Thứ sáu, ngày 15 tháng 11 năm 2024
06:10 (GMT +7)

Người bản Dao thay áo cho rừng

Trở lại xóm Đồng Đình, xã Kim Phượng, huyện Định Hóa, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước sự đổi thay nhanh chóng và vô cùng thán phục nỗ lực vươn lên làm giàu từ cây quế của bà con người Dao. Giấc mơ về một cuộc sống no ấm, sung túc trên chính mảnh đất quê hương đang dần hiện hữu.

Gian nan gánh rừng lên núi

Xóm Đồng Đình được thành lập năm 2019, trên cơ sở sáp nhập hai xóm Kim Tân 3 và Kim Tân 4. Hiện xóm có 90 hộ dân, trong đó dân tộc Dao chiếm trên 60%, còn lại là dân tộc Tày, Sán Chí, chỉ có 7 hộ là người Kinh trước đây lên khai hoang. Bà con dân tộc Dao sống quần tụ chủ yếu tại Tân Kim 4 cũ (người dân địa phương vẫn quen gọi là bản Dao). Diện tích đất của xóm Đồng Đình là 189,5 ha, phần lớn là đất đồi rừng với 130 ha, đất ruộng chỉ có 20,1 ha.

Đường vào xóm Đồng Đình vừa hoàn thành.

Tiếp xúc với bà con chúng tôi được biết cây quế bén rễ ở xóm Đồng Đình từ năm 1992, đây là loại cây xóa đói giảm nghèo được hỗ trợ đưa vào trồng theo chủ trương của nhà nước. Với địa hình đồi núi có độ dốc thoải, thổ nhưỡng khí hậu phù hợp, cây quế đã thích nghi và sinh trưởng tốt tại nơi này.

Tuy nhiên thời điểm đó trên địa bàn huyện chưa có cơ sở chế biến, khâu đầu ra cho cây quế gặp nhiều khó khăn, thương lái từ tỉnh ngoài đến thu mua sản phẩm của cây quế với giá rẻ. Hiệu quả kinh tế của việc trồng quế rất thấp nên người dân chuyển sang trồng một số loại cây khác, chủ yếu là cây keo lá nhỏ và tai tượng.

Nhìn từ góc độ kinh tế, cây keo giá trị thấp, nhưng nhanh cho thu hoạch và có nhiều doanh nghiệp thu mua. Cơ sở ươm bán cây giống gần, giá lại rất rẻ. Cây keo dễ trồng, chăm bón không tốn nhiều quá công sức. Thu hoạch xong có thể dọn phát cỏ đốt và trồng tiếp đợt cây mới. Dù tiếc cây quế đã cùng mình “năm nắng mười mưa”, nhưng vì sinh kế không mấy gia đình còn muốn giữ.

Nhà văn hóa xóm Đồng Đình vừa đưa vào sử dụng

Ruộng trồng lúa ít, người Dao ở Đồng Đình sống nhờ cây rừng trồng là chính. Từ ngày cực chẳng đã phải ngậm ngùi chặt bỏ quế, màu xanh của rừng keo trên đồi núi nhiều năm liền là màu đặc trưng, khó trộn lẫn với màu xanh nào khác. Trồng keo cho thu nhập không cao, do đó cuộc sống của bà con người mới chỉ ở mức “đủ ăn đủ mặc”, việc xây dựng nhà cửa, mua sắm các phương tiện nghe nhìn, đi lại còn hạn chế.

Có dịp trải nghiệm thực tế tại Đồng Đình mùa thu hoạch keo những năm trước đây, chúng tôi không khỏi ái ngại khi thăm bản làng. Ngày nắng nỏ, tro bụi đốt cỏ cây bay lả tả như làn tuyết đen. Những sườn núi đã dọn và đốt ít ngày trước, nhiều người gánh cây keo con lên trồng, dáng nhỏ hao gầy đổ bóng. Con đường đất nhỏ hẹp len lỏi qua những nếp nhà đơn sơ. Dường như cuộc sống nơi này trôi thật chậm. Anh bạn cùng đoàn với tôi tỏ ý tiếc nuối không kịp ghi hình ảnh “trâu đeo mõ, chó leo thang” như ai đó ví von về một miền quê núi.

Sắc màu mới của quê hương

Năm 2015 huyện Định Hóa triển khai dự án trồng quế trên địa bàn, có các chính sách cụ thể hỗ trợ và tìm được đầu ra cho sản phẩm. Giá bán các sản phẩm từ cây quế tăng lên. Với sự chung sức của bốn “nhà” gồm: Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông, nhiều giải pháp được cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương áp dụng và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho bà con tận dụng lợi thế về nhân lực, đất đai làm giàu chính đáng. Bà con bản Dao tái trồng quế với qui mô lớn, diện tích hàng năm không ngừng được mở rộng. Cây quế đã thực sự giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Lá quế khô cũng được bà con thu gom bán cho cơ sở làm hương.

Tận mắt chứng kiến những đồi quế được trồng nối tiếp nhau thành rừng, chúng tôi hết sức vui mừng trước thành quả ban đầu của bà con. Quế trồng ở Đồng Đình thuộc loại thân thẳng, có hai loại vỏ trắng và vỏ nâu. Lá quế xanh quanh năm mọc cách có hình dạng bầu dục dài, đuôi lá nhọn... Mặt trên của lá màu xanh bóng, mặt sau có lông nhung. Hoa quế màu trắng hình tròn mọc ra từ ngọn cành hoặc nách lá. Cây ra hoa vào mùa hạ, mọc đơn từng chiếc. Khi hoa tàn kết thành quả có màu thanh thiên, quả hình tròn cứng, chín vào mùa xuân. Vỏ của quả quế chín màu nâu, bên trong có một hạt.

Cây quế được nhân giống bằng hạt. Trước khi trồng bà con làm kĩ đất, xới cỏ ở toàn bộ khu đất cần trồng. Khoảng cách giữa các hàng trồng là 1m, giữa các cây là 1m và bón lót bằng phân rác và phân chuồng. Trong 2 - 3 năm đầu bà con tra mố xen canh lúa nương hoặc trồng sắn để tạo độ ẩm và bóng râm cho quế non. Thu hoạch lúa xong, rơm rạ được sử dụng giữ ẩm và làm phân bón cho cây. Trồng lúa nương cũng là một hình thức hạn chế được việc làm cỏ trên diện tích đất trồng quế, vừa tăng thu nhập và giải quyết được vấn đề lương thực.

Mỗi năm cây quế cần bón phân một lần, phân chủ yếu có nhiều chất mùn và tro bếp. Vào khoảng đầu hạ, bà con moi rãnh xung quanh gốc cây và bón phân vào rãnh rồi lấp đất lại. Lúc cây cao trên 17 cm thì bón phân có nhiều lân và hữu cơ để thức đẩy quá trình hình thành tinh dầu.

Khi cây quế được 3 - 5 năm tuổi trồng có thể chặt tỉa cây và lấy lá bán. Từ vỏ, cành, thân, lá đến quả đều bán được và có nguồn thu nhập quanh năm. Trung bình mỗi ha tỉa cành, lá được khoảng 15 tấn. Thu nhập bình quân từ tỉa cành, lá khoảng 21 triệu đồng/ha/năm.

Quế là loại cây gỗ lớn, có thể trồng hàng chục năm và khai thác trong thời gian dài. Nếu không thu hoạch hết và trồng mới, dự kiến tổng thu nhập từ năm thứ 5 đến năm thứ 17 khoảng 1 đến 1,3 tỷ đồng/ha.

Hiện nay, giá bán các loại vỏ quế tươi dao động khoảng 22 – 27 nghìn đồng/kg theo loại vỏ dày, mỏng. Lá quế tươi từ 1500 - 1600 đồng/kg, cuống của lá 1 triệu đồng/kg, lá quế khô rụng gom lại bán cho người làm hương cũng 2 ngàn đồng/kg. Cành khô, thân cây có giá từ 1 - 1,7 triệu đồng/m3 tùy theo kích thước.

So với các loại cây trồng lâu năm khác như bạch đàn, keo, mỡ, cây quế đem lại lợi ích kinh tế cao hơn. Nếu cây keo trồng từ 7 đến 8 năm cho thu hoạch giá khoảng 100 nghìn đồng/cây thì cùng thời gian trồng đó quế bán được 300 nghìn – 400 nghìn đồng/cây. Từ vỏ, cành, thân, lá đến quả đều bán được và có nguồn thu nhập quanh năm.

Quế là loại cây gỗ lớn, có thể trồng hàng chục năm và khai thác trong thời gian dài. Giữ lại để thu hoạch quế lâu dài hay các gia đình có thể khai thác tỉa để quay vòng vốn tùy thuộc mỗi nhà. Nếu không thu hoạch hết và trồng mới, dự kiến tổng thu nhập từ năm thứ 5 đến năm thứ 17 khoảng 1 đến 1,3 tỷ đồng/ha.

Theo tính toán của người dân, giá bán các loại quế đẽo vỏ thấp, các cơ sở đều muốn thu mua cả cây để tách vỏ quế thành từng khoanh chế biến thương phẩm. Nếu khai thác với hình thức cuốn chiếu toàn bộ bà con có một khoản thu nhập giải quyết điều kiện nuôi các con ăn học, xây dựng nhà cửa, mua sắm trang thiết bị sinh hoạt trong gia đình. Đồng thời cũng tiện cho việc trồng, chăm sóc diện tích mới.

Ngoài nguồn vốn đầu tư của tỉnh và huyện về cây giống, phân bón cho các hộ tham gia dự án trồng quế, nhiều hộ dân cũng tự huy động vốn nhàn rỗi và tập trung sức mở rộng diện tích. Từ khi sáp nhập hai xóm, mô hình trồng quế trên đồi thấp xen lúa nương của bản người Dao càng có điều kiện để nhân rộng cho các hộ dân khác.

Anh Lý Ngọc Đình, một trong những hộ dân trồng nhiều quế của Đồng Đình dẫn chúng tôi đi thăm rừng quế của gia đình, anh chia sẻ: Gia đình anh cũng như nhiều bà con trồng quế theo dự án từ năm 1992 hết chu kì trồng vào năm 1997, do ngày đó không có một đơn vị nào trên địa bàn mua, phải bán cho tư nhân ngoài tỉnh với giá thấp, không đáp ứng được nguyện vọng của bà con, nên nhiều hộ dân thu hoạch xong không trồng mới. Từ năm 2015, được sự quan tâm của tỉnh và huyện cho các hộ tham gia dự án trồng quế, giá quế cũng đồng thời tăng lên, bà con yên tâm về tính hiệu quả và tập trung trồng quế. Hiện gia đình anh cũng đã trồng được 15,7 ha và thu hoạch cành, lá từ cắt cành của vòm cây khép tán. Anh cũng đã chặt tỉa cây mật độ dày để không bị ảnh hưởng đến sự tạo vỏ và sản lượng vỏ. Từ ngày cây quế phát triển và cho thu nhập, đời sống vật chất tinh thần của gia đình anh và bà con được cải thiện rõ rệt. Các nhóm đổi công được hình thành luân phiên giúp nhau trong mọi khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch tạo nên tình cảm gắn bó và chan chứa tình làng nghĩa xóm.

Theo chân các cán bộ kiểm lâm quản lý bảo vệ rừng, chúng tôi men theo các con đường uốn lượn dọc các triền đồi khe suối, tận mắt chứng kiến sự miệt mài cần mẫn của bà con Đồng Đình. Từ trên đỉnh đồi cao phóng tầm mắt về phía xa, bản làng người Dao hiện lên dưới nắng non bảng lảng sương núi đẹp như bức tranh thủy mặc. Chung quanh bản nơi nào cũng ngút ngàn màu xanh, nhiều nhất là màu xanh của quế.

Ông Triệu Thanh Bình, trưởng xóm Đồng Đình bộc bạch: Trồng keo sau 7 đến 8 năm 1 ha thu được 80 đến 100 triệu đồng, nhưng trồng quế sau khoảng thời gian đó thu nhập cao gấp 10 lần. Gia đình tôi có 7 ha đất rừng đều trồng quế. Người dân Đồng Đình hiểu rõ giá trị của cây quế và đều có ý thức chuyển đổi. Xóm đã trồng được 115 ha quế, 15 ha rừng còn lại đang trồng keo đến kì thu hoạch bà con sẽ chuyển sang trồng quế. Từ ngày cây quế phát triển và cho thu nhập, các hộ dân xóm Đồng Đình đã cơ bản thoát nghèo. 97% gia đình có nhà xây và mua sắm được phương tiện đi lại, các thiết bị nghe nhìn, tiện nghi sinh hoạt cần thiết.

Ông Triệu Thanh Bình kiểm tra chất lượng sinh trưởng của cây quế

Được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, Chính quyền huyện Định Hóa và xã Kim Phượng, tháng 12 năm 2021 xóm đã hoàn thành xây dựng nhà văn hóa 150 chỗ ngồi cùng các công trình phụ trợ liền kề với tổng giá trị trên 500 triệu đồng, trong đó huyện hỗ trợ 200 triệu, mỗi hộ dân tự nguyện đóng góp 2 triệu đồng, số còn thiếu được một số tập thể và cá nhân ủng hộ. Tháng 11 năm 2022, con đường vào xóm dài 803m cũng đã được nâng cấp mở rộng từ 2,5m lên 5m. Ngoài hỗ trợ của nhà nước về xi măng, cát sỏi, mỗi hộ dân cũng đã góp 2,2 triệu đồng đối ứng xây dựng. Hiện nay tuyến đường dân sinh nội đồng, nội thôn vào rừng dài 1,3 km, rộng 5m theo đề án phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng đã được thi công… Tất cả việc làm đường bà con đều tự nguyện hiến đất, không hề mất chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng.

Tiếp chuyện chúng tôi, ông Hoàng Văn Chi, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Kim Phượng cho biết: Kim Phượng đang nỗ lực về nhiều mặt để năm 2023 đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Chủ trương phát triển cây quế của lãnh đạo huyện được xã tập trung triển khai tới tất cả các xóm và thu được những kết quả tích cực. Xóm Đồng Đình có đông đồng bào dân tộc thiểu số, phần lớn là người Dao. Nhờ phát triển cây quế, đời sống vật chất tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và hiện là một xóm tiêu biểu nhất về mọi mặt của xã…

Rừng Đồng Đình đã thay áo mới. Nỗ lực vươn lên làm giầu từ cây quế của bà con các dân tộc đã được đền đáp. Nhiều công dụng tạo nên giá trị của cây quế đã được khẳng định. Tiềm năng phát triển cây quế ở Đồng Đình là rất lớn và đang được tập trung khai thác.

Những lô cành lá quế vừa cắt tỉa chuyển lên xe chở về nơi tiêu thụ toả mùi hương nồng nàn làm nắng cũng dường như chín thơm. Chúng tôi tin sản phẩm quế sau chế biến mang làn hương được chắt lọc, kết tinh từ hương đất hương trời ATK Định Hóa, từ công sức và tình cảm của bà con người Dao ở Đồng Đình sẽ bay rất xa.

Phóng sự. Phan Thái

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Không khóc ở Đài Loan

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 1 năm trước

Trái tim bồ đề

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 1 năm trước

Thái Nguyên lưu luyến trong tôi

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 1 năm trước

Văng vẳng tiếng còi tàu

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 1 năm trước

Thức dậy một miền xanh

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 1 năm trước