Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
12:47 (GMT +7)

Nói chuyện di sản kiến trúc Thái Nguyên

KTS. Nguyễn Văn Cường

Trong dòng chảy lịch sử, những giá trị nghệ thuật vật thể và phi vật thể còn lại với thời gian là bức tranh phản chiếu khách quan quá trình đấu tranh, sinh tồn và phát triển của nhân loại. Trong những giá trị ấy, kiến trúc đóng một vai trò không nhỏ. Là loại hình nghệ thuật của thị giác, nó dễ tạo cảm xúc truyền tải thông điệp của lịch sử trong cảm nhận mỗi người. Cùng với đó, các giá trị kiến trúc cũng sẽ là những thông điệp chuyển tải tới tương lai về những nỗ lực tạo dựng cuộc sống, tạo dựng nên những giá trị vật chất, văn hóa tinh thần của thế hệ hôm nay thông qua những di sản đô thị kiến trúc đã và đang tạo dựng.

Di tích, di sản, di sản kiến trúc … là những khái niệm mà trong bài viết này không tiếp cận sâu. Giới hạn bài viết tiếp cận về kiến trúc qua những giai đoạn lịch sử hiện còn lại trên mảnh đất Thái Nguyên được đánh giá là có giá trị. Nó ghi nhận một giai đoạn lịch sử, có giá trị cao về văn hóa để đưa ra một ý niệm về di sản, di sản - kiến trúc mà chúng ta cần quan tâm, bảo tồn cho hôm nay và mai sau. Khi chúng ta biết phát huy giá trị của các di sản ấy, nó cũng sẽ tạo ra lượng giá trị vật chất không nhỏ thông qua hiệu quả của các chương trình du lịch, tìm hiểu, nghiên cứu, phát triển dự án dịch vụ, khu du lịch và những đô thị… gắn với khu di sản kiến trúc.

Cho đến nay có lẽ chưa có một đánh giá tổng quát nào về di sản kiến trúc Thái Nguyên, vùng đất có bề dày lịch sử hình thành, tồn tại và phát triển. Vậy di sản kiến trúc Thái Nguyên có gì? Ta tạm phân loại ở mảng di tích xưa, di tích lịch sử văn hóa, di tích kiến trúc nghệ thuật, kiến trúc truyền thống, di sản kiến trúc đô thị… Đã đến lúc chúng ta phải tập hợp, nghiên cứu, sắp xếp lại thành hệ thống, biến nó thành chuỗi phục vụ đời sống vật chất, tinh thần.

Với di tích xưa chúng ta có một nơi đặc biệt quý báu đó là Mái đá Ngườm, thuộc di tích Khảo cổ học Thần Sa - Võ Nhai. Nó đã được con người cổ xưa (tới 30.000 năm) lựa chọn làm nơi tạo dựng chốn ở của mình. Tại đây, kiến trúc đã đồng hành cùng cuộc sống con người như một bản năng, khi loài người chưa hình thành xã hội, bầy nhóm tổ tiên ta đã biết lựa chọn một cách có ý thức qua nhận biết của các giác quan, lợi dụng những không gian thiên nhiên để tạo dựng không gian sống, phục vụ đời sống của mình. Do tính chất bền vững của công trình mà những không gian ấy đã tồn tại tới ngày nay. Sự tồn tại đó chính là di sản - kiến trúc quý báu sớm nhất mà chúng ta có được. Mái đá Ngườm là thông điệp của ngày hôm qua, là điểm đến của ngày hôm nay, cần giữ gìn và trân quý, khai thác giá trị văn hóa mà tổ tiên tạo lập để làm phong phú thêm đời sống vật chất tinh thần của hôm nay.

Những di tích lịch sử, di tích lịch sử - văn hóa cùng với di tích kiến trúc nghệ thuật ở vùng đất Thái Nguyên tương đối dày đặc. Trong số đó thì đình, đền, chùa… được hình thành và tồn tại, phát triển suốt chuỗi dài lịch sử, đó cũng là quỹ di sản kiến trúc quý báu cần giữ gìn và phát huy giá trị. Có thể kể đến ở phía nam là vùng đất Phú Bình, Phổ Yên với những đặc trưng văn hóa dân tộc Việt có truyền thống lâu đời. Quê hương của Lý Nam Đế, vị vua nước Vạn Xuân - nhà nước đầu tiên của Đại Việt. Cùng với đền thờ Lý Bí, còn có các công trình: đền Lục Giáp, đền Kha Sơn, đình - đền - chùa Cầu Muối, đình - chùa Hộ Lệnh, đình Phương Giao, đình Phương Độ… Cùng với không gian ở, mô hình làng xã gắn với nền sản xuất nông nghiệp, những ngôi nhà cổ, những kiến trúc khu vực này là bức tranh phản chiếu trung thực, khách quan giá trị văn hóa trong suốt chiều dài lịch sử của cư dân khu vực.

Tại khu vực thành phố Thái Nguyên và các huyện phía bắc, các di tích lịch sử văn hóa mang nội hàm kiến trúc tuy ở rải rác nhưng cũng có khá nhiều, có thể kể đến: đền thờ Hùng Vương, đền Xương Rồng, chùa Hang, động Linh Sơn, chùa Phủ Liễn, chùa Đán, đền thờ Dương Tự Minh… Những công trình này chủ yếu là biểu hiện của kiến trúc văn hóa tín ngưỡng, nhưng những giá trị về kiến trúc cũng đã được ghi nhận, góp một phần đáng kể vào quỹ di sản kiến trúc Thái Nguyên.

Đền Đuổm Ảnh: Trần Hải Hưng

Nằm về phía đông bắc Tổ quốc, với vị trí trung tâm vùng, Thái Nguyên có nền văn hóa ở đặc biệt đặc trưng của cư dân bản địa đó là hình ảnh ngôi nhà sàn của dân tộc Tày - Nùng. Với những ưu điểm nổi trội, hình ảnh của nó đã lan tỏa tới nhiều vùng đất, xuống cả đồng bằng. Ở đâu đó, ngôi nhà sàn dân tộc Tày Nùng còn được nâng lên một giá trị mới, tạo ra một hướng đi, hướng phát triển trong nền kinh tế hàng hóa. Tuy nhiên gần đây, do nhiều yếu tố, ngôi nhà sàn đã từng bước bị “đánh lùi”, thay vào đó là nhà ngói, nhà tôn, nhà mái bằng… Nếu coi hình ảnh ngôi nhà sàn với sức sống lâu bền, mặc nhiên đã trở thành di sản, là tài nguyên, chúng ta cần phải rà soát, có phương án giữ gìn và phát huy nó. Một ví dụ rất điển hình đó là khu nhà sàn Thái Hải, được thực hiện bằng nguồn xã hội hóa, với mô hình chuyển đổi cơ cấu từ nông nghiệp sang cơ cấu nông nghiệp - công nghiệp - du lịch, thì ít nhiều cũng đã làm được điều cần làm, kế thừa phát huy giá trị di sản kiến trúc, phù hợp với yêu cầu phát triển.

Khu di tích khảo cổ Thần Sa.

Đất nước giành được độc lập, sự nghiệp xây dựng ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa những năm 60, 70 thế kỷ XX và hiện nay là công cuộc xây dựng cơ sở vật chất phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước chính là môi trường, miền đất tốt cho kiến trúc phát triển. Trong giai đoạn này, những kiến trúc tốt có cơ hội trở thành di sản cũng đã xuất hiện, có thể ví dụ: khu làm việc Tỉnh ủy (khu ủy Khu tự trị Việt Bắc cũ), Nhà Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, quỹ đô thị các thành phố, thị trấn, thị tứ, một số mẫu nhà ở nông thôn mới… Rất tiếc, hiện nay chúng ta tạo dựng khối lượng xây dựng lớn, nhưng những công trình có sáng tác tốt, có giá trị về kiến trúc chưa nhiều. Điều này đặt ra trách nhiệm của các nhà quản lý, các tác giả thiết kế công trình cần sáng tạo hơn nữa để có sản phẩm tốt, tác phẩm hay phục vụ cuộc sống và có giá trị truyền tải những kỳ tích văn hóa của chúng ta hôm nay tới thế hệ mai sau.

Vấn đề đặt ra lớn, rộng, chỉ xin góp đôi điều gợi mở nghĩ suy, làm tiền đề tiếp cận, đặt sự quan tâm của chúng ta tới vấn đề lớn của kiến trúc - di sản, biến đổi điều ta có thành tài nguyên kiến tạo cuộc sống.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy