Thứ năm, ngày 09 tháng 05 năm 2024
19:46 (GMT +7)

Không khóc ở Đài Loan

1. Đài Loan mùa gió dữ lắm. Những cơn gió mùa xuân quật những cây anh đào tả tơi. Đi làm ai cũng như cúi rạp người để không bị gió cuốn đi. Gió tạt vào mắt, vào mồm, gió quất vào da vào thịt khiến người đi lảo đảo. Khải đang run run nhấp li trà nóng cho bớt lạnh…

Ở nước ngoài, trà Thái quý lắm. Thi thoảng chúng tôi mới pha một ấm nhỏ để cho thư giãn. Tôi nhìn Khải bỗng xót xa cho đồng hương người Thái Nguyên của mình. Làm việc quá sức lâu ngày khiến người Khải chỉ còn da bọc xương, hai con mắt trũng xuống vì thiếu ngủ. Trên hòn đảo này, những người như Khải rất nhiều. Ai cũng cố gắng hết sức cho một giấc mơ giàu sang hay gánh vác kỳ vọng cho cả gia đình ở Việt Nam.

Đài Loan hoa lệ nhưng đằng sau lại có nhiều mảnh đời lặng lẽ

Ở Việt Nam, du học nước ngoài hay lao động nước ngoài vẫn là một điều gì khá xa xỉ. Cái mác đi nước ngoài về là thành đạt, là giàu có thành những câu chuyện truyền tai nhau để nhà nhà người người đều ước ao về những chuyến đổi đời. Gia đình nào có con cái đi du học cũng được gửi gắm nhiều kỳ vọng. Sang thì đi Âu đi Mỹ, khá giả thì đi Hàn đi Nhật, kinh tế yếu hơn thì chọn du học Đài Loan. Tuy nhiên, dù thế nào nó cũng là nơi hứa hẹn một tương lai tốt hơn không chỉ cho người đi học mà còn cho cả gia đình dòng tộc.

Những hàng bát xếp dài chờ rửa ở một trung tâm thương mại ở Tân Trúc, Đài Loan

Người nhập cư Đài Loan cũng được chia làm dăm ba loại. Loại thứ nhất là những người đi học thật qua con đường xin học bổng. Đó thường là cán bộ, giảng viên theo đuổi nghiên cứu và bằng cấp cao hơn. Loại thứ hai là học sinh hệ vừa học vừa làm. Đối tượng này thường qua các công ty môi giới để sang Đài Loan làm việc với danh nghĩa đi học. Thứ ba là hệ tự túc, hệ này chủ yếu là các bạn trẻ mới tốt nghiệp cấp ba sang Đài Loan để học đại học. Họ phải tự đóng học phí và lo chi phí sinh hoạt nên gọi là hệ tự túc.

Tác giả (phải) nhận giải văn học dành cho người nhập cư ở Đài Loan

Thứ tư là lao động theo đơn hàng công ty. Tuy là tên gọi có khác nhau nhưng hầu hết đều phải đi làm thêm để duy trì sinh hoạt vốn đắt đỏ ở nước ngoài và mong muốn có một khoản dành dụm để về nước. Và nói về việc làm thêm ở Đài Loan đối với người Việt nói riêng và Đông Nam Á nói chung thì đa phần là các công việc chân tay, nặng nhọc. Dù có giỏi thì họ cũng khó cạnh tranh công việc tốt được với người da trắng hay người da đen. Tôi nhìn bàn tay bong từng mảng da của Khải hỏi:

- Ngày em làm bao nhiêu tiếng?

- 12 đến 15 tiếng ạ. Mà gần như không được nghỉ vì nghỉ là chủ sẽ trừ lương. Vất thế mà vẫn tranh nhau làm anh ạ.

Nếu ai đã từng làm việc chân tay ngày 12 tiếng sẽ hiểu nó như thế nào. Thế nhưng nhiều lao động Việt Nam ở Đài Loan phải làm đến 15 tiếng một ngày. Cường độ ấy khiến nhiều người trẻ tuổi đột tử vì lao lực. Giới du học sinh và lao động Đài Loan cũng từ lâu đã truyền tai nhau: Muốn giàu đi Đức, muốn mất sức đi Đài, muốn thấy quan tài đi Nhật. Nhưng cũng không cần đi Nhật mới thấy quan tài mà ở Đài Loan cũng có nhiều vụ làm đến chết. Một lần, ở sân bay Đào Viên tôi bắt gặp những người Việt mang tro cốt của bạn bè về nước. Chắc không ai biết khi trở về với đất mẹ, họ chỉ còn một nắm con con như vậy. Một người bạn vỗ vỗ lên chiếc hũ đựng cốt thì thầm: “Kiếp sau nhớ sống một cuộc đời hạnh phúc hơn nhé, bạn của tôi!”

Một nhân viên xử lí rác ở trung tâm thương mại

Tôi nhìn Khải đang khẽ rít một hơi thuốc. Nhiều du học sinh hay lao động Việt Nam dùng cả chất kích thích để làm khỏe hơn. Từng mảng da tay Khải bong xuống vì nước tẩy. Hai mắt Khải thâm quầng vì thiếu ngủ. Khải bảo đầu óc Khải không tỉnh táo được nữa vì ngày chỉ được ngủ có vài ba tiếng còn ban ngày thì rửa bát đến kiệt sức. Khải phải mua loại thuốc gì đó của Đài để có thể cố gắng vì ngoài tiền học ra thì Khải vẫn phải gửi tiền về cho gia đình trả nợ. Khải làm không có ngày nghỉ. Thậm chí lễ Tết Khải càng xin tăng ca vì lương cao hơn. Ngày Tết nhìn mọi người quây quần. Xứ người những người như Khải vẫn một thân một mình làm cho đến khi kiệt sức.

Thiếu ngủ và làm quá sức trong một thời gian dài làm cho ngôn ngữ của Khải lẫn lộn. Chúng tôi cảm thấy Khải diễn đạt rất khó khăn. Chưa kể mười mấy tiếng một ngày nghe tiếng bát đĩa sắt va vào nhau cùng tiếng máy đã làm tai Khải gần hỏng. Về cơ bản trong phòng rửa bát ồn đến mức phải hét lên mới nghe được nhau. Bát thì dồn vào liên tục và gần như không có thời gian nghỉ. Nhiều hôm mệt quá tranh cãi với quản lý, nhiều anh em đập bát đi về. Ai cũng từng nghĩ đi tìm việc gì dễ dàng hơn nhưng thật sự thì không có nhiều lựa chọn vì không giỏi tiếng và cũng không có bằng cấp.

2. Việc thứ hai phổ biến ở đây là vác sắt cho các công trình xây dựng, vì đa phần nhà ở Đài Loan là nhà chống động đất nên cần lượng sắt thép nhiều. Q, một sinh viên hệ vừa học vừa làm ở Tân Trúc tâm sự: “Ra ngoài đi vác sắt vất vả lắm!”. Dầm mưa dãi nắng. Ngày làm 8 tiếng mà như 24 tiếng. Sáng dậy 6 giờ, đánh răng rửa mặt, mặc đồ đi ăn sáng. 8 giờ sáng vào công trình làm. Chuẩn bị găng tay áo nắng trùm kín mặt. 8 giờ sáng mùa hè thì nắng. Đài Loan có tiếng là khu Đông Á nhưng thời tiết lại giống với Đông Nam Á. Cái nắng đảo rát bỏng chết người nên phải làm sớm để nghỉ sớm. Chứ nắng đến 39, 40 độ không làm đến 12 giờ được. Q làm được vài tháng thì da đen nhẻm. Vác thanh sắt vừa dài vừa nặng lại cộng thêm gió đảo làm dáng người nhỏ bé của Q đi lảo đảo như say rượu. Ai ở Đài Loan đều biết xe máy ở đây đều thiết kế nặng hơn Việt Nam nhiều lần để đỡ bị gió thổi. Gió có khi kéo lê xe đi hàng mét. Vậy mà trên công trường không có gì che chắn. Đội vác sắt phải gồng người mới đi được. Vác liên tục không được nghỉ vì trên công trường đâu có chỗ nào mà trốn. Thi thoảng mệt quá uống miếng nước thì quản lý chửi rồi dọa trừ lương. Làm về đến nhà thì xác định nằm đã cơm nước tính sau. Có khi tay run đến cầm đũa không nổi.

Chắc ít người hình dung ra rác của cả một tòa trung tâm thương mại sẽ được xử lí thế nào và dồn đi đâu. Khi ở Đài Loan, tôi đã được trải nghiệm khá nhiều lần những công việc như vậy. Tầng cuối cùng của trung tâm thương mại và sau các bãi xe, là nơi chứa rác thải và cũng là nơi các nhân viên vệ sinh, dọn dẹp điểm danh, sinh hoạt. V - một sinh viên hệ tự túc tâm sự: Công việc làm tôi sợ nhất ở trung tâm thương mại là rửa cống. Đây là công việc đa phần là chỉ con trai làm. Cống ở trung tâm thương mại đủ cả người chui vào. Thông thường thì nó sẽ có tấm lưới để chặn các thức ăn thừa còn nước thải sẽ trôi ra ngoài. Công việc rửa cống sẽ là vớt các tấm lưới lên và đánh sạch rồi sau đó vệ sinh cống bằng chổi cho đến khi sạch sẽ. Và tất nhiên như mọi cái cống thì mùi của nó thật sự khủng khiếp cùng váng dầu váng mỡ. Lần đầu tiên làm công việc này tôi nhớ mình nôn ọe không biết bao nhiêu lần. Có cảm giác nhớ lại cũng muốn nôn ói được.

Việc phân loại rác cũng không dễ dàng gì. Thường công việc này được thực hiện vào ban đêm. Tất cả các rác thải đồ ăn của các tầng được chắt hết nước ra rồi dồn vào các thùng nhựa. Trước khi xe đến chở đi thì phải phân loại cẩn thận ra. Tôi khẽ mở nắp thùng ra, một mùi chua lẫn thối bốc lên khiến dù tôi đeo hai cái khẩu trang cũng như muốn mửa. Nào là dưa, nào là cá, nào là bỉm, nào là phân người, phân chó. Tôi đeo bao tay cẩn thận rồi bắt đầu đổ rác ra những cái rổ và bóp để lọc các vật cứng ra. Làm lâu ngày ở đây khiến người tôi luôn có mùi khăm khẳm. Vậy mà có nhiều sinh viên cố làm xong việc vẫn có thể tranh thủ ngủ trong hầm rác.

3. Với những người con xa xứ như Khải hay Q, đã bước ra khỏi cánh cổng sân bay thì không còn đường quay lại, cũng không còn nơi nào để bám víu. Họ phải nuốt nước mắt lại vì để có được một suất bay như vậy nhiều gia đình đã phải chạy vạy khắp nơi để có đủ tiền trả cho các công ty môi giới lao động.

Nhiều người nói, xuất khẩu lao động như đánh bạc vậy. Hên thì gặp công ty tốt, chủ tốt, lương tốt nhưng xui xẻo khi việc làm lương quá thấp hay công ty không có việc thì chỉ có bỏ trốn ra ngoài. Vì thế trong giới lao động nước ngoài dùng từ “họ Lưu” để chỉ những người bỏ trốn như vậy. Nhưng lao động như vậy bị coi là bất hợp pháp. Vũ, một lao động bất hợp pháp quê ở Quảng Trị, kể rằng: “Lao động bỏ trốn như bọn em thường xuyên phải trốn trên rừng hay làm những công việc nguy hiểm. Có khi thì đi chặt gỗ lậu, có khi thì đi làm hầm mỏ, công trình. Thế nhưng việc bị quỵt lương hay ép lương là khá phổ biến vì lao động bỏ trốn là bất hợp pháp, là không được pháp luật bảo vệ. Bọn em cũng rất sợ cảnh sát bắt lại và trục xuất về nước”.

Bỏ trốn ra ngoài làm đồng nghĩa với rất nhiều nguy cơ. Thứ nhất, chính quyền Đài Loan treo thưởng cao cho những người tố cáo lao động bỏ trốn thế nên rất dễ bị bắt bất cứ lúc nào. Thứ hai là vì bỏ trốn nên người lao động phải chấp nhận làm ở trên các nông trường trên núi, ở nơi xa xôi hẻo lánh, hay thậm chí trong rừng đế trốn sự truy quét. Nhiều trường hợp họ bị cướp hay bị quỵt lương mà không làm gì được cả bởi khi bỏ trốn thì họ đã mất hết quyền con người ở trên hòn đảo này rồi.

Nhiều trường hợp còn do chính người Việt lừa người Việt. Nhất là đối với những người mới đến, tiếng Trung không hiểu, rất dễ bị dẫn dắt đi làm rồi bị đồng nghiệp ôm tiền lương trốn mất. H.V - một lao động bỏ trốn nói với tôi là:

...“Sáng thì dậy sớm lúc ba bốn giờ để hái bắp cải. Gánh hai sọt một lúc hàng 60, 70 kg. Lại phải di chuyển ở đường gập ghềnh nên không có sức không làm được. Xong được mấy tháng đến ngày thanh toán lương thì cái anh dẫn em lên làm đã ôm tiền trốn mất rồi. Em cay đắng mà không biết kêu ai được.”

4. Những lao động bỏ trốn tuy cực khổ nhưng cùng lắm khi bị bắt lại thì họ chỉ bị trục xuất về nước, nhưng với những người vượt biên, họ còn đối diện với cái chết bất cứ lúc nào. Ngày 6 tháng 4 năm 2023, theo VOV.VN, nhà chức trách Đài Loan đã báo cáo về việc tìm thấy một loạt thi thể mang giấy tờ Việt Nam trôi dạt trên vùng biển Đài Loan.

Theo lời kể của nhiều lao động Việt Nam, bên cạnh các con đường chính ngạch sang Đài Loan như du học hay lao động theo đơn hàng thì còn nhiều cách khác để đến với “đảo ngọc”. Những câu chuyện này cũng là do giới anh em thợ thuyền kể lại cho tôi chứ thật sự nó quá mạo hiểm để có thể trải nghiệm.

Tác giả trong giờ nghỉ giữa ca làm

Đầu tiên là vượt biên. Các đối tượng đi theo con đường này chủ yếu là những người có tiền án tiền sự, bị cấm xuất cảnh hoặc đã nằm trong danh sách đen của chính quyền Đài Loan. Họ bị cấm quay trở lại Đài Loan cư trú và làm việc. Vượt biên sang Đài Loan chủ yếu bằng thuyền cá. Để đi những chuyến như thế này người đi cũng mất đến hàng ngàn đô. T kể rằng để sang Đài, anh phải đi theo đoàn vượt biên bằng đường bộ qua Trung Quốc, sau đó lên tàu biển vào Đài Loan. Trước khi đi anh phải đóng trước 500 USD, phần còn lại thì sang Đài trả nốt. Những người lựa chọn đi theo con đường này thường phải đối mặt với nhiều nguy cơ đến tính mạng như bị lật thuyền hay trở thành nạn nhân của các đường dây buôn người. Con đường vượt biên thứ hai an toàn hơn nhưng cũng dễ bị tóm lại hơn là con đường du lịch rồi bỏ trốn. Thường sau khi xuống sân bay, những người này sẽ tách đoàn và bỏ trốn. Tuy nhiên đa phần họ sẽ bị cảnh sát bắt lại. Chỉ số ít thoát được.

Một vấn đề nữa mà các lao động ở Đài Loan thường mắc phải là sự ăn chơi sa đọa. Nói chung, ở Việt Nam chơi kiểu gì thì ở Đài chơi kiểu đó. Thậm chí còn chơi hơn vì bên Đài Loan dễ kiếm tiền hơn. Bên cạnh nhiều sinh viên và lao động cần cù chịu khó thì cũng có nhiều thanh niên lao vào các tệ nạn xã hội như cờ bạc và thuốc thang. Vì sự thiếu hiểu biết, lối sống đua đòi, hưởng thụ, có nhiều sinh viên lẫn người lao động tại Đài Loan cũng luẩn quẩn trong cái vòng tròn tiêu xài rồi cày cuốc trả nợ để sau nhiều năm vẫn không để lại được gì.

Khải cũng từng nợ nần vì bài bạc do suy nghĩ muốn làm giàu nhanh và sau đó em đã phải trả giá rất nhiều. Khải kể cho tôi câu chuyện về cuộc đời em. Đôi khi tôi thấy mũi Khải hơi nhăn nhăn lại như muốn khóc nhưng lúc đó em im lặng và cắn chặt môi. Em bảo:

"Sau đó em đã hiểu ra tất cả những người lựa chọn bôn ba bên ngoài, ngay thời khắc bước ra khỏi nhà phải biết rằng về sau nhà là của chính mình, chống đỡ bầu trời của riêng mình. Nếu chút dũng khí đó không có thì đừng có ra ngoài. Quê hương bố mẹ nói là đường lùi nghe rồi để đó thôi."

Du học sinh Việt Nam cùng nhau ăn tết tại Đài Loan

Nghe thì chua chát vậy nhưng nó là sự thực. Không mấy người hiểu được cái cay đắng của người lao động nước ngoài, cũng không mấy người hiểu sau những đồng ngoại tệ gửi về là máu, là nước mắt và có khi là sinh mạng. Cũng không mấy người kêu khổ đâu vì để cho người nhà yên lòng họ phải cắn răng lại chịu đựng. Khải không dám yếu lòng bởi hành trình xa xứ của những người như Khải không chỉ tính bằng tháng, bằng năm mà có khi hàng chục năm. Khải bảo, “khi nào về Thái Nguyên anh em mình phải uống với nhau một trận rồi ôm nhau khóc. Giờ em sẽ không khóc ở Đài Loan.”

Ngoài trời, những cơn gió mùa xuân vẫn ào ào thổi qua những bóng cây anh đào thưa thớt.

Nguyễn Nhật Huy

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Trái tim bồ đề

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 11 tháng trước

Thái Nguyên lưu luyến trong tôi

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 11 tháng trước

Người bản Dao thay áo cho rừng

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 11 tháng trước

Văng vẳng tiếng còi tàu

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 11 tháng trước

Thức dậy một miền xanh

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 1 năm trước