Chủ nhật, ngày 05 tháng 05 năm 2024
01:09 (GMT +7)

Chuyển đổi số với văn học nghệ thuật

Chuyển đổi số đang ngày một tác động đến mọi ngành nghề, mọi khía cạnh cuộc sống, trong đó có lĩnh vực văn học nghệ thuật. Vậy chuyển đổi số đã tác động đến văn học nghệ thuật như thế nào? Và các văn nghệ sĩ nhận thức về vấn đề này ra sao? Hãy cùng Văn nghệ Thái Nguyên đến với những chia sẻ, trao đổi của một số văn nghệ sĩ trong tỉnh xoay quanh chủ đề “Chuyển đổi số với văn học nghệ thuật”.


Chuyển đổi số là động lực tạo nguồn cảm hứng

KTS. Nguyễn Văn Cường (Chi hội Kiến trúc)

Kiến trúc là chuyên ngành nghệ thuật mang đặc tính riêng. Trong quá trình truyền tải “Kiến tạo không gian sống cho con người”, kiến trúc sư đã phải giải quyết sự giao thoa mong manh giữa giới hạn của kỹ thuật và nghệ thuật. Kỹ thuật xây dựng phát triển trên nền công nghệ, nghệ thuật kiến trúc được kiến tạo trên nền kỹ thuật. Chính vì vậy có thể nói “Chuyển đổi số” tác động mạnh mẽ đến sáng tác kiến trúc của kiến trúc sư.Trong những năm qua, tốc độ xây dựng cùng với công nghệ xây dựng đã phát triển một cách chóng mặt. Trên nền tảng ấy, nghệ thuật kiến trúc được cơ hội chuyển đổi mạnh mẽ, những xu thế “kiến trúc xanh”, “kiến trúc giải tỏa kết cấu”… đã xuất hiện, kiến trúc sư được thỏa sức sáng tạo. Và kiến trúc sư ngày nay không thể hoàn thiện sáng tác và tạo ra tác phẩm của mình khi thiếu công nghệ thông tin và việc chuyển đổi số. Việc sử dụng công cụ công nghệ số, sử dụng thành thạo các phần mềm chuyên ngành giúp cho kiến trúc sư thể hiện, truyền tải được ý tưởng sáng tác của mình thông qua các hình vẽ diễn tả tổ chức không gian, những góc nhìn 3D của tác phẩm trong tương lai.

Với tiêu chí “hiện đại, đậm đà bản sắc”, kiến trúc hiện đại ngày nay là kết tinh của kiến trúc truyền thống của dân tộc Việt Nam kết hợp với kiến trúc hiện đại của thế giới. Với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, của kỹ thuật số, các kiến trúc sư đã dễ dàng tiếp cận được với các tư liệu về kiến trúc, các giá trị và ngôn ngữ biểu đạt trong kiến trúc truyền thống. Trách nhiệm của kiến trúc sư là “thấm” và chắt lọc những giá trị ấy vào trong việc tổ chức kiến tạo không gian kiến trúc hiện đại trong sáng tác của mình. Các giải pháp, thủ pháp, việc vận dụng công nghệ hiện đại, vật liệu xây dựng hiện đại, thông qua việc khai thác công nghệ thông tin, công nghệ số, tác phẩm kiến trúc Việt Nam đã bắt kịp hơi thở thời đại, sánh ngang với kiến trúc khu vực và bắt kịp thế giới hiện đại phát triển.

Có thể nói, chuyển đổi số đã giúp cho việc tương tác giữa các kiến trúc sư khi sáng tác tốt hơn, dễ hơn, hiệu quả hơn. Những tác phẩm kém chất lượng những xu hướng kiến trúc không phù hợp đã được phê bình kịp thời, những tác phẩm có giá trị đã được giới thiệu rộng rãi.

Tuy nhiên, mặt trái của công nghệ, của chuyển đổi số là các kiến trúc sư ngày nay nhiều lúc ỷ vào công nghệ, “lòe” khách hàng bằng một bản vẽ 3D màu mè lừa thị giác và làm ra các tác phẩm của mình nhưng thấp thoáng xuất hiện ở đâu đó. Nhiều khi tác phẩm của kiến trúc sư được chắp nhặt, nặng nề về copy trên nền công nghệ. Kiến trúc sư khi lười sáng tác sẽ làm ra công trình mang tính sản phẩm nhiều hơn là tính tác phẩm.

“Thành phố thông minh”, “Đô thị thông minh”, “Tòa nhà thông minh”… là những khái niệm, những thực tế nhờ công nghệ số mà đã dần đi vào cuộc sống. Qua chuyển đổi số, những kiến trúc sư - nhân tố góp phần làm nên “thành phố thông minh”, “đô thị thông minh” có cơ hội thể hiện mình và cơ hội đã đến. Giai đoạn công nghệ đã phát triển đến đỉnh cao, sự quan tâm của chính quyền, sự vào cuộc của cộng đồng, tin rằng công nghệ số sẽ là động lực tạo nguồn cảm hứng để các kiến trúc sư cống hiến làm nên các tác phẩm kiến trúc giá trị, biểu hiện sức mạnh thời đại, thời đại cách mạng 4.0.

Vừa là cơ hội vừa là thách thức

NSNA Thanh Huyền (Chi hội Nhiếp ảnh)

Là một nhiếp ảnh gia từ lâu tôi đã tiếp cận và sử dụng những chiếc máy ảnh của các hãng nổi tiếng như Canon, Nikon,… như một phương tiện gắn liền với nghề nghiệp. Trước là những chiếc máy ảnh cơ chụp phim đến nay đã được chuyển sang máy ảnh số chụp bằng thẻ nhớ. Những chiếc máy ảnh số hiện đại cho phép tôi chụp hàng ngàn bức ảnh mà không sợ tốn chi phí và thấy ngay hiệu quả của nó.

Có thể nói, đó là một bước tiến vượt bậc khi nhiếp ảnh số ra đời mang lại nhiều lợi ích cho người cầm máy. Ngay cả khi bạn là một người bình thường thích chơi ảnh thì việc có một chiếc máy ảnh kỹ thuật số hay một chiếc điện thoại thông minh thì cũng có thể chụp ra được những bức ảnh khá tốt do các tính năng tự động điều chỉnh trên máy. Còn các nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp ngoài việc nắm chắc kỹ thuật chụp ảnh còn phải học thêm phần mềm Photoshop từ cơ bản đến nâng cao để có được những tác phẩm ấn tượng hơn theo ý đồ sáng tạo của tác giả và đó cũng chính là “công nghệ buồng tối” hiện đại.

Việc chuyển đổi số cũng mang lại nhiều thuận lợi trong việc quảng bá các tác phẩm nhiếp ảnh trên không gian mạng cá nhân như Facebook, Zalo,… và một số các trang mạng nền tảng số khác. Từ đây, các tác phẩm đến với người xem một cách nhanh nhất và các tác giả được nhiều người biết đến hơn. Các nhiếp ảnh gia đã có thể tham gia vào các cuộc thi - sân chơi quốc tế vì việc gửi đi các file ảnh thật dễ dàng mà không phải lo in ảnh giấy nữa.

Những ưu điểm của việc chuyển đổi số là phù hợp với thời đại nhưng nó cũng có nhược điểm trong việc các tác phẩm dễ bị xâm phạm bản quyền tác giả. Không chỉ là nhiếp ảnh mà các tác phẩm văn thơ, nhạc họa,.... các chuyên ngành văn học nghệ thuật khác nữa khi đưa lên nền tảng số rất khó có thể kiểm soát được.

Với tôi việc chuyển đổi số đã giúp tôi thuận lợi hơn trong công việc và trong sáng tác. Các anh em nghệ sĩ trong Chi hội Nhiếp ảnh Thái Nguyên cũng tích cực tham dự các cuộc thi trong và ngoài nước nhiều hơn và thành công hơn.

Như vậy việc chuyển đổi số trong lĩnh vực văn học nghệ thuật nói chung và nhiếp ảnh nói riêng không chỉ là thay đổi về phương tiện công cụ mà nó còn tác động đến tư duy sáng tác của các văn nghệ sĩ, mở rộng biên độ sáng tạo cá nhân và kết quả thì người sáng tác phải làm sao cho hiệu quả nhất trong thời đại 4.0 này. Chuyển đổi số với tôi vừa là cơ hội vừa là thách thức trong việc sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật lên tầm cao mới.

Thêm nhiều cơ hội mới mẻ

Tác giả Doãn Long (Chi hội Thơ)

“Chuyển đổi số” đã trở thành cụm từ khá quen thuộc trong thời buổi công nghệ 4.0, đặc biệt cụm từ này được nhắc và sử dụng nhiều hơn trong tình hình dịch bệnh khá phức tạp hiện nay. Khó có thể định nghĩa rõ ràng và cụ thể về chuyển đổi số, bởi vì quá trình áp dụng việc chuyển đổi số sẽ có sự khác biệt ở từng lĩnh vực khác nhau. Với tôi, việc áp dụng chuyển đổi số không chỉ tạo thuận lợi cho công việc giảng dạy hiện tại của tôi mà còn đem đến nhiều cơ hội được học hỏi, trải nghiệm và thể hiện mình trong lĩnh vực sáng tác văn học nghệ thuật.

Có thể kể đến đầu tiên, đó là nhờ có chuyển đổi số đã đem đến cơ hội được tham gia Trại sáng tác văn học thanh thiếu nhi năm 2021 do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức từ ngày 16/8 - 4/9/2021 bằng hình thức trực tuyến cho 25 thầy trò chúng tôi tại điểm cầu Định Hóa - điều không thể có nếu tổ chức Trại sáng tác dưới hình thức trực tiếp như các mùa Trại cũ (chỉ 3 - 4 em học sinh của tôi được may mắn tham gia). Chúng tôi không chỉ được giao lưu, trao đổi với các giảng viên là nhà văn, nhà thơ tên tuổi tại Hà Nội như những mùa Trại trước mà còn được giao lưu, chia sẻ với cả nhà văn uy tín đến từ TP. Hồ Chí Minh - tâm dịch của cả nước. Chuyển đổi số đã giúp giảng viên và trại viên chúng tôi thu ngắn khoảng cách, xóa nhòa ranh giới địa lý và không gian.

Hay như lớp Tập huấn nghiệp vụ báo chí năm 2021 vừa qua mà tôi may mắn được tham gia cũng vậy. Lớp tập huấn do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh chủ trì và phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh, Khoa Báo chí - Truyền thông (Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên) tổ chức từ ngày 26/9 - 10/10/2021. Với hình thức trực tuyến, cùng sự lôi cuốn trong cách truyền giảng của hai giảng viên tên tuổi - nhà báo, Ths. Vũ Thế Cường và nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, Lớp tập huấn không chỉ đem đến nhiều kiến thức bổ ích cho bản thân tôi mà còn giúp tôi được giao lưu, học hỏi với gần 150 học viên khác không chỉ trong tỉnh mà còn đến từ các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh bạn như: Hải Dương, Hải Phòng, Đắk Lắk, Bà Rịa - Vũng Tàu...

Chỉ với hai điều kể trên đã có thể nói, với tôi, ứng dụng chuyển đổi số là cách tiếp cận linh hoạt nhất trong bối cảnh hiện nay và đặc biệt là đem đến cho tôi nhiều cơ hội mới mẻ trên con đường sáng tác văn chương mà mình đã lựa chọn.

Người cầm bút phải tự khắt khe hơn nữa với nghề

Tác giả Mai Linh Lan (Chi hội Văn xuôi)

Trong giai đoạn hiện nay, dưới sự phát triển như vũ bão của công nghệ và truyền thông, nhất là khi Việt Nam và cả thế giới đang phải chịu ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 thì việc thích ứng với công cuộc chuyển đổi số trong các lĩnh vực đời sống cũng như sáng tạo văn học nghệ thuật là quá trình tất yếu của nhân loại.

Và không riêng bản thân tôi mà hầu như tất cả các văn nghệ sĩ hiện nay đều đã và đang sử dụng công cụ kỹ thuật số, từng ngày tự nâng cấp “trình độ số” để có thể phục vụ quá trình sản xuất, sáng tạo, lưu trữ, quảng bá các sản phẩm văn học nghệ thuật của mình.

Có lẽ chuyện người sáng tác viết tay rồi gửi bản thảo đến tòa soạn, nhà xuất bản để đăng, in sách đã là chuyện hiếm. Thích ứng với quá trình chuyển đổi số, đơn giản nhất với các nhà văn, nhà thơ chính là việc sử dụng thành thạo máy vi tính để sáng tác, truy cập vào mạng Internet tìm kiếm thông tin, đăng tải, chia sẻ tác phẩm.

ứng dụng nền tảng số và các ứng dụng trực tuyến, tôi và nhiều người sáng tác văn học, nghệ thuật cũng có cơ hội được tiếp cận với nhiều độc giả hơn. Trước đây, các tác phẩm văn học nếu chỉ đăng tải trên báo, tạp chí, sách, phải cầm tận tay mới có thể đọc được, nên nó thường chỉ tiếp cận với một số nhóm người, một địa phương, vùng miền nhất định thì nay, dưới thời đại công nghệ, tác phẩm được đăng trên trang web, mạng xã hội Facebook, Zalo,... sự lan tỏa tới rất rất nhiều người. Do đó, tác phẩm được quảng bá không bó hẹp mà vươn ra mọi miền của Tổ quốc và cả thế giới nhờ mạng Internet toàn cầu.

Công nghệ số còn giúp mỗi người viết như chúng tôi có thể tạo kho lưu trữ tác phẩm mình thích, vấn đề mình quan tâm hay tác phẩm của cá nhân không giới hạn. Đó chính là kho báu tinh thần vô giá mà ai cũng có thể sở hữu.

Tuy nhiên, khả năng chia sẻ, quảng bá tác phẩm rộng lớn này, một phần sẽ góp phần nâng cao giá trị vốn có của các sản phẩm văn học của các nhà văn, nhà thơ, nhưng phần nữa nó sẽ tạo áp lực cho mỗi tác giả trong quá trình sáng tạo tác phẩm. Lượng độc giả lớn, phong phú hơn, ở nhiều trình độ nhận thức, tầng lớp khác nhau đồng nghĩa với việc đánh giá cũng đa dạng, khắt khe hơn. Bởi vậy, người viết cần chuẩn bị sẵn sàng tâm thế đón nhận những lời khen, chê dữ dội (thậm chí khi tác phẩm kể cả đã được kiểm duyệt, thẩm định để in thành sách nhưng đăng trên mạng xã hội vẫn có hàng trăm người “ném đá” vì không đồng tình, với những lý do đưa ra vô cùng thuyết phục). Cũng từ khía cạnh này, mỗi tác giả cần phải nâng cấp hơn nữa trình độ của bản thân, tạo ra những tác phẩm thực sự đáp ứng nhu cầu tiếp nhận của độc giả. Và như vậy, mỗi người cầm bút cần phải tự nghiêm túc, khắt khe hơn nữa với nghề sáng tạo con chữ của mình.

Áp dụng chuyển đổi số để làm tốt hơn sứ mệnh của mình!

NSNA Vũ Kim Khoa (Chi hội Lý luận phê bình)

Biết rằng nói ra sẽ bị thiên hạ cho là quá quắt. Nhưng tự thân người làm văn nghệ, lại đi lạm bàn về thứ được coi là sở đoản của giới văn sĩ, thì chẳng khác gì câu chuyện anh chàng họ Lưu bên nước láng giềng, đem cất bỏ chiếc nón che cái bướu lưng của mình mà nghênh ngang đi kén vợ giữa chốn ba quân.

Những khái niệm: “Cách mạng công nghiệp bốn chấm không”, “Logistics”, “Chuyển đổi số”... - Nó mênh mang lắm, rối rắm lắm, đến mức một cậu trai học lực xuất sắc, mụ mẫm mài giũa sáu năm trời trong trường IT, khi tốt nghiệp vẫn lo bị thất nghiệp chẳng kiếm nổi miếng ăn ở giữa đời thường.

Thì đấy, những nghệ sĩ nhiếp ảnh, lúc nào cũng được hưởng lợi từ sự phát triển của công nghệ. Dám bỏ cả đống của ra để mua những thiết bị rõ là đắt đỏ, nhưng mấy ai trong đó đã sử dụng thạo sáu chục phần trăm các tính năng ưu việt của thứ thiết bị hằng ngày họ vẫn giữ khư khư trên tay? Một nhà thơ cần chút cô đơn, chút mây gió trái mùa, hay chút bất mãn vì thất tình! Chỉ với mẩu bút chì, có thể anh ta đã sáng tác được một khổ thơ làm gãy lòng các cô gái. Vậy chàng thi sĩ cần gì phải tọc mạch đến dãy hai kí tự không - một, hay một – không,… dài lòng thòng, vô hồn và đơn điệu kia chứ (?).

Thế nhưng, cũng phải thấy rằng, “Chuyển đổi số” là một quá trình như định nghĩa của Microsoft: “Chuyển đổi số chính là tái cấu trúc tư duy trong phối hợp giữa dữ liệu, quy trình và con người nhằm tạo ra nhiều giá trị mới”. Ngắn gọn thế, lại vẻ như hời hợt khiến người ta chủ quan mà nghĩ thứ đó chẳng liên đới đến mình. Nhưng nó đang như một trường lực, áp vào mọi thứ hồn cốt xung quanh cuộc sống con người hôm nay. Nó còn được coi là động cơ để thúc đẩy sự phát triển của toàn xã hội.

Với những văn nghệ sĩ thức thời thì thấy ngay rằng thế giới phẳng, hoặc các cuộc cách mạng công nghiệp đã mang lại cho họ rất nhiều lợi thế mà chục năm trước một nhà văn đã không hề có: Chỉ một cái máy vi tính đặt nơi góc bàn, gọn gàng và êm ái hơn cái máy chữ cổ lỗ, vừa là công cụ làm việc, vừa đã có thể thay thế cho cả một thư viện quốc gia. Sự liên kết của người sáng tạo và độc giả chợt thành mối quan hệ trực tiếp và ngay tức thời. Đã bỏ qua khâu biên tập chuyên nghiệp, đã làm tê liệt cả hệ thống kiểm duyệt văn hóa. Buồn thay nó cũng lại là môi trường màu mỡ cho nạn đạo nhái nở rộ…

Và dù có theo xu thế, hiểu và áp dụng tốt chuyển đổi số đến đâu, thì văn nghệ sĩ cũng không thể quên sứ mệnh của mình là đem văn học nghệ thuật ghi lại dấu ấn thời đại và góp phần dự báo tương lai. Hãy nhìn vào hiện thực thế giới hôm nay, sang thế kỉ hai mốt, mà nạn buôn người vẫn còn môi trường để chui lủi hoạt động. Vẫn còn người nghèo đói không có chỗ nương thân. Rừng thì cạn kiệt và hàng ngày hết loài vật này, lại đến giống cây kia bị tuyên bố là đã tuyệt chủng khỏi hành tinh xanh… Hãy dùng tác phẩm của mình để lên tiếng và thức tỉnh nhân loại; áp dụng chuyển đổi số để tác phẩm - tiếng nói của mình có trọng lượng hơn, tác động đến nhiều người hơn, biến thành những hành động cụ thể và thiết thực. Thay vì chỉ loay hoay tự hỏi: Mình đang được hưởng lợi gì?

Mang cơ hội đến với ngành hội họa

Họa sĩ Trịnh Ngọc Hà (Chi hội Mỹ thuật)

Hiện nay, chuyển đổi số đang là một xu hướng tất yếu ảnh hưởng tới nhiều mặt của cuộc sống. Theo đó, mọi người tiếp cận thông tin nhiều hơn, rút ngắn về khoảng cách, thu hẹp về không gian, tiết kiệm về thời gian. Và lĩnh vực hội họa cũng không nằm ngoài xu thế chuyển đổi số trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.

Có thể thấy, chuyển đổi số mang tới những sự thay đổi lớn về cách tiếp cận, trao đổi, chia sẻ tri thức giữa những người hoạt động trong lĩnh vực hội họa trong nước và quốc tế. Trước đây, việc tiếp cận tài liệu học tập rất hạn chế và bị bó hẹp trong phạm vi nhà trường. Người học muốn tiếp cận, tham khảo kiến thức, kinh nghiệm đều dựa trên hướng dẫn của giáo viên, tài liệu tham khảo là bài tập của các bậc tiền bối hoặc nguồn tài liệu tham khảo, tác phẩm của những tác giả tiêu biểu trên sách, tạp chí... trong thư viện hoặc qua những câu chuyện kể của những thế hệ đi trước. Vì thế, nội dung lĩnh hội bị hạn chế, đôi khi trở nên mơ hồ, khó nắm bắt chính xác.

Bắt nhịp cùng xu thế chuyển đổi số, những người theo ngành hội họa cũng rất nhạy bén trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc. Việc tìm kiếm tư liệu trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết chỉ bằng vài thao tác cơ bản. Xây dựng ý tưởng, bấm nút tìm kiếm trên thanh công cụ tìm kiếm Google để có những tư liệu phù hợp cho tác phẩm của mình. Nhờ đó, rút ngắn thời gian, tiết kiệm công sức, tiền bạc trong việc tìm kiếm tư liệu. Ngoài ra, mạng Internet và các nền tảng số, các trang mạng xã hội, phát triển cũng trở thành cầu nối giữa họa sĩ và các nhà sưu tập tranh. Rất nhiều fanpage, gallery online... được xây dựng nhằm giới thiệu hoặc mua bán tranh trực tuyến như VietNam art space, All albout art and artist, Indochineart… Những nhóm này thu hút được rất nhiều người quan tâm theo dõi để kết nối tác giả và những người yêu mỹ thuật trong nước và trên thế giới.

Quan trọng hơn cả, theo quan điểm của tôi, việc kết nối với các nghệ sĩ quốc tế thông qua các phòng tranh trên không gian mạng cũng là cơ hội để họa sĩ Việt Nam tiếp cận với xu hướng hội họa đương đại trên thế giới và lan tỏa giá trị, hội họa Việt Nam với bạn bè quốc tế.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đọc từ trái tim hành trình lan tỏa

Đời sống văn nghệ 2 năm trước

Bài thơ “Bắt nạt” qua góc nhìn học trò

Đời sống văn nghệ 2 năm trước

Một vài suy nghĩ về bài thơ “Bắt nạt”…

Đời sống văn nghệ 2 năm trước

Thơ dành cho các em nhân dịp Tết Thiếu nhi 1/6

Đời sống văn nghệ 2 năm trước

Chùm truyện thiếu nhi của Trần Đức Tiến

Đời sống văn nghệ 2 năm trước

Chiếc quần của Chuột Chũi

Đời sống văn nghệ 2 năm trước