Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
01:27 (GMT +7)

Những người “thồ” phim lên núi

VNTN - Mỗi năm thực hiện trên 1.000 buổi chiếu lưu động là nhiệm vụ mà cán bộ Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng lưu động tỉnh phải hoàn thành. Tuy nhiên, để đảm bảo được mục tiêu ấy, những “chiến sĩ văn hóa” phải luôn trong tình trạng vượt nắng thắng mưa, kịp thời phục vụ “bữa ăn tinh thần” cho bà con dân bản. Được trực tiếp theo chân họ, chúng tôi mới hiểu công việc mà các anh các chị đang theo đuổi không đơn giản chút nào.

Ròng rã nắng mưa

Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng lưu động tỉnh hiện có 34 người. Trong đó có 25 người làm việc tại 5 đội chiếu phim lưu động. Đối tượng phục vụ là đồng bào các xã khó khăn và đặc biệt khó khăn, gia đình chính sách và phục vụ người dân tại rạp. Các điểm chiếu phim chủ yếu tại các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh, có nơi cách trung tâm tỉnh đến hơn 60 km. Cũng là viên chức nhà nước nhưng công việc của cán bộ đội chiếu phim lưu động luôn gắn liền với những chuyến đi xa…

 

Buổi chiếu phim lưu động tại xóm Chí Son, Nam Hòa, Đồng Hỷ thu hút rất đông người dân đến xem.

14 giờ chiều, dưới cái nắng nóng lên tới gần 40 độ, khi những viên chức khác đang làm việc trong các phòng có máy lạnh chạy ro ro, thì đội chiếu phim của Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng lưu động tỉnh lại tất bật sắp xếp hành lí chuẩn bị lên đường. Mỗi chiếc xe máy phải cõng trên mình một thùng tôn đựng rất nhiều đồ nghề như: máy chiếu, máy tính, loa, phông màn hình, dây chằng, cột, kèo, bạt… Vượt qua chặng đường hơn 50km từ thành phố Thái Nguyên, chúng tôi đến được xóm Đông Nghè, xã Kim Phượng huyện Định Hóa sau 2 tiếng đồng hồ. Có những đoạn đường ngập ngụa bùn đất, các phương tiện đi lại tạo thành những rãnh đất to ngoằn ngoèo như con trăn khiến xe máy đi qua rất khó. Đội chiếu phim phải dừng xe lại để đẩy cho từng chiếc xe qua một. Hai bên đường, cây cối um tùm rậm rạp, thấp thoáng xa xa là một vài mái nhà dân nhỏ bé.

Nhà văn hóa xóm Đông Nghè hiện ra trước mắt. Trưởng xóm Hoàng Văn Đôn niềm nở tiếp đội chiếu phim. Sau dăm ba câu chuyện, các anh bắt tay ngay vào ngắm nghía chọn địa hình. Mỗi người một việc. Người thì căng phông, cột dây cho chắc chắn, người thì lắp đặt, chỉnh máy… Tiếng loa bắt đầu vang lên thông báo tới bà con. Trưởng xóm Hoàng Văn Đôn chia sẻ: Xóm Đông Nghè chỉ có 47 hộ dân, 197 nhân khẩu, với 5 dân tộc cùng sinh sống là Tày, Kinh, Dao, Hoa, Sán Chí. Trong đó, dân tộc Tày chiếm hơn 70%. Mật độ dân cư thưa thớt, địa bàn rộng, đường xá lầy lội khó đi, thanh niên trong xóm đi làm công ty hết, lại đang là ngày mùa nên không biết tối nay bà con có đến đông không.

Tranh thủ thời gian chờ đợi, anh Trần Minh, thành viên trong Đội nổ máy chạy vài vòng quanh xóm, thông báo trên chiếc loa cá nhân để những hộ ở xa trung tâm nhà văn hóa xóm có thể nắm bắt được thông tin. Đúng như lo lắng của trưởng xóm, 20 giờ rồi mà sân nhà văn hóa mới có khoảng 20 người đến. Mặc dù vậy, chương trình vẫn được diễn ra như thường lệ với đủ các thể loại phim từ ca nhạc, phóng sự nông thôn mới, phim hoạt hình, phim truyện nhựa. 22 giờ, chương trình kết thúc, anh Minh cùng cả đội lại khẩn trương thu dọn hành lí để trở về. Không ai bảo ai, nhưng mọi người đều rất vội vã, vì con đường phía trước còn rất dài… Chắc thấy tôi có vẻ không thỏa mãn, anh Minh tay quấn dây điện, nói nhỏ đủ cho tôi nghe: vắng nhưng vẫn còn có người đến xem, thế là tốt rồi nhà báo ạ.

Sau buổi chiếu không mấy thành công ở xã Kim Phượng chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình “đem văn minh” đến với bà con ở xóm Chí Son xã Nam Hòa huyện Đồng Hỷ. Từ 18 giờ chiều, các anh chị đã lắp đặt xong máy, màn hình chiếu phim, sẵn sàng phục vụ bà con. Tiếng loa thông báo không ngừng vang lên như hối thúc, gọi mời. Với những hộ ở xa, trưởng xóm phải điện thoại trực tiếp cho người dân. Vừa dứt lời thông báo trên loa, trưởng nhóm giục mọi người tranh thủ ăn tối để còn phục vụ bà con. Những suất cơm được chuẩn bị sẵn từ nhà được bày ra. Vài miếng đậu, ít thịt rang, chút rau luộc và vài thìa lạc rang, tôi đã được cùng mọi người ăn một bữa tối dã chiến vui vẻ.

Màn đêm dần buông. Ánh đèn pin lấp lóa dọc lối mòn bên sườn núi, dẫn bước đoàn người vội vã kéo về nơi chiếu phim. Người ngồi trên ghế nhựa, người bỏ dép ngồi xổm trên mặt sân, đám trẻ chí chóe tranh chỗ của nhau, đứa nào cũng muốn được ngồi gần màn chiếu. Ông Hoàng Văn Hòa, Trưởng xóm Chí Son chia sẻ: Xóm có 220 hộ, 1.000 nhân khẩu, trong đó, 100% người dân là dân tộc Sán Dìu, trình độ dân trí còn thấp. Được đội chiếu phim lưu động về phục vụ, bà con mừng lắm. Mặc dù đã có điện lưới quốc gia, internet, nhưng nghe nói có đội chiếu phim lưu động, nhiều hộ đã đi làm về sớm hơn thường lệ. Bà con đến rất đúng giờ, đầy háo hức.

19 giờ 30, sân nhà văn hóa xóm Chí Sơn đã chật kín người. Từ người già đến trẻ nhỏ đều ngồi chăm chú xem các chương trình: ca nhạc, phim hoạt hình, phim truyện nhựa. Bộ phim truyện nhựa hôm nay Đội mang đến cho bà con có tên gọi “Phi vụ cuối cùng”, đề cập đến vấn đề buôn bán người qua biên giới ở vùng đồng bào dân tộc, truy quét các đối tượng buôn bán ma túy, hành nghề mại dâm, truy bắt tội phạm... Qua đây, giúp bà con nêu cao tinh thần cảnh giác, phối hợp lực lượng chức năng phòng chống tệ nạn xã hội.

Đang đoạn gay cấn thì trời nổi gió lớn. Rồi mưa như trút nước. Cả đội hối hả chuyển máy vào bên trong nhà văn hóa. Sau 15 phút, máy được lắp xong, sau chút thời gian tìm kiếm chỗ ngồi, bà con lại chăm chú theo dõi tiếp bộ phim. Bà Mạc Thị Mói, gần 80 tuổi rất phấn khởi nói với chúng tôi: Phải cách vài năm xóm mới có đợt chiếu phim lưu động như thế này, nên lần nào tôi cũng háo hức cùng con cháu đi xem. Dù ở nhà có ti vi nhưng xem chiếu bóng tôi vẫn thích hơn, bởi màn hình to, rất dễ nhìn.

Hết chạy mưa, rồi lại mất điện. Cả nhà văn hóa cứ ồn ào bởi tiếng người, trẻ con la khóc, người lớn í ới gọi nhau... Lại thêm một lần vất vả với các thành viên trong đội chiếu bóng. Lại tất bật với máy phát, máy nổ… nhưng cũng chỉ mất ít phút, buổi chiếu lại được tiếp tục. Tôi hơi bất ngờ, nhưng kịp hiểu ra: yêu cầu công việc là thế, nên dù bất cứ tình huống nào, các anh chị cũng không bị động, mọi phương án luôn được chuẩn bị sẵn sàng để phục vụ bà con được tốt nhất.

Buồn vui với nghề

Vất vả là vậy, tưởng như chỉ nam giới mới đủ dũng cảm theo đuổi, thế nhưng trong 5 đội chiếu phim lưu động vẫn có những người phụ nữ lặng thầm theo đuổi công việc này. Chị Hoàng Thị Thìn, Phụ trách Đội chiếu phim lưu động số 5 cho biết: Tôi vào nghề từ năm 2010, làm công việc này, nam giới đã vất vả, với nữ giới lại càng vất vả hơn vì không chỉ đối mặt với khó khăn về đường xá đi lại, đêm tối mà chúng tôi còn phải làm tròn trách nhiệm chăm sóc gia đình. Tôi có 2 cậu con trai, cũng may được ông bà nội trông cho để đi làm chứ không thì cũng khó hoàn thành nhiệm vụ.

 

Tự sửa lại cầu để “thồ phim” đến các bản làng

Trong đội số 5 còn một thành viên nữ nữa là Lương Thị Thu Huyền. Sinh năm 1991, Huyền là thành viên nữ trẻ nhất đội. Tốt nghiệp Đại học Kinh tế Thái Nguyên, năm 2014, Huyền xin vào làm hợp đồng tại Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng tỉnh. Tại đây, Huyền gặp anh Lê Tuấn Anh. Hai người nên duyên vợ chồng từ năm 2018. Huyền chia sẻ: Hai vợ chồng cùng nghề nên cũng có sự cảm thông và hiểu nhau hơn. Mỗi người ở một đội nên có thời gian so le để chăm sóc gia đình. Bước vào nghề với muôn vàn vất vả nhưng được sự dìu dắt của các anh chị đồng nghiệp nên tôi dần quen công việc hơn.

Với những người làm nghề chiếu phim lưu động thì kỷ niệm về nghề rất nhiều. Sinh năm 1967, anh Lê Văn Sơn, thành viên đội chiếu phim số 5 chia sẻ: Tôi có hơn 30 năm gắn bó với nghề nhưng kỷ niệm đáng nhớ nhất là lần chiếu phim tại xóm Bản Chấu xã Sảng Mộc huyện Võ Nhai. Hồi ấy, đường đi còn là đường đất, sau trận mưa đường đi như ruộng thụt, xe muốn vào được phải bố trí một người đẩy đằng sau. Máy chiếu được chúng tôi bọc gói cẩn thận trong túi nilông kín đáo, để trong thùng tôn. Trời mưa to và kéo dài nên nước suối lên rất nhanh cuốn trôi mất cây cầu tạm bắc qua suối. Mọi người phải đi dọc bờ suối tìm cầu rồi lôi về cùng người dân lắp vào hai trụ đá bắc qua suối để xe máy qua.

Còn chị Lương Thị Thu Huyền thì nhớ lại: Có lần đội chiếu phim phụ vụ bà con ở xóm Đèo Bụt xã Hợp Tiến của Đồng Hỷ, đến khuya mới về. Một phút xao nhãng không đi kịp đoàn, tôi bị lạc vào trong rừng, mãi không tìm được đường ra. Trời tối âm u, tiếng lá cây va vào nhau xào xạc, tôi vô cùng sợ hãi. Đã thế xe lại bị thủng săm, không còn cách nào vì lúc ấy trời khuya không gửi nhà dân được, tôi đành đi xe thủng săm về đến tận nhà.

Khó khăn về đường giao thông, thời tiết hay xe hỏng hóc là những vấn đề mà chị Huyền cũng như mọi người trong đội thường xuyên gặp phải. Đường xa, trơn trượt, nhiều đèo dốc, lại thường xuyên về lúc đêm khuya nên tai nạn cũng luôn rình rập. Anh Trần Minh kể: Việc va quệt, đổ xe thì hầu như ai cũng gặp. Cách đây vài năm, bản thân tôi đã bị ngã xe trong một lần đi từ điểm chiếu vùng cao về nhà, bị gãy chân, phải vào viện điều trị mất hơn tháng. Trong đội còn có trường hợp bị ngã gãy xương vai, đi bay cả hàm răng, thế nhưng sau đó, chúng tôi vẫn bám trụ với nghề…

Công việc vất vả lại làm việc trong một môi trường đầy khó khăn, thách thức nhưng khi được hỏi về thu nhập hàng tháng, các anh chị đều thoáng buồn... Những người có thâm niên trên 30 năm gắn bó với nghề như anh Trần Minh cũng chỉ được từ 5 đến 6 triệu đồng/tháng. Những cán bộ trẻ mới vào nghề thì hàng tháng chỉ có 2 đến 3 triệu đồng. Để có đủ tiền trang trải cuộc sống, ngoài giờ đi chiếu phim, mỗi người lại làm thêm công việc khác như: chạy xe ôm, làm biển quảng cáo, bán hàng online…

Hơn 30 năm gắn bó với nghề chiếu phim, anh Minh và những đồng nghiệp vẫn thường ôn lại thời hoàng kim của Rạp chiếu bóng nhân dân. Ấy là những năm 90 của thế kỷ trước, rạp luôn rực sáng ánh đèn mỗi tối. Người đến mua vé xem phim đông như đi hội. Ngay cả những đợt chiếu phim về cơ sở cũng được người dân nô nức đến xem dù phải mua vé. Thế nhưng, khi các phương tiện thông tin đại chúng phát triển thì những buổi chiếu phim dần thưa thớt người xem và ngày càng bị quên lãng. Giữa thành phố sôi động, Rạp chiếu phim vẫn nằm lặng thinh, ít hoạt động. Mỗi năm, theo kế hoạch, Trung tâm phải chiếu 30 buổi tại rạp phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương nhưng số người đến xem cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Hiện nay, các xóm, xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư nguồn điện lưới Quốc gia, tỷ lệ các hộ dân có ti vi hiện là trên 80%, Internet cũng đã khá phổ biến. Đó là nguyên nhân chính dẫn đến các buổi chiếu phim lưu động trên địa bàn thời gian gần đây không thu hút được nhiều khán giả. Điều đó đòi hỏi mỗi cán bộ đội chiếu phim phải tự đổi mới nếu không muốn những buổi chiếu phim rơi vào tình cảnh vắng người xem. Do vậy, để giữ chân người dân ở lại từ đầu đến cuối, các thành viên trong đội thường học thêm các ngón nghề như: xiếc, ảo thuật. Tại buổi chiếu ở xóm Chí Sơn xã Nam Hòa mà chúng tôi có dịp chứng kiến, mặc dù đã gần 22 giờ đêm, trời mưa gió nhưng bà con vẫn ở lại để theo dõi màn ảo thuật do anh Trần Minh biểu diễn. Những màn ảo thuật tinh tế, chứa đựng bài học giáo dục sâu sắc được anh Minh biểu diễn thuần thục, người xem khen ngợi, vỗ tay không ngớt.

 

Những đoạn đường thế này, phải nhờ người dân hỗ trợ (tại xóm Đông Nghè xã Kim Phượng huyện Định Hóa).

Ông Nguyễn Thế Hảo, Giám đốc Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng tỉnh cho biết: Năm 2018, Trung tâm đã thực hiện được 1.140 buổi chiếu phim phục vụ các xã khó khăn, xã đặc biệt khó khăn, đối tượng chính sách, chiếu phim phục vụ nhiệm vụ chính trị tại rạp với 85.700 lượt người xem. Cùng với việc chiếu phim lưu động, Trung tâm còn tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa gắn liền với công tác an sinh xã hội như tổ chức giao lưu văn nghệ, tặng quà học sinh nghèo tại bản Cà Đơ xã Lam Vĩ Định Hóa, trường Dân tộc Nội trú Nguyễn Bỉnh Khiêm huyện Võ Nhai, trường Giáo dục hỗ trợ trẻ em thiệt thòi tỉnh…

Những bộ phim được lựa chọn để chiếu cho đồng bào dân tộc thiểu số, phải phù hợp với đời sống, phong tục tập quán của người dân. Bởi vậy, ngoài những bộ phim về lịch sử, cách mạng, về Bác Hồ, đội chiếu phim còn thường xuyên chiếu những bộ phim tuyên truyền về chống tảo hôn, phòng chống bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội...

Lựa chọn và gắn bó với nghề, mỗi thành viên của Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng lưu động tỉnh đều hiểu rằng, những chuyến đi không chỉ là mang những bộ phim đến với người dân, mà cao cả hơn, đó là góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh.

Dương Văn Mưu

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước