Thứ năm, ngày 09 tháng 05 năm 2024
16:40 (GMT +7)

Thức dậy một miền xanh

TÁC PHẨM THAM DỰ CUỘC THI BÚT KÝ – PHÓNG SỰ NĂM 2021 - 2023

Tôi gặp gia đình anh Hứa Đức Quang và chị Hoàng Thị Hoa vào thời điểm mà theo quan sát của cánh viết lách chúng tôi thì Khu du lịch sinh thái của anh chị đã cán đích sự thành công.

Với cơ ngơi “khủng” rộng đến 6 mẫu đã và đang được quy hoạch từng phần gọn gàng, đẹp đẽ như chốn bồng lai. Nổi lên trên vùng đất ấy là một biệt thự đẹp, những dãy nhà nối tiếp, xung quanh bung nở các loại hoa đủ sắc màu. Từ cổng vào hút mắt tấm “Vườn Ngự hoa viên” hoành tráng, dài mấy chục mét, rực rỡ…

Một góc Vườn Ngự hoa viên

Khu vườn của gia đình anh chị đã được nhiều du khách biết đến bởi nó nằm ngay bên cạnh Di tích Lịch sử cấp quốc gia Giếng Dội thuộc Khu bảo tồn Đền Đuổm (Phú Lương, Thái Nguyên) nổi tiếng khắp cả nước. Năm 2018, huyện Phú Lương đã nâng cấp làm đường bê tông và mở rộng cầu bắc qua con suối lớn này để mở rộng và quảng bá Di tích lịch sử, cũng là năm anh Quang “bắt nhịp” để xây dựng Khu du lịch sinh thái cho gia đình mình, một mơ ước ấp ủ từ lâu, muốn góp một phần nhỏ bé cho quê hương. Từ đó, Khu du lịch sinh thái với mô hình Liên minh HTX du lịch cộng đồng tổng hợp được hình thành.

Bất cứ ai đến Khu du lịch sinh thái này của vợ chồng anh Quang cũng khó cầm lòng trước những cánh hồng Sa Pa với vẻ đẹp kiêu sa, mê hoặc. Vẻ đẹp lạ lùng của hồng Sa Pa là sắc màu bao trùm cảnh quan nơi đây cùng với hương thơm vấn vít êm dịu của loài hoa quý này lan tỏa khắp vườn đã tạo ra một không gian thuần khiết, lãng mạn hiếm nơi nào có được. Du khách có thể ngồi thưởng ngoạn, đắm chìm trong tĩnh lặng, được nghe hơi thở của núi, lời tâm sự rì rào của suối mà thả hồn về cõi xa xa, như có tiếng ngựa hý của tướng quân Dương Tự Minh, thủ lĩnh Áo Chàm, người đã vang tiếng dẹp yên bọn giặc cỏ, giữ gìn non sông khi xưa...

Tôi có thể chắc chắn một điều, bất cứ một du khách khó tính nào khi bước chân đến đây cũng muốn hẹn một lần trở lại.

​Vậy nhưng, anh Quang, chủ nhân khu du lịch lại nở một nụ cười thật thà, hồn nhiên, nói với tôi: “Tất cả chỉ là mới bắt đầu thôi chị ạ...”. Và rồi, sau câu nói khiêm nhường kia, ông chủ dễ tính, hay chuyện của khu du lịch sinh thái ấy đã sẵn sàng kể lại cho tôi nghe tất cả những gì mà theo ông nói, giống như một giấc mơ.

Những cánh hoa hồng chuẩn bị đưa vào chế biến thành sản phẩm

​…Vào những thập niên 60, 70, thế kỷ trước, người miền xuôi lên đất Phú Lương này khai hoang, lập nghiệp khá đông. Vùng đất trù phú ấy đã trở thành quê hương thứ hai của họ. Từ mảnh đất mới, nhiều gia đình sinh cơ lập nghiệp, con đàn cháu đống. Một điều vui là có những người thuộc các dân tộc khác nhau đã kết hôn và trở thành những gia đình đầm ấm. Vợ chồng anh Hứa Đức Quang là một trong những gia đình như vậy. Anh là một đội viên thanh niên xung phong (TNXP) người dân tộc Nùng Bắc Kạn.

Cuối năm 1973 đội TNXP 91 Bắc Thái giải thể, anh được phân công về Ty Xây dựng. Một mối lương duyên không hẹn mà như hẹn, anh gặp chị Hoàng Thị Hoa quê Phú Lương, người dân tộc Sán Chí, ngày ấy công tác tại nhà máy Giấy Hoàng Văn Thụ. Sau ngày cưới, anh chị đã chọn mảnh đất Phú Lương để lập nghiệp. Trong những năm tháng cả đất nước chuyển mình trong nền kinh tế thị trường, với một hoài bão được cống hiến, anh chị đã cùng rời cơ quan về địa phương trong một khát vọng cháy bỏng là xây dựng quê hương Phú Lương trở thành một miền quê giàu đẹp, hiện đại bằng con đường phát triển kinh tế.

​“Cái buổi ban đầu lưu luyến ấy/ Nghìn năm chưa dễ đã ai quên”. Câu thơ tình quen thuộc này cũng có thể ví von với cái thuở ban đầu khi anh chị mới quay trở về đất Phú Lương làm kinh tế.

Đất quê hương có vẻ màu mỡ và cũng đầy “lưu luyến” đấy nhưng cả hai người trong ngày trở về gần như chỉ có tình yêu và hai bàn tay trắng mà con đường phía trước thì mênh mông bể sở. Phải bắt đầu từ đâu? Câu hỏi thật đơn giản nhưng chưa thể có câu trả lời chuẩn xác. Nhiều đêm vắt tay lên trán nghĩ suy, nhiều buổi trao đổi trong trăn trở, cuối cùng anh chị đã quyết định bắt đầu bằng những công việc quen thuộc nhất - những nghề truyền thống của chính gia đình mình. Đó là nghề làm bánh và chăn nuôi. Nghề làm bánh là nghề được ưu tiên nhất cho kế hoạch lấy ngắn nuôi dài.

​​Ai được xem chị Hoa làm bánh một lần đã khó có thể quên. ​Đôi bàn tay chị gấp lá gói bánh thật điệu nghệ. Những chiếc bánh chưng vuông vắn, lạt thít chặt, đều chằn chặn. Những chiếc bánh Tày tròn dài chắc nịch. Những chiếc bánh dày, bánh trôi, bánh xì ón (hình thức giống bánh giày, nhân mật và vừng) cứ lần lượt “sinh sôi nảy nở” từ bàn tay khéo léo của chị. Những chiếc bánh chị làm ra không chỉ thơm ngon, béo ngậy mà hình thức của mỗi chiếc bánh cũng rất hấp dẫn.

Chị tâm sự: ngoài chất lượng thì hình thức của mỗi chiếc bánh cũng là điều phải quan tâm. Việc tạo màu cho bánh chưng đen là công phu nhất. Ai đã từng được thưởng thức bánh chưng đen của gia đình chị Hoa thì sẽ cảm nhận được điều này. Đây là sản phẩm hội tụ “tinh tuý” của gia đình chị. Bột tạo màu được lấy từ các loại cây như núc nác, cây vừng, rơm nếp, cây xoan muối… trong đó cây xoan muối đóng vai trò chủ đạo tạo được màu đẹp, đen nhánh cho bánh, không những thế bột cây xoan muối còn rất mịn. Khi ăn, cho ta cảm giác mát mịn ở đầu lưỡi mà những thứ bánh khác không có được. Chị bảo, chuyện ngâm gạo, làm nhân ra sao cũng cần có bí quyết.

Rồi chuyện chọn lá bánh, luộc bánh, vớt bánh tuy là những khâu rất nhỏ, tưởng là không cần để ý nhưng hóa ra cũng phải làm đúng… Khi làm bánh, chỉ cần sai hoặc thiếu quan tâm đến một bước nào đó cũng sẽ ảnh hưởng đến độ thơm ngon, rền dẻo… Chị Hoa cười, nói thêm: Gọi là bí quyết nhưng thực ra đó chỉ là sự quan tâm sát sao khi thực thi các công đoạn.

Nghe chị Hoa nói, tôi còn hình dung một cách hoa mỹ, văn vẻ một chút rằng, ngoài những bí quyết cùng sự khéo léo, người làm bánh luôn phải gửi vào mỗi tấm bánh cả tấm lòng, tâm hồn của mình. Đó là sự giao cảm vô hình mà tinh tế giữa người làm bánh và người thưởng thức.

Nhìn những thao tác của chị Hoa, tôi thấy trước mắt mình là một nghệ nhân chứ không phải là người làm bánh bình thường. Có lẽ chị là người duy nhất tiếp thu được đầy đủ nghề gia truyền mà cụ tổ truyền lại. Nói gia truyền nhưng trên thực tế ở đời đã không ít nghề bị thất truyền bởi không có người nối dõi thực sự.

Tuy rất hiểu giá trị nghề làm bánh của gia đình nhưng ngày ấy anh Quang cũng chưa thể hình dung được sự “bùng nổ” của nghề làm bánh. Anh vô tư kể lại:

​- Chính chúng tôi cũng không ngờ sản phẩm các loại bánh lại tiêu thụ tốt đến thế. Mỗi mùa cưới, mùa lễ hội lượng bánh tiêu thụ gấp 3 gấp 4 ngày thường, từ 600 - 800 bánh gai, bánh chưng, bánh giầy. Riêng bánh xì ón đơn hàng đi Hà Nội mỗi ngày từ 1500 - 3000 chiếc. Những dịp Tết Nguyên Đán đơn hàng bánh chưng xanh và đen lên đến 2000 chiếc. Gia đình làm không xuể phải cắt bớt các đơn hàng xa như chùa Phủ Liễn, chùa Hang.

Người TNXP năm xưa cũng thật thà, chẳng hề giấu giếm:

- Chỉ cần với nghề làm bánh cùng vài việc khác, gia đình tôi cũng đã có thể trở nên giàu có. Nhưng như tôi vừa nói với chị, tâm nguyện vẫn ấp ủ lâu nay của gia đình tôi là muốn làm việc gì đó có ích cho bà con cộng đồng, để người vùng sâu vùng xa được hưởng thụ, vui chơi như ở thành phố. Tôi bàn bạc với vợ con và được gia đình đồng thuận. Đúng vào dịp tỉnh Thái Nguyên có chương trình phát triển kinh tế gia tăng giá trị nội lực. Chủ trương mỗi xã một sản phẩm gắn liền với sản phẩm nông nghiệp, HTX du lịch cộng đồng tổng hợp của tôi được chính quyền địa phương phê duyệt ủng hộ.

Tôi có một thuận lợi là bên cạnh có hai con đã trưởng thành, các cháu là cánh tay nối dài, tiếp sức cho tôi. Cháu Hứa Kim Dung con thứ hai của tôi hiện giảng dạy ở Đại học Quốc gia Hà Nội, phụ trách bộ môn ngoại khoá. Cháu đã kết hợp với nhà trường mỗi năm đưa từ 1500 - 3000 học sinh về thực tập trồng hoa, làm cỏ, tỉa hoa, tách cánh hoa làm trà hoa hồng… Có nghĩa là luôn có sự tiếp nhận công nghệ hiện đại vào sản xuất, chế biến. Sản phẩm Trà hoa hồng là một mặt hàng chiến lược của gia đình tôi đấy chị ạ.

Anh Quang vừa chỉ cho tôi xem các thiết bị sản xuất như máy chưng cất nước, tủ sấy lạnh trà hoa hồng… vừa giới thiệu:

- Phải sấy mười tiếng ở nhiệt độ 18 độ âm mới được, để những cánh trà hồng khô này vẫn giữ được sắc màu của hoa và đóng vai trò chủ yếu quyết định màu sắc, hương vị của trà khi kết hợp thêm với một số vị như đinh lăng, mướp đắng, lạc tiên, ký tử, táo đỏ… để tạo nên hương trà. Trà hoa hồng có rất nhiều công dụng lợi ích cho sức khỏe cộng đồng.

Đón chén trà hoa hồng từ tay anh, hít hà mùi thơm quyến rũ lan tỏa, tôi xuýt xoa:

- Ngon thơm quá anh ạ!

Giọng anh Quang mỗi lúc một hồ hởi:

- Sản phẩm này của gia đình tôi luôn “cháy” hàng chị ạ. Mới đủ bán cho học sinh và dân quanh vùng thôi.

Anh Quang rót thêm nước trà cho tôi, bộc bạch:

- Ngoài việc sản xuất trà hoa hồng, Cháu Dung muốn gây dựng lại làng nghề làm bánh để học sinh trải nghiệm. Nó bảo ngày hôm nay, ẩm thực đang là một vấn đề được xã hội quan tâm. Nghề làm bánh gia truyền của gia đình mà mai một thì rất tiếc. Sau này, những loại bánh ngon của ta sẽ là một điểm nhấn khi khu du lịch sinh thái của gia đình phát triển. Nói rồi, như để chứng minh, anh nhanh nhẹn dẫn tôi tham quan giàn lò luộc bánh mới xây gồm 4 lò, đun bằng củi. Dịp lễ Tết để đáp ứng nhu cầu của khách mỗi lần luộc bánh cả 4 lò đều nổi lửa, mỗi nồi chứa 150 - 160 chiếc, được luộc liên tục.

Sản phẩm Trà hoa hồng của gia đình được người tiêu dùng ưa thích

Đúng là một vòng tròn hoàn hảo, lấy ngắn nuôi dài, từ tĩnh để sinh ra động. Không nóng vội mà đầy hiệu quả. Theo dự kiến của gia đình anh Quang thì đến năm 2025 khu sinh thái mới hình thành mĩ mãn. Nhưng nhìn toàn cảnh: một vườn hồng Sa Pa, không, nói chính xác hơn là một rừng hồng Sa Pa đang đua sắc dưới mặt trời; một hệ thống nhà cửa khang trang phục vụ cho du lịch; một “khu chợ quê” bày bán hoa quả và các loại bánh trái; một khu vui chơi cho trẻ em như nhà phao, cầu trượt, một dãy nhà đèn lồng dành cho các cháu ngồi trao đổi, trò chuyện… tất cả đã hiện lên như một bức tranh lớn, dự báo sự thành công trong tương lai không xa.

Anh Quang tự hào nói với tôi:

- Tết này trẻ em xã tôi không phải đi xa nữa. Đã có khu vui chơi ngay trong xã mình, xóm mình. Cha mẹ không lo về an toàn giao thông, mưa rét… Vé vào cửa cho các cháu chúng tôi chỉ thu mười nghìn lấy lệ. Các cháu có thể vui chơi, trải nghiệm thoải mái và đặc biệt là có thể tự hào rằng ở ngay trên miền đất vốn xa xôi hẻo lánh này của mình nhưng cũng có thể được hưởng thụ niềm vui, thư giãn, học hỏi không kém gì thành phố. Đó cũng chính là niềm tự hào của gia đình tôi, chị ạ.

* * *

Chắc chắn tôi còn trở lại nơi đây cùng với những người yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp. Nhưng cái đẹp ẩn tàng trong tâm hồn bình dị của người cựu TNXP Đội 91 năm xưa với khát khao làm đẹp, làm giàu quê hương bằng bàn tay khối óc của mình thì tôi tin rằng sẽ mãi mãi lưu lại trong lòng mỗi người khách tham quan.

Cũng chẳng khác xưa, khi hơn năm mươi năm trước, anh Quang cùng đồng đội mở những con đường cho xe băng ra chiến dịch, hôm nay, người cựu TNXP ấy lại tiếp tục mở những con đường tương lai, để thức dậy những miền xanh cho chính quê hương mình.

Ký. Cồ Thị Thơm

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Không khóc ở Đài Loan

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 11 tháng trước

Trái tim bồ đề

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 11 tháng trước

Thái Nguyên lưu luyến trong tôi

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 11 tháng trước

Người bản Dao thay áo cho rừng

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 11 tháng trước

Văng vẳng tiếng còi tàu

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 11 tháng trước