Thứ năm, ngày 09 tháng 05 năm 2024
09:33 (GMT +7)

Trái tim bồ đề

Nhà tôi ở gần một ngôi chùa cổ. Đó là một ngôi chùa đơn sơ, khiêm nhường nép mình trong lòng xóm Vượng, Thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên. Theo lời lí giải đơn sơ của các cụ già, gọi là Chùa Thượng (上寺) vì chùa toạ lạc ở vị trí cao nhất, sáng nhất trên thế đất “Rồng cuộn hổ ngồi”. Các ngày tuần tiết, sóc vọng khi việc nhà tạm thong dong, tôi lại về chùa để chiêm bái tượng Phật, trò chuyện với quý thầy, với các vãi già để lòng mình lắng lại sau bao bề bộn đời thường.

Thầy trụ trì - Đại đức Thích Thanh An, đang đứng dưới tán bồ đề tưới cây, những hạt nước lấp loá trong nắng đầu mùa hạ thật đẹp và bình an. Nghe tiếng tôi chào thầy dừng tay, nở nụ cười hiền hậu. Theo chân thầy, bước vào nhà thờ Tổ, mùi hương trầm thoảng trong không gian thanh tịnh, tiếng chuông thong thả ngân nga hoà trong lời kinh thoảng như gió, hiền như mây.

Bậc chân tu trong mái chùa làng

Đại Đức Thích Thanh An, thế danh Bùi Văn Quang, quê tại Quang Trung - Vụ Bản - Nam Định, xuất thân trong một gia đình có truyền thống thâm tín Phật học (cả gia đình có 4 người xuất gia). 20 tuổi, lứa tuổi tràn đầy sức sống và ước mơ, khi những người cùng trang lứa hối hả chạy theo phù danh, thế lợi, người thanh niên ấy đã khoác lên mình chiếc áo nâu thầm lặng, quyết tâm làm một hành trình lội ngược dòng đi theo chí nguyện tâm linh. Gót chân du tăng, đi khắp mọi nẻo đường trong Nam ngoài Bắc tìm thầy học đạo và cuối cùng dừng lại ở đỉnh Ngọa Vân Am – nơi khởi nguồn của thiền phái Trúc Lâm.

Đại Đức Thích Thanh An (đứng giữa) trao số tiền 24,5 triệu đồng cho Trường THPT Sông Công giúp đỡ học sinh Nguyễn Trọng Cường – lớp 11B1
Đại Đức Thích Thanh An (đứng giữa) trao số tiền 24,5 triệu đồng cho Trường THPT Sông Công giúp đỡ học sinh Nguyễn Trọng Cường – lớp 11B1

Trong ngôi nhà đơn sơ, vách nhỏ gió lùa giữa bốn bề núi non u tịch, có một người tu trẻ ngày ngày ẩn nhẫn học tập giáo lý “cư trần lạc đạo” của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Gần 10 năm thầy chính thức xuống núi, gieo duyên giúp đời. Khi đến đất Sông Công, cảm động trước tinh thần mộ đạo của nhân dân và thương mái chùa quê nghèo khó, nhà sư ấy đã quyết định ở lại mảnh đất này.

Cụ Trần Thị Nga, 78 tuổi nhưng vẫn nhanh nhẹn và minh mẫn, khi nói chuyện với tôi, giọng cụ từ tốn mà không khỏi xúc động, đôi mắt hiền như thể đang nhìn về một nơi xa xăm nào đó. Ngày nhỏ cụ được các thế hệ đi trước kể rằng, xa xưa chùa rất rộng và cổ kính, nằm gần sông Công, một phụ lưu của sông Cầu, có thể thông thương với các huyện, tỉnh. Năm 1942, Căng Bá Vân thuộc xã Bình Sơn được Thực dân Pháp lập ra, chùa Thượng trở thành bệnh xá để nuôi giấu, bao bọc nhân dân và những người chiến sĩ cộng sản trung kiên nhất. Bọn mật thám lùng sục khắp nơi và phát hiện nhà chùa là cơ sở hoạt động bí mật của ta. Chúng điên cuồng kéo đến bắt bớ, đập tượng, phá chùa. Từ khi đó, chùa chỉ còn là một phế tích hoang tàn… Thời gian chồng chất có biết bao biến cố thăng trầm, thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, đói khổ và cơ cực. Ao ước có nơi nương tựa tinh thần nên nhân dân đã tự nguyện gom góp vật liệu xây dựng ngôi Tam bảo trên nền chùa cũ nhưng vẫn là vách đất, mái tranh.

Ngày mới về, không quản ngại khó, ngại khổ, thầy cùng dân làng toàn tâm toàn lực bắt tay vào tái thiết lại ngôi chùa. Hình ảnh một sư thầy vóc dáng mảnh mai với chiếc áo nâu bạc màu thấm đẫm mồ hôi, cùng nhân dân xúc đất, bê gạch trong những ngày đầu xây dựng không khỏi làm khách thập phương xúc động. Cuộc sống nhân dân Sông Công nghèo khó, chùa không chỉ là nơi thờ Phật hay gõ mõ, tụng kinh đơn thuần còn là nơi chở che cho con người khi hoạn nạn, yêu thương cả những lầm lỡ của tất thảy mọi chúng sinh. Đó là người phụ nữ bất hạnh mang con đến gửi sư thầy không hẹn ngày đón lại, đó là người đàn ông lầm đường lạc lối bị cuộc đời ruồng rẫy, lại có người tâm tính dở ương chọn chùa làm chốn đi về… Gạt bỏ hết tất cả những thị phi, thầy dang tay đón nhận tất cả và xoa dịu những tâm hồn bơ vơ, lạc lõng. Năm tháng đi qua, trăng tròn, trăng khuyết, có bao người đã đến chùa và cũng có bao người nhờ sự bao dung của thầy mà vơi bớt nỗi khổ niềm đau, trở về nhân gian mà sống một cuộc đời bình dị, an lành

.

Một nhà sư xuất gia mà không xuất thế

Cứ như vậy, từ thiện, bố thí dường như là con tàu không dừng đỗ. Hơn 10 năm gắn bó với mái chùa làng, Đại đức Thích Thanh An đã âm thầm làm công tác thiện nguyện với biết bao gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Thầy quan niệm: Ăn cũng hết, mặc cũng mòn, tài sản và phước báu quý giá nhất đời người chính là bố thí. Bố thí là hạnh lớn nhất của đạo Phật và phải được hiện sinh ngay trong đời sống. Người tu phải bước ra đời, lắng nghe những âm thanh đời sống, đau cùng với đau của con người.

Tháng 9/2022, em Nguyễn Trọng Cường - học sinh lớp 11B1, trường THPT Sông Công, tỉnh Thái Nguyên trên đường đi mua đồ dùng học tập bị tai nạn ô tô vỡ xương thái dương, phù não, ngay lập tức cần một số tiền lớn để phẫu thuật. Được biết em Cường là học sinh giỏi, gia đình Cường rất khó khăn, bố mới qua đời vì bạo bệnh, mẹ một mình nuôi anh em Cường ăn học. Sau cú sốc lớn mẹ Cường đã thực sự suy sụp. Biết hoàn cảnh của em, chỉ qua một đêm, sư thầy cùng các phật tử trong chùa đã quyên góp được 24,5 triệu đồng trao đến gia đình em. Cùng nhiều sự giúp đỡ từ nhà trường, bạn bè, em Cường đã qua cơn nguy kịch như một phép màu. Em đã đi học được trở lại, sau phẫu thuật 2 tuần.

Cụ Trần Thị Nga, người chấp tác lâu năm trong chùa
Cụ Trần Thị Nga, người chấp tác lâu năm trong chùa

Trước thềm năm học mới (2022 - 2023), tại Trường Tiểu học Lý Tự Trọng và Trường THCS Nguyễn Du thuộc phường Thắng Lợi, TP. Sông Công, Đại Đức Thích Thanh An đã thay mặt nhà chùa trao tặng 61 suất quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất trị giá 500 ngàn đồng, tổng số tiền là 30,5 triệu đồng cùng nhiều sách vở và đồ dùng học tập.

Trong cuộc chiến với dịch bệnh COVID-19, nhà chùa phát huy tinh thần tương thân tương ái, chia sẻ khó khăn với nhân dân trong khu phong toả, cách ly, hỗ trợ người dân địa phương có hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch. Đáng nhớ nhất, đầu năm 2020, dịch Covid hoành hành, thiên tai dị thường và khốc liệt lại thêm lũ quét và sạt lở đất khiến nhân dân miền Trung khốn khó trăm bề. Dù xa xôi, đường đi khó khăn và nguy hiểm, chỉ có ăn mì tôm và uống nước khoáng trên xe. Nhưng thầy vẫn quyết tâm đến những vùng xa xôi, hẻo lánh và các điểm nóng của dịch Covid như Hà Giang, Quảng Bình, Quảng Trị… đưa hàng trăm bộ quần áo ấm, hàng trăm thùng mì tôm, hàng trăm ấm siêu tốc và các nhu yếu phẩm cần thiết đến người dân.

Một dấu ấn khó phai trong chuyến đi đó được chị Tuyết, một phật tử thuần thành trong chùa kể lại. Ngày tạm biệt miền Trung mưa dồn dập, lũ chồng lũ. Từ sáng đến trưa, xe ô tô tưởng như không thể qua được đập tràn. Vậy mà rất đông người dân địa phương đã tình nguyện ra đập, bất chấp nguy hiểm, những bàn tay đan vào nhau và nối dài trên mặt đập tràn. Họ tạo thành “bức tường người” làm cọc tiêu để chiếc xe an toàn đi qua. Mưa, rét mà không ai thấy lạnh. Chưa khi nào mà tình đồng loại được cháy lên tự nhiên và mạnh mẽ như vậy. Mưa lũ mang bao khổ đau mất mát nhưng cũng mang đến tình người ấm áp. Chị bảo: Trên xe ai cũng cảm động rơi nước mắt, chẳng ai nghĩ đến việc chụp lại khung cảnh đó một tấm hình để lưu lại như là một kỉ niệm đẹp với ân tình miền Trung.

Ủng hộ một làng ở xã Thành Công, huyện Phổ Yên bị phong toả vì dịch Covid hồi tháng 5/2021
Ủng hộ một làng ở xã Thành Công, huyện Phổ Yên bị phong toả vì dịch Covid hồi tháng 5/2021

Những việc làm thiện nguyện trên hành trình tu tập của một vị chân tu không thể kể hết. Các hoạt động xã hội do địa phương phát động, nhà chùa cũng tích cực tham gia, như ủng hộ cho việc mở rộng đường, xây dựng trường học, chăm lo cho người nghèo, người già neo đơn tại địa phương… Cứ như thế, bằng suy nghĩ chân thành, việc làm thiết thực, Đại Đức Thích Thanh An đã để lại những dấu ấn, tình cảm tốt đẹp trên những chặng đường thầy đã đi qua. Đánh giá về việc làm của thầy, ông Chủ tịch thành phố Sông Công Vũ Duy Nghĩa nhận xét: Với vai trò của một đại diện chức sắc tôn giáo, Đại Đức Thích Thanh An đã làm tốt công tác Phật sự, đồng thời tích cực giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh khó khăn, đồng hành cùng chính quyền trong phòng chống dịch. Với những việc làm này, nhà chùa đã góp một phần trong công tác an sinh xã hội, xây dựng đức tin tôn giáo, tạo mối quan hệ gắn kết giữa đạo và đời.

Tặng quà cho các gia đình khó khăn trong dịp tết Quý Mão, 2023
Tặng quà cho các gia đình khó khăn trong dịp tết Quý Mão, 2023

Nâng chén trà thiền dưới bóng mát cây bồ đề giữa trời trưa tròn nắng, vòm trời cao thẳm xanh rời rợi gió, tôi hiểu rằng, đạo Phật sẽ không bao giờ khô khan, xa rời khi có những nhà sư biết đem cả trái tim mình để đối đãi với đời, với người bằng tấm lòng vị tha không bờ bến. Trong chùa tôi đếm được hàng chục cây bồ đề, có những cội bồ đề không biết có tự bao giờ mà vươn lên rồi toả bóng xuống một vùng đất rộng tựa như áng mây lành, khiến bất cứ ai đến chùa cũng đều được che mát. Tôi nhớ đến câu nói của thầy: “Ăn cũng hết, mặc cũng mòn, phước báu quý giá nhất của đời người là bố thí…”. Tôi nhớ bà tôi, luôn khuyên bảo con cháu trong lẽ cư xử với đời “Mình ăn thì hết, người ăn thì còn”. Trên bục giảng của mình, tôi cũng dạy học trò “Bầu ơi thương lấy bí cùng…”. Là những cách nói khác nhau của đạo và đời nhưng vẫn trên nền tảng của yêu thương và bao bọc, là cội gốc thấm sâu trong cộng đồng dân tộc từ bao đời nay.

Thầy vừa có một chuyến hành hương sang Ấn Độ, món quà mang về là những chiếc lá bồ đề của miền đất Phật. Cầm chiếc lá thầy chỉ cho tôi xem sự kì diệu của thiên nhiên và huyền thoại về đức Phật. Chiếc lá có hình chóp kéo dài tựa như một trái tim, những đường gân phân nhánh hình lông chim cân đối. Theo điển tích phật học, Thế tử Tất - đạt - đa Cồ - đàm đã từ bỏ dục lạc, vương quyền, ngồi thiền định dưới gốc cây bồ đề và từng bước giác ngộ giáo lý nhà Phật. Những chiếc lá bồ đề theo chân tôi về và được đặt ngay ngắn trên bàn làm việc, đồng hành cùng tôi mỗi ngày, mỗi giờ trên chiếc xe quen thuộc. Với tôi đó không phải là bùa hộ mệnh mà là niềm tin của tôi vào tình đời, tình người. Hơn thế, như một lời nhắc nhở, đánh thức bồ đề tâm trong tôi, hãy sống thật khiêm nhường và luôn nhìn cuộc đời bằng đôi mắt vị tha.

Bởi cho đi là còn mãi…

Phạm Thị Cẩm Anh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy
  • Nguyễn văn Đức duc.****@gmail.com

    Bài viết rất hay, lời văn mượt mà gần gũi

Cùng chuyên mục

Không khóc ở Đài Loan

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 11 tháng trước

Thái Nguyên lưu luyến trong tôi

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 11 tháng trước

Người bản Dao thay áo cho rừng

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 11 tháng trước

Văng vẳng tiếng còi tàu

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 11 tháng trước

Thức dậy một miền xanh

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 1 năm trước