Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
13:33 (GMT +7)

Nơi ấy là Trường Sa

Trường Sa, quần đảo xa xôi nhất nước luôn là nguồn cảm xúc để mọi người Việt Nam mong được đặt chân đến một lần, trong đó có các văn nghệ sĩ đến sáng tác và biểu diễn.

Ca sĩ Thu Lan hát trên tàu HQ-936 ở Trường Sa năm 1996
Ca sĩ Thu Lan hát trên tàu HQ-936 ở Trường Sa năm 1996

 

Tháng 4/2012, tôi được đi cùng Trần Đăng Khoa, nữ nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh (nay là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Thái Nguyên) và một số văn nghệ sĩ khác trên một chuyến tàu đến Trường Sa.

Trần Đăng Khoa có lẽ là văn nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên đi “thực tế” sáng tác thời gian dài ở Trường Sa khi ông khoác áo lính hải quân. Nào hát lên cho đêm tối biết/ Rằng tình yêu sáng trong ngực ta đây/ Ta đứng vững trên đảo xa sóng gió/ Tổ quốc Việt Nam bắt đầu ở nơi này là 4 câu trong bài thơ Lính đảo hát tình ca trên đảo của Trần Đăng Khoa, viết năm 1982 ở đảo Sơn Ca mà tôi đã thuộc ngay khi đọc lần đầu… Cùng với những tuyệt phẩm thời niên thiếu, những bài thơ viết về Trường Sa như Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn, Đồng đội tôi trên đảo Thuyền Chài, Lính đảo hát tình ca trên đảo… chắc chắn là những bài thơ để đời của ông. Gần đây, cuốn tiểu thuyết Đảo chìm của Trần Đăng Khoa gây xôn xao dư luận cũng viết về Trường Sa.

Trần Đăng Khoa ở Trường Sa không ra dáng một nhà thơ theo cách của người thường chúng tôi vẫn nghĩ về họ, mà là một nhà báo xông xáo, năng động. Ông đi khắp mọi ngóc ngách liên tục chụp ảnh bằng máy kỹ thuật số và viết lách, cập nhật gì đó trên chiếc máy tính nối mạng mỗi khi có sóng 3G. Trên con tàu HQ-996 năm ấy, những lúc rảnh rỗi, mọi người hay chụp ảnh cho nhau.

Một hôm, khi xem những bức ảnh tôi chụp cho các chị, các cô trong đoàn công tác, không rõ là thật hay đùa, Trần Đăng Khoa cất giọng: “Thầy Phổ ơi thầy Phổ, thầy chụp bằng cái máy gì mà em nào cũng xinh đẹp nõn nường như thế?”. Tôi hơi ngại vì chiếc máy của mình không lấy gì làm xịn, trong khi tác giả của Góc sân và khoảng trời còn nổi tiếng là một người sưu tầm và rất am hiểu về máy ảnh. Thật may, nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh đứng bên đã chữa cháy: “Anh Khoa ơi anh Khoa, anh dùng cái bút gì mà làm thơ hay thế?”, khiến mọi người cười phá…

Nhà thơ Trần Đăng Khoa và Nguyễn Thúy Quỳnh trên biển Trường Sa năm 2012
Nhà thơ Trần Đăng Khoa và Nguyễn Thúy Quỳnh trên biển Trường Sa năm 2012

 

Trước khi đồng hành với hai nhà thơ nổi tiếng, tôi đã đi vài chuyến Trường Sa và cảm nhận ở các văn nghệ sĩ sự lãng mạn, bay bổng. Ít ai có vẻ “lầy lội” như Trần Đăng Khoa. Chẳng hạn trong chuyến đi Trường Sa đầu tiên năm 1996, khi tàu HQ-936 của chúng tôi neo ở đảo Trường Sa Đông, nhà thơ Dương Thuấn lúc vớt mực còn trượt chân ngã xuống nước; nhà thơ Trần Anh Thái câu mãi không được cá thì bị nhà văn, nhà báo Nguyễn Như Phong trêu: “Ông cứ mắc bài thơ vào lưỡi câu là cá nó cắn ngay thôi”. Nhưng trở về sau chuyến đi năm 2012, tôi đọc được loạt bút ký Hướng ấy là Vạn Lý Trường Sa của nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh và cảm thấy ghen tị khi tư liệu của mình không có những chuyện xúc động mà nữ nhà thơ xinh đẹp đã đưa vào trang viết.

Chị kể rằng cảm xúc, ấn tượng về Trường Sa đã có từ lúc tàu chưa rời bến ở TP. Hồ Chí Minh, khi đoàn công tác được một chiến sĩ hải quân trẻ nhờ gửi ra Trường Sa một bì thư, ngoài đề: “Gửi ba Phong, đảo trưởng đảo Gạc Ma”. Mọi người lặng đi, vì ai cũng biết đảo Gạc Ma đã bị Trung Quốc chiếm giữ từ năm 1988 và đảo trưởng Gạc Ma là Thượng úy Nguyễn Mậu Phong đã hy sinh trong trận chiến giữ đảo ngày 14/3/1988. Người lính trẻ nói trên chính là con trai ông. Anh là Nguyễn Tiến Xuân, thủy thủ một tàu hải quân làm nhiệm vụ ở cảng Ba Son. Xuân nhờ mọi người “gửi” cho bố khi đoàn công tác làm lễ tưởng niệm trên vùng biển Gạc Ma. Ra đời mà chưa biết mặt cha, nay Xuân đã là trợ lý tác chiến của Vùng 4 Hải quân.

Tuy nhiên, tôi cũng cũng tự an ủi vì đã chứng kiến và chụp được một việc nhỏ nhưng gây xúc động của chính Nguyễn Thúy Quỳnh ngay trong chuyến đi ấy: nữ nhà thơ Xứ Trà “tiếp” cho một chiến sĩ hiệu lệnh trên đảo An Bang một chiếc khăn lau mồ hôi khi đứng giữa nắng nóng để hướng dẫn tàu xuồng ra vào đảo. Ngoài ra, trong chuyến đi Trường Sa năm 1996, tôi cũng đã chứng kiến các chiến sĩ văn công hải quân tác nghiệp và sau này còn nghe họ kể về những chuyến đi diễn giữa Biển Đông.

Đón khách đến Trường Sa Đông năm 1996
Đón khách đến Trường Sa Đông năm 1996

 

Nghệ sĩ ưu tú, ca sĩ Hoàng Nguyên, nguyên Phó Trưởng Đoàn văn công Hải quân, có thể là một trong những nghệ sĩ đến Trường Sa nhiều nhất với 30 lần đi diễn, khi đó kể với tôi rằng những chuyến đi đầu tiên là vô cùng gian khổ. Ngày nay, chúng tôi bay vào Nha Trang hoặc TP. Hồ Chí Minh để lên tàu đi Trường Sa, thì tháng 4/1982, anh cùng 6 văn công hải quân khác phải lên tàu vận tải từ Hải Phòng vào Cam Ranh để bốc hàng rồi mới đi tiếp Trường Sa.

“Anh em toàn hát mồm với guitar gỗ. Cứ bộ đội ở đâu thì văn công đến hát ở đó, ra cả trạm gác, ụ súng. Lính đảo muốn thấy mặt diễn viên thì bật đèn soi vài giây rồi tắt cho khỏi hết pin” Hoàng Nguyên nói. Lính một số đảo thì có sáng kiến dùng vỏ hộp thịt làm đèn dầu. Dầu cháy tạo khói, khiến mặt mũi văn công, bộ đội đều nhem nhuốc. Có lẽ Trần Đăng Khoa cũng đã làm khán giả của những buổi diễn như thế nên ông mới có cảm hứng và chất liệu để viết bài thơ Lính đảo hát tình ca trên đảo kể trên.

“Có lần diễn ở đảo An Bang, bộ đội hỏi sao không có trống, bọn mình nói trống cồng kềnh không mang được. Năm sau ra đã thấy anh em gò một bộ trống bằng tôn để văn công đánh. Bộ trống ấy bây giờ trưng bày trong Bảo tàng Hải quân”. Hoàng Nguyên nói và tiết lộ anh được lính đảo gọi là “người mang nước đến Trường Sa” vì hay hát bài Mưa Trường Sa của Xuân An, nhiều lần hát xong thì trời mưa. Năm 2000, ở đảo Sinh Tồn Đông, vừa hát hết bài ấy thì mưa to, nước ngập cả chiến hào. Đến chuyến thứ 30, năm 2017, thì hát xong Mưa Trường Sa ở đảo Đá Lớn, trời cũng mưa.

Hoàng Nguyên kể, đáng nhớ nhất là chuyến đi tháng 4/1988, ngay sau sự kiện Gạc Ma vài tuần và kéo dài 7 tuần, qua tất cả các điểm đảo. 5 chiến sĩ văn công đều được phát súng AK và họ tập bắn ngay trên biển. Đây cũng là lần đầu văn công được hát với 2 chiếc loa Yamaha.

Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh tiếp khăn cho lính đảo An Bang năm 2012
Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh tiếp khăn cho lính đảo An Bang năm 2012

 

“Chiến sự vừa xảy ra nên anh em rất mừng khi thấy văn công. Đảo Thuyền Chài có 3 điểm đóng quân, cách nhau cả cây số. Chúng tôi dừng ở từng điểm, dùng xuồng đón bộ đội ra tàu xem văn công. Đến điểm cuối thì đã gần 10 giờ đêm, bỗng có tiếng người bên mạn tàu, hóa ra anh em từ hai điểm kia đã bơi đến để xem thêm văn công, dù lúc tối họ đã xem rồi.

Trong chuyến đi của tôi đến Trường Sa năm 1996, thì người gây ấn tượng cho tôi còn là nữ ca sĩ Thu Lan, đồng nghiệp của Hoàng Nguyên. Năm ấy chị đã hơn 10 lần đến Trường Sa và được mệnh danh là một trong những phụ nữ Việt Nam đến Trường Sa nhiều nhất. Đã về hưu, nhưng với 15 lần đi Trường Sa, Thu Lan có thể vẫn là nữ nghệ sĩ từng đi Trường Sa nhiều nhất.

“Năm 1986, Trường Sa không hiểu sao rất nhiều muỗi. Văn công lên đảo phải mặc kín mà vẫn bị muỗi đốt, đến Sinh Tồn thì mình sốt xuất huyết, nằm li bì. Trên đảo có anh Bình, người ở huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng có một gà mẹ đang đẻ trứng, định để ấp, nhưng thấy tôi bị ốm, anh bèn lấy ổ trứng nấu cháo cho đồng hương ăn”, Thu Lan kể.

Văn công Hải quân ở Trường Sa năm 1983 (ca sĩ Thu Lan đứng giữa, ca sĩ Hoàng Nguyên đứng bên phải) - ảnh nhân vật cung cấp
Văn công Hải quân ở Trường Sa năm 1983 (ca sĩ Thu Lan đứng giữa, ca sĩ Hoàng Nguyên đứng bên phải) - ảnh nhân vật cung cấp

 

Đi diễn Trường Sa những năm đầu, các chị cũng mang theo son phấn. Nhưng mang đi rồi lại mang về vì buổi tối diễn không có đèn, mặt diễn viên còn chả ai thấy ai nữa là son phấn. Mà có trang điểm thì diễn xong cũng chả có nước để rửa. Nước thiếu là nỗi khổ của nữ văn công đi Trường Sa. Ít tắm nên có cô bị ngứa, phải xin cồn của quân y đảo và vào nhà tắm bôi, không ngờ xót quá cứ đứng xuýt xoa trong ấy. Lần khác diễn xong ở Trường Sa Đông, lội ra tàu để ngủ thì sóng đánh ướt hết mà không có nước để tắm giặt mà cứ thế ngủ trên võng, sáng hôm sau quần áo khô, muối đọng trắng người.

Vất vả là vậy, nhưng Thu Lan nói chị ấm lòng vì ra đảo được yêu thương: “Bộ đội quý mình, khi mình về họ lấy tên mình đặt cho chó. Ở Song Tử Tây năm 1986 anh em có một con chó đặt theo tên tôi. Khi nó đẻ, anh em lấy gạch viết lên tường: Thu Lan đẻ 5, chết 1 để ghi nhớ. Năm sau tôi ra chữ này vẫn còn, cười đau cả bụng”.

Tôi tin lời chị, bởi đến đảo Trường Sa năm 1996, tôi cũng được các chiến sĩ ở phân đội 8 giới thiệu hai chú chó có tên Thu Uyên và Bình Minh, là chị em cùng mẹ. Lý do là năm trước đó, hai nhà báo tài danh của VTV là Thu Uyên và Trần Bình Minh đã đến Trường Sa và để lại nhiều yêu mến. Những câu chuyện Thu Lan kể cũng không khác mấy so với những gì tôi được chứng kiến.

Chẳng hạn Trường Sa Đông có một bãi cạn rất dài, xuồng không vào được nên khi nước xuống phải lội bộ. Rời Trường Sa Đông một chiều nước cạn, nhà văn, nhà báo Nguyễn Như Phong bảo chúng tôi bỏ máy ảnh, máy quay vào túi nilon để anh vác lên vai. Bỗng ùm, sóng lớn xô đến, anh bị chìm nhưng lúc nổi lên tay vẫn nắm chặt miệng túi để nước biển không vào làm hư hỏng đồ nghề của đồng nghiệp.

Chưa hết, đêm giao thừa năm 1997, điện thoại nhà tôi bỗng reng reng. Từ đầu đây, có tiếng nói xa xăm: “Tôi Tạc đây, Tạc Trường Sa đây, xin chúc gia đình năm mới sức khỏe, chúc cháu gái khỏe mạnh, hay ăn chóng lớn”. Tôi lặng người, khi nhớ ra đó là Đảo trưởng Trường Sa Trần Đình Tạc. Số là sau chuyến đi Trường Sa năm 1996, tôi đã in rất nhiều ảnh lính đảo nhờ chụp và gửi cho Trần Đình Tạc và anh nhờ anh chuyển cho bộ đội. Thật tình cờ, sau đó anh thấy trên báo có bức ảnh Tình mẹ của tôi chụp con gái đang bú mẹ được giải nhất một cuộc thi ảnh về trẻ em, anh đã gọi điện chúc mừng. Những năm sau nữa anh cũng chúc Tết gia đình tôi đêm giao thừa.

Chú chó có tên Thu Uyên ở đảo Trường Sa năm 1996
Chú chó có tên Thu Uyên ở đảo Trường Sa năm 1996

 

Ngoài hai năm 1996 và 2012, tôi còn có chuyến đi Trường Sa vào năm 2007. Các chuyến đi gối nhau cho tôi thấy một quần đảo Trường Sa dần đổi khác. Cây cối đã lên xanh ở Trường Sa và hầu hết các đảo lớn. Nước đã bớt thiếu hơn, nhiều cầu tầu đã được xây… Nhưng tình cảm của tôi và tất cả người dân Việt Nam dành cho Trường Sa là không thay đổi.

Tôi kể lại những dòng này khi ở trên con tàu HQ-561 đang neo đậu ở Vùng 4 Hải quân để chuẩn bị đến Trường Sa lần thứ 4. Từ Thái Nguyên, một người quen của tôi - một người luôn mong muốn trong đời có một lần được đến Trường Sa - đã chuyển cho tôi lời chúc ấm áp đến đoàn công tác cùng những gói chè Thái Nguyên ngon nhất để đoàn công tác thưởng thức trên hành trình ra đảo. Từ Thái Nguyên, nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Thao cũng đi Trường Sa lần này theo tàu HQ-571, anh sẽ đến các đảo phía Bắc Trường Sa để sáng tác ảnh nghệ thuật.

Còn tôi thì đang đếm từng giờ để được đặt chân lên những rẻo cát vàng phía những đảo An Bang, Đá Tây, Đá Nam… của Vạn Lý Trường Sa…

Lưu Quang Phổ

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy