Niềm vui, niềm tự hào nhân đôi của người Thái Nguyên
VNTN - Ca khúc “Hãy hát lên bài ca Công đoàn” của nhạc sĩ Lê Tú Anh đã được các đại biểu dự Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII nhiệm kỳ 2018 – 2023 (diễn ra từ ngày 24 - 26/9/2018 vừa qua) chính thức lựa chọn làm bài hát truyền thống của Công đoàn Việt Nam.
Nhân dịp này, Báo VNTN đã có cuộc trò chuyện nhanh với tác giả ca khúc - nhạc sĩ Lê Tú Anh.
Khi biết tin Đại hội Công đoàn Việt Nam đã chọn tác phẩm của ông làm bài hát truyền thống của tổ chức Công đoàn Việt Nam, tâm trạng của ông thế nào?
Nhạc sĩ Lê Tú Anh: Nhận được tin Đại hội đã thống nhất biểu quyết với tỷ lệ cao, đồng ý chọn “Hãy hát lên bài ca Công đoàn” do tôi sáng tác làm bài hát truyền thống của tổ chức Công đoàn Việt Nam, tôi thực sự rất vui, hạnh phúc và tự hào. Đó là tất cả những gì đang hiện hữu trong tôi lúc này.
Ông có biết việc bầu chọn diễn ra như thế nào không?
Nhạc sĩ Lê Tú Anh: Bài hát “Hãy hát lên bài ca Công đoàn” tôi sáng tác vào năm 2003, theo đặt hàng của Bưu điện tỉnh Bắc Kạn để đơn vị tham gia Cuộc thi “Tiếng hát Công đoàn ngành Bưu chính Viễn thông”, và đạt giải Nhất. Từ đó đến nay, bài hát đã trở nên rất phổ biến và thường xuyên được sử dụng trong các chương trình, sự kiện, hội thi… của công đoàn ngành khắp cả nước. Lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động có ý muốn tìm tác giả bài hát, khi hỏi ra thì có tới 7, 8 người nhận là tác giả. Song trước đó tôi đã ký hợp đồng với Trung tâm bảo vệ bản quyền tác giả, nên khi đại diện Liên đoàn sang hỏi thì được đơn vị thông tin chính xác. Ban đầu Tổng Liên đoàn Lao động cho phát trên internet nhiều bài hát liên quan đến công nhân, công đoàn và xin ý kiến cộng đồng mạng; dựa vào số lượt người ủng hộ và thích, đã chọn ra được 3 tác phẩm. Cùng với “Hãy hát lên bài ca Công đoàn” của tôi nhận được số lượt ủng hộ rất cao, có 2 ca khúc khác nữa là: “Công nhân Việt Nam” của cố nhạc sĩ Văn Cao và “Bài ca công đoàn” của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân. 3 bài này được lựa chọn, đề xuất, báo cáo Ban Tuyên giáo trung ương làm bài hát truyền thống của Công đoàn Việt Nam. Sau đó một Hội đồng thẩm định được thành lập gồm 21 các chuyên gia, lãnh đạo trung ương để bỏ phiếu. Tác phẩm của tôi đã đạt được 19 trong tổng số 21 phiếu của các thành viên tham gia bầu chọn. Sau khi hoàn thành thủ tục hợp đồng bản quyền, đơn vị đã tiến hành phối khí dàn dựng, phát để trình tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII, nhiệm kỳ 2018 - 2023 vừa qua.
Tôi xem tin trên Báo Lao động điện tử thì được biết, tại Đại hội đã tổ chức xin ý kiến các đại biểu về việc sử dụng bài hát: “Hãy hát lên bài ca Công đoàn” là bài hát truyền thống của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Đã có 915/946 phiếu đồng ý, đạt tỷ lệ 96,7%. Có 31 phiếu có ý kiến khác, chiếm tỷ lệ 3,3%.
Theo ông, vì sao những người công nhân và tổ chức Công đoàn lại chọn bài hát của ông?
Nhạc sĩ Lê Tú Anh: Có lẽ bởi nó dễ hát, dễ thuộc, âm hưởng hào sảng… Ca từ của bài hát cũng nêu được khá đầy đủ chức năng, nhiệm vụ và sự cần thiết của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong việc bảo vệ quyền lợi, lợi ích chính đáng của người lao động trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta.
Thái Nguyên đã có bài hát “Ca ngợi Đảng Cộng sản Việt Nam”của cố nhạc sĩ Đỗ Minh được toàn dân xem như bài “Đảng ca”, nay lại có bài hát của ông trở thành bài hát chính thức của giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam. Ông nghĩ thế nào về điều đặc biệt này?
Nhạc sĩ Lê Tú Anh: Thái Nguyên đã rất vinh dự và tự hào khi Cố nhạc sĩ Đỗ Minh đã có ca khúc “Chào mừng Đảng Cộng sản Việt Nam” được xem như “Đảng ca”, và bây giờ ca khúc “Hãy hát lên bài ca Công đoàn” do tôi sáng tác lại được Công đoàn Việt Nam chọn làm bài hát truyền thống của tổ chức Công đoàn; quả thực đây là niềm vui nhân đôi và là niềm tự hào lớn lao của con người và mảnh đất Thái Nguyên - Thủ đô kháng chiến, giàu truyền thống cách mạng, giàu bản sắc văn hóa của cộng đồng nhân dân các dân tộc tỉnh nhà. Là một vinh dự và thêm một đóng góp có ý nghĩa, tô thắm thêm trang sử hào hùng của quê hương Thái Nguyên nói riêng, đất nước nói chung.
Bài hát của ông đã trở thành bài ca chung của tổ chức Công đoàn Việt Nam, vậy quyền tác giả bây giờ vẫn thuộc về ông hay thuộc về tổ chức Công đoàn?
Nhạc sĩ Lê Tú Anh: Sau khi bài hát nhận được lượt bầu chọn, thống nhất cao từ phía các chuyên gia, lãnh đạo trung ương, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã lên Thái Nguyên trực tiếp gặp tôi để ký hợp đồng chuyển nhượng (mua) bản quyền vĩnh viễn. Tôi đã làm văn bản yêu cầu chấm dứt hợp đồng với Trung tâm Bản quyền tác giả. Song theo luật thì quyền tác giả vẫn thuộc về tôi, sửa đổi gì sẽ vẫn phải xin phép.
Xin chân thành gửi lời chúc mừng và cảm ơn ông đã chia sẻ niềm vui này cùng VNTN. Kính chúc ông luôn dồi dào sức khỏe, dồi dào thành quả sáng tạo!
Q.Nguyễn – L.Đình (thực hiện)
Xin mời thưởng thức ca khúc "Hãy hát lên bài ca công đoàn" của nhạc sĩ Lê Tú Anh"
[playlist type="video" ids="15743"]
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...