Thứ năm, ngày 09 tháng 05 năm 2024
12:09 (GMT +7)

Những trái tim nứt vỡ

Ly hôn là cách để nhiều đôi vợ chồng “giải thoát” cho nhau khi không thể dung hoà trong cuộc sống hôn nhân. Song phía sau những gia đình “tan đàn, xẻ nghé” là không ít hệ luỵ cho những người trong cuộc…

Xu hướng đáng báo động

Ngồi trước mặt tôi là Thu, 22 tuổi, sinh viên năm cuối của một trường đại học ở Thái Nguyên. Trên tay Thu bế con trai hơn 4 tháng tuổi đang vô tư cười, hóng chuyện khi chúng tôi dỗ dành. Kết hôn lúc đang có bầu to, sau đám cưới vội vàng và chưa đầy vài tháng chung sống, Thu đã sinh con. Tuy nhiên, gia đình nhà chồng xét nghiệm AND đã phát hiện con trai Thu sinh ra không phải của chồng. Vậy là đôi bạn trẻ đã quyết định “đường ai nấy đi” sau 5 tháng chung sống.

Những trái tim nứt vỡ
Một cặp vợ chồng trẻ đến Tòa án Nhân dân TP. Thái Nguyên giải quyết ly hôn sau chưa đầy một năm chung sống.

Hôm tôi gặp Thu là khi em cùng chồng đến Toà án Nhân dân (TAND) TP. Thái Nguyên để hoàn thiện các thủ tục thỏa thuận. Sau khi tòa có quyết định đứa bé không phải con của chồng, sẽ giải quyết ly hôn, xác định họ không có con chung. Khuôn mặt đeo khẩu trang kín, song tôi vẫn quan sát thấy đôi mắt em đượm buồn. Tới đây, trở thành bà mẹ đơn thân, dù được bố mẹ đẻ hỗ trợ, nhưng chắc chắn cuộc sống vừa chăm con vừa đi học với em sẽ gặp nhiều trở ngại.

Kết hôn khi tuổi đời còn trẻ, yêu nhanh, cưới vội như trường hợp Thu ở trên là thực trạng khá phổ biến với các cặp vợ chồng trẻ hiện nay. Bước vào cuộc sống hôn nhân khi chưa có sự chuẩn bị về tâm lý, kinh tế, sức khỏe và những hiểu biết cần thiết cho cuộc sống gia đình lại quá đề cao cái tôi của bản thân khiến phần lớn các cặp vợ chồng trẻ nảy sinh mâu thuẫn ngay từ những tháng, năm đầu của cuộc hôn nhân. Thiếu kiến thức, kỹ năng hôn nhân đã khiến họ không đủ bản lĩnh và kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, dẫn đến ly hôn ngay trong 5 năm đầu sau khi kết hôn.

Theo phân tích của các chuyên gia tâm lý: Không ít trường hợp, do kinh tế khó khăn, nghề nghiệp không ổn định, thu nhập bấp bênh, sinh con sớm khiến nhiều cặp vợ chồng trẻ thường xuyên nảy sinh mâu thuẫn. Từ đó, họ không tập trung đồng thuận để xây dựng kinh tế gia đình, nuôi dạy con cái. Ngoài ra, còn một số nguyên nhân dẫn đến thực trạng ly hôn gia tăng hiện nay, nhất là trong người trẻ như: Gia đình thiếu sự gắn kết, do định kiến về giới tính (vợ không sinh được con trai), bạo lực gia đình, một trong hai người ngoại tình hay vướng vào tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, rượu chè, bệnh tật không có khả năng có con…

Tôi nhớ đến trường hợp một phụ nữ ở TP. Thái Nguyên, sau nhiều năm chung sống bị người chồng có tính ghen tuông luôn kiểm soát, sợ chị “cặp bồ” với người khác. Đặc biệt mỗi lần anh ta say rượu, lại lăng mạ rồi đánh đập vợ rất tàn nhẫn. Quá chán nản, tuyệt vọng với cuộc hôn nhân địa ngục, chị đã làm đơn ra tòa nhưng chồng đe doạ sẽ làm tổn hại cả ba mẹ con nên chị lưỡng lự bao năm. Nói với tôi trong nước mắt, chị thừa nhận, mình thường xuyên ngoại tình trong tư tưởng. Một lần mới đây, do tức nước vỡ bờ, chị đã phản kháng, đánh lại chồng. Việc chị bị bạo hành đã chấm dứt từ đó, song chị vẫn quyết định không thể chung sống với người chồng vũ phu, lại dính vào tệ nạn ma tuý.

Nhiều năm giải quyết các vụ ly hôn trên địa bàn, Thẩm phán Vũ Thị An, TAND TP. Thái Nguyên chia sẻ một nguyên nhân khiến các cặp vợ chồng ly hôn là: Trong xu thế phát triển của nền kinh tế hiện đại, không ít bạn trẻ, nhất là bạn nữ đi làm ở các khu công nghiệp, hoặc xuất khẩu lao động, khi trở về nhà không chấp nhận lối sống, thói quen sinh hoạt của bạn đời. Cũng có trường hợp vì xa nhau nhiều năm nên người chồng (hoặc vợ ở nhà) tình cảm phai nhạt và khi gặp lại quyết định ly hôn.

Như trường hợp sau 5 năm chung sống, hai vợ chồng ở một phường trung tâm trên địa bàn thành phố có với nhau một đứa con ngoan ngoãn khoẻ mạnh. Song hạnh phúc của họ không bền lâu vì người vợ khi đi làm công nhân ở khu công nghiệp có quan hệ tình cảm với người khác. Sự việc bị người chồng phát hiện và cả hai đã nhanh chóng ra tòa ly hôn, quyền nuôi con gái 4 tuổi thuộc về người bố. Quá ác cảm và không thể tha thứ cho vợ, người chồng đã không ngại “bơm” vào đầu con những từ ngữ hình ảnh xấu về người mẹ để đứa bé ghét mẹ mình. Anh cũng ngăn cản, hạn chế con tiếp xúc với mẹ.

Thống kê của TAND tỉnh, trong 3 năm qua, toàn tỉnh có tới 8.160 vụ ly hôn, số lượng gia tăng từng năm. Đáng chú ý là tỷ lệ thụ lý, giải quyết những vụ án ly hôn trong độ tuổi còn trẻ có xu hướng tăng dần (năm 2021 là 14,8%, năm 2022 là 15,8 và 2023 là 20,2%). Điển hình như ở TP. Thái Nguyên, giai đoạn 2021 - 2023, TAND thành phố đã thụ lý trên 1.640 vụ ly hôn, số vụ ly hôn chủ yếu ở người trẻ sau 5 năm đầu chung sống (phổ biến ở lứa tuổi từ 25 - 30).

Vết thương khó liền sẹo

Ly hôn là cách để nhiều đôi vợ chồng “giải thoát” cho nhau khi không thể dung hòa trong cuộc sống. Hậu ly hôn, dù trong bản án chỉ ghi vài dòng ngắn ngủi “cuộc sống chung không thể kéo dài… mục đích của hôn nhân không đạt được…” nhưng đằng sau ấy là biết bao câu chuyện cay đắng mà chỉ người trong cuộc mới thấu hiểu. Phần lớn sau hôn nhân đổ vỡ, vết sẹo trong tim đều khiến người trong cuộc bị tổn thương. Có một số người vợ, hoặc chồng đã cân bằng được cuộc sống và hạnh phúc hơn, song con số ấy không nhiều. Thực tế, do định kiến xã hội nên phái nam tìm thêm một nửa của họ thật dễ dàng nhưng với phái nữ mọi chuyện không hề đơn giản để có thể tiếp tục bắt đầu một cuộc sống mới.

Minh, 28 tuổi, ở huyện Đại Từ, vừa kết thúc cuộc hôn nhân với chồng cách đây 4 tháng, em không ngại chia sẻ với tôi: Sau ly hôn, đi đâu em cũng bắt gặp những ánh mắt dò xét, một câu hỏi chung của nhiều người sao em lại chia tay khi đang có một gia đình hạnh phúc mà mọi người mơ ước. Giờ một mình nuôi con, em luôn cố gắng để tự chủ về kinh tế, chăm con trong điều kiện tốt nhất.

Những trái tim nứt vỡ

Không phải người phụ nữ nào cũng đủ tự tin và mạnh mẽ đối diện với thực tế hôn nhân đổ vỡ như Minh, phần đa phía sau mỗi cuộc ly hôn là những giọt nước mắt xót xa của người phụ nữ, một trái tim “sợ cành cong” không dám mở lòng với ai khác. Như trường hợp chị Huyền, bạn thân của tôi ở huyện Phú Bình. Tôi đã chứng kiến, anh Hùng - chồng của chị bỏ mặc vợ con mới sinh trong căn phòng trọ chật hẹp giữa thành phố, đi với tình nhân và quay về rũ bỏ trách nhiệm với người vợ của mình. Sau khi ra tòa, chị một mình nuôi con, lặng lẽ đi qua những thị phi của cuộc đời. Đến nay, qua nhiều năm, con chị đã học cấp hai, không ít người chân tình, thực lòng nhưng chị không thể chấp nhận được ai vì luôn ám ảnh cuộc hôn nhân đổ vỡ trước kia, sợ “bước vào vết xe đổ”.

Nói về tình trạng ly hôn gia tăng hiện nay, ông Nguyễn Ích Yên, Phó Chánh án TAND tỉnh, Chánh Tòa Gia đình và Người chưa thành niên chia sẻ: Tình trạng hôn nhân gia tăng và ngày càng nhiều ở các gia đình trẻ không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình, người thân mà còn gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Bởi gia đình là tế bào của xã hội, khi tế bào không “khỏe” thì xã hội bị ảnh hưởng nhiều mặt. Sau ly hôn, nhiều trẻ em sống trong cảnh thiếu tình thương và sự chăm sóc, nuôi dưỡng của cha hoặc mẹ. Cá biệt có trường hợp cha, mẹ đều không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng, có em bị bỏ rơi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển nhân cách và lối sống của trẻ.

Nhiều người dân ở phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên) chắc hẳn vẫn chưa quên vụ việc hy hữu sau ly hôn của một cặp vợ chồng trẻ trên địa bàn. Chị Hoa là kế toán của một công ty còn chồng là lái xe. Sau khi kết hôn, hai người có một con gái chung (5 tuổi). Do cuộc sống nhiều mâu thuẫn, không thể hòa giải, họ đã quyết định ly hôn và quyền nuôi con gái theo thỏa thuận thuộc về người chồng. Mọi chuyện sẽ không có gì xảy ra nếu nhà chồng không để xảy ra chuyện chăm sóc, giáo dục không đầy đủ, thậm chí không cho mẹ bé thực hiện quyền và nghĩa vụ thăm nom. Điều này khiến cô bé tủi thân muốn về sống với mẹ. Sau khi tòa án hai cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm đã quyết định thay đổi quyền nuôi con, trao con cho người vợ, nhưng người chồng không chấp hành mà đã giấu biệt con gái đi.

Chị Hoa đã phải lên cộng đồng mạng kêu cứu nhờ mọi người tìm thông tin của con, rồi nhờ các cấp hội phụ nữ vào cuộc. Song bản án từ năm 2022 đến nay vẫn chưa thi hành. Đằng đẵng suốt một năm qua, chị sống trong vô vọng, nhớ thương con gái, không thể tập trung cho công việc. Chị chỉ nghe nói là gia đình chồng đã đưa con gái vào miền Nam, con chị bị bố và gia đình nội “nhồi nhét” vào đầu những hình ảnh không tốt về mẹ. Chỉ vì sự ích kỷ của người lớn, mà chồng và gia đình bên chồng cũ chị Hoa đã chia cắt tình mẹ con, vô tình làm tổn thương con trẻ.

Hay trường hợp ở xã Liên Minh, huyện vùng cao Võ Nhai, người vợ đi làm công nhân xa nhà để trang trải cuộc sống. Do chồng thường xuyên cờ bạc, nên giữa họ hay xảy ra mâu thuẫn, tình cảm vợ chồng dần phai nhạt. Sau một thời gian dài sống ly thân, biết không thể cứu vãn được cuộc hôn nhân này, họ đã quyết định ra tòa. Điều ám ảnh nhất với thẩm phán xét xử là người chồng đã bắt hai con nghỉ học đưa lên Tòa để chứng kiến bố mẹ cãi vã, thậm chí thóa mạ lẫn nhau dù Tòa không triệu tập các cháu. Nhìn ánh mắt ngây thơ, hồn nhiên của hai đứa trẻ, thẩm phán không cầm lòng được nên đã đưa các cháu ra ngoài trong thời gian xét xử.

Trò chuyện với nhiều thẩm phán đã và đang tham gia giải quyết các vụ án ly hôn trên địa bàn tôi nhận thấy, họ đều cảm thấy vô cùng thương cảm những đứa trẻ đứng giữa cuộc ly hôn của bố mẹ. Dù nguyên tắc xét xử không để những đứa con tham dự phiên tòa song với những trường hợp trẻ từ 7 tuổi trở lên, tòa sẽ phải lấy ý kiến, tìm hiểu nguyện vọng con muốn ở với bố hay mẹ. Có trường hợp các con chịu áp lực từ bố hoặc mẹ nên không dám bày tỏ chính kiến của mình. Về điều kiện kinh tế, đứa bé được chăm sóc đầy đủ, song lại thiếu sự chăm sóc, yêu thương của bố mẹ và vô tình “mắc kẹt” trong cuộc chiến giữa hai người thân thiết nhất của mình. Có trường hợp, do thời gian dài sống giữa “cuộc chiến” của bố mẹ, chứng kiến sự cãi vã, thậm chí bạo lực gia đình, các em đã bị mắc chứng tự kỷ.

Một hệ luỵ nữa có thể kể tới là thời gian qua, tại các huyện, thành trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ việc người vị thành niên chưa đủ 18 tuổi phạm tội. Theo các điều tra viên, phần lớn các em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, bất hạnh, nhiều em sống trong gia đình bố hoặc mẹ phạm tội hay ly hôn. Chính vì thiếu sự giáo dục, dạy dỗ của bố mẹ nên các em dễ bị bạn bè xấu rủ rê, lôi kéo sa vào các tệ nạn xã hội, dẫn tới vi phạm pháp luật, có hành vi trộm cắp, cướp tài sản, gây rối trật tự công cộng… khi tuổi đời còn trẻ.

Để mỗi gia đình thực sự là tế bào của xã hội

Để hạn chế sự gia tăng các vụ ly hôn, nhất là ly hôn trong người trẻ trên địa bàn, nhiều chuyên gia phân tích: Nếu trước khi bước vào hôn nhân, các bạn trẻ được học qua các lớp tiền hôn nhân, nắm vững những kiến thức gia đình, chắc chắn sẽ không còn bỡ ngỡ. Đồng thời, mỗi gia đình hiện đại cũng cần tăng cường sự gắn kết, chia sẻ, cùng nhau vượt qua khó khăn.

Trở lại các vụ ly hôn diễn ra trên địa bàn tỉnh thời gian qua, tôi được Thẩm phán Hoàng Văn Kiên, Chánh án TAND huyện Đại Từ cho biết: Có những vụ, lý do ra tòa ly hôn xuất phát từ mâu thuẫn rất nhỏ. Ví dụ như: Trước tòa, người chồng “kể tội” vợ, mỗi lần chồng đi công tác, hay có cuộc họp, vợ không bao giờ chuẩn bị chu đáo quần áo, đồ đạc cho chồng. Hay người vợ lại “tố” chồng chỉ mải mê chơi game, tụ tập bạn bè, không chịu giúp vợ làm việc nhà, trông con.

Rõ ràng, những mâu thuẫn này hoàn toàn có thể hóa giải trong gia đình nếu hai người chia sẻ thẳng thắn và đồng cảm, gắn kết hơn với nhau. Các cụ đã dạy “cơm sôi nhỏ lửa”, trong cuộc sống gia đình, nếu mỗi người biết kiềm chế cái tôi của mình, cùng thấu hiểu và chia sẻ thì chắc chắn hạnh phúc của tổ ấm sẽ ngày càng được vun đắp bền chặt.

Nói về giải pháp hạn chế các vụ ly hôn, Thẩm phán Trần Văn Cần, Phó Chánh án TAND TP. Thái Nguyên cho rằng: Bên cạnh trách nhiệm từ mỗi gia đình trong ý thức xây dựng hạnh phúc hôn nhân, vai trò của cộng đồng dân cư, xã hội cũng vô cùng quan trọng để mỗi gia đình thực sự là tế bào của xã hội. Việc các cấp, ngành quan tâm, thực hiện hiệu quả và nhân rộng các mô hình, phong trào “Xây dựng gia đình văn hóa”; “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc, tiến bộ”, “Gia đình điển hình, tiêu biểu” cũng sẽ góp phần củng cố và xây dựng các gia đình hạnh phúc, giảm thiểu tình trạng ly hôn...

Về chuyện ly hôn, tôi chợt nhớ đến cuốn sách “Chân dung của ly hôn” của tác giả Chu Hồng Vân xuất bản đầu năm 2023 mà mình có dịp đọc. Trong đó, tác giả thể hiện rõ quan điểm, ly hôn trong xã hội hiện đại đã không còn là điều gì xa lạ. Đây là cuốn sách đầu tiên mang đến cái nhìn cận cảnh về ly hôn, kể lại những câu chuyện chân thực sắc nét từ nhiều góc độ, cho thấy những người chồng, người vợ trái tim đã vỡ vụn, chịu đựng những tổn thương ra sao, và ám ảnh nhất là những đứa trẻ trong gia đình ly hôn, các con đã lớn lên với nỗi đau thế nào.

Đúng như tác giả Chu Hồng Vân đã viết: “Ly hôn không phải chỉ là lúc cặp vợ chồng ra tòa ký vào lá đơn chia tay. Ly hôn là cả một quá trình bao gồm sự rạn nứt mỗi quan hệ, thời điểm đổ vỡ và cuộc gom nhặt lại bản thân của mỗi cá nhân sau đó. Rất nhiều khi giai đoạn khốc liệt nhất là giai đoạn thứ ba”. Và điều tôi thấy đồng cảm nhất với tác giả là, không cần phân tích ai đúng ai sai sau ly hôn. Quan trọng nhất, nhân văn nhất chính là với những cặp đôi đã có con chung, hãy cùng nhìn vào những đứa trẻ để khép lại những tổn thương cũ, bằng lòng yêu thương và bao dung gác lại “chuyện của người lớn”, cùng bắt tay nuôi dạy, giúp các con có một tương lai hạnh phúc.

* Vì lý do tế nhị nên tên của các cặp vợ chồng trong bài viết đã được thay đổi.

Mai Linh Lan

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy