Thứ năm, ngày 09 tháng 05 năm 2024
16:16 (GMT +7)

Văng vẳng tiếng còi tàu

LTS: Cuộc thi Bút ký – Phóng sự năm 2021 – 2023, trên tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên đã chính thức khép lại từ 0h00, ngày 01/5/2023. Ban Tổ chức Cuộc thi đã tập hợp bài dự thi để chuyển Ban Giám khảo thực hiện việc chấm chọn. Dự kiến lễ Tổng kết và Trao giải Cuộc thi sẽ diễn ra vào dịp 21/6/2023.

Trong các số tiếp theo, VNTN sẽ tiếp tục đăng tải các bài dự thi đủ điều kiện theo quy định của Ban Tổ chức.

Tiếng còi tàu làm tôi choàng tỉnh giấc. Ngước mắt nhìn đồng hồ đã 5h30 sáng, tôi hốt hoảng quờ quạng tìm cái công tắc điện, miệng lẩm bẩm: “Thôi chết! Nhỡ tàu rồi”... Đèn bật sáng, tôi ngơ ngác nhìn quanh. Đã lâu rồi, kể từ ngày ga Quan Triều không còn hoạt động nữa, người dân quanh khu vực cũng không còn chờ đợi tiếng còi thay đồng hồ làm thước đo thời gian. Tiếng còi nay trở về trong giấc mơ, khiến lòng tôi thao thiết gọi về những kỷ niệm thời xa xưa.

Quan Triều quê tôi nằm về phía bắc, cách thành phố Thái Nguyên 3km. Tương truyền vào thời nhà Lý (1009 – 1225) nơi đây có người làm quan trong triều đình nên được gọi là Quan Triều… Dương Tự Minh là một nhân vật tiêu biểu cho những người con anh dũng của quê hương, cuộc đời ông đã gắn liền với những chiến công hiển hách, dẹp yên giặc giã dưới 3 đời vua nhà Lý, được nhân dân tôn làm Thành Hoàng làng. Ngôi đình tọa lạc tại tổ 10 phường Quan Triều.

Ga Quan Triều ngày nay

Cách đình không xa là ga Quan Triều. Theo các cụ cao niên kể lại: nhà ga được xây dựng đầu năm 1959 và được hoàn thành ngày 30/8/1960. Sân ga có ba 3 tuyến đường sắt Quốc gia (sau này thêm một đường sắt nữa từ Quan Triều đến mỏ than Núi Hồng). Trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước, tuyến đường sắt này được coi là con đường “huyết mạch” để vận chuyển hàng hóa, vật tư thiết bị từ than Hòn Gai về Quan Triều, phục vụ cho các tỉnh phía Bắc và chở khí tài quân sự, chi viện cho chiến trường miền Nam.

Nhà tôi ngay cạnh đường sắt chở than từ ga Quan Triều vào Nhà máy Điện Cao Ngạn. Hàng ngày, vào lúc 7 giờ sáng và 3 giờ chiều, chúng tôi tụ họp ở Nhà ga. Khi tiếng còi tàu hú lên một hồi dài, con tàu xình xịch vào ga, là mấy thằng con trai nhanh nhẹn nhảy lên toa đen nhẻm màu than, lấy những cái sào bằng cành cây nhỏ được chuẩn bị từ trước, nhanh tay gạt những mảnh than còn sót trên toa cho rơi xuống đường. Lũ con gái chúng tôi, mỗi đứa cầm cái sọt, chạy bộ theo hai bên đoàn tàu, nhặt những viên than rơi, chia nhau đem về đun. Vui nhất là trên đường về, mỗi đứa ôm một bọc than, vừa đi vừa ê a hát “Xình xịch xình xịch, tu tu tu tu, tàu băng nhanh băng nhanh. Tàu ơi tàu chạy suốt đất nước. Đưa chúng em ra thăm Bác Hồ. Tàu đem niềm vui với tiếng ca, để chào Thủ đô của chúng ta…”.

Nhiều hôm tàu chở than cám, chúng tôi chờ những toa tàu trống không từ nhà máy Điện ra thì nhảy lên, khoanh vùng để vét chỗ than còn sót. Vét than xong, chúng tôi ngồi trong toa chơi chuyền, chơi chắt, thích thú để tàu chở chúng tôi dạo qua phố vào ga rồi lại lếch thếch đi bộ từ ga về nhà… Nhìn mặt đứa nào cũng nhọ nhem, lem luốc đến là buồn cười.

Trong đám bạn hồi ấy, tôi thân nhất với cái Liên. Nhà Liên có sáu chị em, nó là con thứ ba, dưới còn ba đứa em, đứa nhỏ nhất chưa tròn một tuổi mà trong bụng mẹ nó còn một em nữa. Tôi thường chia cho chị em nó những tập giấy kraft (loại giấy giang màu nâu) mà tôi xin được trong nhà máy Giấy Hoàng Văn Thụ, nơi mẹ tôi làm, để chị em nó đóng vở. Ngoài lúc đi nhặt than, tôi hay sang nhà giúp nó trông em. Nhìn cảnh cả nhà nó quây quần bên mâm cơm độn đầy ngô, sắn, mẹ nó chăm chút, dịu dàng, chia từng phần ăn cho chị em nó mà tôi thèm thuồng.

Có lần mẹ Liên nói đùa với tôi: “Cháu thích em phải không? Đợi ít nữa em bé này ra đời, cô cho cháu mang về nhà nuôi nhé”. Tôi tưởng thật, mắt sáng ngời, đầu gật gật liền mấy cái rồi hình dung ra khi mình có một em bé đẹp như búp bê… Nhưng những tháng ngày êm đềm ấy đã bị bom Mỹ phá nát. Tôi phải theo mẹ đi sơ tán cùng ở xóm Đồng Xe, xã Sơn Cẩm, huyện Phú Lương. Buổi chiều hôm ấy, tôi chạy sang chào cái Liên. Chúng tôi ôm nhau thút thít khóc vì nghĩ phải xa nhau mãi mãi, không còn cơ hội chia sẻ với nó cái vẹo sườn khi bế đứa em chưa đầy một tuổi. Rồi lại nức nở nghĩ đến ngày mai, ngày kia không được cùng nhau đi nhặt than, cùng cười nắc nẻ khi đứa nọ nhìn đứa kia khuôn mặt lem luốc, mà cứ nghĩ mặt mình sạch hơn. Nó kéo tôi ra chào cây ổi ở góc vườn, nơi mà chúng tôi thường xuyên ngồi vắt vẻo trên chạc ba, khiến một đoạn thân cây nhẵn bóng và những quả ổi xanh, in chi chít vết móng tay…

Những ngày ở nơi sơ tán, tôi ngơ ngẩn vì thiếu tiếng còi tàu, tiếng còi thân thương gắn biết bao kỷ niệm. Tôi nhớ cái Liên, nhớ mâm cơm xúm xít và tiếng mẹ nó dịu dàng như cháy cả ruột gan. Một năm sau, tôi trở về xóm cũ mới biết tin mẹ Liên đã mất vì bom Mỹ cùng em bé chưa được sinh ra. Đứa em út chưa tròn tuổi của Liên bị bệnh sởi cũng đi theo mẹ. Tôi đau đớn nhìn Liên thẫn thờ, bế chiếc áo bông cũ được quấn bên ngoài bằng cái khăn mẹ nó vẫn thường quàng mà cứ tưởng đang bế em. Trên người chị em nó, nhìn đâu cũng thấy thiếu thốn bàn tay chăm sóc.

Trong ngôi nhà hoang lạnh, những vòng khói hương bay quyện vào nhau từng cụm quanh di ảnh, rồi từ từ giãn ra, tan vào hư vô. Tôi ngồi xuống cạnh nó, nước mắt giàn giụa, trong khi mắt nó cạn khô, khuôn mặt trống rỗng vô cảm, hình như nỗi đau quá lớn khiến nó hóa thành đá. Thời gian là phương thuốc nhiệm màu khiến nỗi đau nào cũng chầm chậm qua đi. Chúng tôi lại bên nhau ngày hai buổi tới trường, nhảy chân sáo trên con đường sắt quen thuộc. Và mỗi sáng, khi tiếng còi tàu cất lên, lũ trẻ chúng tôi lại réo rắt gọi nhau, bắt đầu công việc quen thuộc hàng ngày... Mãi đến khi học cấp 3, chúng tôi mới mỗi đứa một nơi.

Vào những năm đầu thập niên 90, để bảo vệ môi trường, Nhà máy điện Cao Ngạn làm đường băng tải chở than, vì thế chuyến tàu ấy không còn ngày hai buổi chạy qua khu nhà tôi nữa, bỏ lại con đường sắt cô đơn, cong vênh, bị đám cỏ chen chúc giẫm đạp. Thương sao những thanh tà vẹt bạc màu, như không chịu đựng nổi sự vô dụng của mình mà bật ra khỏi đường ray, đợi người nhặt về làm củi, để một lần được cháy hết mình rồi thôi. Nhớ sao là nhớ tiếng còi tàu thay đồng hồ báo thức, gọi chúng tôi mỗi sáng. Nhớ sao những khuôn mặt lem luốc bụi than của bạn tôi… Từng kỷ niệm như thước phim quay chậm, tái hiện trong tôi một thời niên thiếu khó quên. Tôi ra khỏi nhà như người mộng du, bàn chân đưa tôi đến những nơi hồi ức vừa xuất hiện. Ngã sáu nơi này, ngày xưa được gọi là “phố bụi” bởi các xe tải vào mỏ Khánh Hòa chở than chạy qua, khiến nhà dân hai bên đường xám xịt một màu u uất.

Cạnh đường sắt là cái chợ họp chiều. Mỗi lần nghe tiếng còi tàu là các bà các chị bày hàng ngay sát đường ray vội vàng thu đậy hàng họ rồi tránh ra xa… Giờ nơi này là một ngã sáu thênh thang. Hai bên hè phố, người ta đang thi công công trình đô thị hóa. Chỉ vài tháng nữa thôi, nơi đây sẽ mọc lên những hàng cây cảnh, những luống hoa, tô đẹp cho phố phường. Từ Quốc lộ 3 vào ga Quan Triều dài chưa tới một cây số, ngày xưa người yếu bóng vía không dám đi một mình buổi tối, đó là đoạn Ao Than (có cây si xanh um, luôn tỏa bóng xuống làm cả một đoạn đường đen sì). Người ta kể câu chuyện có con ma hàng đêm hiện lên, ngồi vắt vẻo trên cành si, xõa mái tóc dài chấm mặt nước ao…

Vào những ngày Chủ nhật hay ngày lễ, không phải đi làm, mẹ tôi lại tranh thủ về quê, sang bên làng Đa Sỹ mua dao, kéo và liềm mang lên Thái Nguyên bán để kiếm thêm tiền đong gạo. Ngày ấy chưa được buôn bán tự do như bây giờ nên mỗi lần đi lấy hàng, mẹ thường cho tôi đi cùng, san sẻ hàng để tránh phòng thuế. Hôm nào chưa kịp cơm nước gì, tôi lại được mẹ mua cho chiếc bánh gai của người đàn ông bị câm điếc bán hàng rong trên tàu, ăn lót dạ. Tôi nhớ bóng mẹ đang tất tả, chạy vội vào sân ga khi tiếng còi tàu giục giã, xen lẫn tiếng rao lanh lảnh của lũ trẻ “ai nước chè xanh nóng đây… ai nước vối nào…” Và hương vị bánh gai của anh Câm như còn thoang thoảng đâu đây.

Nhà ga giờ chỉ còn tàu chở than từ Núi Hồng hoặc một tháng vài chuyến hàng như muối hoặc gạo là vẫn còn hoạt động. Còn đôi tàu chở khách do ảnh hưởng của dịch covid -19 nên hơn 3 năm nay, đã không còn chuyến nào nữa. Những con đường sắt vẫn nằm cạnh nhau mà sao giờ im ắng thế? Tôi nghe rõ tiếng thì thầm chúng nói chuyện với nhau, tự hào nhắc lại những tháng ngày gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng, được cống hiến hết mình cho những chuyến hàng vào miền Nam thân yêu và chứng kiến bao cảnh tiễn đưa đầy nước mắt. Và chúng hy vọng vào một ngày không xa, sân ga lại tấp nập như ngày nào, tiếng còi lại vang lên từng hồi dài kiêu hãnh.

Ngã sáu Quan Triều ngày nay, nơi gắn bó với tuổi thơ tôi

Bước chân tôi tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Minh Thư, sinh năm 1941, hiện cư trú tại tổ 12 phường Quan Triều, để nghe bà kể lại: “Tôi chuyển về làm nhân viên của ga Quan Triều từ tháng 6 năm 1966. Thời kỳ máy bay Mỹ bắn phá ác liệt nhất, ga là nơi tập kết rất nhiều hàng hóa chiến lược, chúng tôi vừa làm nhân viên của Ga vừa tham gia bốc vác, vận chuyển hàng hóa. Những trận bom rải thảm bằng máy bay B52 của Mỹ vào Thái Nguyên, khiến nhiều chỗ đường ray bị bom làm đứt gãy, chúng tôi lại san lấp hố bom, khắc phục hậu quả để con tàu được lưu thông đúng giờ, đúng tuyến”…

Bỗng dưng bà Thư dừng kể, đôi mắt nhìn xa xăm. Bằng giọng bồi hồi, bà nói: “Tôi nhớ mãi trận bom hồi tháng 7 năm 1967, có một quả không nổ, rơi ngay đầu chòi ghi, đâm xuyên xuống đường sắt số một, con đường duy nhất vào ghi. Vì thế bao nhiêu chuyến hàng chở về, phải dừng lại để bốc dỡ bên ngoài ghi, chờ đội phá bom đến tháo gỡ. Sáng hôm ấy, tôi cùng mấy anh em trong tổ công binh của nhà ga đào đến trưa thì quả bom lộ diện. Nhìn dãy số trên thân quả bom, anh đội trưởng nói đây là loại bom mới sản xuất năm nay, thuộc loại bom “thông minh”.

Cả đội lay hoay tìm mãi không thấy ngòi nổ nên về nghỉ ăn trưa. Buổi chiều hôm ấy, ông đội trưởng bảo tôi đàn bà con gái nên xuống ga Đồng Quang làm hóa vận không cho tôi đào bom nữa. Chỉ còn lại tổ công binh 5 người làm nốt nhiệm vụ phá bom. Chờ đoàn tàu xuôi Hà Nội đi xa, văng vẳng lại một hồi còi như lời chào thì mấy anh em mới buộc dây thừng để kéo quả bom lên. Tôi vừa đi qua cột tín hiệu thì nghe thấy tiếng nổ, bèn chạy ngược về, vừa chạy vừa khóc. Thì ra vì bom mới sản xuất nên đội công binh chưa có kinh nghiệm tháo gỡ, lúc kéo lên chạm vào ngòi khiến quả bom mới phát nổ”… Tôi thắp hương lên phần mộ của năm chiến sỹ công binh ngày ấy. Họ ở năm miền quê khác nhau nhưng 56 năm qua họ đã cùng nằm nghe gió hát trên mảnh đất Quan Triều này!

Đi trên con đường chi chít dấu chân xưa của mình, tôi cứ nửa tỉnh nửa mơ. Nơi những “ao than”, thửa ruộng và cả hố bom nham nhở ngày xưa, giờ mọc lên những ngôi nhà cao tầng, là khu chung cư sầm uất, tiếng nhạc xập xình vui tai hòa cùng tiếng trẻ em nô đùa vọng ra từ trường mầm non Quan Triều. Tôi chợt nghe đâu đây tiếng hát Liên. “Xình xịch xình xịch, tu tu tu tu. Tàu băng nhanh băng nhanh…” và tiếng còi tàu văng vẳng xen lẫn tiếng cười trong vắt của đám bạn nghèo ngày ấy.

Bút ký. Tiết Minh Hà

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Không khóc ở Đài Loan

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 11 tháng trước

Trái tim bồ đề

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 11 tháng trước

Thái Nguyên lưu luyến trong tôi

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 11 tháng trước

Người bản Dao thay áo cho rừng

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 11 tháng trước

Thức dậy một miền xanh

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 1 năm trước