Những nụ hôn bé bỏng… – Truyện ngắn. Vũ Thị Huyền Trang
VNTN - Những buổi sáng cuối đông ở miền Bắc người ta chỉ muốn nằm vùi trong chăn chiếu ấm êm để hít hà hương tóc nhau và nghe tiếng chim ríu rít ngoài cửa sổ. Với Thuấn, giây phút bình yên càng trở nên đáng quý khi hai tháng anh mới được về thăm nhà một vài ngày ngắn ngủi. Dân công trình nay đây mai đó. Quen với cảnh ở nhà thuê ăn cơm bụi, neo đậu bấp bênh. Vốn là người tham công tiếc việc nên Thuấn thường nhận một lúc vài công trình. Thời gian di chuyển giữa các nơi để sắp xếp, quản lý công việc đủ khiến Thuấn mệt nhoài. Nhiều hôm ngồi pha vội gói mì tôm trong căn nhà ngổn ngang vật liệu khiến Thuấn nhớ quay quắt những bữa cơm vợ nấu. Nhớ vòng ôm bé nhỏ của Na từ phía sau. Nhớ những nắm níu non nớt thơ ngây ướt nhoẹt toàn nước mắt. Bất chợt sờ lên khuôn mặt mình Thuấn thấy chỗ nào cũng là dấu vết của yêu thương. Giống như một thứ năng lượng dự trữ để những lúc mệt mỏi nhất Thuấn nạp lại cho mình. Nếu không có bé Na thì chắc hẳn Thuấn đã vài lần buông thả đời mình trong những cuộc tình chớp nhoáng. Những thú vui tạm bợ. Những cạm bẫy được người đời ngụy trang bởi ấm êm. Nếu vậy thì ban mai mơn mởn sắc xuân ở ngoài kia còn ý nghĩa gì…
Thuấn nằm ôm con, lắng tai nghe tiếng bát đũa va vào nhau lách cách. Di đang nấu bữa sáng, khua căn bếp thức giấc bằng mùi gia vị và hơi ấm của ngọn lửa hồng. Thuấn thích cảm giác nằm im ngửi mùi thơm và đoán xem mình sẽ được đãi món gì. Sẽ có mùi của nếp thơm, hành phi hay mùi của bát bánh đa cua biết réo gọi cơn đói cồn cào. Di lúc nào cũng muốn nấu cho chồng những bữa cơm tươm tất. Có cơm dẻo canh nóng được bày biện đẹp mắt. Với Di chẳng có bữa cơm nào được phép qua loa. Nhìn những ngọn rau luộc được vớt ra tỉ mỉ xếp ngay ngắn đặt bên cạnh đĩa hoa quả tráng miệng đầy màu sắc. Lúc nào cũng có thêm một cốc nước cam trên bàn. Mùa lạnh thì vừa đủ ấm mà mùa nóng thì vừa đủ mát. Khiến cho Thuấn luôn thấy mình là thượng khách. Dù người đầu bếp xinh đẹp còn mặc bộ đồ ngủ nhàu nhĩ, tóc tai chưa kịp chải. Dù cô phục vụ bàn tí hon hay làm rơi vãi thức ăn. Dù tiếng kim đồng hồ nhấm nhẳng điểm vào lòng người giây phút sắp chia xa. Đã có lúc Thuấn muốn mang mẹ con Di theo, sống cuộc đời lang bạt giống như gánh xiếc. Chẳng cần phải đợi chờ nhau trong một căn nhà vững chãi để tháng năm phải chịu cảnh biền biệt nhớ nhung. Chỉ cần có nhau thôi thì ở đâu cũng có thể thành nhà. Cứ nổi lửa lên là thành gian bếp. Cứ dọn cơm là ấm cúng quây quần. Để rồi sẽ cùng nhau ngắm nhìn những công trình mới được xây lên. Nhưng chao ôi, ước mơ của con người vốn luôn bị thực tế đời sống này bó hẹp. Đời Thuấn nay đây mai đó đã là quá đủ. Làm sao có thể để mẹ con Na sống cuộc đời của những đám mây…
Bé Na sợ nhất lúc bố ngước nhìn đồng hồ và buông đũa. Con bé cứ bám rịt, dụi đầu vào ngực Thuấn. Nếu có phải ngồi im một chỗ thì con bé vẫn không rời mắt khỏi người đàn ông đang nhét mấy bộ quần áo vào ba lô rồi ngồi thắt dây giày. Nó chống cằm vào thành ghế, phụng phịu hỏi:
-Bố đi rồi nếu bóng điện lại hỏng thì ai sẽ thay? Đồ chơi của con hỏng ai sẽ sửa?
-Thì chắc mẹ con sẽ nhờ ông hàng xóm.
Na hét lên:
-Con không muốn.
Thuấn tủm tỉm cười, khẽ liếc nhìn Di. Di thường không nói gì nhiều những lúc Thuấn sắp đi. Vì còn bận chuẩn bị dao cạo râu, tất ấm, cơm hộp dọc đường. Bận chia thuốc thành từng gói nhỏ, ghi rõ lời dặn dò tỉ mỉ trên từng bìa thuốc vì sợ Thuấn uống nhầm. Dù Thuấn đã nhiều lần bảo với Di rằng thuốc mang đi từ những lần trước vẫn còn nguyên. Đàn ông có mấy khi ốm đau lặt vặt, nhất là dân công trường dầm mưa dãi nắng quen rồi. Đi dọc đường thiếu quái gì quán ăn. Cứ đến bữa là nhà xe tự tạt vào một nhà hàng nào đó. Vừa để tài xế nghỉ ngơi nạp năng lượng lại vừa để lôi kéo khách cho mối quen. Thuấn không dám nói với Di rằng nhiều hôm hộp cơm trưa được chuẩn bị chu đáo đã trở thành cơm tối. Thuấn ngại cảnh ngồi một mình trên xe lủi thủi ăn cơm. Trong khi đám đàn ông ngồi quây lại bia bọt trong quán nhỏ. Mấy chị em phụ nữ sẽ nhìn Thuấn với con mắt vừa tò mò vừa thương hại. Có người chẹp miệng bảo: “Chắc bụng dạ chẳng ra gì nên mới phải cơm đùm cơm nắm thế kia”. Nên thường nhảy xuống xe làm bát phở cho nhanh. Tối về đến nơi cơm hộp đã nguội ngắt nguội ngơ. Mang vứt thì tiếc công Di mà ăn vào thì lần nào bụng dạ cũng biểu tình ầm ĩ. Nhưng Thuấn không dám từ chối mỗi lần thấy Di hạnh phúc dúi vào tay mình hộp cơm nóng hổi.
Di không bao giờ mang khuôn mặt buồn rầu ra tiễn chồng. Sự bịn rịn chỉ thể hiện trong những bước chân líu ríu theo chồng lúc bước xuống cầu thang. Lúc sửa lại cổ áo chồng cho thẳng thớm. Lúc nhìn chồng bước lên chuyến xe khách vừa dừng lại ngay trước nhà, ngó nghiêng tìm một chỗ ngồi còn trống. Nhưng bé Na thì khác, cứ quấn lấy Thuấn chặt đến mức Di từng đùa vui ví nó như một cây tầm gửi, một cục đá ong. Nó đánh đu trên cánh tay rắn chắc của Thuấn, lèo nhèo kể về nỗi lo những con búp bê có thể bị hỏng bất cứ lúc nào. Nó bám lấy chân Thuấn ê ồ mẹ nhiều đêm khóc thầm chắc vì nhớ bố. Hai tay nó ôm lấy mặt Thuấn dí sát vào mặt mình rồi đặt lên đó tới tấp những nụ hôn. Nên đã có lúc Thuấn tưởng mình có thể bị chết ngạt bởi yêu thương.
-Này môi, này mắt, này má, này cằm. Con hôn bố để đánh dấu khắp nơi. Lần sau bố về con sẽ kiểm tra. Nếu mất dấu thì con và mẹ sẽ không chơi với bố đâu.
-Vậy là cả mấy tháng bố không được rửa mặt hay sao? Nhỡ ra ngoài kia gặp cơn gió nó thổi bay những nụ hôn của con thì bố biết phải làm thế nào được nhỉ?
Na liếc nhìn mẹ, ngại ngùng dụi vào ngực Thuấn:
-Con không chấp với nắng gió, với mồ hôi của bố. Là con không muốn ai khác hôn lên khuôn mặt bố.
-Giả dụ có ai đó hôn lên mặt bố thì con cũng làm sao biết được?
Na cười khanh khách, rồi khẽ đặt ngón tay lên môi bố “suỵt” nhẹ:
-Bí mật. Mà mẹ bảo là mẹ có giác quan thứ sáu.
Thuấn hôn lên chiếc má bầu bĩnh luôn có mùi kẹo ngọt của cô con gái sáu tuổi. Mang theo những con dấu hình môi hôn bé bỏng Thuấn lại bắt đầu những tháng ngày cơm canh qua loa, ngủ nghỉ vạ vật còn trái tim thì căng đầy nỗi nhớ.
* * *
Dân công trình không tránh được những trận say bí tỉ. Thường thì cánh đàn ông xa vợ rảnh rỗi là nghĩ ra cái cớ để bù khú rượu chè. Mà rượu vào thì lời ra. Thỉnh thoảng lại xảy ra ẩu đả, Thuấn chẳng làm gì cũng suýt mấy lần tai bay vạ gió. Quán triệt anh em rượu xong là ngủ. Nhưng có mấy người đặt lưng lên giường là ngủ được đâu. Có hơi men vào là thấy trong người rậm rật không yên. Đàn ông xa vợ thiếu thốn đủ đường. Yêu thương vợ thật đấy nhưng nhu cầu sinh lý nhiều khi không kiềm chế được. Nên chuyện lang chạ, vạ vật đâu đó qua đêm là điều khó tránh. Những lúc say Thuấn khổ sở dỗ dành mình ngủ. Những ả gái làng chơi đôi khi chui vào tận công trình lả lơi mời gọi. Thuấn từng úp mặt xuống giường ghì chặt mình vào chăn chiếu cho qua đi cơn lửa rực hừng hực trong người. Thuấn không phải dạng đàn ông thủy chung như mấy gã ngôn tình. Nhiều khi ý nghĩ đi hoang cũng tràn ngập trong đầu óc. Nhưng may là lần nào cũng biết giật mình đúng lúc. Những ả gái làng chơi mang trong mình đầy bệnh tật. Bập thử vào một lần có khi đã nhận án tử hình. Đành rằng mình có gan chơi thì phải có gan chịu. Nhưng vợ con mình thì có lỗi gì? Chẳng may lây bệnh cho vợ rồi ai sẽ nuôi con?
Thỉnh thoảng lục tìm quần áo trong ba lô, tay Thuấn va phải hộp bao cao su 12 con giáp. Lần nào cũng bật cười khi nghĩ đến khuôn mặt biểu cảm đầy ẩn ý của Di.
-Chuẩn bị sẵn cho anh đầy đủ “đồ chơi” đấy. Đúng mùi hương anh thích mà trông hình cũng ngộ nghĩnh đáng yêu. Ra ngoài có chơi bời thì cũng phải biết cách bảo vệ mình.
-Em nói thế không sợ anh hư à?
-Em thì… chẳng ảo tưởng về đàn ông thủy chung đâu.
Dù Di cười nhưng Thuấn có thể nghe thấy nỗi lòng bất an của người phụ nữ xa chồng. Ngay từ khi yêu Thuấn, có lẽ Di đã biết đời mình phải học cách sẻ chia. Đó không đơn thuần chỉ là sự cảm thông, thấu hiểu với đặc thù công việc của chồng, mà còn phải chấp nhận sẻ chia chồng mình với những người đàn bà xa lạ. Nhưng Thuấn hiểu, trái tim của một người vợ bao giờ cũng nuôi hy vọng rằng chồng mình sẽ khác tất cả những gã đàn ông lăng nhăng ở ngoài kia. Giấu sau vẻ bình thản luôn là Di của yếu đuối, mỏng manh và đầy nỗi bất an. Sợ một ngày nào đó Thuấn không còn muốn trở về căn nhà nơi có mẹ con Di ngóng đợi. Nên đã có lần Di ước gì đời Thuấn không còn phải gắn với những chuyến đi. Xin một công việc làm nào đó ổn định, dù lương ba cọc ba đồng nhưng vợ chồng con cái sớm tối có nhau. Ăn một bữa cơm rau đạm bạc cũng thấy ngon. Đêm đến Di không còn phải nghe tiếng mèo hoang gọi bạn tình ngoài đường mà trở mình thao thức. Thuấn cũng không phải chịu cảnh sống tạm bợ ăn cơm bụi, ngủ lán công trình. Tiền kiếm được thật đấy nhưng rủi ro cũng không kể hết. Có khi mang về cả trăm triệu đồng nhưng cũng có lúc cầm cả cục tiền đi đền hao hụt. Di biết đầu óc Thuấn lúc nào cũng căng như dây đàn. Nên thèm có bàn tay người đàn bà ở bên ân cần chăm sóc trong khi mẹ con Di lại ở quá xa. Bởi vậy Di không sợ kiểu “bóc bánh trả tiền” mà sợ nhất kiểu tình sâu nghĩa nặng.
Mấy thằng bạn cùng dân kỹ sư xây dựng với Thuấn hầu như đều nuôi bồ nhí. Có đứa cứ nghiệm thu xong công trình cũng đồng nghĩa với việc chia tay một cô. Những cô gái thôn quê mới lớn thấy dân kỹ sư là say như điếu đổ. Nhiều khi chẳng phải mất công cưa cẩm. Cùng lắm thì vài lời hứa suông đủ để tin nhau. Các cô gái thơ ngây còn tin vào kiểu yêu đương mùi mẫn như phim. Nên thấy mấy anh hứa sẽ ở lại làm rể, xây nhà, sinh con là các cô mê muội sẵn sàng dâng hiến. Đâu biết cuộc tình ấy chỉ kéo dài bằng thời gian xây trạm thu phát sóng, xây cầu đường, xây trường học. Có anh hào phóng còn để lại cho cô bồ cái bụng bầu to vượt mặt. Các anh thì vừa có “rau sạch” ăn lại vừa có chỗ để bầu bạn sẻ chia. Nói chung chẳng mất gì nhiều ngoài chút tiền son phấn, quà cáp linh tinh. Cũng chẳng lo dây dưa ảnh hưởng đến vợ con. Bởi ngay cả tên thật của các anh nhiều khi cô bồ còn không biết. Lúc các anh đến thì đường đường chính chính. Nhưng lúc các anh đi thì nhẹ nhàng như cơn gió chẳng thấy để lại một dấu vết gì.
* * *
Thuấn vừa trở về sau khi hoàn thiện gói thầu xây trường chuyên cấp III ở một huyện miền trung du. Giống như vừa trải qua một cơn say nắng. Lúc nằm bên Di ngửi mái tóc còn nồng mùi thuốc nhuộm, Thuấn bỗng nhớ tới Phương. Người góa phụ trẻ đẹp ấy là chủ căn nhà Thuấn thuê làm kho chứa vật liệu và chỗ ăn ngủ cho anh em công nhân. Phương sống với đứa con trai nhỏ, mưu sinh nhờ quán tạp hóa bán cho học sinh. Thuấn nhờ Phương đi chợ nấu ăn cho công nhân ngày hai bữa. Nên ngày nào cũng có dịp ngồi chung mâm để thương cái vẻ tất tưởi của Phương. Một bữa cơm người đàn bà ấy đứng lên ngồi xuống cả chục lần. Lấy thêm chỗ này bát nước chấm, sẻ chỗ kia đĩa rau. Hỏi người này ăn có vừa miệng không? Người kia có dùng thêm tí ớt? Cánh đàn ông xa nhà rất dễ cảm động bởi sự quan tâm như thế. Ngày lạnh Phương mang qua chỗ Thuấn thêm chăn gối đã được giặt thơm tho. Phương khâu lại chiếc rèm cửa đã bị rách toạc vì mắc phải đinh. Phương che lại những lỗ gió trong nhà. Ngày nắng ấm Phương nhìn đống quần áo bẩn của Thuấn khẽ lắc đầu. Rồi vơ hết mọi thứ mang đi giặt sạch. Đầu tóc Thuấn dài có người nhắc đi cắt. Đêm thức khuya có người kiếm cớ đi ngang qua cửa sổ nhắc “ngủ đi”. Lúc Thuấn say có người pha cho cốc nước cam. Lúc tỉnh dậy đầu óc còn đau như búa bổ thì thằng nhỏ - con trai Phương đã chạy lại bảo “để con bóp đầu cho chú”. Thuấn ngồi đó ngó cái gáy trắng ngần của Phương lúc hong tóc ngoài hiên mà nghe tiếng lòng mình đắm đuối.
Tóc Phương thơm mùi hương chanh, mềm mại và đen nhánh. Khác mái tóc vàng xơ xác toàn hóa chất của Di. Mỗi lần đi ngang qua Thuấn đều thấy xôn xao khác lạ. Đã cố gắng để tránh gặp mặt nhau nhưng thằng nhỏ thì cứ quấn Thuấn hoài. Nó nhờ Thuấn làm diều, trèo cây trong vườn lấy giùm tổ chim. Nó rủ Thuấn chơi đá bóng, đòi tối chở đi xem xiếc trên nhà văn hóa huyện. Thằng nhỏ thiếu thốn tình cảm của người bố đến mức có tối cứ nằng nặc đòi ngủ với Thuấn. Đòi được kể chuyện tiếu lâm và ủ chân cho ấm. Còn Phương thì có thiếu gì cớ để nấn ná gần nhau. Nhà vắng đàn ông đã lâu nên mái có chỗ dột, đồ điện hỏng vứt đầy một xó. Chiếc xe đạp thằng nhỏ đi đến trường yên cao quá mà chưa biết nhờ ai hạ giùm. Đã có lúc Thuấn tưởng như mình chính là trụ cột gia đình. Lòng bỗng muốn chở che cho mẹ con Phương như người chồng, người cha. Nhưng vào chính lúc thằng nhỏ ghé môi hôn lên má Thuấn. Thì tiếng của bé Na chợt văng vẳng bên tai “con hôn bố để đánh dấu khắp nơi. Con không muốn ai khác hôn lên khuôn mặt bố”. Lòng Thuấn trùng xuống rồi tựa hồ như vừa rơi tõm vào lòng hố rất sâu. Nếu Thuấn ở đây làm chồng làm cha người khác thì mẹ con bé Na sẽ ra sao? Những bữa cơm tươm tất biết sẽ nấu cho ai? Đồ điện hỏng ai thay? Đồ chơi của con hư ai sửa? Sờ lên khuôn mặt mình Thuấn vẫn thấy chật ních và ấm nóng những nụ hôn bé bỏng. Thuấn giật mình tỉnh mộng “Ừ nhỉ, đây đâu phải nhà mình”.
Giờ thì bố con Thuấn đang nằm trong chăn ấm ôm ấp lẫn nhau. Di dậy từ rất sớm đã đi chợ về với một làn đầy. Thuấn nghe thấy tiếng cửa gỗ kêu cọt kẹt mới nhớ ra mình đã lâu quên mất việc tra dầu mỡ bản lề. Nghe tiếng nước xối trong gian bếp mà Thuấn đã mường tượng ra rau quả tươi xanh. Rồi bỗng nhiên thương mớ tóc rối bù và bộ váy ngủ nhàu nhĩ của Di. Thương sự tảo tần chỉ biết vun vén cho người khác mà quên mất chính bản thân mình. Dịp này, Thuấn sẽ có thời gian nhiều hơn bên gia đình, nên tính sẽ dẫn mẹ con Di đi một vòng sắm sửa. Thuấn đang nghĩ xem nên chọn váy ngủ màu nào thì hợp nhất để tặng Di. Mới nghĩ đến đó thì mùi thức ăn dưới bếp lại đánh thức cơn đói cồn cào. Vậy mà bé Na vẫn còn mải áp sát tai mình vào ngực Thuấn thì thầm đếm nhịp tim của bố. Rồi bỗng ngẩng lên bảo: “Con ước gì có thể hôn đánh dấu lên trái tim của bố”.
Chao ôi...
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...