Thứ sáu, ngày 18 tháng 10 năm 2024
15:09 (GMT +7)

Nơi đỉnh rừng nghiêng nắng

Em đón đoàn chúng tôi ở trạm T13 đưa ra trạm T12. Đoàn chỉ có mười mấy thương bệnh binh, những thương bệnh binh không còn sức khỏe chiến đấu, phục vụ chiến đấu được đưa ra Bắc. Tôi vết thương gẫy xương đùi trái, chân ngắn chân dài bước thập thễnh nên cũng phải ra.

Nơi đỉnh rừng nghiêng nắng
Minh họa: Lê Quang Thái

Em nhỏ nhắn, nước da trắng nhưng xanh, hậu quả của những trận sốt rét rừng, chỉ đôi mắt trong, trong như giọt sương đậu nơi ngọn cỏ của sớm bình minh, giọng em lảnh lót như tếng sơn ca nơi đỉnh rừng. Tôi đi lệch thập thễnh nên em luôn đi bên tôi, em nhỏ nhẹ kể cho tôi nghe về T12 của em.

T12 trước là một trạm lớn, quân vào qua đây tấp nập, kho quân nhu, vũ khí cũng ở đây. Địch phát hiện được, nó đánh phá mười ngày liền. T12 tan hoang. Trạm phải mở đường khác để cho quân đi, đường ấy xa hơn đường này hơn một ngày, vậy mà vẫn phải mở. Thế rồi thành lệ để nó đánh phá thường xuyên. Nó lên kế hoạch, nó thả bom khi đánh ở nơi khác thừa về T12 thả nốt. T12 như túi đựng bom của nó, con đường này giờ chỉ dành cho đoàn khách lẻ, hầu hết là khách đi ra.

Tôi nghe em nói và hình dung ra một T12 ác liệt, hoang tàn với bom đạn.  Đi bên em với tôi còn có Phát. Phát là bệnh binh sốt rét chai cứng gan, lá lách sa bốn phân được đưa ra điều trị. Chúng tôi lầm lụi bước trong cái nắng của mùa khô Trường Sơn, lúc lên dốc lúc xuống dốc. Phát cùng em dìu tôi bước lên từng bậc từng bậc, lên đến đỉnh dốc chúng tôi ngồi thở. Tôi nhìn sang em, hai má em giờ ửng hồng, mồ hôi lấm tấm trên vầng trán.

Một khoảng trống rộng mênh mông trước mặt. Em reo lên. “Nắng nghiêng kìa anh”. Tôi nhìn theo tay em chỉ, vạt nắng như ngọn lửa rần rật trải nghiêng nơi sườn dốc. Cả một khoảng trời xanh thẳm đang trải nắng. Vạt nắng chông chênh chao chao trên khoảng trống trơ trụi đất rừng mùa khô. “T12 ở đấy đấy” em nói và rồi cho đoàn dừng lại. “Khi có máy bay các anh đứng nép vào gốc cây chết không cử động, nếu nó vòng lại thì nhanh chóng xuống hầm”. Chúng tôi nghe từng lời em dặn.

Nắng đã qua trưa, bóng cây đã nghiêng về phía sau con đường. Tôi cà nhắc bước từng bàn chân một, bàn chân trái bước xuống trước, rồi bàn chân phải bước sau. Đặt hai bàn chân trên bậc rồi lại bước tiếp bậc mới, cứ thế tôi leo dốc từng bậc từng bậc một. Người giao liên đeo cái bồng của tôi đi trước, bóng anh đổ vào sườn dốc. Tôi nhìn anh đi trong nắng chiều của mùa khô Trường Sơn, cái dáng đi như cây khô ngả bóng nghiêng nghiêng, người lao về phía trước. Anh đã lên tới đỉnh dốc.

Một tiếng gầm rít vút qua, chiếc F105 xé bầu trời trong xanh lao xuống. Tôi đứng nép vào gốc cây khô như em đã truyền đạt. Tiếng rít vòng lại, em đẩy tôi xuống cái hầm ngay dưới gốc cây, những quầng lửa nhoàng sáng nơi người giao liên đeo cái bồng của tôi, khoảng nhoàng sáng trong tích tắc, đất đá bay ào ào đổ lấp hầm nơi tôi trú ẩn.

Tôi tỉnh lại khi mọi người đang lau rửa cho tôi. Em đứng bên cạnh, tay trái quấn băng, trên mặt mấy vết xước đang rỉ máu. “Có đau nhiều không anh”. Nghe em hỏi tôi mới có ý thức nhớ lại. Tôi nhớ em đẩy tôi xuống hầm, quầng lửa bùng sáng, tiếng nổ như tiếng sét chát chúa, đất đá bay lấp xuống người. Người tôi đau nhừ không nâng nổi mình lên được nữa, nơi vết thương như muốn rời chân ra.

 “T12 là vậy đó anh, sáng đi mà không biết mình có còn về lại hay không. Anh Đồng đeo bồng của anh đi trước hy sinh rồi, quân trang giấy tờ của anh bay theo anh ấy hết. Anh nghỉ lại trạm ít ngày, khai lại hồ sơ lý lịch để trạm chứng nhận cho anh”. Em nói và quay đi lau dòng nước mắt. “Phát đâu. Phát có sao không”. Tôi sực nhớ. “Tốp các anh đi sau hai mươi mét không ai sao cả, may cho anh có họ cùng em bới moi anh lên, chứ mình em bới chắc không kịp”.

Không một bóng cây, cách một đám lại có một cây chết khô. Một cây cụt ngọn cụt hết cành thân, nhiều mảng toác ra do mảnh bom chém, ở chỗ ngọn cây cụt cố chồi ra mầm để giành lại sự sống. T12 phơi mình trống trơ, ban ngày như một quả đồi chết. Mọi sinh hoạt vào đêm tối dưới hầm, tắm giặt tối, nấu ăn tối. Nấu tối máy bay không nhìn thấy khói, còn ánh lửa thì che cửa hầm lại, cửa hầm ban ngày được ngụy trang bằng tấm bạt phủ lá khô lên đậy kín. May mà suối gần, bờ suối  còn sót lại cây lộc vừng xanh tốt, lá nõn lộc vừng nấu canh, ăn với mắm thay rau.

T12 cắm chốt ở đây có một tiểu đội bảy người. Lụa em gái luôn đi bên tôi là tiểu đội trưởng. Tiểu đội em đảm nhiệm đưa những đoàn lẻ đi ra, làm cả y tá điều trị thương binh, vận chuyển lương thực thực phẩm cho các đoàn quân đi qua trạm. Lụa thay cho tôi bộ gabađin mới vừa lấy ở kho, em bắt tôi nằm quay đầu ra để em gội đầu. Tôi bảo để tôi làm được, em trừng mắt rồi mỉm cười. “Lúc này anh không được cử động, chấp hành đi đồng chí Thành”. Tôi giương đôi mắt ngạc nhiên. “Anh tưởng tên anh bí mật à. Khi trạm kia bàn giao quân số, chúng em phải biết tên các anh để nắm được sơ bộ về khách mình dẫn chứ, không nhỡ có hy sinh biết ai mà báo về trạm”. Tôi cười trừ thán phục.

Lụa dội những gáo nước lên mái tóc rậm cứng bết đất của tôi, ngón tay gãi mái tóc rối bù. “Mai cắt tóc nhé ông tướng, tóc như lão trượng trong phim rồi đấy”. “Lão trượng tóc trắng, anh tóc đen kít mà”. “Muốn trắng không em bôi cho”. Miệng nói mắt Lụa liếc ngang qua mặt tôi sắc lẹm. Tôi vội nhắm mắt, không dám đối chứng mắt mình với mắt em, tôi sợ mắt mình bị vấp.

Đã bảy ngày chỉ nằm ở dưới hầm không ánh sáng, tôi thấy như người không có tự do, nơi ngực tưng tức khó thở. Tối nào về Lụa cũng xuống hầm tôi kể về chuyến đi ngày hôm ấy, em ríu ran. “Hôm nay nó đi ẩn đâu hết, chả thấy cái nào gầm rú cả, chúng em đi như đi ngắm Trường Sơn anh ạ”.        

Tối nay Lụa đưa tôi ra ngồi trên cửa hầm. Hơn một tuần nằm trong hầm ngột ngạt, ngột ngạt vì thiếu không khí, vì bức bối như bị cùm chân, giờ được ngồi trong bầu trời trong xanh thoáng mát, tôi dang tay như ôm lấy khoảng trong mát vào lòng. Em mang lên bát nước lá lộc vừng đặc sánh. Em bảo em quê chè nên rất thèm chè, em hái lá lộc vừng già đun uống. Mùi vị chan chát của lá lộc vừng để em đỡ thèm và cho nỗi nhớ nhà cuộn lên. Buồn đấy, nhưng còn buồn hơn nếu không có nỗi nhớ nhà. Anh biết đấy, T12 này đi đẫn đoàn là đi vào hy sinh, về hầm ngủ cũng hy sinh bất cứ lúc nào mà bom địch ném. Nhớ quê cho nó quên đi cái ác liệt mà anh. Nghe em nói mà lòng tôi cứa gai. Tôi uống bát nước em đưa, mùi lá lộc vừng ngầy ngậy chan chát như em nói, nhưng nó không săn lại nơi họng như chè, cái chất chan chát nhạt phèo trôi qua. Chiều nay bữa cơm cũng chỉ có lá lộc vừng chấm mắm khô hòa nước đun sôi, tôi nuốt nghẹn tắc nơi họng.

Đêm trên núi rừng Trường Sơn mà quang trong như ở sân nhà, không có cây chắn trước mặt, bầu trời rộng mênh mông. Xa xa kia ánh đèn của dãy thành phố biển chạy dài thành một vệt sáng như đường nắng chân trời. “Anh biết không. Đi từ đây về đấy chỉ mất mấy ngày, vậy mà em ở đây đã hơn năm năm vẫn chưa biết mặt mũi nó thế nào. Mà cũng không biết có còn sống để mà được gặp nó không”. Tôi cầm tay em nắm trong tay mình. Em khẽ khàng ngả đầu vào vai tôi, mái tóc mùi lá lộc vừng chả ra thơm cũng chả ra nồng. Lấy đâu ra bồ kết lá chanh lá bưởi ở đất này cho em gội. Tôi nhìn về nơi có vệt sáng xa xa. “Rồi sẽ có ngày em được đi trong thanh bình, đi để ngắm bãi cát chạy dài. Những con sóng xanh của biển vỗ vào bờ, trên đất quê biển ấy Lụa ạ”. “Lúc ấy anh cùng đi với em nhé”. Em hớn hở. “Tất nhiên rồi. Nếu em đồng ý cho anh được đi cùng em, anh sẽ đi cùng em hết cuộc đời này”. “Thật không anh”. “Danh dự của một người lính anh thề”. Tôi giơ tay. Em vội kéo bàn tay tôi xuống. “Em tin người lính của em rồi”.

Thực lòng tôi có cảm tình với em. Cảm tình từ lòng thán phục một người con gái ở trong nơi bom đạn, ở trong giữa sự sống và cái chết chỉ trong giây phút, vậy mà em vẫn bám trụ nơi T12, chảo lửa của Trường Sơn. Em ngửa mặt lên nhìn tôi, như ghi hình tôi vào trong đôi mắt. Hai tay em quàng qua vai tôi ghì chặt, đôi môi chụt má tôi một cái, rồi đứng dậy chạy băng băng quanh khoảng đồi trăng đêm. Bước chân tăm tắp trên mặt đất khô rang vẫn đang hầm hập nóng.          

Đêm ấy em nằm cùng hầm tôi, tôi nằm giữa, một bên là Phát một bên là em. Ba chiếc võng mắc song song. Tôi giục Phát mấy lần bảo đi trước mà Phát nhất quyết không đi. Phát bảo. “Anh chưa về đến nhà thì em cũng chưa về”. Mấy ngày đầu còn đau, Phát nấu cho tôi ăn, Phát lau người chăm sóc tôi như người hộ lý chăm bệnh nhân. Tôi thầm cám ơn người đồng đội mà tôi chỉ mới gặp từ hôm tập trung để xuất phát đi ra.

Tôi và em nằm nắm tay nhau, thỉnh thoảng em lại kéo võng tôi vào sát võng em. Em quàng tay qua người nghiêng hẳn sang tôi, tiếng chụt trên môi em dính má tôi trong đêm ở hầm nghe gọn và rõ. Tôi thiếp đi trong yêu thương của em, khi tỉnh dậy em vẫn nằm thức. Cái dáng nằm giờ quay hẳn sang võng tôi, mắt nhìn tôi không rời. “Em nhìn anh, biết đâu mai em đi mà không còn được về nhìn anh nữa”. Em nói khi tôi thức dậy. “Em thức qua đêm quen rồi. T12 nhiều hôm phải dẫn đoàn đi đêm anh ạ”. Tôi không thể nằm mà ngồi dậy kéo em sang ngồi cùng võng. Những ngày ở đây tôi mới thấy hết được ác liệt của T12. Tiếng bom nổ bất thần rung cả hầm, cái hầm chao như động đất. Nằm trong hầm kín tôi và Phát không biết nó nổ hướng nào, chỉ thấy đất vụn trên nóc hầm ào ào rơi xuống võng.

Chúng tôi ngồi cùng nhau cho đến lúc em đi. Em lại đi vào trạm trong đón đoàn đưa ra, con đường mòn ngày nào em cũng bước, nó quen thuộc như đường làng quê em. Con đường đạn bom luôn rình rập trên đôi vai cô giao liên bé nhỏ.

Trời đã tối hẳn căn hầm nhờ nhờ của ánh sáng những vì sao, em như luồng gió nhào vào hầm, gục vào vai tôi nức nở. “Cái Xoan trong ba đứa cùng làng với em hy sinh rồi anh Thành ơi. Ba chúng em tình nguyện ra trận, ở bên nhau đã gần sáu năm, em xin mãi mới được trạm đồng ý cho ba chị em về đây. Nếu em còn sống mà về, em biết nói thế nào với bố mẹ Xoan. Tại em, tại em. Nếu em không xin Xoan về đây cùng em thì sao Xoan hy sinh”. Em nấc lên, nước mắt chảy không ngăn lại được. Tôi vỗ về em. “Chiến tranh biết sao được hả em”. “Em thương nó quá, cũng như anh Đồng hôm nọ, nó hứng trọn một quả bom, bay hết chả gom được ít xương thịt mà chôn cất”. Em vẫn nấc, tấm thân nhỏ bé rung rung, vai tôi nước mắt em ướt đẫm. Đêm ấy thỉnh thoảng tôi lại thấy em giật mình vùng ngồi dậy, gương mặt bất thần hoảng loạn.

Lụa cứ nấn ná giữ tôi ở lại không muốn cho đi, dù tôi đã khỏe lại bình thường. Ở nơi sự sống và cái chết mỏng manh cận kề, có người yêu thương bên mình là một hạnh phúc, ai muốn xa người yêu trong hoàn cảnh này. Tôi hiểu lòng em. Tôi cũng không muốn xa em, muốn được chia sẻ với em những vất vả ác liệt. Nhưng tôi ở lại thì giúp gì được em? Bên tôi còn Phát. Phát phải ra nhanh để điều trị. Tôi đề xuất với Lụa sáng mai cùng đoàn đi ra. Em lặng lẽ mãi sau mới “vâng”, tiếng vâng của em rất nhẹ mà sao tôi thấy lòng mình trĩu xuống. Đêm ấy em đưa tôi ra gốc cây lộc vừng. Tảng đá bằng phẳng nhẵn bóng, em bảo những đêm buồn hay nhớ nhà em ra đây ngồi. Hoa lộc vừng mầu đỏ rủ xuống như dây pháo hoa, những cánh hoa rụng đầy gốc mùi hăng hăng ngai ngái. Em vốc trên bàn tay rồi tung lên, cánh hoa lã chã rơi khắp người tôi và em, cánh đậu trên mái tóc, trên vai áo.

Em ngồi xuống tảng đá, rồi nằm xuống tay duỗi thẳng, em bảo. “Ước gì em được thảnh thơi nằm mãi trên tảng đá bên gốc cây lộc vừng này nhỉ”. Em nói hai tay quàng qua cổ tôi kéo xuống. Mặt tôi úp lên ngực em, tiếng đập nơi ngực em hấp tấp. Tôi cầm bàn tay em ấn vội tờ giấy ghi địa chỉ của tôi. Tôi bảo em cho tôi địa chỉ quê nhà, ra đến nơi tôi sẽ lên nhà em. Em nhìn tôi lắc đầu. “Không cần đâu anh, có khi anh chưa về đến nhà ở đây bom đã thổi bay em rồi. Anh cứ về, nếu hòa bình mà em về, em sẽ theo địa chỉ này tìm anh, còn em không tìm anh thì có nghĩa là…”. Em bỏ lửng câu nói. Nhưng tôi biết em định nói gì, lòng tôi buốt rát. Tôi siết em trong lòng thật chặt. Ôi Lụa mỏng manh bé nhỏ của tôi. Em quàng tay qua cổ tôi, mắt nhìn thật sâu để thu gọn tôi vào trong đôi mắt ấy. 

Chúng tôi ngồi bên nhau như thế, cho đến khi Mấm đến đứng đằng sau. “Ta đi thôi anh, không trời sáng đấy”. Em đứng dậy chìa tay kéo tôi lên rồi đặt đôi môi lên môi tôi hít một hơi thật sâu. Tôi đón nhận nụ hôn của em như mình đang ngưng thở. Buông tôi ra em bảo. “Anh đi đi, nhớ giữ gìn sức khỏe”. Nói rồi em chạy vụt tới cửa hầm. Em không dám đứng lâu chia tay tôi, làm vậy chắc em không thể cho tôi đi được. Tôi nhìn em chạy trong ánh trăng mờ mờ, trong ánh mờ mờ của mặt trời đã thành một vệt sáng phía đằng đông. Giờ tôi đi ra, em đi vào trạm trong đón những người lính ra T12 tiếp. Đi một đoạn tôi ngoái lại nhìn, em vẫn đứng như hòn vọng phu nơi cửa hầm, tôi thấy tay em quyệt ngang qua mắt.

Nửa năm tôi về thì giải phóng miền Nam. Tôi hồi hộp chờ tin em. Lại thêm nửa năm nữa vẫn không thấy. Ngày tháng cứ trôi, tôi không thể ngồi chờ em được nữa. Tìm em nơi đâu? Nhớ đêm ngồi dưới gốc cây lộc vừng em bảo. Đại Từ là nhiều chè nhất, quê em thứ hai. Cứ chợ làng quê tôi đến, tôi tìm vào những chỗ bán chè hỏi thăm. Đã có những gương mặt làm tôi ngờ ngợ. Đã có ánh mắt làm tôi ngỡ ngàng sửng sốt. Đã có người bảo quê họ có người tên Lụa trạc tuổi ấy, nhưng khi nói Lụa bộ đội Trường Sơn thì họ lại bảo không phải.

Bát nước chè đặc sánh óng vàng người chủ quán rót để trước mặt tôi, nhìn nó tôi lại nhớ đêm ngồi cửa hầm em đưa tôi bát nước lá lộc vừng. Tôi thầm gọi. “Lụa ơi em không về mà uống nước chè xanh quê em, chè săn chát ngọt nơi họng chứ không chát nhạt như lá lộc vừng đâu”. Tôi nhìn trân trân bát nước chè mà lòng cộm đầy kỷ niệm. Đã mấy năm rồi, sắp xếp công việc tôi lại bỏ một thời gian đi tìm như thế này. Em vẫn biệt tăm.

“Anh còn chè không”. “Còn cô ạ, hôm nào hết anh bảo”. Tôi ngoảnh ra nhìn người hỏi bán chè. “Lụa...” Tôi giật mình bật lên tiếng gọi, nhưng rồi tôi ngờ ngợ nhận ra không phải Lụa. “Xin lỗi, chị giống một người tôi quen quá”. Người bán chè cũng thảng thốt, khi chị nghe tôi nhắc tiếng Lụa, chiếc xe đạp rời tay đổ nằm chỏng trơ bánh quay tít. Chị nắm lấy tay tôi hỏi vội. “Anh quen Lụa à”. “Vâng. Tôi gặp Lụa ở Trường Sơn”. “Trời ơi. Có phải anh Thành không”. Tôi sững người. “Cô Mấm có kể về anh mà không biết anh ở đâu để tìm”. “Mấm…. Vậy Lụa đâu”? Người phụ nữ mắt đầy nước, chị cúi xuống lặng người. “Lụa nó hy sinh rồi”. Tôi bàng hoàng, đầu tôi lại vang lên tiếng nổ, quầng lửa sáng nhoàng trên đỉnh núi tôi đang leo ngày nào và tôi chợt nhớ câu Lụa nói. “Còn em không đi tìm anh thì có nghĩa là….”. Giờ thì tôi biết vì sao tôi phải đi tìm em. Câu nói và ánh mắt Lụa hôm ấy hiện về trước mặt tôi, ánh mắt buồn nhưng vẫn có một vầng sáng nơi khoảng đồi trơ trụi.

“Anh vẫn nhớ cô Mấm chứ, nhà cô ấy gần đây”. Mấm ôm chặt tôi nấc lên. “Anh Thành ơi Lụa nó chết đau khổ lắm”. “Tôi biết T12 ác liệt mà Mấm”. “Không. Giải phóng rồi anh, mấy tỉnh ven biển ấy giải phóng hết rồi thế mà nó chết”. Mấm vẫn thổn thức kể trong nước mắt.

Các trạm rút hết xuống đường quốc lộ. T12 cũng vậy, trạm cử em và Lụa ở lại trông kho quân nhu, vũ khí. Phía xa dọc bờ biển xe chạy ầm ầm, quân ngụy tháo chạy, xe bọc thép của ta truy đuổi. Huế, Quảng Đà, Quảng Ngãi giải phóng. Đường quân vào bây giờ là quốc lộ, là ô tô vận chuyển. Chả thấy chiếc máy bay nào bay trên đầu nữa. Lụa và em dựng cái lán giữa mênh mông khoảng trống ở. Bao năm ngủ hầm, giờ được ngủ trên mặt đất sao mà thoáng mát. Đêm ấy mù sương, trời âm u, em và Lụa nằm ôn lại những năm gian khổ ác liệt. Lụa bảo. “Chuyển hết kho xong là nó xin về, về quê, về với bố mẹ để bù đắp bao năm xa nhà”. Chuyện miên man rồi hai đứa ngủ.

Chúng em vùng dậy khi tiếng đổ xoảng của cái xoong. Không kịp nữa rồi, hai họng súng đã chỉ vào hai đứa. Một tên vẫn lăm lăm khẩu súng, một tên lấy dây trói hai đứa lại xong chúng ngồi ăn. Chúng ăn như cả đời chưa được ăn, chúng đói sau mấy ngày chạy trốn, chui lủi ở rừng khi quân ta đánh vào. Chúng ăn một nhoáng đã hết xoong cơm dù chỉ ăn không, no nê rồi chúng ngồi uống nước, bát nước lá lộc vừng Lụa nấu chúng uống ngon lành.

Được ăn no hoàn hồn mặt chúng hớn hở, một tên mắt cứ găm vào Lụa, rồi nó tiến lại nâng mặt Lụa lên. Em rùng mình nghĩ đến điều ấy. Nó cười nhăn nhở, bàn tay nó đặt lên ngực Lụa, ngón tay cởi những chiếc cúc áo. Lụa đạp nó ngã sóng soài trên nền đất. Nó như con thú khát mồi nhào đè lên Lụa, bàn tay cởi lột. Hai chân Lụa vẫn vùng vẫy đạp. Con thú không bỏ con mồi, nó ập người xuống. Lụa cắn ngập hàm răng vào mặt nó. Nó nhổm lên, đầu gối Lụa thúc mạnh vào nơi vùng bụng nó. Nó tru lên. Một băng liên thanh nổ. Lụa quằn quại, máu đẫm vùng ngực chảy xuống đất. Em chết lặng nhìn Lụa quằn quại. Lại một băng liên thanh nổ tiếp. Băng liên thanh lần này là do tên còn lại nhằm vào thằng cưỡng bức Lụa. Mắt thằng ấy đảo ngược lên, nó không kịp hiểu được sự việc trước khi đổ xuống.

Thằng bắn xong băng đạn bước ra khỏi lán, nhìn nó đi thểu não, chân bước mặt cúi gằm. Bỗng hắn dừng lại tháo vỏ băng đạn vừa bắn hết ném xuống đất, lắp băng mới. Em nhắm mắt chờ đợi. Một tràng liên thanh cày ngay trước mặt hắn. Hắn bắn cho đến băng đạn cuối cùng, khi khẩu súng chỉ còn là một khúc thép, hắn đáp nó ra một khoảng xa bước tiếp. “Này”. Em gọi, hắn ngoảnh lại. “Không cởi trói cho tôi à”. Hắn quay lại tháo sợi dây xong rồi chân lại bước.

Em nhào đến tay nâng Lụa lên, cài lại những chiếc cúc áo, bế Lụa lên chiếc vạt tre khóc lên nức nở. “Lụa. Lụa ơi…”. Không biết có phải vì em gào khóc Lụa hay không mà tên lính đứng sững lại. Hắn quay lại lán, đôi mắt hắn đảo tìm rồi dừng lại nơi cái xẻng. Hắn cầm lấy đi ra gốc cây lộc vừng đào, xong hắn vào lấy thau nước rửa mặt cho Lụa. Những giọt máu khô trên mặt Lụa được lau sạch. Hắn bế Lụa đi. Em giằng lại không cho hắn làm, hắn đẩy em ra lấp tiếp những xẻng đất lên người Lụa, cho đến khi thành đống đất cao nhô lên bên bờ suối.      

Hắn lại bước đi, bây giờ cái đầu hắn ngẩng cao hơn một chút nhưng cái dáng thì vẫn lầm lũi của kẻ lẩn trốn. Không biết sao lúc ấy trong em nhận ra hắn vẫn còn một chút tính người. “Cứ định chui lủi mãi sao, không dám đối diện với hiện thực à”. Câu nói làm hắn mở miệng. “Chị bảo tôi bây giờ phải làm gì”. “Làm gì ư. Ra đầu thú. Ra giơ tay hàng những người chiến thắng, họ không giết anh đâu”. Hắn ở lại cho đến ngày giải phóng hoàn toàn, sau đấy hắn đi học cải tạo. Hắn kể em nghe, hắn đang là kỹ sư công trình thì bị bắt đi lính. Ngày người ta dẫn hắn đi em cho hắn địa chỉ và bảo. “Cải tạo xong nếu còn nhớ nơi này thì về quê tìm em”. “Hắn có về không”?. Tôi vội hỏi. “Hắn đây”. Mấm chỉ người đàn ông ngồi góc ghế từ lúc tôi đến vẫn ngồi lặng yên nơi đấy. “Em biết ơn sự cứu mạng của anh ấy, nếu anh ấy cũng như con dã thú kia chắc em và Lụa cùng chết”.

Tôi chìa tay, người ấy cũng chìa tay, hai bàn tay nắm vào nhau. Tôi thấy tay anh run run, tôi ngước nhìn, mắt anh ầng ậc. “Tôi đói anh ạ, đã ba ngày chỉ ăn lá rừng uống nước suối. Tôi định bụng chỉ ăn xong rồi đi. Nào ngờ…”. Anh cúi mặt như người đang nhận tội trước tòa. “Bây giờ anh làm gì”. “Làm chè với Mấm thôi anh”. “Sao anh không làm nghề đã học”. “Cũng có lúc tôi nghĩ đến nhưng rồi tôi thấy. Chiến tranh tàn ác đã nhấn chìm đời tôi, bây giờ tôi chỉ muốn sống cuộc sống yên bình bên vợ con anh ạ. Mấy lại vợ chồng tôi còn phải chăm sóc bố mẹ chị Lụa nữa. Tôi đi xa sợ mình Mấm chăm vất vả. Ông bà coi vợ chồng tôi như con, thằng nhỏ con vợ chồng tôi cũng quý ông bà ngoại lắm”.

Tôi ngụm chén trà Mấm đưa, vẫn hương vị trà xanh đặc vàng óng, vẫn cái vị chát săn ngòn ngọt nơi họng. Tôi nhớ bát nước lộc vừng Lụa đưa hôm nào. Tôi nhớ hôm ngồi dưới gốc cây lộc vừng Lụa bảo. “Ước gì em được thảnh thơi nằm dưới gốc cây lộc vừng này mãi mãi”. Ước mong của em đã là hiện thực. Em đã được yên nghỉ dưới gốc cây lộc vừng, cây lộc vừng mùa này chắc lại rủ những chùm hoa như những dây pháo hoa rực đỏ.

Thế mà đã bảy năm. Vợ chồng Mấm, tôi và chị gái Lụa đã đưa Lụa về quê. Về nơi em đã ra đi, về với hương vị chè đang như thảm chè xanh ngắt nơi những khoảng đồi. Về với mảnh đất đã cho em tuổi thanh xuân để rồi em trở thành người giao liên gan dạ dũng cảm nơi T12 ấy. 

Gió se se đã về, vạt nắng heo nơi đồi chè nghiêng nghiêng chênh chao. Vạt nắng nhuộm đồi chè tím đậm, tím đậm để nước chè cô lại, xanh hơn vàng hơn. Mùa của đất trời se sắt, tháng mười một rồi mà.

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy