Thứ ba, ngày 28 tháng 01 năm 2025
09:24 (GMT +7)

Thái Nguyên lưu luyến trong tôi

Tách chè sáng còn nghi ngút khói, hương thơm của một giấc mộng vùng cao êm êm tỏa khắp căn phòng. Miền Nam tôi gọi là trà. Bọn bạn tôi đang ì xèo vật lộn tên gọi của chất lỏng sóng sánh màu vàng vàng, theo cách của mỗi vùng miền với nhau. Thằng bạn đồng hương An Giang với tôi thì gọi là trà, còn H. thì bảo phải là chè mới đúng. Tụi nó thừa hiểu cách gọi nào cũng là hợp lý cả, mỗi tội cứ thích ham vui tranh cãi nhau, để mong sự ồn ào này có thể réo gọi được mặt trời dậy. Hà Nội buổi sáng âm ẩm trong tấm mền sương. Tôi đưa tay mở cửa sổ, cái lạnh sáng đang nắm lấy tay tôi, vực dậy một miền nhớ của chuyến đi Thái Nguyên tuần trước cùng bọn bạn.

Đoàn chúng tôi có tám thằng. Năm giờ sáng đã bắt đầu xuất phát khỏi Học viện Tòa án. Bác bảo vệ mở cửa buồng trực với khuôn mặt còn đọng sự êm dịu của giấc ngủ chưa trọn vẹn. Mặt bác hơi nhăn lại, nhưng chắc vì thấy ánh lửa muốn đi và được đi trong đôi mắt của đám người trẻ bọn tôi, nên là bác lại mỉm cười điểm tên từng đứa rồi mở cổng. Từng chiếc xe băng băng trong hơi sương chùng chình của buổi sớm Hà thành.

Hang Phượng Hoàng - điểm đến của chúng tôi

Xe V. đang chạy nhanh, sự hối hả của V. như đang muốn đua cùng ánh mặt trời bị che khuất sau các tầng mây xám. Tôi ngồi sau xe V. và huých vào vai nó rồi bảo: “Tao lạy mày V. ơi! Nhà tao còn mẹ già với mấy đứa em thơ. Mày không thương mày thì cũng nên thương tao chớ”. Nó cười cười rồ ga vài cái nữa thì mới cho xe giảm dần tốc độ. Tôi thầm cảm tạ trời đất đã ân điển cho tâm của thằng V. ngộ ra được nỗi niềm trong tôi. Tuổi trẻ vốn là vậy mà, ngô nghê và khờ dại lắm. V. cũng thừa hiểu là hôm nay mặt trời chắc sẽ trễ hẹn, nhưng lòng nó vẫn thầm cầu mong hơi ấm buổi bình minh sẽ tiếp thêm nhiên liệu vào bình xăng tuổi trẻ trong mình.

Tới địa phận của thành phố Phổ Yên, bọn tôi dừng xe lại để ăn sáng. Quán bún chả be bé bên đường với nụ cười thiện lành của anh chị chủ chào đón bọn tôi. Thằng thì gọi bún chả chan, đứa thì kêu bún chả chấm. Cứ vậy mà bàn ăn rôm rả tranh nhau tô của đứa nào ngon hơn. Nước chan kèm với bún âm ấm và ngọt thơm vị của thịt nướng, làm những đôi mắt của bọn tôi cười tít. Chúng tôi tráng miệng bằng nước chè nóng, sóng sánh màu chân phương của tình người nơi mảnh đất Thái Nguyên. Anh chị chủ quán thấy đoàn bọn tôi chạy xe trong mưa, hỏi tụi tôi có cần túi để bọc giày hay không. Tôi nhìn xuống chân V., rồi lại nhìn sang đôi giày tôi đang đi. Hai đứa nhìn nhau cười, bọn bạn tôi cũng cười theo, vì giày đứa nào cũng lấm lem bùn đất từ lòng đường bắn lên ban nãy.

Không đợi tụi tôi nói dứt câu, chị chủ quán nhanh chân vào trong mang ra một xấp túi nilon trắng. Chị bảo: “Cho tụi em túi này để bọc lấy giày này. Chị không đếm nữa, thiếu thì nói chị, mà dư thì cứ mang theo để đồ đạc tụi em mua khi đi du lịch cũng được”. Anh chủ đang phẩy quạt nướng thịt dưới bếp cũng nói vọng lên: “Mấy chú em đi đường thượng lộ bình an nhé. Lần nào có dịp thì cứ ghé quán anh, anh mời mấy chú tách chè”. Tụi tôi hí hửng bọc lại mấy đôi giày rồi nhanh chân lên xe, không quên gửi lại lời cảm ơn cho anh chị chủ quán và hẹn có duyên thì sẽ gặp lại. Xe chạy được một đoạn rồi, nhưng tôi vẫn cố ngoái lại phía sau, để ngắm kĩ tên cái quán nhỏ nồng đượm tình người. Đứa miền Nam như tôi gật gù nói với V.: “Tao hiểu cái hậu ngọt sau cùng trong tách chè ban nãy rồi. Đó là hậu ngọt của tình người Thái Nguyên đó mày ơi!”. V. đưa ngón tay cái lên làm biểu tượng số một, V. kêu: “Giờ làm bài thơ mến tặng người Thái Nguyên đi thi sĩ”. Tôi cười cười: “Thi sĩ gì mày ơi, tao chỉ đơn giản là một con người muốn được đi và viết thôi”. Xe vẫn băng băng, màn mưa dần dày hơn, nhưng sao tôi lại thấy ấm áp đến lạ kì một cảm giác trong lòng.

Đoàn xe dừng chân một lát tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc, cho bạn tôi vào gặp người quen. Mắt tôi chăm chú nhìn vào những nhạc cụ dân tộc đang sánh bước cùng các cô cậu sinh viên của Trường. Hôm ấy là cuối tuần, dù trời vẫn lất phất mưa bay, mà các bạn vẫn miệt mài đến lớp với buổi học thực hành. Tôi nghiêng mình cảm phục và trân trọng những con người đã luôn gắng sức ngày đêm để giữ lại, để phát huy hơn nữa những nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt. Hai chữ Việt Bắc đã đọng lại sâu trong tim tôi từ những ngày còn học cấp ba. Thương làm sao từng lời thơ phát lên tiếng nhạc năm tháng oai hùng trong bài thơ “Việt Bắc” của cụ Tố Hữu: “Người về người có nhớ ta. Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng”.

Tôi mến mộ cụ Tố Hữu vô cùng. Vì người nghệ sĩ trong thời chiến nói chung và người thi sĩ như cụ Tố Hữu nói riêng đều phải dùng mồ hôi, máu và cả nước mắt của mình để thổi sự sống vào trong từng tác phẩm. Tháng năm anh dũng của dân tộc sẽ không bị dòng thời gian vùi lấp, khi từng con chữ trong “Việt Bắc” vẫn còn sống mãi. Và hơn thế, những người trẻ như tôi và đám bạn, hay như những cô cậu sinh viên của Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việc Bắc, cùng nhiều lắm các bạn trẻ ngoài kia vẫn đêm ngày níu lại từng trang lịch sử dậy hương đậm đà của tình dân tộc trước cơn bão khắc nghiệt mang tên thời gian.

Khe Mo đón chân bọn tôi trong chuyến hành trình đến hang Phượng Hoàng. Bỏ lại sau lưng là sự ồn ào náo nhiệt của cộ xe và những dòng người nơi thành phố Thái Nguyên, bọn tôi tìm vào xã nhỏ Khe Mo thuộc huyện Đồng Hỷ. Nơi này cũng thuộc địa phận tỉnh Thái Nguyên, bát ngát một màu bình yên với những đồi chè thoai thoải dốc. Dọc đường xe V. băng qua lấp ló những ngọn núi với muôn vàn kiểu hình thù ẩn hiện trong từng dải mây phủ. Khác với dốc đồi thoai thoải, núi đá lại cheo leo hơn. Có những đoạn không còn rừng xanh mọc nữa, tựa tấm lưng người đang bong tróc từng mảng da. Tôi nghe tiếng rừng khóc, tiếng thút thít của những mảng núi trọc in hằn mật ngữ xa xưa. Núi đang đợi ai thấu hiểu mình chăng? Năm dài tháng rộng qua đi, núi trồi lên, khóc nức nở cơn chào đời và giờ thê thiết mong con người ta thấu hiểu mình.

Dừng chân lưu lại tấm hình làm kỷ niệm

Thiên nhiên ban tặng cho chúng ta lắm thứ, vậy mà con người cũng nhiều phen phũ phàng lắm, khi chỉ biết mang đi ân tình của mẹ thiên nhiên mà quên việc phải trao lại, phải bù đắp. Tôi biết vì nỗi lo cơm áo, vì nặng gánh mưu sinh cho không chỉ bản thân mà còn cả gia đình, nên là con người ta hiểu, nhưng đành nhắm mắt nén lại nỗi đau để mong qua ngày đoạn tháng. Một đoạn ngắn trong tác phẩm Lão Hạc của cụ Nam Cao mà tôi rất thích, có vẻ đúng trong trường hợp này: “Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi,... toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương”. Tôi không trách hết được tất cả những con người trong thế giới này. Bởi đâu ai biết nơi nào là ranh giới của thiện và ác. Càng chẳng ai hoàn hảo đến mức có thể mặc nhiên phán xét người khác khi mới chỉ lần đầu gặp mặt. Tôi chọn cách thấu hiểu họ, cảm thông và chịu đau cùng một phần tiếng khóc từ rừng, tiếng nức nở của núi đồi và của người dân ở Khe Mo này.

Lần đầu tiên mà tôi được tận mắt thấy cây chè ở ngoài đời, thay vì hình ảnh bắt gặp nhiều lần trong sách báo, hay trên mạng xã hội. Tôi hay dùng từ phèn để miêu tả cho sự quê mùa, kém hiểu biết của mình. Và hôm nay, lúc băng qua những đồi chè xanh tốt trên những dốc đồi Bazan, tôi đã thực sự rửa được một phần nào đó cái sự quê mùa. An Giang quê tôi cũng có núi, người ta cũng hay trồng cây công nghiệp, nhưng tuyệt nhiên người ta không trồng chè, hay do tôi chưa đi khắp hang cùng ngõ tận của quê mình nên chưa biết cũng nên. Những gốc chè to với đường kính gần bằng cổ tay tôi. Lá chè còn mê mải chơi đùa cùng hơi sương, do mặt trời còn bận kê đầu trong chiếc gối mềm mang tên mây xám. Tôi thấy các mẹ, các chị giản dị trong những bộ quần áo lên nương. Thứ chất liệu mà tôi nghĩ họ dùng để dệt nên từng bộ trang phục cần lao đó không đơn thuần chỉ là vải vóc, mà đó còn là cả những mưa nắng, rồi sương giăng, gió thổi nhọc nhằn.

Tôi lại nhớ quê mình. Những bận về quê của tôi từ lúc lên đại học ngày càng ít đi. Có khi suốt một năm trời tôi chỉ về nhà được đúng hai lần, đó là khi hè và vào dịp Tết. Mỗi lần về cũng chỉ được hai, ba tuần ngắn ngủi. Lạ đời một nỗi, khi con người ta mong ngóng thời gian trôi qua thật nhanh, nhưng nó lại đành hanh cái bài hát chậm trôi. Như việc tôi mong mỗi kì học ở Học viện sẽ trôi qua nhanh để tôi còn sớm được về với mẹ, vậy mà lịch học vẫn dài thăm thẳm. Thời gian đúng là thứ ngang ngược đến mức xót xa. Muôn đời nó cứ thích thử thách lòng người và sống đúng kiểu “ta đây chớ muốn làm dâu trăm họ”. Cứ vậy mà mỗi lần về quê tôi lại cố ngắm cho thật kĩ hình ảnh mẹ với áo bà ba nâu ra đồng. Dù không rực rỡ xa hoa, có khi còn lấm lem bùn đất, nhưng đó mới là dáng quê chân thật nhất ru êm cơn khát cố xứ trong tôi mỗi bận cất bước tha hương.

Thi thoảng xe V. chạy qua vài ngọn đồi còn vương lại tàn tích của những gốc chè xanh, bằng màu đen của tàn tro sau cơn cháy. Tôi hỏi V.: “Ủa người ta cũng đốt mấy gốc chè hả? Tao tưởng có mỗi xứ tao là người ta đốt gốc rạ sau mỗi mùa gặt thôi chớ”. V. cười cười rồi đáp: “Ừ thì người ta đốt chớ, đốt để trồng những cây chè mới. Cơ mà cũng có những gốc chè kiên cường gửi mầm nhựa sống vào đất mẹ sau cơn cháy. Bọn nó sẽ lại tái sinh lần nữa, khi cơn khát sống dâng đầy đến mức nhấn chìm cả sức nóng đến từ ngọn lửa”. Đúng thật, đâu chỉ con người chúng ta mới thèm sống. Hoa cỏ và các sinh vật khác, hay gần trong tầm mắt tôi nhất chính là từng gốc chè đã cháy trụi, chúng vẫn đang âm thầm lóe lên thứ ánh sáng của cơn khát sống và thèm thuồng sự sống.

Tôi lại nhớ cô Mị trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài. Nhớ cảnh đêm tình mùa xuân và đêm đông khi Mị cởi dây trói cho A Phủ. Hai con người cùng khổ và từng nghĩ mình suốt đời không thể lấy lại được tư cách một con người. Cứ vậy mà họ âm thầm rời đi, nhưng trong tim vang vọng khúc hát vùng dậy khỏi bàn tay của bọn cha con nhà Thống lí Pá Tra thâm ác. Chính khát khao được sống, không dễ dàng từ bỏ sinh mệnh mới là chìa khóa giúp con người mở lối tìm được hi vọng và cơ hội trong ánh tối cuộc đời. Đó là bài học mà chè dạy cho tôi.

Gần mười một giờ trưa thì đoàn xe bọn tôi cũng đã đến điểm du lịch mang tên Hang Phượng Hoàng. Anh bảo vệ niềm nở đón tiếp và soát vé của từng đứa. Ban đầu tôi không thích cách thương mại hóa du lịch kiểu tự nhiên này lắm. Nhưng nghĩ lại việc các chủ đầu tư cũng đã phải bỏ ra một số tiền không nhỏ, để bảo vệ nét đẹp của hang Phượng Hoàng trước lưỡi gươm thời gian, thì tôi nghĩ số tiền mình bỏ ra cũng không oan phí. Hơn một nghìn bậc thang lên đến cửa hang. Đoàn chúng tôi ròng rã gần một giờ đồng hồ lê từng bước chân khó nhọc mới đến được cửa hang. Đến nơi, tôi thầm cảm tạ sự cố gắng của bản thân, những lời khích lệ từ bạn bè, rồi các biển động viên dọc đường. Từ trên cao nhìn xuống, tôi có thể thấy các bản làng mộc mạc, những ngôi nhà và từng ô ruộng nhỏ của đồng bào thiểu số. Mọi thứ thật nên thơ trong câu hát của mây phủ, của sương giăng. Hang Phượng Hoàng có ba cửa hang. Chúng tôi từ từ đi qua các cửa hang dơi, hang tối và hang sáng. Đường xuống hang có những bậc thang nhân tạo để phục vụ cho du khách. Hơi thở của hiện đại chưa làm phai đi dấu tích của thời gian trong hang. Những phiến thạch nhũ nhọn hoắt vươn dài xuống giao chiến với dòng chảy năm tháng. Tôi nhìn mà cứ rờn rợn người. Càng đi sâu vào hang thì nhiệt độ càng giảm, không gian thêm phần huyền ảo từ những dây đèn màu xanh tím đỏ.

Đi lên hang Phượng Hoàng đã khó, lúc xuống lại càng khó hơn. Vì đường đi hôm ấy có mưa, thêm sương lạnh đắp lên xác thân của từng chiếc lá lìa cành đợi chờ ngày mục rữa, nên bọn tôi phải đi chân ngang như những con cua để không bị trượt. Vừa đi tôi vừa nhớ lại câu chuyện sự tích về hang Phượng Hoàng, được đề trên tấm bảng hướng dẫn ở đoạn đầu đường đi. Tôi thương cho cánh chim Phượng Hoàng mẹ mải miết đợi chồng mình mà hóa đá. Rồi cũng day dứt cho nỗi ân hận khi chim Phượng Hoàng bố biết mình mê vui nên lạc bầy, làm cho vợ mình đợi trông đến mức thành đá cứng đờ. Cứ vậy mà chim Phượng Hoàng bố đợi chờ ngày vợ mình trở lại bình thường. Cuối cùng thì chim bố cũng gặp lại chim mẹ, nhưng cái giá phải trả là sự hóa đá của chính bản thân mình. Câu chuyện mang dáng dấp thần kì đó làm cho du khách đến thăm cứ nhớ hoài bài học về sự thủy chung của vợ chồng. Không chỉ thế, con người ta khi sinh thời cũng cần vẹn tròn những lời mình đã hứa. Biết là hòn đá khó đơm hoa, nhưng êm đềm phù sa quê tôi đã dạy cho tôi rằng ai rồi cũng sẽ về với dòng châu thổ, không mang được gì ngoài ký ức thủy chung son sắt trao nhau.

Tôi mang về Hà thành hôm đó thêm nỗi nhớ cho vị ngọt đằm thắm của bát chè thập cẩm ở Chợ Thái. Đường đêm về mưa giăng, tôi và V. phải chia nhau từng hơi thuốc để giữ cho cơ thể ấm và thần trí tỉnh táo. Cũng như đêm nay, Hà thành mưa lạnh ngoài cửa sổ. Chỉ khác là V. và bọn bạn tôi đã chìm vào giấc ngủ, lấy sức cho những chuyến đi khác vào một ngày không xa. Riêng tôi thì đang nhờ khói thuốc và mưa dìu dắt hơi sương Thái Nguyên quay về trong tầm mắt. Con chữ của tôi đang lấp đầy từng trang viết trên màn hình máy tính. Tôi không dám mong gì những con chữ của mình có thể thay đổi được thế giới này. Chỉ mong khi bạn đọc nhìn thấy những gì tôi viết, thì sẽ thêm yêu một phần cuộc sống này hơn, thêm yêu những miền đất nơi mà chính mình đã từng đi qua. Như chuyện tôi mến thương mảnh đất và con người nơi Thái Nguyên chẳng hạn.

Nguyễn Hoài Nam

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Không khóc ở Đài Loan

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 1 năm trước

Trái tim bồ đề

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 1 năm trước

Người bản Dao thay áo cho rừng

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 1 năm trước

Văng vẳng tiếng còi tàu

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 1 năm trước

Thức dậy một miền xanh

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 1 năm trước