cả một vùng.

Giờ chỉ còn là nỗi tiếc nuối mà thôi.

Phạm Quý

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước