Những nụ cười trên lưng núi
VNTN - Lũng Luông, Lũng Cà, Lũng Hoài, những xóm bản người Mông xa xôi, heo hút và rất lạc hậu trong suy nghĩ của nhiều người. Đúng! Những nơi ấy gian khó dẫu đã vơi dần nhưng cuộc sống của đồng bào vẫn còn nhiều thiếu thốn. Có điều, nếu lên các lũng vào thời điểm hiện tại nhiều người sẽ phải nghĩ khác. Có đến, thử tìm hiểu và rồi ráp những cảm nhận của mình lại, những tín hiệu vui ở mỗi bản tôi qua hiện lên lộng lẫy như một bức tranh giữa lòng đá núi.
Tôi đến Lũng Luông trước tiên. Chả là ở đây, tôi có người quen. Do chuyến công tác nào lên đây tôi cũng “tá túc” nhờ quán tạp hóa của vợ chồng anh Trương Văn Tính nên lâu dần thành thân quen. Lần trở lại này, quán đã được mở rộng hơn rất nhiều và ngồn ngộn hàng, từ hàng khô đến thực phẩm tươi sống. Vừa thấy tôi, vợ chồng anh Tính đã cười thông báo: Hôm nay nhà báo không phải ăn mỳ tôm chay nữa nhé. Quán đã có đủ trứng, thịt lợn, thịt gà, rau xanh, muốn mỳ gì cũng có.
- Quán nhà mình dạo này nhiều hàng nhỉ? Anh Tính thật thà khoe: Bà con giờ mua đông lắm, mà toàn hàng Việt Nam đấy. À, thì ra anh Tính vẫn nhớ câu chuyện đó! Cách đây khoảng 6 năm, trong một chuyến công tác lên đây, tôi có ở nhờ nhà vợ chồng anh Tính. Lúc ấy quán mới mở, cũng là quán duy nhất ở xóm. Buổi tối ngồi xếp hàng với vợ chồng anh, tôi đã bày tỏ sự e ngại khi nhiều mặt hàng xem ngoài bao bì không thể biết nơi xuất xứ và hạn sử dụng, nhất là quà ăn vặt của trẻ nhỏ. Vợ anh Tính thật như đếm: Cứ xuống chợ họ bán cho cái gì thì mang về bán cái đó, dân vẫn mua mà.
- Nhưng hàng không rõ nguồn gốc như này không đảm bảo an toàn, chả may trẻ con ăn vào đau bụng thì khổ cả chúng nó, khổ cả mình đấy.
- Không biết đâu, hàng này bọn trẻ con thích mà.
Nghĩ lại cuộc nói chuyện hôm đó rồi lại nhìn vào các kệ hàng được bày kín với đủ các chủng loại với nhãn mác rõ ràng, tôi mỉm cười, một niềm vui khẽ nhen lên khó tả.
Hẹn anh chị, buổi trưa sẽ quay trở lại để ăn mỳ tôm “có người lái”, tôi cho xe trôi dốc xuống Lũng Cà. Ở đây hình như cũng có gì khang khác! À, đúng rồi, những ô ruộng khô, nứt nẻ mà tôi thường bắt gặp trước đây giờ đã được phủ xanh bởi các loại rau, quả. Vì đã khá thông thuộc đường xá ở đây nên tôi đi một mạch đến nhà trưởng xóm Ma Hành Du nằm ở cuối của con đường bê tông.
Năm nay, vợ chồng anh Lý Văn Cường và chị Trần Thị Minh xóm Lũng Hoài, xã Thượng Nung đã có một vụ ngô bội thu. Ngô được phơi trên gác bếp, bên dưới bếp củi đỏ lửa ngày đêm tỏa nhiệt giúp ngô không bị mốc hay mối mọt.
Trong ngôi nhà sàn của vợ chồng anh Du cơ man nào là ngô. Ngô bày kín sàn, chỉ chừa lại một góc trống nhỏ ngồi uống nước. Những bắp ngô vàng óng, tròn trịa mang đến cảm giác no ấm. Anh Du bắt đầu làm trưởng xóm từ 2007, lúc ấy Lũng Cà có 22 nóc nhà, 100% là hộ nghèo. Cuộc sống của bà con trong xóm hoàn toàn chỉ biết trông vào cây ngô, cây lúa. Nhưng mỗi vụ nhà nhiều cũng chỉ thu được chục bao ngô và vài ba bao thóc, không thể đủ ăn trong những ngày giáp hạt. Lọt thỏm giữa ba bề bốn bên đều là núi đá, ở Lũng Luông không có ao, hồ hay kênh mương. Cũng vì thế mà nhiều người trước đây thản nhiên coi cái nghèo của mình là do lỗi của ông trời, rằng tại trời không mưa đủ, không có nước cấy lúa nên mới đói.
Tài thật! Như hiểu được tôi đang nghĩ gì mà anh Du nói trúng phóc điều tôi đang quan tâm: Bà con ở đây giờ chịu khó lắm. Số hộ thoát nghèo của Lũng Cà hiện nay đã chiếm tới 64% tổng số hộ dân trong xóm.
- Kỳ tích! Tôi đã thốt lên như vậy. Vợ chồng anh Du khá hào hứng trước biểu cảm của tôi. Vợ anh Du tham gia vào câu chuyện: Năm nay tại ốc sên phá quá, chứ không còn thu được nhiều ngô nữa. Mà không phải mỗi nhà mình nhiều đâu, nhà ai cũng được nhiều thế đấy. Như trước trồng 1kg ngô giống thu được 10 bao quả (bắp ngô), giờ vẫn 1kg ngô giống thu về được từ 20 - 25 bao quả. Ngô lai năng suất thật! Chăn nuôi không hết còn để bán nữa đấy.
Sự no ấm hiển hiện trong góp bếp của gia đình trưởng xóm Lũng Hoài Lý Văn Sinh.
Thấy tôi chăm chú, gật gù khi nghe vợ anh kể chuyện, chẳng chờ tôi hỏi thêm anh Du tâm đắc: Quan trọng nhất vẫn là ý thức của bà con. Trước đây có năm ngóng mãi mới có được một trận mưa, nhưng do ruộng khô nứt nẻ đã lâu, cày, cuốc không kịp, có khi mưa chưa dứt nước đã trôi tuột đi đằng nào hết. Ai lười nữa thì có khi vài ba trận mưa liên tiếp vẫn không đủ nước cấy nên thường xuyên lỡ vụ. Giờ cán bộ tuyên truyền, cộng với bà con bảo nhau, chỉ cần trời có dấu hiệu mưa to là ruộng nhà ai nhà nấy đã be bờ, đắp đạng sẵn sàng hứng nước. Ra đồng, ruộng nào không thấy chủ ra làm, bà con sẽ đi gọi nên muốn lười cũng không được. Cộng với, nhận được sự hỗ trợ sản xuất của Nhà nước, nhiều nhà có được máy cày, bừa nên làm kịp thời vụ, kết quả cao hơn hẳn.
- Đó cũng là lý do bà con giờ không bỏ hoang đất nhiều như trước? Tôi phỏng đoán. - Cũng một phần là thế, một phần nữa là nhờ được tập huấn khoa học kỹ thuật. Bà con được đi học các lớp trồng trọt, chăn nuôi nhận ra được giá trị của ruộng vườn hơn. Dù nhận thức của bà con còn nhiều hạn chế, nhưng học mười, về áp dụng được một, hai là cũng quý lắm rồi.
Quả đúng là như vậy, theo lời anh Du, ở Lũng Luông, vài năm trở lại đây có những gia đình mỗi vụ trồng cả chục cân lạc giống, đỗ tương giống, còn rau màu phục vụ bữa ăn hàng ngày hầu hết nhà nào cũng tự đáp ứng được… Điều này chỉ cách đây không quá lâu đã gần như không tưởng.
Một trong số những người “thu lãi” nhiều nhất từ các lớp tập huấn là anh Trương Văn Sinh. Từ một lớp tập huấn về kỹ thuật trồng cây ăn quả và mấy cây giống đầu tiên anh mua ở vườn mẫu trong buổi lớp học đi thăm mô hình, đã làm thay đổi tư duy sản xuất của anh Sinh và gia đình. Từ chỗ đứt bữa trong những ngày giáp hạt, giờ đây anh Sinh đã sở hữu những tài sản mà bất cứ người nông dân vùng cao nào cũng mơ ước. Anh Sinh dẫn tôi đi thăm vườn cây ăn quả mùa nào thức đấy của gia đình. Anh khoe: Đây là cây mít, vải, na anh mua ở vườn mẫu đợt lớp tập huấn cho đi đấy. Trồng thử theo lời thầy giáo hướng dẫn thấy làm được, lại hợp đất nên cho quả rất ngon.
Hiện nay vườn cây ăn quả của anh Sinh đã lên hàng trăm gốc. Trong đó nhiều nhất là na với gần 150 gốc. Xung quanh nhà, anh Sinh còn trồng rất nhiều cỏ voi và chuối, dưới gầm nhà sàn từng đống bí ngô nằm lăn lóc. Đó là nguồn thức ăn để anh duy trì đàn trâu 7 con và gần chục con lợn. Mấy khoảnh đất ngay phía cổng giàn đỗ đũa xanh mơn mởn, bên cạnh là mấy luống bắp cải đang vào thời kỳ cuộn lá. Anh Sinh chỉ vào đàn gà hơn chục con bước đi chắc nịch, lông óng ả đang rồng rắn nhặt sâu, bảo: Gà để chuẩn bị ăn Tết đấy… Tạm biệt anh Sinh, tôi cho xe leo ngược lên dốc để thưởng thức bữa trưa “đầy hứa hẹn” với vợ chồng anh Tính. Vừa hay, tôi gặp lại anh Du lên đó mua đồ. Như sực nhớ ra điều gì, anh Du kéo tôi ra ngoài, chỉ tôi một căn lán nhỏ sát cạnh quán chị Pành: Quán xay xát này của anh Hoàng Văn Tính, công dân của Lũng Cà đấy. Năm 2018, anh Tính là người đã làm đơn xin được thoát nghèo dù hoàn cảnh gia đình còn khó khăn. Anh Tính mượn đất dựng lán trên này để tiện nhận xay xát cho người dân 2 xóm luôn.
Đợi anh Tính hoàn thành xong mẻ gạo cuối, tôi hỏi chuyện về lý do anh xin thoát nghèo. Thoáng chút ngập ngừng, anh chia sẻ: Trước đây, mỗi khi biết chuẩn bị đến đợt rà soát hộ nghèo, vì thiếu hiểu biết, nhiều người vội bán tháo trâu, bò kể cả là trâu, bò đang vỗ béo đi để dễ bề nhận mình nghèo. Lúc ấy, mình cũng không nghĩ gì. Nhưng rồi cũng nghĩ, bao người khổ hơn mình, nhiều người còn không có chân tay lành lặn còn vươn lên được, mình mạnh khỏe thế này không tự làm nuôi sống bản thân và gia đình mà cứ phải nhận hỗ trợ của Nhà nước mãi thì cũng thấy xấu hổ. Nghĩ thế nên mình xin thoát nghèo. Mua máy xay xát cũng phải vay mượn thêm, nhưng mình sẽ tiết kiệm để trả hết nợ sớm. Không được hỗ trợ có thể vất vả hơn một chút nhưng sẽ giúp mình chủ động được công việc và (anh cười bẽn lẽn)… không còn cảm giác xấu hổ vì nghĩ mình kém cỏi.
Không biết do bát mỳ tôm lần này ngon hơn là nhờ có thêm rau xanh và thịt hay tôi thấy nó ngon vì tôi cảm nhận được thêm gia vị của cuộc sống từ những câu chuyện của vợ chồng anh chủ quán tốt bụng, từ anh Du, anh Sinh và anh Tính nữa. Tôi lại tiếp tục sang Lũng Hoài. Cũng giống đường đến Lũng Cà, Lũng Luông, đường bê tông cũng vươn dài đến tận trung tâm xóm. Phát triển chăn nuôi đại gia súc cũng đang là hướng phát triển kinh tế của người dân ở Lũng Hoài. Trước đây, hầu hết gia đình chỉ nuôi từ 1 đến 2 con trâu hoặc bò làm sức kéo, nhưng hiện nay, nắm bắt được nhu cầu của thị trường, người Mông ở Lũng Hoài đã học nhau mua trâu, bò bé, gầy về vỗ béo sau đó bán lấy lãi. Nhận thấy đây là cách làm hiệu quả nên nhiều gia đình hiện nay có 5-7 con trâu, bò trong chuồng. Tổng đàn trâu, bò của xóm hiện đã có khoảng 100 con.
Nhà văn hóa Lũng Hoài khang trang trị giá hơn 300 triệu đồng mới được khánh thành đầu năm 2019. Anh Lý Văn Sinh, trưởng xóm Lũng Hoài thông tin: Để có được nhà văn hóa này, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, mỗi hộ trong xóm đối ứng thêm 1.220 nghìn đồng nữa. Số tiền tuy lớn nhưng bà con ai cũng hào hứng đóng góp; Trước đây, mọi người thường có suy nghĩ, xây dựng hạ tầng như đường, nhà văn hóa… không phải việc của mình mà là việc của Nhà nước. Thậm chí ngõ vào nhà lầy thụt hay rậm rạp người dân cũng kệ. Việc người dân bỏ tiền ra để làm đường ngõ vào nhà là điều không tưởng. Thế mà giờ đã có người đổi cả tấn ngô để làm đường vào nhà.
Người mà anh Lý Văn Sinh nhắc đến là vợ chồng anh Lý Văn Cường và chị Trần Thị Minh. Từ nhà văn hóa xóm nhìn lại, ngôi nhà nhỏ của gia đình anh Cường, tường ken bằng gỗ, mái lợp pro xi măng, giống bao ngôi nhà khác của đồng bào Mông trong xóm, nằm lấp ló bên cạnh mấy tán cây rừng, cách đường cả một khoảng đồng rộng. Khác biệt nằm ở chỗ, cả đoạn đường dài chừng hơn 200m rẽ vào nhà đã được đổ bê tông. Hết đường, khoảnh sân nhỏ cũng được láng xi măng. Mọi vật dụng trong nhà đều được xếp ngăn nắp. Hỏi chuyện mới biết, anh Cường sinh năm 1994 và đã tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên năm 2015, chuyên ngành Toán Lý. Vợ anh, chị Trần Thị Minh cũng đã tốt nghiệp Cao đẳng Y tế Thái Nguyên năm 2017.
Dù nhà chỉ có 2 nhân lực làm chính nhưng do khéo thu xếp, lại có kiến thức nên hai vợ chồng anh Cường, chị Minh mỗi vụ vẫn trồng được chục cân ngô giống, thu về hơn 3 tấn ngô mỗi lần thu hoạch. Trong chuồng luôn có vài con lợn, mấy chục con gà và 2 con bò vừa lấy sức kéo vừa để sinh sản. Anh Cường chia sẻ: Mặc dù vợ chồng em ra trường chưa xin được việc làm đúng chuyên ngành được đào tạo, nhưng em không thấy thời gian đi học của chúng em là lãng phí như nhiều người nghĩ. Bởi vì em nghĩ dù làm nương rẫy hay làm gì thì có kiến thức cũng vẫn tốt hơn. Bố em ốm đã lâu, nhưng có vợ giúp chăm sóc, em cũng yên tâm. Không chỉ người nhà, mà bà con trong xóm có ốm đau, trong khả năng của vợ em, vợ em đều có thể giúp đỡ. Đó cũng là niềm vui chị ạ. Vợ chồng em vẫn bảo nhau, cố gắng làm lụng để kinh tế của gia đình khấm khá hơn, có thế khi mình tuyên truyền, vận động đoàn viên mới nghe theo (Cường là Bí thư Chi đoàn Thanh niên xóm).
Nhờ tiếp thu được kỹ thuật từ các lớp tập huấn trồng trọt, chăn nuôi, gia đình anh Trương Văn Sinh xóm Lũng Cà từ một gia đình nghèo, đứt bữa triền miên đến nay đã vươn lên khấm khá.
Hỏi Cường về chuyện làm đường, Cường cười tươi: Để làm được con đường bê tông dẫn vào nhà, vợ chồng em phải đổi bằng gần 1 tấn ngô. Nhiều người cũng gàn bảo làm là không cần thiết. Em thì lại nghĩ, đường đi lối lại sạch sẽ, thuận tiện sẽ lợi nhiều thứ nên vẫn làm. Em cũng đang có kế hoạch dần dà sẽ vận động đoàn viên thanh niên trong xóm để sửa soạn nơi mình sống được sạch sẽ, hợp vệ sinh…
Tôi xuống núi, cũng là lúc trời sầm sập tối, nhưng ngoảnh lại nhìn về phía các lũng tôi vừa đến trong cuộc hành trình, chỉ thấy một màu sáng lấp lánh tựa những gam màu sáng của một bức họa trên nền đá núi. Tôi mang về xuôi những nụ cười hồn nhiên, đầy hy vọng, cũng như hy vọng của tôi vào một tương lai gần, khoảng cách giữa miền núi và miền xuôi không còn xa nữa.
Sa Mộc
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...