Thứ sáu, ngày 18 tháng 10 năm 2024
13:25 (GMT +7)

Tìm giải pháp kiến trúc, quy hoạch nhà ở cho đồng bào miền núi

Trước những thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 gây ra đối với 26 tỉnh thành miền Bắc đặc biệt là các tỉnh miền núi), ngày 18/9 vừa qua, tại Hà Nội, Hội Kiến trúc sư (KTS) Việt Nam đã tổ chức tọa đàm “Giải pháp Kiến trúc, Quy hoạch để giảm thiểu thiệt hại do bão, lũ lụt tại Việt Nam”. Hội thảo đã có những trao đổi thẳng thắn và đưa ra những yêu cầu cần thiết trong thiết kế công trình - nhà ở - cây xanh để tìm ra câu trả lời cho câu hỏi: Đâu là nguyên nhân cho những thiệt hại này?

Từ thiết kế thiếu tầm nhìn

Việt Nam là một quốc gia có sự đa dạng về địa lý và văn hóa, với nhiều vùng miền có phong cách kiến trúc nhà ở độc đáo. Trong đó, khu vực miền núi chiếm một vị trí quan trọng với đặc điểm tự nhiên khắc nghiệt và nhiều dân tộc thiểu số sinh sống. Tuy nhiên, kiến trúc nhà ở tại đây tồn tại nhiều bất ổn, gây ra những hệ quả tiêu cực không chỉ về mặt an toàn, tiện nghi mà còn ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế và văn hóa xã hội.

Toàn cảnh phiên hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Tốc độ đô thị hóa nhanh, quy chuẩn thiết kế dựa trên cơ sở, mức độ đã xảy ra mà chưa thực sự có những nghiên cứu mang tính định lượng, định tính vượt quá mức độ thực tế để thực hiện quy hoạch phê duyệt thiết kế là thực tế mà Hội KTS Việt Nam chỉ ra trong quy hoạch kiến trúc nhà ở miền núi hiện nay.

Theo KTS Tô Ngọc Liễn, Chủ tịch Hội KTS tỉnh Lào Cai, thực tế, những tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế về thoát nước mưa lũ của chúng ta chỉ dựa trên cơ sở, mức độ đã xảy ra trước đó, mà chưa lường trước đến những mức độ vượt quá, nên gây ra những hậu quả không kiểm soát được.

Lấy ví dụ về cơn bão số 3 gây ảnh hưởng nặng nề đến địa phương, KTS Tô Ngọc Liễn cho biết, ngoài nền đất của Lào Cai tương đối đặc biệt thì phong tục, tập quán của người dân (công trình dựa núi, nhìn sông) cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến những vụ lũ lụt, sạt lở nghiêm trọng. Chưa kể, hiện tại, các đỉnh đồi núi bị phong hóa, rất dễ gây ra hiện tượng sạt lở, lũ quét, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Những tính toán đối phó với thiên tai của người dân miền núi luôn rất khó khăn, tốn kém, cần phân bố lại dân cư, cũng như nhiều vấn đề khác.

Yên Bái cũng là địa phương có những thiệt hại về người và tài sản, cơ sở hạ tầng. Do tốc độ đô thị hóa quá nhanh và đặc điểm địa hình cũng như tập quán sống bám rừng của người dân, nguy cơ sạt, trượt đất luôn tiềm ẩn… cũng là nguyên nhân khiến Yên Bái thiệt hại nặng nề cả về con người lẫn vật chất.

Mổ xẻ những thiệt hại sau bão số 3, Hội KTS Việt Nam đã chỉ ra rằng, chính sự buông lỏng trong quản lý, dễ dãi trong phê duyệt quy hoạch khu dân cư trên nền đất yếu, xây dựng nhà thấp tầng, thiếu kiên cố là nguyên nhân dẫn đến sập nhà khi lở đất và cuốn trôi khi lũ về…

Đây là hệ quả được báo trước, nhưng không chỉ giới kiến trúc tại địa phương mà của cả Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhưng lực bất tòng tâm, bởi không có những cảnh báo cụ thể về nguy cơ rủi ro có thể xảy đến. Đồng thời, vì chưa kinh qua những trận siêu bão và những trận lụt lịch sử, nên những thiết kế về nhà ở, công trình hạ tầng chưa được chính quyền, người dân thực sự quan tâm… và hậu quả đã xảy ra, không khỏi khiến chúng ta đau xót.

Chủ quan trong thiết kế, không có những cảnh báo quyết liệt trong quy hoạch khu dân cư và hạ tầng cơ sở… Đó là một thực tế, nếu như không muốn nói là chính quyền sở tại, cùng Sở Tài nguyên và Môi trường đã quá chủ quan và nới lỏng khi phê duyệt các công trình tại những khu vực có nền đất yếu, cho phép người dân xây dựng nhà cửa theo phong tục tập quán là dựa lưng vào núi. Trong khi biến đổi khí hậu đang diễn biến khó lường.

Chính vì vậy, KTS Doãn Minh Khôi khẳng định: “Tôi đề cao các tri thức bản địa, đây sẽ là yếu tố then chốt trong việc đưa ra các giải pháp thiết kế. Các vùng chịu nhiều thiên tai, cũng nên có những hướng dẫn cụ thể về các quy chuẩn trong thiết kế để người dân nắm được và có những thiết kế phù hợp với khu vực của mình”.

Loại bỏ quan niệm cũ, xây dựng quy chuẩn mới

Thực tế cho thấy, tại khu vực vùng núi, người dân thường sử dụng các vật liệu từ thiên nhiên như gỗ, tre, nứa, lá cọ để xây dựng nhà ở. Những vật liệu này dễ kiếm và thân thiện với môi trường, nhưng lại không có độ bền cao trước những tác động mạnh mẽ của khí hậu mà siêu bão Yagi là một ví dụ điển hình. Để có sự thay đổi về kết cấu cũng như vật liệu xây dựng trong khu vực được xem là bài toán khó, cần phải có thời gian và xây dựng lộ trình phù hợp. Khó là bởi phong tục khó thay đổi và đặc thù về địa hình cũng như kinh tế của đồng bào địa phương còn hạn chế. Song, về lâu về dài, những thay đổi cần thiết trong thiết kế, vật liệu xây dựng phải trở thành mệnh lệnh sống còn đối với người dân nơi đây. Hiện, những nghiên cứu về địa chất và cảnh báo thiên tai cho thấy với đặc điểm khí hậu nhiệt đới gió mùa của Việt Nam, miền núi sẽ phải gia tăng sự hứng chịu mưa lũ, sạt lở đất, bão và lốc xoáy. Do đó, những quan niệm cũ về xây dựng nhà sàn, nhà gỗ (thoáng mát) cần phải được xây dựng theo những quy chuẩn mới. Bởi nhà sàn có thể chống lũ lụt tốt nhưng lại dễ bị phá hủy bởi gió mạnh. Nhà gỗ không có hệ thống móng vững chắc dễ bị sạt lở khi đất đồi yếu đi.

Mô hình nhà chống lũ an toàn cho miền Trung
Mô hình nhà chống lũ an toàn cho miền Trung

Theo KTS Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Hội KTS TP Hồ Chí Minh: “Hiện nay, Việt Nam chúng ta đang dùng chung một tiêu chuẩn, quy chuẩn cho tất cả các vùng, từ vùng nhiều bão, tới vùng ít bão, từ thành phố tới đồng bằng, miền núi. Điều này là chưa phù hợp. Câu chuyện này, các cơ quan về xây dựng cần nghiên cứu lại, nếu không, các vấn đề về bão lũ chúng ta sẽ vẫn tiếp tục xảy ra”.

Cũng có chung quan điểm với KTS Nguyễn Trường Lưu về thay đổi quy chuẩn trong thiết kế nhà cho người dân khu vực miền núi, song cần bảo đảm sự hài hòa giữa yếu tố phát triển với bền vững,  KTS Võ Quốc Thái - Chủ tịch Hội KTS Hải Phòng cho biết: “Quy hoạch xây dựng đô thị tới nông thôn và cấp phép xây dựng theo cấp công trình cần cụ thể, rõ ràng tới mục vật liệu công trình, để đảm bảo chất lượng, an toàn. Chất lượng công trình cũng nên được rà soát lại... Quy định về bảo hành, bảo dưỡng công trình cũng nên được quy định, đồng thời những công trình về nhôm kính cũng cần được đi kiểm tra thường xuyên, để đảm bảo chất lượng công trình”.

Mô hình nhà chống lũ với các trụ chống bằng bê tông. Ảnh minh họa: Internet
Mô hình nhà chống lũ với các trụ chống bằng bê tông. Ảnh minh họa: Internet

Như vậy có thể thấy, những bất ổn trong kiến trúc nhà ở của người dân miền núi đang là một vấn đề phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ, các tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư. Việc nâng cao nhận thức, cải thiện hạ tầng và áp dụng các giải pháp xây dựng bền vững sẽ giúp giảm thiểu rủi ro, bảo tồn văn hóa và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nơi đây.

Được biết, hiện các cơ quan chức năng đang tái thiết các khu vực dân cư chịu ảnh hưởng nặng nề của bão lũ. Đồng thời, tiến hành chọn vị trí xây nhà cách xa các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, hoặc vùng có khả năng xảy ra lũ quét. Các phương pháp xây dựng tân tiến nhưng vẫn nghiêng về bảo toàn những giá trị truyền thống của cộng đồng dân cư địa phương đang được triển khai. Đó là làm nhà khung thép tiền chế, nhà bằng gạch không nung có thể giảm chi phí mà vẫn đảm bảo độ bền. Đặc biệt, việc tận dụng vật liệu có sẵn trong tự nhiên như gỗ, đá tại chỗ cũng được tận dụng tối đa trong công tác kiên cố hóa nhà ở cho người dân khu vực miền núi.

Với phương châm, xóa bỏ quy chuẩn cũ, kiến tạo quy chuẩn mới, tạo dựng  những giá trị mới, hy vọng trong tương lai gần, ngôi nhà ở miền núi được xây dựng không chỉ là nơi trú ngụ, mà còn phải phản ánh được bản sắc, giá trị văn hóa và mối liên hệ mật thiết giữa con người với thiên nhiên.

Hà An

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy