Những người “săn” SARS-CoV-2
VNTN - Trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19, sự gian nguy, vất vả, thiệt thòi của những lực lượng tham gia chống dịch đều chẳng dễ gì đong đếm. Hình ảnh những bác sĩ, điều dưỡng giữa tâm dịch vắt kiệt sức trong trang phục bảo hộ giữa cái nắng hè hay xuyên đêm dầm mưa tại các chốt kiểm soát phòng, chống dịch bệnh có lẽ là những hình ảnh xúc động được truyền đi rộng rãi nhất thời gian này. Nhưng đó mới chỉ là một phần của “cuộc chiến”, ở nơi khác, còn có các y bác sĩ, các kỹ thuật viên và nhân viên y tế làm công tác xét nghiệm và y tế dự phòng cũng đang lặng lẽ, ngày đêm chạy đua cùng thời gian để loại trừ mầm bệnh. Ở đó, có những hy sinh không dễ gọi thành tên…
Khoa Miễn dịch - Di truyền phân tử Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên vỏn vẹn chỉ có 10 người. Trong đợt bùng phát lần thứ 4 của dịch COVID-19, dù Thái Nguyên chưa có nhiều trường hợp dương tính trong cộng đồng, nhưng các cán bộ làm công tác xét nghiệm của Khoa vẫn phải làm việc liên tục không ngừng nghỉ phục vụ cho công tác truy vết, sàng lọc người nghi nhiễm virus SARS-CoV-2 trên địa bàn tỉnh với hàng nghìn mẫu. Từ đầu dịch đến nay, Khoa đã thực hiện tổng cộng trên 38.000.000 xét nghiệm cho Thái Nguyên, Tuyên Quang, hỗ trợ thêm cho các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn. Công suất thực hiện xét nghiệm mỗi lần 2 máy chạy được 166 mẫu, cứ 3-5 tiếng một lần với khoảng tối đa 1.500 mẫu/ngày đêm. Cũng có ngày đã thực hiện đến 760 mẫu đơn hoặc 1.952 mẫu gộp.
Một ngày làm việc ở đây không có vẻ tất bật như nơi đón tiếp bệnh nhân, không có những tiếng động đau đến thắt lòng khi chiếc máy hiển thị biểu đồ nhịp tim lúc lên, lúc phẳng như trong phòng điều trị... Các cán bộ, y, bác sĩ của Khoa luôn cần mẫn, lặng thầm bên máy móc, thiết bị để đo đạc, phân tích các ống xét nghiệm, mẫu bệnh phẩm. Công việc không cho phép họ được sai sót, nhất là với loại virus có khả năng lây lan và nguy hiểm như SARS-CoV-2 thì tốc độ và độ chính xác của các xét nghiệm càng đóng vai trò quan trọng trong việc truy vết, khoanh vùng và dập dịch.
KTV Khoa Miễn dịch - Di truyền phân tử Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên thực hiện xét nghiệm mẫu bệnh phẩm khẳng định SARS-CoV-2 tại phòng Tách chiết DNA/RNA.
Trước đó, ý thức được vai trò, tầm quan trọng của việc chủ động triển khai xét nghiệm SARS-CoV-2 trong phòng chống dịch COVID-19, Khoa đã đề xuất các giải pháp nhằm sớm thành lập phòng xét nghiệm tiêu chuẩn và đưa vào triển khai, đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch tại địa phương.
Dưới sự chỉ đạo của Bộ Y tế, sự hỗ trợ tận tâm của các chuyên gia từ Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, trong 2 tuần Khoa đã nhanh chóng xây dựng, hoàn thiện phòng xét nghiệm và đào tạo nhân lực xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp Real-time PCR. Trên cơ sở trang thiết bị sẵn có tại Khoa gồm 1 máy tách chiết tự động, 2 máy đọc Real-time PCR; Khoa đã gấp rút cử cán bộ đi đào tạo lớp học do viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Sau quá trình nỗ lực hoàn thiện của Khoa, dưới sự đánh giá của Viện Paster TP. Hồ Chí Minh, ngày 3/3/2020, tại quyết định 739/QĐ-BYT, Bộ Y tế đã cho phép Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên thực hiện kỹ thuật xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2. Đây là mốc thời gian đánh dấu Khoa Miễn dịch - Di truyền phân tử Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên chính thức trở thành một trong những đơn vị đầu tiên trên cả nước được công nhận thực hiện kỹ thuật này.
Với khối lượng công việc đã thực hiện, không ít người cảm thấy bất ngờ khi biết Khoa chỉ có vỏn vẹn 10 người. Có những lúc cao điểm, 10 ngày liền, cán bộ nhân viên không rời Khoa nửa bước. Mặc dù, lãnh đạo Khoa đã chia lực lượng thành 2 nhóm để anh, chị, em thay nhau được nghỉ ngơi, nhưng nhiều thời điểm mẫu bệnh phẩm tới tấp được gửi về, không ai bảo ai, 100% quân số Khoa đều tình nguyện ở lại sát cánh cùng đồng đội thâu đêm suốt sáng. Bởi hơn ai hết, họ hiểu kết quả ấy có ý nghĩa như thế nào trong việc phục vụ công tác truy vết, khoanh vùng dập dịch, tránh nguy cơ dịch bệnh lây lan rộng.
Dẫu những vất vả chẳng dễ gì kể hết, song các cán bộ của Khoa vẫn luôn tâm niệm, vất vả của mình chưa thấm vào đâu so với những người, những đồng nghiệp đang ở trong tâm dịch.
Thạc sỹ Phan Hoàng Tuấn, kỹ thuật viên của Khoa chia sẻ: Hỏi chúng tôi có mệt không, câu trả lời thật là có, nhiều khi lượng mẫu về nhiều, anh, chị, em chúng tôi rất mệt. Tôi đã gắn bó với nghề mười mấy năm, nhưng áp lực về mối nguy hiểm và sự lây lan khủng khiếp như dịch Covid tôi mới gặp lần đầu. Nhưng hỏi chúng tôi còn đủ sức để làm thêm mẫu xét nghiệm nữa không, thì câu trả lời chắc chắn vẫn là: chúng tôi làm được. Điều khiến tôi ám ảnh hơn cả không phải là chúng tôi phải làm xét nghiệm bao nhiêu mẫu mà chính là hình ảnh những đứa trẻ bằng tuổi con mình phải mặc những bộ đồ bảo hộ to quá cỡ; là hình ảnh những đồng nghiệp ngất đi vì kiệt sức… Mỗi lần nghĩ tới những điều đó, tôi lại thấy bản thân cần cố gắng nhiều hơn nữa. Xét nghiệm nhanh, khẳng định sớm sẽ giúp giảm thiểu được số người lây nhiễm, phải cách ly, truy vết. Có như vậy đồng nghiệp tôi nơi “tiền tuyến” mới vơi bớt vất vả phần nào.
Ngưng giây lát, Tuấn trầm giọng: Nhà mình cả 2 vợ chồng đều công tác trong Bệnh viện nên con phải gửi bà ngoại trông giúp. Nhiều khi chỉ muốn được về sớm ăn bữa cơm hay đưa con đi chơi mà không dễ gì thực hiện. Nhưng chúng ta đều hiểu khi ngoài cộng đồng còn ca bệnh thì mỗi gia đình, bao gồm cả gia đình mình cũng chưa thể an toàn, nên là phải nén nỗi nhớ ấy lại, hết dịch rồi mình bù đắp cho con.
Vừa kịp làm xong mẫu bệnh phẩm cuối cùng trong lô mẫu mới được chuyển tới, kỹ thuật viên Trần Trung Anh chia sẻ thêm: Người làm công tác xét nhiệm như chúng tôi có khi cả tháng mới được gặp con nhưng cũng không dám bế hay ôm hôn gì con cả. Chúng tôi nam giới đã vậy, Khoa có một số cán bộ nữ mặc dù có con nhỏ, nhưng cũng đã sắp xếp công việc gia đình, để sẵn sàng đáp ứng công việc được giao. Khi dịch ở các tỉnh bùng nổ, các mẫu bệnh phẩm chuyển về đến Khoa thường cuối chiều hoặc tối, nên phải xét nghiệm ngay trong đêm. Chúng tôi chỉ biết nỗ lực hết mình để không xảy ra bất cứ sai sót nào dù là nhỏ nhất… Nói đến đây anh ngưng lại, dường như nỗi nhớ con lại dâng đầy trong đáy mắt của những ông bố trẻ.
Ngoài áp lực về mặt thời gian, những người làm xét nghiệm mỗi ngày còn phải tiếp xúc với hàng trăm, hàng nghìn mẫu bệnh phẩm có nguy cơ chứa mầm bệnh, do đó, công việc đòi hỏi sự tập trung tuyệt đối. Ngoài ra, sau khi làm nhiệm vụ những cán bộ, nhân viên này cũng phải hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người khác, kể cả gia đình.
Bên cạnh đó thì yêu cầu về chính xác trong kết quả xét nghiệm đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Chỉ cần mất tập trung một chút mà bỏ qua hoặc thao tác không chính xác dù chỉ một bước nhỏ trong quy trình xét nghiệm cũng sẽ làm sai lệch kết quả, ẩn chứa những hệ lụy khó lường với những mối nguy và ảnh hưởng nặng nề đến cả hệ thống phòng, chống dịch COVID-19.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 3 đơn vị có thể thực hiện xét nghiệm SAR-Co-V2, trong đó bệnh viện Trung ương Thái Nguyên và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) là 2 đơn vị được phép thực hiện kỹ thuật xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2.
Khác với Khoa Miễn dịch - Di truyền phân tử Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên là tiếp nhận mẫu và làm xét nghiệm trả kết quả, các cán bộ, nhân viên của Khoa Xét nghiệm của CDC tỉnh phải thực hiện công đoạn lấy mẫu và tham gia vào công tác truy vết khoanh vùng dịch, nên công việc có phần vất vả hơn. Kể từ khi làn sóng dịch Covid lần thứ 4 xuất hiện trở lại đến nay, đối với chị Nguyễn Thị Mai Lê, Trưởng Khoa xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng (Khoa Xét nghiệm), khái niệm “ngày nghỉ” trở thành xa xỉ. Chúng tôi đã phải hủy rất nhiều cuộc hẹn với nhau vì lịch làm việc của chị dày đặc và liên tục có nhiệm vụ phát sinh cần thực hiện. Các cuộc trò chuyện chỉ có thể diễn ra chóng vánh qua điện thoại. Thậm chí mỗi cuộc điện thoại cũng không thể nói quá lâu vì sợ lỡ mất các cuộc gọi giao nhiệm vụ của cấp trên hoặc điện báo từ cơ sở...
Chị Lê phân trần: Thông cảm cho em nhé, hẹn chị rồi mà toàn lỗi hẹn. Để phục vụ cho công tác xét nghiệm ở CDC, một khâu quan trọng và gian nan không kém đó là phải trực tiếp đi lấy mẫu. Cùng với đó, CDC phải khẩn trương tổ chức các lớp tập huấn để đào tạo, bồi dưỡng thêm nguồn lực có thể lấy mẫu hỗ trợ cho tuyến trên. Thế nên thời gian này, chúng em gần như không ngồi một chỗ được lâu.
Rồi chị kể: Năm trước, khi dịch COVID-19 mới xuất hiện ở nước ta, Khoa Xét nghiệm của CDC phụ trách toàn bộ khâu lấy mẫu, tuyến huyện chưa thực hiện được kỹ thuật này. Lúc bấy giờ, nửa đêm nghe điện thoại nhận nhiệm vụ lên đường đi lấy mẫu ai cũng rất run, vì dịch bệnh này còn quá mới mẻ ở nước ta. Trước thực tế đó, CDC đã ráo riết chuẩn bị 2 lớp tập huấn cho đối tượng là các cán bộ y tế, người làm công tác xét nghiệm và người trực tiếp điều trị, tiếp xúc với bệnh nhân nghi ngờ mắc Covid. Tiếp theo đó, đối tượng tập huấn được mở rộng tới các trung tâm y tế, các bệnh viện công lập, ngoài công lập. Kể từ đó, có thêm lực lượng lấy mẫu giảm tải bớt cho CDC trong công tác này. Tuy nhiên, cho đến nay, CDC vẫn là lực lượng chủ đạo khi lấy mẫu và các đơn vị khác có vấn đề gì vẫn phải phối hợp chặt chẽ với CDC để có ý kiến chỉ đạo hoặc kịp thời hỗ trợ khi cần thiết. Đó là lý do Khoa Xét nghiệm của CDC phải rất cơ động trong công tác phòng chống dịch.
Quy trình tiếp nhận mẫu bệnh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2
Tìm hiểu về công việc thường xuyên của Khoa Xét nghiệm, tôi càng thấu hiểu hơn lý do vì sao những cuộc hẹn của tôi và chị Lê thường xuyên phải hủy vào phút cuối. Bởi, chuyện buổi sáng đi lấy mẫu, buổi chiều về lập tức vào phòng thực hiện xét nghiệm, thậm chí tối, đêm lại lên đường để tham gia khoanh vùng khi có các đối tượng nghi ngờ hoặc có nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng là hết sức bình thường. Bên cạnh đó, với tinh thần chống dịch trong tình hình mới nên mọi công việc thường nhật khác của hệ thống dự phòng vẫn phải duy trì đều đặn, ví dụ như kiểm định các mẫu nước, mẫu thực phẩm cũng không thể vì có dịch mà đình trệ lại… Nhân lực không thay đổi trong khi khối lượng công việc nhiều hơn khiến những cán bộ của CDC như chị Lê đến ăn và ngủ cũng phải tranh thủ. Có khi vừa về được đến nhà đặt lưng xuống, 3 - 4 giờ sáng lãnh đạo Trung tâm nhắn tin thông báo và giao nhiệm vụ sáng sớm sẽ đi lấy mẫu tại một địa điểm cụ thể nào đó.
Trong khi đó, làn sóng dịch thứ 4 lần này lây lan với tốc độ quá nhanh nên lượng mẫu nhận về vô cùng lớn. Có những ngày các đơn vị làm xét nghiệm trong tỉnh phải làm khoảng 5.000 - 6.000 mẫu. Đặc biệt, kể từ khi Bắc Giang trở thành một trong những “ổ dịch”, ngay lập tức, đội ngũ CDC như chị Lê phải tổ chức khẩn cấp các lớp tập huấn nâng cao cho đội ngũ y tế ở các xã giáp ranh với Bắc Giang và Trung tâm Y tế huyện Phú Bình. Ngay cùng thời điểm đó, CDC phải hỗ trợ một đoàn nữa thực hiện test nhanh ngẫu nhiên ở các xã giáp ranh với địa phận tỉnh Bắc Giang. Công việc của một ngày có thể kéo dài cho tới tận tối...
Trong khuôn khổ bài viết này, khó có thể kể ra hết được những vất vả mà đội ngũ CDC đang trải qua. Chỉ biết rằng, hơn bao giờ hết, họ vẫn đang từng phút, từng giây chạy đua với thời gian để giúp công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân, khoanh vùng, dập dịch được an toàn, hiệu quả. Những cử chỉ cần mẫn, tập trung cao độ, ánh mắt thể hiện rõ sự quyết tâm của các anh chị tôi đã được chứng kiến khi thực hiện bài viết này, khiến tôi hiểu rằng, các anh chị đang nỗ lực rất nhiều góp phần gìn giữ sự bình an cho toàn xã hội.
Mong cho tất cả chúng ta được bình an!
Sa Mộc
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...