Bài thơ “Bắt nạt” qua góc nhìn học trò
VNTN - Nhân sự việc bài thơ “Bắt nạt” của tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh được đưa vào Sách Ngữ văn lớp 6, tập 1 (bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống) đang gây ra nhiều tranh luận trên báo chí và mạng xã hội, tiếp theo bài viết của nhà giáo Nguyễn Thanh Mai (trường THPT Chu Văn An, Thái Nguyên), Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên đăng tải ý kiến của những bạn trẻ đang tham gia Trại sáng tác văn học thanh thiếu nhi do Hội VHNT tỉnh tổ chức, trong một cuộc thảo luận tại Trại về bài thơ này.
Bài thơ "Bắt nạt" trong sách Ngữ văn lớp 6, tập 1, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống.
Điều thú vị là, trong khi nhiều người lớn tuổi (bao gồm các bậc ông bà, cha mẹ và cả một số thầy cô giáo) phản đối kịch liệt trên mạng xã hội thì các bạn trẻ ở đây lại bày tỏ sự đồng tình với việc đưa bài thơ “Bắt nạt” vào sách giáo khoa, không một ý kiến nào phản đối. Các em chủ yếu góp ý về một số câu chữ trong bài thơ và thái độ của tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh khi phản bác các ý kiến trái chiều.
Xin mời đọc:
Em Nguyễn Minh Phương, 18 tuổi, Trường THPT Gang Thép:
Trong góc nhìn của con thì đây là một bài thơ khá hóm hỉnh, đáng yêu có thể dùng giữa mọi người nói chuyện để thêm phần hài hước, nhẹ nhàng và gần gũi nhau hơn.
Bài thơ nói về sự bắt nạt - một chủ đề con thấy cũng rất đáng lưu tâm nhưng cách tác giả dùng chữ một vài góc vẫn chưa đẹp lắm. Nếu nhìn nhận một cách nghiêm ngặt hơn thì con chưa cảm nhận được sự sâu sắc của bài thơ và những đứa trẻ khi đọc bài này liệu có “người” hơn có “ngoan” hơn khi chính tác giả khuyên “đến gặp tớ ngay”, “đến bắt nạt tớ”, “bị bắt nạt quen rồi” mà chính tác giả cũng mang tâm lí cố hữu là kẻ yếu nhiều lần và lâu ngày như vậy.
Nhưng nếu nhìn nhận một cách cởi mở hơn, khách quan hơn thì đây cũng là một bài thơ mong muốn hướng đến sự tích cực, một sự giáo dục dí dỏm không quá nặng nề.
Con đã thử đặt góc nhìn của mình ở nhiều phương diện và lên tiếng cho những góc nhìn của mình. Con thật hi vọng có thể lắng nghe thêm tiếng nói của mọi người.
Em Hoàng Trí Kiên, 18 tuổi, Trường THPT Chuyên Thái Nguyên:
“Bắt nạt” nói về vấn đề được khá nhiều người quan tâm hiện nay, bên cạnh đó bài thơ mang tính giáo dục cao. Lối viết vui tươi, nhí nhảnh phù hợp với cảm nhận của các em học sinh.
Trên mạng xã hội, có nhiều ý kiến cho rằng cách dùng từ của tác giả là gượng ép, không phù hợp và còn có những câu khá tối nghĩa. Bản thân cháu cũng cảm thấy thế sau khi đọc xong bài thơ... và thú thật, cháu thấy nó không hay lắm.
Tuy nhiên, đó là góc nhìn của những người lớn hơn, những người đã có cái nhìn sâu sắc hơn về văn học và cuộc sống. Vậy ở góc độ của những đứa trẻ lớp 6 thì sao?
Cháu có hỏi cu em năm nay bắt đầu học cấp 2 bài thơ này thế nào, nó vô tư đáp: "Rất hay!". Có vẻ sự đơn giản trong quan sát và cảm nhận của trẻ con mới là chìa khóa để dẫn đến nơi đẹp nhất của bài thơ! Cháu nghĩ chúng ta nên có một cái nhìn thoáng hơn về văn học để mọi tác phẩm đến trái tim con người một cách tự nhiên nhất!
Bài thơ xét trên phương diện nghệ thuật chắc chắn không đạt (!). Nhưng xét trên nội dung nó truyền tải, nó lại đáng để ta khen ngợi. Biết đâu nó khiến cho những cô cậu lớp 6 nhận ra lỗi sai của mình, giải thoát mình khỏi chữ “bắt nạt”? Như vậy bài thơ đã đạt được mục đích của văn học rồi đúng không ạ? Điều cháu thấy nên chỉ trích là thái độ của tác giả trước những ý kiến của độc giả, cháu mong tác giả làm tâm mình sáng hơn trước khi viết những tác phẩm tiếp theo.
Tổng kết lại cháu thấy bài thơ được đưa vào sách giáo khoa là hoàn toàn hợp lý và không có gì để nói. Chỉ có điều tác giả nên chú ý hơn cách ứng xử của mình.
Em Hồ Trung Hiếu, 13 tuổi, Lớp 8A1, THCS Chu Văn An:
Theo con thấy thì tác phẩm này rất dễ thương, gieo vần cũng chính xác. Thật ra nó rất phù hợp với thế hệ trẻ hiện nay ạ. Bài thơ bắt đúng chủ đề đang nóng hiện nay, câu từ thích hợp cho suy nghĩ, đời sống như hip hop, mù tạt. Rất tuyệt cho Gen Z các em ạ.
Em Trần Lan Chi, 15 tuổi, Lớp chuyên Văn 10, THPT Chuyên Thái Nguyên:
Theo góc nhìn của con thì con thấy bài thơ dễ đọc, mang nét dí dỏm và dễ thương, chủ đề cũng rất gần với lứa tuổi chúng con, ngoài ra còn có từ ngữ khá “hot” dạo gần đây mà bọn con vẫn hay nói đến như “hip-hop” thấy được tác giả đã có tìm hiểu kĩ về lứa tuổi bọn con.
Thế nhưng về đoạn cuối thì con không thích lắm có thể là do khi đọc xong con thấy tác giả có phần thái độ mặc kệ vì đã bị bắt nạt lâu rồi quen nên “cứ đến bắt nạt tớ”, mặc dù đoạn cuối có nói “bắt nạt rất hôi” nhưng đối với con nó chưa thật sự cứng rắn, khiên quyết với vấn đề bắt nạt.
Em Thùy Linh, 20 tuổi, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền:
Đối với con, đây là một bài thơ với nội dung rất phù hợp dành cho các bạn học sinh khi nói tới chủ đề "Bắt nạt". Tuy nhiên về bài thơ thì có đôi chỗ con cảm mấy vẫn con hơi sượng, ví dụ như "mù tạt", "híp hóp" hay chữ "hôi" ở cuối bài con cảm giác còn một chút ép vần nữa.
Theo con thì đây không phải là một bài thơ quá xuất sắc nhưng con lại cảm thấy nó phù hợp với các bé học sinh vì câu từ dễ hiểu, nội dung gần gũi, khi học thuộc thì cũng khá nhanh.
Và còn một điều con muốn nói tới nữa, là cách trả lời của tác giả khi độc giả có ý kiến bàn luận, phải nói là tác giả khá "ngông" và không tiếp nhận ý kiến đóng góp của độc giả cho lắm. Điều này mới chính là mấu chốt để gây tranh cãi nhiều tới vậy.
Anh Dương Văn Mưu, hội viên Hội VHNT Thái Nguyên:
Tôi đã đọc bài thơ nhiều lần, và để có thêm cảm nhận, cháu cho con gái lớp 3 đọc và cảm nhận. Con gái không bảo hay hay không, mà bảo con rất thích rồi đọc đi đọc lại câu cuối bài thơ: Vì bắt nạt rất hôi... Và cười nắc nẻ sảng khoái.
Tôi nghĩ bài thơ đã chạm được đến trái tim con trẻ đã là thành công. Không nên nhìn nhận bài thơ bằng góc độ khắt khe của người lớn. Bài thơ nên chọn 4 khổ đầu và cho vào chương trình tiểu học thì sẽ phù hợp hơn.
Những ý kiến trên đây tất nhiên chỉ là một góc hẹp trong các luồng ý kiến đa chiều xung quanh bài thơ “Bắt nạt”. Thiết nghĩ, những hướng nhìn trong sáng, vô tư, không định kiến của các em cần được người lớn quan tâm tìm hiểu trước khi bày tỏ quan điểm, thái độ về các vấn đề thuộc lĩnh vực giáo dục trẻ em nói chung, về sách giáo khoa nói riêng.
Quỳnh Nguyễn
1 đã tặng
0
0
0
1
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...