Thứ bảy, ngày 27 tháng 07 năm 2024
12:48 (GMT +7)

Những đứa con trở về

Nước mắt bà mẹ nhà quê

Thỉnh thoảng đưa bàn tay đeo găng đen nhẻm lên xoa vùng ngực, chị Lan nói nho nhỏ: Sau đợt bị cô-vít em yếu hẳn, thở hụt hơi, nhiều lúc đau thắt ngực.

Tôi nhìn nương chè mênh mông dưới nắng, nhìn vạt rừng nguyên sinh thấp thoáng hoa chuối đỏ kiên cường, nhìn người phụ nữ nhỏ bé đang hái từng búp non. Tự nhiên tôi nghĩ: Cuộc đời chị đã hái bao nhiêu búp chè? Đã thức bao nhiêu đêm bên chảo chè? Có lẽ chính chị cũng không thể nhớ.

Quê chị Nguyễn Thị Lan ở Duy Tiên (Hà Nam). Mới bốn tháng tuổi, em bé Lan được bố mẹ bế ngửa cùng đoàn người ngược Thái Nguyên. Những năm 1962, phong trào khai hoang, lập vùng kinh tế mới dấy lên khắp đất nước. Hoàng Nông (Đại Từ) thâm u rừng già, vùng đất mênh mông bên chân núi Tam Đảo rậm rì bóng cổ thụ, tiếng suối hoang sơ lẫn tiếng hổ gầm là nơi dừng chân của họ. Bốn năm sau, mẹ của Lan bị bom giặc cướp đi, để lại 5 con thơ cho chồng. Chẳng nói thì ai cũng hiểu người đàn ông ấy đã khốn khổ đến thế nào để nuôi đàn con dại, với nguồn sống duy nhất là xới đất lật cỏ, trồng cấy kiếm ăn. 19 tuổi chị Lan lấy chồng là anh Hoàng Văn Truyền, quê chính gốc Hoàng Nông, đôi vợ chồng trẻ bắt tay vào phát bãi trồng chè. Ba đứa con (một trai hai gái) ăn học, các khoản chi tiêu nhìn cả vào “thạ” chè, vào bàn tay đảo chè mòn vẹt lòng chảo gang nóng bỏng đêm dài.

Dù mỗi năm nương chè cho hái 6 - 7 lứa, nhưng từng ấy vẫn không đủ cho nhu cầu cuộc sống, người trồng chè (trong đó có nhà chị Lan) muốn cây ra nhiều búp hơn nữa, nên “tống” phân đạm vào gốc, phun thuốc trừ sâu trắng đồng. Môi trường “ướp” thuốc độc. Nguồn nước, nguồn khí ô nhiễm nặng, ngấm vào “lục phủ ngũ tạng” người làm chè. Chị Lan đau mắt kinh niên. Ngồi sao chè, hơi nóng bốc lên từ bếp lửa, mồ hôi chảy vào mắt xót rợn người. Nhưng chị động viên mình: Thôi cố, cố đến năm 2016. Theo tính toán của chị, năm 2016, Hoàng Thúy Vân, con gái út (sinh năm 1994) học xong đại học, tự kiếm sống được, chị sẽ đoạn tuyệt với chè. Các con chị đứa nào cũng chăm chỉ xốc vác, cậu cả đi làm dưới thành phố Thái Nguyên, cô thứ hai là Hoàng Thị Nghiệp làm giáo viên ở tỉnh Lai Châu. Bố mẹ túc tắc chăm cái ao, cái vườn cũng đủ sống qua ngày. Hôm phá nương chè mấy chục năm chung thủy, nhìn những thân chè cổ thụ mốc thếch ngã xuống mà cái rễ cần cù vẫn muốn ôm chặt đất, chị Lan òa khóc, nhưng rồi chị thở phào vì quãng ngày khổ cực đã qua.

Nhàn hạ được 2 năm, một tối nọ Vân gọi điện về: Mẹ ơi, con không ở Hà Nội nữa, con về quê thôi. Về quê làm gì? Con làm chè. Trời hỡi, mắt chị tối lại. Định thần, chị quát: Mày điên hả. Người ta muốn đi khỏi làng không được, mày đang ở Thủ đô sung sướng, về úp mặt vào chảo chè như đời mẹ mày à. Rồi chị khóc tu tu. Ấy vậy mà không chỉ Vân về, mà cả Nghiệp bỏ nghề giáo, cả chồng của Nghiệp bỏ công việc ổn định lĩnh lương tháng, lũ lượt kéo về. Có nằm mơ chị cũng không nghĩ gia đình có lúc đoàn viên theo cách này. Mắng, khóc, giận… lũ con chỉ buồn, chứ nhất quyết không đi. Cách cuối, anh chị “chiến tranh lạnh”, coi “chúng mày” như người dưng, kệ “bố” chúng mày.

Bà Lan bên nương chè của các con

Mọi việc bắt đầu từ Vân

Cô con út có khuôn mặt trái xoan xinh xắn này từng ghét cây chè hơn cả mẹ. Năm cô học hết cấp 3, mẹ cô bảo: Thôi, học lên cao làm gì, mẹ cho mẫu chè làm vốn mà lấy chồng. Vân giãy nảy: Con không thèm.

Nghề làm chè của gia đình là nỗi khiếp đảm của hai chị em Nghiệp - Vân. Đứng nhỉnh hơn cây chè là chúng được bố mẹ dạy cách hái chè. Đi học về buông sách vở là chạy lên đồi chè. Nhiều trưa đứng ăn mì tôm sống ngay gốc chè rồi hối hả hái đến tối mịt kẻo chè quá lứa. Nhiều tối phụ mẹ sao chè ngủ gục bị mẹ cho mấy roi… nên nhìn thấy chè là chúng sợ. Hai chị em bảo nhau: Nhất định phải đoạn tuyệt bùn đất, “triệu phú nhà quê không bằng ngồi lê thành phố”. Quả nhiên, Nghiệp yên bề chồng con ở Lai Châu, tíu tít bên học trò, áo dài son phấn thướt tha. Vân về Hà Nội làm việc văn phòng, lương tháng hơn chục triệu đồng.

Ấy nhưng cuộc đời không như mơ. Kiếm tiền nơi đô hội đâu dễ như ai đó nghĩ. Áp lực kinh doanh, không khí ngột ngạt ô nhiễm khiến Vân thất vọng. Một lần bị ngộ độc thức ăn tưởng chết, Vân về nhà nghỉ ngơi cho lại sức. Ngồi trước cửa ngắm cảnh làng quê, cô thấy quê mình đẹp quá. Mênh mang nõn xanh của chè, của lúa, của rừng. Màu xanh khiến mắt dịu, lòng dịu, tâm hồn nhẹ nhõm. Nhưng Vân bỗng ngửi thấy mùi thuốc sâu phảng phất trong gió. Bữa cơm tối nay, bố Vân kể các nhà trong làng phải dẫn nước từ khe núi về dùng, không dám ăn nước giếng nữa, vì nguồn nước ngầm bị ô nhiễm. Chả nhẽ cứ sống trong độc hại thế này mãi ư? Suy nghĩ cồn cào trong óc cô gái 24 tuổi. Quyết định trở về quê hương làm nông nghiệp sạch nhen nhóm, lớn dần từ giây phút ấy.

Chị em Nghiệp - Vân và những người bạn

Trái với Vân trầm tư ít nói, Nghiệp hồn nhiên kể cho tôi nghe những ngày đầu về làng. Đất đai phải đi thuê, nắng gió dãi dầu trở lại. Nhưng điều đó họ không thấy sợ bằng ì xèo miệng thế gian. “Đúng là lũ điên, không bón phân đạm, không phun thuốc trừ sâu, chờ đấy mà được ăn. Ông bà Lan - Truyền nuôi con phí công rồi, cho ăn cho học lắm vào, rồi về quê chân lấm tay bùn”. Người nói xong có khi quên ngay, nhưng người nghe thăm thẳm buồn. Cái tâm lý con cái phải là người “nhà nước”, công tác ở cơ quan này, đơn vị nọ mới được coi là thành đạt đã ăn vào nếp nghĩ của không ít cha mẹ ở nông thôn. Phải chăng đó cũng là lý do “đẩy” người trẻ ra khỏi làng quê? Và khi về thăm nhà, họ luôn “sắm” cho mình tư thế của người thành công?

Tôi ngồi sau xe máy của Nghiệp lên rừng chè Suối Chùn, nơi “khởi đầu nan” của nhóm trẻ. Nghiệp cài số 1, rú ga cho xe leo dốc. Tôi ôm chặt người lái, he hé mắt nhìn con đường nhỉnh hơn bàn tay vằn vèo nhấc đầu xe lên cao, lên cao nữa. Ngay cạnh chân tôi là sườn núi hun hút, con suối chập chờn luồn lách qua những tảng đá khổng lồ. Xe dừng, chúng tôi tiếp tục leo bộ. Hơi thở tôi đứt quãng, tim đập dồn trong ngực. Nhưng kìa, một vùng Hoàng Nông như tấm thảm xanh mênh mông tầm mắt. Cánh rừng nguyên sinh thâm u chim hót ríu ran hòa tiếng nước róc rách như muốn bù cho tôi vất vả vừa trải qua.

Khi đến tay nhóm bạn trẻ, rừng chè Suối Chùn đã 35 tuổi, năng suất thấp, đất cằn cỗi, chai lì. Ngày ngày, nhóm bạn trẻ leo núi cõng rạ rải gốc cây giữ ẩm; mang đỗ tương nghiền tơi, mang muối bón cho đất; nhờ mưa rửa trôi phân đạm, nhờ gió thổi nhạt mùi thuốc trừ sâu. Được chăm bẵm nghỉ ngơi, đất dần hồi sức, tơi xốp, đón giun, sâu, bọ cánh cứng trở về, vùng sinh thái tự nhiên dần được thiết lập.

3 năm chăm đất, đến năm 2021, rừng chè Suối Chùn cho 85kg chè khô. Các bạn mang chè đi kiểm định. Những chỉ số về chì, thủy ngân, asen… đều “không phát hiện” khiến cả nhóm vỡ òa hạnh phúc. Hợp tác xã An Vân Trà ra đời, được cơ quan thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm phù hợp tiêu chuẩn ISO. Điều này đã chứng minh phương pháp canh tác không thuốc kích thích, không phân hóa học vẫn cho năng suất cao và quan trọng nhất là sản phẩm sạch. Có nghệ nhân trà là ông Nguyễn Việt Bắc không tin chuyện của An Vân Trà. Ông từ Hà Nội lên rừng chè bốc đất nếm, lúc đó mới gật gù công nhận.

Bây giờ thì chị em Vân đã có 6 vườn chè (khoảng 3ha) chuyển đổi thành công trên địa hình rừng, đồi, cánh đồng ở các xóm La Kham, Làng Đảng, Đoàn Thắng (xã Hoàng Nông). Sản lượng mỗi năm ước đạt 2 tấn chè hữu cơ. Họ đã tạo được “tệp” bạn hàng riêng, cũng là những người đồng điệu về quan điểm sống nương nhờ và kính trọng thiên nhiên. Ông bà Lan - Truyền từ chỗ lảng tránh câu hỏi “con ông bà làm gì?” nay tự hào trả lời: Các cháu làm chè thuận tự nhiên. Từ chỗ “kệ bố chúng mày”, nay cho đất làm nhà xưởng. Thỉnh thoảng, ông Truyền mang chiếc chảo gang cổ truyền ra rang một mẻ cho “chúng nó” làm “tóp tóp” (tiktok). Bà Lan thì “bước qua lời nguyền”, lại đội nắng hái chè giúp con.

Tự quay phim giới thiệu sản phẩm

Ươm trồng cây chè trung du

Nỗi niềm không chỉ một nhà

Tâm trạng của ông bà Lan - Truyền ở Hoàng Nông không khác là bao tâm trạng của ông bà Hoàng Văn Dương và Hoàng Thị Bình, xóm Phú Thọ, xã Phú Đô (Phú Lương) khi 4 năm trước, cậu con trai duy nhất cầm tấm bằng thạc sĩ về nhà làm nông nghiệp. Cả đời tưới mồ hôi xuống đất đổi lấy chữ cho con, họ hy vọng con mình sau này đỡ vất vả hơn đời cha ông. Thế nên, khi nghe Hoàng Tuấn (sinh 1993) nói ra quyết định của mình, ông bà Dương - Bình buồn thiu thỉu. Không chỉ chút sĩ diện về con với xóm giềng tắt lịm, mà họ lo, với đất đai cũ, “đơn thương độc mã”, con mình xoay trở thế nào trong thị trường mênh mông “trăm người mua vạn người bán” này? Nhưng Tuấn thì nghĩ khác. Khi còn là sinh viên năm thứ 2 khoa Tài nguyên - Môi trường (Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên), Tuấn đã vận động gia đình không sử dụng thuốc diệt cỏ, giảm hóa chất trong chăm sóc chè để “cứu” sức khỏe của bố mẹ.

Tuấn thổ lộ: Có người hỏi, làm chè thôi thì có cần đến trình độ thạc sĩ không? Câu trả lời của cháu là có. Nông dân mới cần kiến thức, cần hiểu sâu về đất đai, họ còn là doanh nhân và nhà khoa học, tất nhiên ở cấp độ nào đó.

Trên diện tích chè gần 1ha của gia đình, Tuấn bắt tay vào cải tạo đất. Cậu mua gỗ về, đắp lò, đốt than, mẻ đầu cậu làm ra 6 tấn than sinh học. Số than này ủ với phân chuồng rồi đem bón chè. Sản lượng chè của Tuấn vì thế tăng 15-20% từ 2018 đến 2022.

Nói về cây chè Phú Đô, Tuấn phân tích các yếu tố về đất, nước, khí hậu, vị trí địa lý để hình thành vùng chè ngon. Theo Tuấn, muốn phát triển bền vững, thì phải tuân thủ Bộ tiêu chuẩn Việt Nam 11041:1 và 11041:2 (ban hành năm 2017) về sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Tuấn thành lập Hợp tác xã chè, đi từng nhà vận động liên kết sản xuất tạo thành vùng sinh thái an toàn. Nhưng muốn liên kết thì giá mua chè nguyên liệu phải hấp dẫn và đầu ra của chè khô phải dồi dào. Cả hai mảng này Tuấn đều còn yếu. Tuy thế, bà con Phú Thọ đã bắt đầu làm quen với khái niệm sản xuất hữu cơ. Năm 2021 mới có 10 hộ sử dụng phân hữu cơ bón cho chè, thì năm 2022, đã có 26/46 hộ làm chè sử dụng.

Dẫn tôi đi thăm thung lũng Phú Thọ trải dài giữa hai mạch núi, Tuấn nêu ý tưởng về vùng du lịch sinh thái kết nối tour du lịch ATK Định Hóa. Vì theo Tuấn, nơi đây còn lưu giữ nhiều nét văn hóa bản sắc của vùng đồng bào Mông, Dao, Tày, Nùng. Chỗ này sẽ trải nghiệm thêu váy áo, chỗ kia nấu mèn mén, cánh đồng đá cổ và hang Ấm còn rất nhiều bí ẩn cần khám phá… Mường tượng về quê hương giàu có khiến mắt Tuấn sáng bừng.

Họ kiên cường lắm, nhưng mà cô đơn?

Tôi chưa đọc được tài liệu nào thống kê có bao nhiêu nông dân Thái Nguyên đã bỏ làng ra phố. Nhưng sức hút của xuất khẩu lao động, sức hút của các khu công nghiệp khiến làng quê vắng vẻ, chủ yếu người già trẻ con và nhiều thửa ruộng không người cấy hái. Ngược dòng người “ly hương, ly nông” cuồn cuộn là những bạn trẻ trở về mang theo kiến thức và mục tiêu trong trẻo. Họ kiên cường đảm nhiệm vai trò “3 trong 1”: Vừa sản xuất, vừa kinh doanh, vừa là “nhà khoa học chân đất” trên mảnh đất của mình. Nhưng trước mắt họ vô vàn khó khăn. Làm ra sản phẩm sạch với nhiều đòi hỏi khắt khe, nhưng sản phẩm ấy sẽ bán đi đâu khi hàng kém chất lượng hoành hành thị trường? Xuất phát điểm là nông dân nghèo, họ không đủ mạnh để đầu tư truyền thông, quảng bá, không đủ tự tin để giao tiếp kết nối với đối tác nước ngoài. Ai là người chìa tay giúp họ?

Xây dựng nông thôn mới cần có nông dân mới. Những người cha người mẹ thay đổi tư duy, nâng đỡ đứa con trở về, tự hào khi con mình là nông dân, chính là người nông dân mới. Những bạn trẻ tôi nói trong bài và khá nhiều người trẻ khác nữa cũng là nông dân mới. Họ đang trả vi sinh về cho đất, trả về nguồn nước nguồn khí trong lành nguyên khai để làm nên nền nông nghiệp tử tế (cách dùng từ của ông Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Có điều trùng hợp kỳ lạ là trên rừng chè của An Vân Trà (Hoàng Nông) và đồi chè của Tuấn (Phú Đô) đều có một cây khế cổ thụ xòe bóng mát. Nhìn cây khế, tôi ước một ngày nào đó có chim đại bàng đến ăn quả lành rồi trả giàu có cho vùng đất này. Sản phẩm hàm chứa trí tuệ và tâm đức của những người trẻ muốn thay đổi quê hương tôi nói đến trong bài là những quả khế ngọt lành như thế. Nhưng trước mắt, họ vẫn đơn lẻ và yếu đuối trên hành trình vạn lý thẳm xa.

Bút ký. Minh Hằng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Không khóc ở Đài Loan

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 1 năm trước

Trái tim bồ đề

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 1 năm trước

Thái Nguyên lưu luyến trong tôi

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 1 năm trước

Người bản Dao thay áo cho rừng

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 1 năm trước

Văng vẳng tiếng còi tàu

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 1 năm trước