Những góc nhìn về di sản Then
VNTN - Là loại hình diễn xướng nghi lễ độc đáo của các dân tộc Tày - Nùng - Thái ở Việt Nam, Then thường được bà con tổ chức mỗi dịp Tết đến Xuân về hay khi gia đình có việc gì đó liên quan đến đời sống tâm linh như: Giải hạn, cầu mùa, cầu an, cầu phúc, mừng thọ… Then đang được lập hồ sơ đề nghị UNESCO vinh danh di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, nhưng xung quanh Then vẫn còn những vấn đề cần được nhìn nhận cho thấu đáo.
Chuyện định danh cây đàn…
Nhà nghiên cứu âm nhạc - PGS.TS Đặng Hoành Loan ủng hộ đề nghị của GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, vì nó hoàn toàn đúng đắn. Ông từng đi điền dã nhiều năm ở vùng Đông Bắc, không thấy ai gọi “Đàn Tính” và ngoài tên gọi “Tính Tẩu” thì bà con định danh nhạc cụ ấy là “Then Tính” (cây Đàn Then) hoặc có thể hiểu nó là cây Đàn mà Trời (Then) đã ban cho đồng bào.
Một tiết mục tham gia tại Liên hoan
Cần phải nói thêm, quan điểm của GS. TSKH Tô Ngọc Thanh, sự ủng hộ của ông Đặng Hoành Loan có sự tương đồng với ý kiến mà Hoàng Triều Ân, một nhà folklore “Tày chính hiệu” từng đưa ra trong công trình “Cây đàn Then người Tày và bài hát dân gian” (nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2013, tr. 11): “Nói về nhạc cụ, ta thường gọi cây Ghi-ta, cây Măng-đô-lin… cũng có lúc gọi cây đàn Ghi-ta, cây đàn Măng-đô-lin. Nhưng ta chỉ có thể gọi là cây Tính. Người Tày thường nói “tói Tính” có nghĩa là “gảy Đàn”, mà cái Đàn ấy là cái Đàn dân tộc Tày dùng phổ biến lâu đời, hộp cộng hưởng là một quả bầu khô, có thân đàn dài, có căng dây tơ… Cho nên, nếu nói “gảy đàn Tính” thì vô nghĩa, bởi nó sẽ có nghĩa là “gảy đàn đàn”. Ngoài cách gọi ấy, với cây Tính thường được dùng để gảy những bài hát Then (Then dân gian cũng như Then cúng bái) nên người ta còn gọi với cái tên cây đàn Then”.
Nếu phần đông chúng ta hôm nay đều có chung nhận thức trong việc đưa ra một số giải pháp bảo tồn, phát huy di sản Then, như: cần quan tâm hơn nữa đến các nghệ nhân, nhất là nghệ nhân Then cổ cao tuổi - những người đã gìn giữ di sản Then, có nhu cầu và trách nhiệm truyền nghề bấy lâu; tăng cường công tác tuyên truyền để đồng bào các dân tộc Tày - Nùng - Thái nắm vững các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, giúp đồng bào nhận thức đúng, đầy đủ những giá trị văn hóa độc đáo của Then; tiếp tục kiểm kê, ghi âm, ghi hình, nghiên cứu, tìm hiểu các hình thức sinh hoạt, thực hành di sản Then; đưa di sản Then vào trường học…, thì không phải không có những ý kiến khác nhau về lập hồ sơ di sản Then. GS.TSKH Tô Ngọc Thanh là người quan tâm đến việc nhận diện Then cổ. Theo ông, cần có sự phân biệt rạch ròi giữa Then cổ và Then mới, giữa Then nghi lễ và Then văn nghệ, nhất là không thể dựa vào Then mới, Then văn nghệ với các lời đã được cải biên để bảo tồn Then cổ, Then nghi lễ. Ông cho rằng: “nếu gạt bỏ những yếu tố mê tín đối với việc chữa bệnh mà ngày nay thực tế cũng không còn mấy ai tin thì Then là một không gian văn hóa dân tộc, một tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian đa dạng, vừa phản ánh, vừa mô tả, vừa gửi gắm nhắn nhủ những đắng cay của cuộc sống của ông cha. Có thể tìm thấy trong Then không chỉ các thể thơ dân tộc, mà còn cả những biện pháp tu từ, ẩn dụ… của nghệ thuật ngôn từ; những làn điệu của tầng dân ca, dân nhạc cổ xưa nhất, những điệu múa đã song hành với Then không biết bao nhiêu năm tháng… Then Tày - Nùng - Thái xứng đáng được đề cử để UNESCO công nhận là Di sản văn hóa cần được bảo vệ khẩn cấp vì những nghệ nhân nắm vững vốn văn hóa quý báu này không còn mấy người nữa”.
Các đại biểu trao đổi bên lề Hội thảo
Cùng nhìn nhận vấn đề này, nhưng PGS.TS Nguyễn Thụy Loan lại cho rằng: Then là một phức thể văn hóa có nguồn gốc từ một loại hình tín ngưỡng phức hợp, đã và đang tiếp tục chuyển hóa theo hướng phân hóa và thế tục hóa; Then tích hợp trong nó nhiều loại hình nghệ thuật và lấy nghệ thuật diễn xướng làm phương tiện thực hành. Vì vậy, Then còn là một loại hình diễn xướng tổng hợp; Quá trình chuyển hóa, phân hóa của Then là quá trình biến hóa, phát triển loại hình thực hành nghi lễ tín ngưỡng nhằm phục vụ những nhu cầu đa dạng trong đời sống tinh thần của con người. Quá trình này đã diễn ra từ nhiều thế kỷ trước và vẫn đang tiếp diễn trong thời đại ngày nay… Nói bớt “hàn lâm” hơn thì có thể chấp nhận Then mới, Then văn nghệ mà không sợ những lời Then cải biên làm hỏng Then cổ vì đó là sự tiếp biến cần thiết đối với một bộ phận công chúng. Ở phương diện khác, di sản Then không cần phải “bảo vệ khẩn cấp” vì nó là văn hóa tín ngưỡng có một sức sống lâu bền. Chúng ta từng có một thời kỳ bài trừ mê tín dị đoan quyết liệt mà Then vẫn “sống” đến hôm nay và ngày càng lan tỏa thì sao phải “bảo vệ khẩn cấp”?
Ý kiến của PGS.TS Nguyễn Thụy Loan không phải không có lý vì vài ba thập niên trở lại đây, việc cải biên, phát triển các làn điệu Then rất được các nhạc sĩ người dân tộc thiểu số như Hoàng Hoa Cương, Đinh Quang Khải, Nông Viết Toại… quan tâm. Sáng tác của họ đã đưa Then từ không gian nghi lễ đến không gian sân khấu, đem lại nhiều hứng thú cho không ít khán, thính giả. Nông Viết Toại dựa trên làn điệu Then Bắc Kạn đặt lời cho bài hát “Lập xuân” ca ngợi vẻ đẹp của con người, trời mây, sông nước… khi hoa đào “tô thắm quê hương” và cổ súy việc trồng cây ngày Tết: “Lời sli rộn ràng vui bên suối/ Áo chàm ai thấp thoáng bên nương/ Em ước mong cùng nhau mùa này/ Ta trồng cây rừng, cho núi thêm xanh”… Dựa vào làn điệu Then ở miền Đông Cao Bằng, nhạc sĩ Hoàng Hoa Cương viết nên tác phẩm “Trăng soi đường Bác” với nội dung ca ngợi Hồ Chủ tịch. Cũng từ vốn cổ Then Cao Bằng (miền Tây), Hoàng Hoa Cương có thêm “Phua bộ đội, mìa dân quân” (Chồng bộ đội, vợ dân quân) ca ngợi tình cảm quân dân thắm thiết thời kỳ kháng chiếng chống Mỹ cứu nước. Còn Đinh Quang Khải ghi dấu ấn với “Khảm khắc cáng lò” (Tiếng chim khảm khắc) cảnh báo nạn phá rừng đã làm mất cân bằng sinh thái, đến nỗi vợ chồng đôi chim Khảm khắc bay cả ngày mà không tìm được cây nào làm tổ (chỉ toàn cỏ lau, nương ót) để sinh con đẻ cái…
Mà không chỉ có Then cải biên, mấy ai trong chúng ta không biết đến một số bài hát dựa trên giai điệu của Then và được đánh giá cao như “Đi học” của nhạc sĩ Bùi Đình Thảo (phổ thơ Minh Chính), “Suối Lênin” của nhạc sĩ Phạm Tuyên? Cả hai tác phẩm đều có nền là giai điệu Then “Pây tàng” (Đi đường) vùng Ngân Sơn (Bắc Kạn)…
Về việc lập hồ sơ di sản Then, ý kiến của PGS. TS Nguyễn Thụy Loan nhận được sự đồng tình của GS. Trần Quang Hải (Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp); của nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan; đại diện Sở VHTTDL Lạng Sơn và nhiều người khác: mong “hồ sơ hát Then Tày - Nùng - Thái Việt Nam sẽ được trang bị đầy đủ bề dày lịch sử và bề sâu văn hóa nghệ thuật để được UNESCO nhìn nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan thì một mặt chia sẻ “Hát Then - Tính Tẩu đã trở thành một hình thức sinh hoạt Liên hoan nghệ thuật cộng đồng. Nghệ thuật ấy càng phát triển, người Tày - Nùng - Thái càng yêu Then. Tuy nhiên, không thể coi Hát Then - Tính Tẩu là giải pháp để bảo tồn tín ngưỡng Then” (quan điểm của GS. Tô Ngọc Thanh), một mặt khẳng định “tín ngưỡng Then tự nó đã có đầy đủ khả năng để bảo tồn. Bởi lẽ trong cuộc sống của con người hiện đại, nhất là con người ở những nước đang phát triển như Việt Nam thì cái may cái rủi trong kinh doanh, cái thăng cái trầm trong sự nghiệp luôn đeo bám, vì vậy, người ta vẫn cần một tín ngưỡng cùng song hành làm cứu cánh” (tức không phải “bảo vệ khẩn cấp”)…
Ngày 13/10/2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định số 3465/QĐ-BVHTTDL Công bố Danh mục 17 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có nhiều “mảnh vỡ Then” gồm: Nghi lễ Then của người Tày, người Nùng (Bắc Giang); Nghi lễ Then của người Tày, người Nùng (Lạng Sơn); Nghi lễ Then của người Tày, huyện Định Hóa (Thái Nguyên)… |
Thanh Hà
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...