Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
01:08 (GMT +7)

Những mảng màu cuộc sống

VNTN - Mỗi ngày tôi đi lướt qua bao nhiêu người? Làm sao tôi nhớ hết được. Đến một hôm nọ, tôi dừng bước, gõ nhẹ vào cánh cửa nhà họ, xin phép nhìn vào cuộc đời họ. Và kìa, tôi nghe thanh âm cuộc sống ngân lên từ những con người vô cùng bình dị ấy.


Ông Quang chế tác đàn tính

1- Tôi đến gõ cửa ngôi nhà không số, ngõ 62, phường Phan Đình Phùng (thành phố Thái Nguyên). Người mở cửa cho tôi mặc quần áo Tày, đội mũ nồi, nụ cười thay cho lời chào. Ông là Nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Quang, giảng viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc, người chế tác đàn tính duy nhất trên địa bàn thành phố.

Ông đang “dở tay” nên chúng tôi theo chân ông lên tầng áp mái nóng bỏng, nơi ông đang “sinh ra” một cây đàn tính. Dường như quên có khách, ông Quang chọn một quả bầu vàng óng trong vô số quả bầu khô nỏ. Cầm cây bút chì, ông khoanh một vòng tròn thành thạo trên thân quả. Rồi thì cưa, mài, gọt, khoét, đục lỗ… thoăn thoắt, quả bầu biến hình trên đôi tay thành thạo. Mồ hôi thi nhau nhỏ xuống nền xi măng khô cong. Sực nhớ có chúng tôi chăm chú quan sát, ông buông dụng cụ làm đàn, mắc dây vào cây đàn mới, chỉnh âm thanh. Rồi ông cất tiếng hát. Tôi không biết tiếng Tày, càng không hiểu nội dung bài hát, chỉ thấy lời ca tiếng nhạc kiêu dũng pha lẫn bi tráng kể cho tôi nghe một khúc quanh co vật vã của đời người. Như bị nhập đồng, ông lắc lư, cây đàn 3 dây lắc lư, những ngón tay vi vút lướt trên cần đàn…

Ông Quang là người có số phận khá lạ lùng. Dù đưa đẩy dích dắc nhưng cuối cùng cuộc đời vẫn đặt ông về đúng điểm đam mê ban đầu: Cây đàn tính.

Ông Quang chế tác đàn tính

“Tôi lớn lên ở bản Phặc, xã Trung Hòa huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn) - ông đận đà kể - Tuổi thơ của tôi là núi rừng vây quanh, làng bản thưa thớt, không gian ắng lặng. Âm nhạc đầu tiên tôi biết là tiếng “pưng pưng” của dây đàn tính, với tôi đó là thanh âm diệu kỳ nhất. Sinh hoạt văn hóa đầu tiên của tôi là xem thầy Then làm lễ. Với đồng bào dân tộc thiểu số vùng tôi sống, thầy Then là người được kính nể nhất. Thầy là người do Trời sai xuống giúp trần gian. Thầy giỏi từ múa, hát, ăn nói, sáng tác văn chương, “trên tỏ thiên văn dưới tường địa lý”. Những thời khắc quan trọng nhất của con người quê tôi, từ lúc chào đời, lúc ốm đau, khi dựng vợ gả chồng, đến khi về thế giới bên kia đều có mặt thầy Then. Nhưng không phải ai muốn làm thầy Then cũng được. Thường là “cha truyền con nối”, người được “nối” phải toàn tài mới đủ khả năng giao tiếp với ông trời. Cũng có thầy Then “sống” (không do cha ông truyền lại nhưng có “căn then” và năng khiếu đặc biệt) hoặc thầy Then do “ma bắt làm” (thường rơi vào những nhà đã có người làm Then nhưng bị cắt quãng). Vật bất ly thân của thầy Then là cây đàn tính. Chỉ có 3 dây thôi nhưng cây đàn thể hiện mọi cung bậc cảm xúc, bày tỏ mọi vui buồn sướng khổ của trần gian với đấng thần linh. Thế nên, đàn tính là vật thiêng chỉ thầy Then được sử dụng trong việc cầu cúng (còn gọi là đàn Then vì thế). Cách nhà cậu bé Quang vài quả đồi có bà Then tên là Thanh. Mỗi lần bà Thanh làm lễ là cậu bé 6-7 tuổi lại mon men đến nấp góc nhà, nghe bà đàn, hát, quên ăn quên ngủ. Thanh âm huyền bí của cây đàn bám chặt lấy cậu trong cả giấc mơ thơ bé. Thấy cậu mê đàn quá, bà Thanh bảo: Bà dạy con học nhé? Bà chắp tay khấn trời đất, lấy cây đàn trên vách xuống dạy cho cậu bé Quang những nốt nhạc đầu tiên.

Năm 1973, Quang theo gia đình về huyện Phú Lương, Bắc Thái (nay là Thái Nguyên) sinh sống. Đêm đêm cậu bé 10 tuổi “dò sóng” Đài Phát thanh Bắc Thái nghe nghệ nhân Nông Văn Khang hát then. Học hết cấp 2, cậu thi vào học Trường Trung cấp Tài chính (ở Chùa Hang, Đồng Hỷ). Run rủi thế nào Trường Tài chính lại gần Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc. Cậu lẻn sang nghe “ké” những tiết dạy đàn tính của nghệ nhân Hà Bời. Ra trường, được phân công làm kế toán ở Nông trường Chè Sông Cầu, nhưng tâm trí chàng trai 20 tuổi không đặt ở con số thu - chi mà đăm đắm lo những làn điệu then cổ mất đi. Cứ “hở” thời gian là anh khăn gói trèo đèo lội suối tìm đến nhà thầy Then, xin ghi chép lại các làn điệu cổ, ký âm, phân loại then các vùng, các dân tộc và giữ gìn như báu vật. Thật lạ lùng, năm 1993, nghệ nhân Hà Bời xin nghỉ dạy, giới thiệu anh thế chỗ của bà với lời đảm bảo ấn tượng: “Tôi xin chịu trách nhiệm trước nhà trường về chuyên môn cũng như đạo đức của con người này”. Ôi chao, chẳng thể diễn tả hết niềm vui của anh khi được lãnh đạo Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc mời truyền dạy bộ môn hát Then đàn tính. Có lẽ anh là trường hợp hiếm hoi vừa học vừa làm tại trường. Thỏa lòng mong ước, anh dành trọn trái tim cho Then, cho đàn tính. Vừa học lên đại học, vừa giảng dạy, anh tiếp tục đi sưu tầm, làm sống lại các làn điệu then cổ bằng cách đặt lời mới và truyền dạy với tất cả tình yêu. “Vùng then” cứ thế sinh sôi không chỉ với học sinh trong trường mà ở giữa lòng phố phường nhộn nhịp. Học trò của anh có khi 60 - 70 tuổi, có khi mới học lớp 1. Chỉ cần ở họ nhen nhóm tình yêu tiếng tính lời then là anh sẵn sàng cùng họ thổi bùng ngọn lửa đam mê ấy.

2 - Đeo kính lên mắt, soạn sửa đồ nghề đặt trước mặt, ông bắt đầu công việc quen thuộc nửa thế kỷ nay. Ngòi bút sắt chấm đẫm mực nho đen nhánh lướt trên giấy trắng. Nét chữ vừa thanh thoát vừa đường bệ hiện tăm tắp dưới ngón tay thuôn dài. Ông là Nguyễn Thịnh (số nhà 43, ngõ 46 đường Phú Thái, phường Tân Thịnh, TP. Thái Nguyên) - nghệ nhân can, vẽ, viết chữ đẹp hiếm hoi của tỉnh.

Ông Nguyễn Thịnh bên tấm bản đồ tỉnh Thái Nguyên do ông vẽ tay cách đây 46 năm.

Ông Thịnh có lẽ điển hình cho lớp người tạo lập cuộc sống bằng đôi tay chịu thương chịu khó - Tôi nghĩ như vậy khi nghe ông trải lòng về 70 năm cuộc đời mình.

“17 tuổi tôi mới bước chân ra khỏi cổng làng và biết thế nào là thành phố. Quê tôi ở xóm Bồng Lai, xã Thượng Đình, huyện Phú Bình. Tôi 7 tuổi thì mất bố, mẹ tôi nuôi 5 người con. Bé xíu tôi đã biết lội đồng đặt trúm, cuốc đất nhổ cỏ”…

[gallery size="medium" ids="35198,35196,35197"]

Những nhãn, mác do ông  Nguyễn Thịnh thiết kế

Cậu bé Thịnh còi cọc yếu ớt nhưng được trời ban mười đầu ngón tay nở “hoa” khiến cậu vẩy bút ra chữ đẹp, ra chim chóc cây lá mềm mại, cộng thêm tài làm thơ, nên được nhà trường miễn lao động, chuyên sáng tác báo tường. Tốt nghiệp cấp 2 năm 17 tuổi, ông anh họ (học cùng lớp) bảo: “Tao nghe nói Trường Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc đang tuyển sinh học vẽ đấy, để tao đưa mày đi thi”. Năm ấy máy bay Mỹ ném bom đánh phá miền Bắc ác liệt (1968), người thành phố Thái Nguyên sơ tán hết. Hai anh em đi lạc lung tung, cuối cùng cũng tìm đến được chỗ thi. Kết quả thật mỹ mãn, cậu bé Thịnh đỗ cả hai vòng và được gọi nhập học. Gia đình chưa kịp mừng thì trở ngại ập đến: Xã không cho “cắt khẩu” vì gia đình có ba anh em trai nhưng chưa ai đi bộ đội. Lại tiếp tục những ngày lội ruộng đặt trúm, “vắt - diệt” theo đuôi trâu, 20 tuổi, cậu vào học Trường công nhân Kỹ thuật lâm nghiệp Bắc Thái, ra trường được phân về công tác tại Xí nghiệp Quy hoạch lâm nghiệp Bắc Thái. Sau 1 năm học nâng cao tại Cục Đo đạc bản đồ (Láng Trung, Hà Nội), đầu năm 1975 cậu nhập ngũ và chỉ sau mấy tháng thì Miền Nam hoàn toàn được giải phóng, cậu trở về cơ quan cũ làm công việc biên vẽ bản đồ đến lúc về hưu (2003).

Nhấp ngụm trà kết thúc câu chuyện về quãng thời gian “làm người nhà nước”, ông Thịnh đưa tôi xem một kỷ vật ông giữ đã 46 năm nay: Tấm bản đồ tỉnh Bắc Thái ông “truyền” từ bản đồ gốc lên giấy can. “Đây là bài thi tốt nghiệp tôi vẽ trong 2 tháng bằng bút “kim”. Tôi cũng không ngờ, đến tận bây giờ bài thi này vẫn giúp tôi kiếm ra tiền.

Như nhiều gia đình công nhân khác, vợ chồng ông giật gấu vá vai nuôi hai con bằng đồng lương ít ỏi. May thay, tài viết chữ đẹp của ông được biết đến. Những tấm “phôi” huân huy chương, bằng khen từ Ban Thi đua khen thưởng tỉnh; những tấm “phôi” giấy khen, chứng nhận từ các cơ quan, trường học… chuyển đến thuê ông viết. Một mình cặm cụi cùng bút mực, ông đã giúp gia đình đi qua thời bao cấp nhẹ nhàng hơn. Năm 1990, công nghệ in lưới phát triển ở Thái Nguyên, hầu hết các cơ sở in của các ông: Tân, Tạo, Sắc, Nga Hoàng… là khách hàng của ông Thịnh. Chỗ thuê ông thiết kế mẫu, chỗ thuê ông “tách” màu để họ chụp lưới lên khuôn in. Riêng về kỹ thuật “tách” màu trên giấy “can” để in “chập” thì có thể viết một bài dài. Chỉ biết rằng người thợ phải tỉ mỉ, khéo léo, độ chính xác tuyệt đối và độ đậm phải đều thì bản can tách màu chụp lên lưới khuôn in mới không bị “nhòe, bụ nét”. Ông mày mò nghĩ, vẽ đến khi ra sản phẩm đẹp. Những nhãn Bia Sông Kông, Chè Thanh nhiệt, Nước khoáng La Hiên… in 3-4 màu sắc nét “hoành tráng” thời đó là sản phẩm của ông. Được dăm năm, khi khâu chế bản bằng máy vi tính ra đời thì những người tách màu bằng tay như ông Thịnh không còn việc làm. Lúc này nghề vẽ bản đồ của ông lại được phát huy. Ông nhận vẽ bản đồ địa điểm di tích kiểm kê (hoặc xếp hạng). Bài thi tốt nghiệp từ năm 1975 của ông được mang ra sử dụng. Căn cứ vào tấm bản đồ gốc ấy, ông tìm vị trí ngôi đền (đình, chùa) mà vẽ ra tấm bản đồ “con” - một tài liệu bắt buộc trong hồ sơ xếp hạng hoặc kiểm kê của ngành văn hóa. Thêm nữa, tài viết chữ đẹp của ông vẫn được trọng dụng. Ông cho tôi xem mấy tấm bằng công nhận di tích đình, đền, chùa ông vừa viết. Vẫn nét chữ mềm mại mà đường bệ chuẩn chỉ tiếng Việt như mấy chục năm trước. Ai ngờ người làm ra nó tay đã run và mắt đã mờ nhòe.

Dường như được dịp ngẫm ngợi về những ngày đã qua, ông Thịnh tâm sự: Tôi giữ được nghề làm thêm bền bỉ mấy chục năm nay có lẽ vì không có tâm THAM. Tôi luôn lấy tiền công với giá “phải chăng” nhất; tôi từ chối những người đặt tôi làm hàng giả dù trả tiền cao. Có thể tôi không thức thời, nhưng tôi bằng lòng với đồng tiền kiếm được từ đôi tay sạch sẽ.

3 - Ông Quang đóng cửa ngôi nhà không số, dẫn chúng tôi qua nhiều ngã rẽ đến nhà số 33, ngách 15, ngõ 198, tổ 8 phường Phan Đình Phùng (TP. Thái Nguyên). Nơi đây, cây đàn tính vĩnh biệt phận đời quả bầu, mảnh gỗ vô tri, trở thành bạn tâm giao thủ thỉ san sẻ vui buồn với con người. Những dáng ngồi nghiêng nghiêng ôm cây đàn duyên dáng cùng nụ cười tươi rói đón chúng tôi. Trong số các nghệ nhân đàn tính ở đây, phần lớn họ đã “lên chức” bà, nhưng không vì líu ríu cháu chắt mà quên đi sở thích của riêng mình. Đó là chị Ca, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa; chị Chiên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đại học Sư phạm Thái Nguyên; chị Tần giáo viên Trường Bưu điện tỉnh... Ban đầu các chị không biết đàn hát, nốt nhạc “bẻ đôi” cũng không biết, nghỉ hưu rồi thích học nên tìm đến thầy Quang. Thấm thoắt 6 năm họ tham gia Câu lạc bộ Đàn tính hát then, mỗi tuần gặp nhau 1 lần, mỗi lần gặp là xúng xính áo dài, trang điểm như đi hội làng.

Lời cây đàn tính

Năng lượng mát lành tỏa ra từ giọng cười ánh mắt, chị Hoàng Oanh (62 tuổi) bảo: Tối nào mình cũng vào phòng đóng cửa luyện đàn. Ông chồng lúc đầu tưởng vợ bị làm sao, sau mình giải thích: Em phải chơi đàn một lúc thì ngủ mới ngon. Cái anh đàn hát này, bỏ vài hôm là tay cứng, giọng khô ngay, càng lớn tuổi càng phải ôn luyện hàng ngày. Chị Ma Thị Hiền (51 tuổi), quê ở xóm Dạo, xã Bộc Nhiêu, huyện Định Hóa được chị gái dạy đàn tính cho từ nhỏ. “Chị em mê đàn tính kinh khủng luôn, hai chị em dí dủm bảo nhau học đàn đến 2 giờ sáng ý. Tiếc là chị ấy không được các nghệ nhân giỏi như thầy Quang dạy để đàn hát hay hơn. Lúc đầu em hát chán lắm, sau được học cách lấy hơi nhả chữ mà hát được như bây giờ”.

Tranh thủ có thầy giáo đến, các chị hát bài mới xem “chênh, phô” chỗ nào để thầy sửa cho. Thế nên tôi được nghe show diễn “tự phát”. “Đường về quê chúng em xa vời, vượt mười non biết không người ơi, hoa đào nở rộ, quả mận chín đấy, óng ánh mật ong thơm ngạt ngào”… (Đường về bản em); “Ngọt ngào như tiếng suối đàn reo, ấm áp hơn muôn ngọn lửa hồng, đậm đà hơn muôn ngàn lời ca, là tiếng đàn tính quê hương” (Lời cây đàn tính)… Giọng hát tiếng đàn mộc mà ngọt đưa tôi về miền không gian dịu dàng, nắng vàng tưới mềm lá cọ cùng những nếp nhà sàn dựa nghiêng vách núi.

Chào tạm biệt các chị cùng tiếng then lời tính, tôi hòa vào dòng người ngược xuôi trên phố. Tôi chầm chậm đi, chầm chậm nghĩ: Mỗi người đang lướt qua tôi đều chứa trong họ vô số điều đặc biệt. Như ông Thịnh, ông Quang và những người bình dị khác tôi vừa gặp, họ vẫn âm thầm làm nên cuộc sống đáng yêu này.

Ký. MinhHằng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Không khóc ở Đài Loan

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 1 năm trước

Trái tim bồ đề

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 1 năm trước

Thái Nguyên lưu luyến trong tôi

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 1 năm trước

Người bản Dao thay áo cho rừng

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 1 năm trước

Văng vẳng tiếng còi tàu

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 1 năm trước