Những người Thầy của chúng tôi
Kỷ niệm 50 năm thành lập Khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên (1966 - 2016)
VNTN - Hành trình số phận của một giáo viên luôn mang theo và chịu ảnh hưởng vóc dáng những người Thầy của chính mình. Bởi thế, dòng xúc cảm ngược nguồn năm tháng của chúng tôi hôm nay muốn tìm về hình ảnh những thầy cô đã góp phần tạo vóc dáng cho chúng tôi thủa ấy.
Khóa 11 chúng tôi khá đặc biệt vì nhập học năm 1976, một năm sau ngày Giải phóng Miền Nam và tròn 10 năm thành lập Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc. Hơn một nửa là quân nhân xuất ngũ, trong đó khá nhiều đảng viên, có hẳn một Chi bộ Đảng của khóa. So với các anh chị lớn tuổi, nhiều người là tấm gương trong chiến đấu, công tác, một số người là cộng tác viên, phóng viên báo chí, lũ học sinh phổ thông chúng tôi chỉ là những cậu bé, cô bé; được họ giúp đỡ, bảo ban và cũng học tập được rất nhiều điều từ họ.
Các thế hệ cán bộ giảng viên Khoa Ngữ văn
Tuy nhiên, về tri thức khoa học và kỹ năng giảng dạy thì phải bắt đầu từ các thầy. Có thể nói, trong cảm quan sinh viên của chúng tôi, thầy cô nào cũng giỏi, cũng độc đáo, cũng tận tình dạy bảo, giúp đỡ chúng tôi trở thành những thầy cô giáo tương lai. Thầy Phạm Luận, thầy Vi Hồng, thầy Cù Đình Tú, thầy Lương Bèn, thầy Trần Văn Bính, thầy Đinh Văn Định, thầy Phan Thanh Lương, thầy Lý Duy Hiển, cô Phạm Kim Dao, thầy Nguyễn Khắc Toàn, thầy Ngô Ngọc Châu, thầy Hoàng Hựu, thầy Nguyễn Đức Liễn, thầy Nguyễn Văn Lộc, thầy Phan Trọng Tuấn,… rồi cả những thầy từ Hà Nội lên dạy như: thầy Thành Thế Thái Bình, thầy Phùng Văn Tửu, thầy Nguyễn Hoàng Tuyên, thầy Nguyễn Đăng Mạnh,… tất cả đều làm cho lũ sinh viên chúng tôi mắt tròn mắt dẹt, tích lũy được nhiều tri thức quý báu cho hành trang nghề nghiệp của mình.
Thế rồi, năm 1980, chúng tôi tốt nghiệp. Cả khóa có hai người được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy, cùng lớp K11B là tôi và anh Phạm Mạnh Hùng, hiện đang là Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tháng 9 năm 1980, chúng tôi được hưởng tháng lương đầu tiên 64 đồng, được sinh hoạt trong Công đoàn khoa Ngữ Văn, bắt đầu được sống trong không khí chuyên môn, học thuật của các thầy và các anh chị - những sinh viên giỏi nhất ở các khóa trước được giữ lại trường.
Chính tại môi trường là đồng nghiệp của các thầy, chúng tôi mới thực sự hiểu thêm về cuộc sống, con người, mới thực sự chịu ảnh hưởng rõ nét cách tư duy, thói quen nghiên cứu, đọc sách và cả lối sống, nhân cách, khát vọng của các Thầy.
Môi trường nào cũng thế, tập thể giáo viên nào cũng thế, có người tốt người xấu, người tốt ít người tốt nhiều, người sang trọng người tầm thường, người quảng đại người lặt vặt, người cực giỏi người giỏi vừa, người sâu sắc người nông cạn, người nóng tính người mát tính…, chẳng ai là toàn vẹn toàn mĩ cả. Chính môi trường này đã mở sáng bao điều mới mẻ trong nhận thức còn rất lơ mơ, mờ ảo trước đây của chúng tôi về các thầy.
Chúng tôi đã được chứng kiến những tranh luận gay gắt trong các buổi sinh hoạt chuyên môn, những ý kiến đối lập nhau trong các cuộc họp xử lý những vấn đề nội bộ. Nhìn chung, những ý kiến trái chiều hay thuận chiều của các thầy đều có lý và thầy nào cũng quyết tâm bảo vệ ý kiến của mình. Sự phân cực và khác biệt, sự đa dạng và phức tạp, sự bảo thủ và sáng tạo… ở đội ngũ giảng viên khoa Ngữ Văn có thể nói là đứng đầu trường ĐHSP.
Tuy nhiên, tất cả mọi tranh luận và đối cực ấy, cuối cùng cũng được giải quyết ổn thỏa. Bởi vì, căn rễ của giảng viên khoa Ngữ Văn là tình người, là lòng nhân hậu. Mỗi người nhường nhịn nhau một chút, chịu hy sinh một chút thế là xuôi chèo mát mái. Tất cả vì tập thể, vì những giá trị chung, sống hợp lý hợp tình; nhiều khi những vụ việc phức tạp, giải quyết theo quan điểm “trọng tình” sẽ hài hòa và tốt đẹp hơn nhiều quan điểm “duy lý”.
Đó chính là nền tảng nhân văn, là cội nguồn năng lượng sống để khoa Ngữ Văn chúng ta tồn tại và phát triển qua chặng đường nửa thế kỷ dài.
Tôi chịu ảnh hưởng sâu đậm từ hai thầy: Thầy Phạm Luận và thầy Vi Hồng. Đây cũng là hai người thầy có tính cách, lối sống, phương pháp tư duy, phương pháp giảng dạy hết sức khác nhau mặc dù vẫn có nhiều điểm tương đồng trong bản chất cao quý của người thầy giáo khoa Ngữ Văn.
Thầy Phạm Luận hướng dẫn tôi làm khóa luận tốt nghiệp, giữ tôi ở lại tổ Văn học trung đại Việt Nam, Thầy là người mà sau này tôi đã chuyển cách xưng hô gọi là bố Luận. Một nhà nghiên cứu văn học cổ mẫu mực, cực kỳ cẩn thận và nghiêm túc trong nghề nghiệp; soi chiếu, tìm hiểu ngọn ngành từng con chữ, từng thi ảnh, từng chi tiết, tình tiết, vấn đề… trong những tác phẩm văn thơ mà giấy đã ố vàng, góc sách đã quăn queo, mủn mục, rách rời; con chữ đã xạm xỉn qua năm tháng. Một nhà giáo luôn tìm tòi, phát hiện mới, có nhiều ý kiến khác và ngược với nhiều nhà nghiên cứu cùng thời hoặc trước đó. Một tác giả có nhiều bài viết, nhiều công trình để đời mà bất kỳ kẻ hậu sinh nào muốn tìm hiểu về vấn đề đó đều phải đọc kỹ và trích dẫn. Một người thầy vô cùng nhân hậu nhưng lại chịu rất nhiều thiệt thòi trong cuộc sống…
Thầy là Tổ trưởng tổ Văn học trung đại Việt Nam. Thầy mở lớp học Hán cổ tại nhà cho cán bộ trong tổ, mỗi tuần hai buổi, yêu cầu tất cả giảng viên học trò của thầy phải đi học đầy đủ mà không có bất cứ một chế độ đãi ngộ nào. Thầy còn tốn thêm chè búp và thuốc lá sợi Cao Bằng để chiêu đãi chúng tôi. Từ những bài học ấy, chúng tôi đã vỡ vạc dần những điều thâm thúy trong Luận ngữ của Khổng Tử, trong Mạnh Tử chương cú thượng, Mạnh Tử chương cú hạ nhờ sự kỳ công, tỉ mẩn của thầy. Thầy đã chuẩn bị cho chúng tôi một hành trang không thể nào tốt hơn để đi vào công việc giảng dạy và nghiên cứu Văn học Trung đại.
Trong chuyên môn, thầy vô cùng nghiêm túc, thậm chí là nghiêm khắc và khó tính đến nghiệt ngã. Tôi được thầy giao chuẩn bị giáo án về tác giả Nguyễn Đình Chiểu. Tôi tìm đầy đủ các tài liệu liên quan và chuẩn bị kỹ lưỡng theo hướng dẫn của thầy. Sáu tháng sau, tôi nộp giáo án. Mấy ngày sau, thầy bảo chưa được, phải soạn lại, thầy chữa đỏ hết các trang. Tôi viết lại lần hai vẫn chưa được, rồi lần ba, lần bốn vẫn phải sửa. Đến lần thứ năm, sau gần hai năm chuẩn bị, tôi đã rất buồn bực, cáu giận. Tôi bảo thầy: “Tất cả những tác phẩm cần dạy của Nguyễn Đình Chiểu em đều thuộc hết, tất cả các bài viết, các công trình về Nguyễn Đình Chiểu em đều nắm vững, em lại soạn theo hướng dẫn của thầy mà sao vẫn chưa được lên lớp? Hay là em không đủ trình độ để dạy Đại học thì thầy cho em chuyển ra trường phổ thông”. Thầy cười khà khà và bảo: “Phải thế mới được! Sắp tới, cậu lên lớp năm thứ ba”.
Được dạy rồi, tôi vẫn còn giận trách thầy. Sau này, tôi mới hiểu rằng thầy đúng là một người cha, một người thầy giáo vĩ đại nhất và yêu thương tôi nhất trong cuộc đời dạy học của tôi. Thầy đã giúp tôi có được sự nghiêm cẩn và nền nếp trong nghề nghiệp của mình.
Thầy còn dạy chúng tôi biết bao điều về lối sống, cách ứng xử và khát vọng làm người chân chính. Rất nhiều học sinh cũ của thầy khi có những chuyện buồn, chuyện phức tạp, bất hoà trong gia đình và trong cuộc sống đều đến hỏi ý kiến thầy. Thầy luôn ưu ái và nghiêng về bênh vực phụ nữ, phê phán và chỉ trích cánh đàn ông chúng tôi, bắt chúng tôi phải nhịn nhường…
Thầy Vi Hồng lại có rất nhiều nét khác với Thầy Phạm Luận. Thầy vừa là nhà nghiên cứu văn học dân gian, một nhà giáo có những bài giảng làm mê đắm tâm hồn bao thế hệ lại vừa là một nhà văn lớn của nền Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại. Tôi là người đồng hương với thầy, lại có máu mê sáng tác, cho nên thường xuyên đến nhà thầy chơi, đọc cho thầy nghe những bài thơ mới viết của mình. Lần nào, thầy cũng dành thời gian tiếp chuyện tôi, chăm chú nghe tôi đọc thơ, bài nào hay thầy khen ngay, bài nào dở thầy nói thẳng. Cứ thế và cứ thế, tôi dần dần hiểu ra một số điều bí ẩn và kỳ diệu của hành trình sáng tạo nghệ thuật ngôn từ. Tôi còn hiểu thêm nhiều điều về cuộc đời khổ ải và đầy sóng gió của thầy, về tâm hồn trong vắt của một Nhà văn - Nhà giáo, về con đường sáng tạo nhiều cơ cực và cũng không ít niềm vui của một người nghệ sĩ.
Tôi đã được chứng kiến nhiều cuộc tranh luận nảy lửa giữa thầy Phạm Luận và thầy Vi Hồng trong các sinh hoạt chuyên môn. Tôi còn nhớ như in một buổi bảo vệ khóa luận tốt nghiệp của một sinh viên ở lớp tôi. Thầy Vi Hồng đánh giá rất cao, hết lời khen ngợi, cho điểm 8 (năm ấy, điểm 8 đã là sang trọng lắm). Thầy Phạm Luận lại phê phán rất nhiều, chỉ ra nhiều lỗi và cho điểm 4. Rồi hai thầy tranh luận căng thẳng từng luận điểm một. Chúng tôi còn bé dại, thấy ai nói cũng hay, cũng đúng và nhìn chung là… rất sợ. Cuối cùng, Hội đồng bảo vệ khóa luận tốt nghiệp cộng các điểm lại chia bình quân, bạn ấy được điểm 6, đúng bằng điểm hai thầy cộng lại chia đôi. Ra về, tôi thấy hai thầy bắt tay nhau cười ha hả.
Hôm thầy Vi Hồng mất, thầy Phạm Luận đi một mình đến viếng. Tôi nhớ mãi cái dáng nhỏ thó, lọm khọm của thầy. Thầy run run thắp hương, rồi chắp tay vái, rồi thầy nắm chặt quan tài, nghẹn ngào gọi: “Anh Hồng ơi!”. Chưa bao giờ tôi thấy thầy như thế. Tôi run lạnh cả người.
Bây giờ, thầy Phạm Luận - Bố Luận của tôi cũng đã về với thầy Vi Hồng rồi! Thi thoảng, nhớ các thầy, tôi lại tưởng tượng ra cảnh các thầy tiếp tục tranh luận, tiếp tục bắt tay nhau và tiếp tục cười ha hả ở thế giới bên kia.
Các thầy đã để lại cho khoa Ngữ Văn một gia sản tri thức, một gia sản tình người đẹp thế, cao quý thế! Thế hệ các thầy thật nhiều những chuyên gia đầu ngành với những công trình nghiên cứu được xếp vào loại đỉnh cao của đất nước. Những công trình về Thơ Nôm Nguyễn Trãi, về Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm, và đặc biệt về Truyện Kiều của thầy Phạm Luận; công trình Sli - lượn, dân ca trữ tình Tày Nùng của thầy Vi Hồng, công trình về phong cách học ngôn ngữ của thầy Cù Đình Tú, công trình về lý luận văn học của thầy Trần Văn Bính, về văn học Trung Quốc của thầy Hoàng Nhân… mãi mãi là những công trình gạo cội, được xếp vào loại đỉnh cao trong nền nghiên cứu văn học Việt Nam.
Các Thầy của chúng tôi! Các Thầy đã dạy chúng tôi như thế, đã sống, làm việc và đóng góp cho đất nước, cho sự nghiệp giáo dục như thế!
Thái Nguyên, tháng 10 năm 2016
TS Ngô Gia Võ, (Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Khoa học Xã hội và Nhân văn Miền núi - Đại học Thái Nguyên, cựu sinh viên khóa 11)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...