Những điều ít biết về “Trung đoàn cận vệ thép” bảo vệ căn cứ địa Việt Bắc
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, vùng căn cứ địa Việt Bắc, nơi có đại bản doanh của Trung ương Đảng, Chính phủ và Bộ Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia và Dân quân Việt Nam (sau này được hợp nhất và đổi tên thành Bộ Quốc phòng) bị kẻ địch mở nhiều cuộc hành quân, tìm mọi cách đánh phá hòng tiêu diệt cơ quan đầu não của ta. Vấn đề bảo vệ an toàn căn cứ địa là một yêu cầu vô cùng trọng yếu. Một trong những lực lượng làm nhiệm vụ đặc biệt ấy là Trung đoàn 246 (nay thuộc Sư đoàn 346, Quân khu 1). Tuy nhiên, trong điều kiện phải giữ bí mật nghiêm ngặt, nhiều hoạt động và chiến công của Trung đoàn còn ít người biết tới.
Trung đoàn 246 bảo vệ các đồng chí cán bộ, chỉ huy về dự hội nghị tại ATK Định Hoá (Thái Nguyên) năm 1949. Ảnh tư liệu.
Ngay sau khi Tổng khởi nghĩa thắng lợi, với tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy trước dã tâm của thực dân Pháp sẽ xâm lược nước ta một lần nữa và Việt Bắc sẽ là căn cứ địa của cuộc kháng chiến. Trước khi rời Tân Trào về Hà Nội, Người đã phân công đồng chí Phạm Văn Đồng và một số cán bộ ở lại Việt Bắc để củng cố căn cứ. Cuối tháng 10 năm 1946, đồng chí Nguyễn Lương Bằng được giao nhiệm vụ trở lại Việt Bắc chuẩn bị địa điểm xây dựng căn cứ địa.
Tháng 11/1946 Trung ương quyết định thành lập Đội công tác đặc biệt do đồng chí Trần Đăng Ninh phụ trách lên Việt Bắc nghiên cứu chọn địa điểm xây dựng ATK để đặt các cơ quan Trung ương. Qua nghiên cứu khảo sát thực tế, Đội công tác đặc biệt đã quyết định chọn địa phận các huyện Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương (Thái Nguyên), Chợ Đồn (Bắc Kạn), Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa (Tuyên Quang) làm nơi xây dựng ATK, với trung tâm là khu vực Định Hóa, Chợ Đồn, Sơn Dương, Yên Sơn.
Ngay từ cuối năm 1946, hàng vạn tấn máy móc thiết bị, vải, muối… đã được chuyển lên Thái Nguyên. Nhiều xí nghiệp quốc phòng và kinh tế đã ổn định sản xuất tại đây.
Đại đội cảnh vệ 15 (tiền thân của Trung đoàn 246) được phân thành hai bộ phận, một bộ phận ở lại bảo vệ các cơ quan Trung ương tại Hà Nội, một bộ phận đi trước bảo vệ các đồng chí lãnh đạo và các cơ quan Trung ương tại Việt Bắc. Những phân đội thuộc Đại đội cảnh vệ 15 ở lại sau ngày Toàn quốc kháng chiến phân thành nhiều bộ phận để bảo vệ, dẫn đường các cơ quan Trung ương di chuyển lên ATK.
Tháng 10/1947 quân đội Pháp mở cuộc hành quân từ nhiều hướng vào chiến khu Việt Bắc và đã bị quân và dân ta chặn đánh, gây cho chúng nhiều tổn thất, buộc phải lui quân.
Trung ương quyết định lập Khu 9B (gọi theo mật danh là K9B) trong vùng ATK với nhiệm vụ quân sự hàng đầu là bảo vệ các cơ quan Trung ương Đảng và Chính phủ, Đại tá Nguyễn Dân (tên thật là Ernst Frey, người Áo) được giao nhiệm vụ làm Khu trưởng Khu 9B.
Trong điều kiện hoàn cảnh mới, Bộ Tổng chỉ huy quyết định tăng cường lực lượng cảnh vệ bảo vệ căn cứ địa. Cán bộ chiến sĩ của ba tiểu đoàn 54, 131, 80 được tuyển chọn bổ sung để thành lập Trung đoàn 15 gồm hai tiểu đoàn (Tiểu đoàn 9 lấy Đại đội 15 làm nòng cốt). Tối 30/6/1948, tại thôn Văn Minh (nay thuộc xã Phú Xuyên, huyện Đại Từ), các đơn vị đại diện cho Tiểu đoàn 183, Tiểu đoàn 9 đã tề chỉnh đội ngũ thành lập Trung đoàn 15.
Hội nghị học tập công tác thanh niên của Trung đoàn 246(năm 1952). Ảnh tư liệu.
Ngay sau khi thành lập, Tiểu đoàn 9 được giao nhiệm vụ bảo vệ “vòng trong” ATK gồm 3 đại đội: Đại đội 68 bảo vệ cơ quan Tổng chỉ huy và Bộ Tổng tham mưu, Đại đội 70 bảo vệ cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ và Mặt trận. Đại đội 180 bảo vệ một số cơ quan quan trọng khác, trong đó có nhà in của Bộ Tài chính. Thực hiện các qui định về phòng gian, bảo mật và giữ bí mật cho Khu 9B, từng phân đội của Tiểu đoàn 9 sinh hoạt cùng cơ quan mình bảo vệ và chỉ liên hệ với bà con thôn bản nơi đóng quân. Chỉ huy Tiểu đoàn 9 cũng chỉ được nắm tình hình đơn vị qua các đại đội trưởng báo cáo, không được đến từng nơi kiểm tra, tìm hiểu.
Tiểu đoàn 183 tập trung cơ động bảo vệ “vòng ngoài” ATK với ba đại đội bộ binh mang phiên hiệu 62, 64, 66 và một trung đội trợ chiến.
Ngày 24/10/1949, Trung đoàn 15 được quyết định đổi tên thành Trung đoàn 246 và thực hiện nhiều biện pháp về chính trị, quân sự, phối hợp hiệu quả với các lực lượng xây dựng mạng lưới quân báo nhân dân phòng gian bảo mật, chống hoạt động gián điệp. Đại đội phòng không của Trung đoàn cũng được thành lập và ngay trận đầu đã bắn hạ một máy bay của Pháp trên bầu trời Gia Sàng (nay thuộc thành phố Thái Nguyên). Đại đội phòng không cùng đơn vị bạn tham gia các chiến dịch ở trung du cuối năm 1950, đường số 18 đầu năm 1951 và tiến hành một số trận đánh độc lập khác bảo vệ mục tiêu cấp trên giao.
Trong Chiến dịch Biên giới 1950, các Đại đội 60 và 70 thuộc Tiểu đoàn 9 đã lựa chọn cán bộ chiến sĩ lập đội bảo vệ cơ quan chỉ huy chiến dịch, bảo vệ an toàn Chủ tịch Hồ Chí Minh ra trận tháng 8/1950. Thời điểm này để bảo vệ vững chắc ATK, Tiểu đoàn 183 được lệnh tăng cường mức độ và phạm vi hành quân, vừa làm nhiệm vụ nghi binh chiến lược, vừa nghiên cứu trận địa đề phòng địch đánh ra vùng tự do tỉnh Thái Nguyên. Khi quân ta vừa diệt đồn Đông Khê mở màn chiến dịch biên giới đêm 16/9/1950, ngày 29/9/1950 quân Pháp đưa 3000 quân đánh chiếm thị xã Thái Nguyên, Trung đoàn đã chọn Đại đội 62, Tiểu đoàn 183 cấp tốc hành quân về huyện Đồng Hỷ cùng các lực lượng vũ trang địa phương chặn đánh và tiến công địch ở Thác Huống, Thịnh Đức, An Khánh, Làng Hà… Ngày 12/10/1950, quân Pháp ở Thái Nguyên không thể cầm cự được phải rút chạy.
Cuối năm 1950, Trung đoàn 246 nhận nhiệm vụ xây dựng hệ thống các công trình phục vụ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Trung đoàn đã góp phần quan trọng vào công tác chuẩn bị và bảo vệ Đại hội thành công tốt đẹp.
Mùa Xuân năm 1951, quân ta mở nhiều chiến dịch lớn ở trung du và đồng bằng, ngoài nhiệm vụ bảo vệ “vòng trong” ATK, Trung đoàn kết hợp huấn luyện quân sự với hành quân nghi binh. Bộ đội làm những nòng pháo hạng nặng, súng cối bằng thân chuối, ống mai sơn đen giả các đơn vị chủ lực nhiều ngày hành quân về các ngả. Đêm khuya lại trở về nơi xuất phát, quân địch bắt buộc phải phân tán lực lượng đối phó trên nhiều hướng.
Cuối năm 1951, quân Pháp tăng cường hoạt động càn quét, đánh chiếm một số khu vực nhằm giành lại quyền chủ động chiến lược. Tổng quân ủy chỉ thị cho các liên khu đẩy mạnh phong trào đấu tranh tại vùng bị tạm chiếm. Trung đoàn 246 được lệnh phối hợp với Đại đoàn 316 bảo vệ vùng tự do, luân phiên đưa từng phân đội nhỏ vào vùng địch cùng lực lượng vũ trang địa phương chống càn, phát triển cơ sở kháng chiến, tổ chức chiến đấu bảo vệ ATK từ xa, đồng thời sẵn sàng cơ động quay về bảo vệ căn cứ địa. Tiểu đoàn 183 cho các đơn vị đánh địch ở Con Voi, Mã Thổ (Bắc Giang). Tiểu đoàn 181 và 186 đưa các đại đội đến vùng Đa Phúc, Đông Anh, Kim Anh (Vĩnh Phúc) giúp địa phương mở rộng khu du kích, mở thông nhiều tuyến đường qua vành đai trắng vào vùng địch hậu. Các trận tập kích “độn thổ” của Đại đội 2, Đại đội 29 Tiểu đoàn 183 ngay giữa lòng địch khiến kẻ thù khiếp sợ. Một số đại đội của Tiểu đoàn 181 liên tiếp tổ chức các trận chống càn, phục kích đánh địch ở Đông Anh, Việt Yên, Hiệp Hòa… Các hoạt động chiến đấu của Trung đoàn đã gây cho chúng nhiều thiệt hại.
Đầu năm 1952, Trung đoàn được Tổng cục chính trị chọn là nơi chỉ đạo thí điểm xây dựng Đoàn Thanh niên Cứu quốc. Ngày 8/2/1952 Lễ ra mắt Đoàn Thanh niên Cứu quốc của Trung đoàn 246 đã được tổ chức tại xóm Văn Minh, xã Na Mao, huyện Đại Từ. Đây cũng là Chi đoàn Thanh niên cứu quốc đầu tiên được tổ chức trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh (đứng giữa) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp (đứng bên tay phải của Bác) chụp ảnh với một số cán bộ và các chiến sĩ cận về năm 1948. Ảnh tư liệu.
Thu Đông 1952, thực hiện chủ trương chuyển hướng chiến lược, Trung ương Đảng và Bộ Tổng Tư lệnh quyết định mở chiến dịch Tây Bắc. Thực hiện chỉ đạo của Bộ chỉ huy Liên khu Việt Bắc, Trung đoàn 246 điều động Tiểu đoàn 183 cơ động sang Phú Thọ. Hai Tiểu đoàn 181, 185 trên đất Thái Nguyên chuẩn bị kế hoạch chặn địch đánh ra vùng tự do và tiến hành hoạt động nghi binh đánh lạc hướng địch cho Đại đoàn 308, 316 lên Tây Bắc mở chiến dịch.
Nhằm ngăn quân ta chi viện cho chiến trường và cứu nguy cho đồng bọn ở Tây Bắc, Quân Pháp mở cuộc hành quân với 20 tiểu đoàn bộ binh, lính thủy đánh bộ và xe cơ giới tiến đánh tỉnh Phú Thọ. Tiểu đoàn 183 cùng với Đại đội Lâm Thao và dân quân du kích liên tục chặn đánh địch tại các khu vực, cả đường bộ và trên sông Lô. Tại Chân Mộng, ngày 17/11 Tiểu đoàn 183 và đơn vị bạn đã chiến đấu ngoan cường, diệt 400 tên địch, phá hủy 44 xe tăng, xe bọc thép và xe cơ giới. Tiếp đó Tiểu đoàn tiến hành nhiều trận phục kích, tập kích quân địch trên đường từ Phù Ninh về Hạc Trì. Sau gần một tháng (từ 29/10 – 25/11) quân Pháp phải rút chạy khỏi Phú Thọ.
Tận dụng thời cơ quân địch bị hút vào chiến trường Tây Bắc, Trung đoàn 246 cử lực lượng phối hợp với tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh nhổ nhiều đồn bốt, diệt ác trừ gian, xây dựng các làng chiến đấu trong khu du kích. Tiểu đoàn 183 bố trí lực lượng luồn sâu vào vùng địch hậu tổ chức tập kích đồn bốt, chống càn quét, cơ động chiến đấu theo đội hình trung đội, đại đội. Trong đợt hoạt động Đông Xuân 1952 – 1953, Tiểu đoàn 183, 185 liên tục chiến đấu mở rộng khu du kích, phá vỡ một mảng lớn hậu phương quan trọng của địch.
Cuối tháng 3/1953, Tiểu đoàn 185 nhận lệnh đánh cứ điểm Mai Khê cùng các đồn Thạch Đà, Mai Độ (Vĩnh Phúc), một cụm cứ điểm quan trọng của địch. Lực lượng chủ công là Đại đội 42, Đại đội 86. Đại đội 88 làm đội dự bị, Đại đội 40 yểm trợ và chặn quân tiếp viện. Trận công đồn này Tiểu đoàn 185 bị thương vong trên một đại đội. Đây là trận chiến đấu theo chiến thuật công kiên đầu tiên của Trung đoàn.
Mùa mưa 1953, địch tăng cường càn quét sát các vành đai trắng, Tiểu đoàn 181 phải phân tán cùng lực lượng vũ trang địa phương bảo vệ cơ sở kháng chiến. Ngày 17/7/1953 Trung đoàn nhận chỉ thị đưa Tiểu đoàn 181, 183 lên Lạng Sơn đánh quân Pháp nhảy dù tập kích thị xã.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung đoàn nhận lệnh phái Tiểu đoàn 181 vào hoạt động trong vùng tạm chiếm nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, diệt ác phá tề, đẩy mạnh hoạt động du kích. Tiểu đoàn 183 lên Yên Bái tiễu phỉ. Tiểu đoàn 185 bảo vệ căn cứ ở Thái Nguyên.
Ngày 28/1/1954, Tiểu đoàn 181 phối hợp một đại đội của bộ đội địa phương chặn đánh hai tiểu đoàn ứng chiến của quân Pháp có 42 xe tăng, xe cơ giới và máy bay yểm trợ đánh vào Kim Nỗ, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Các Đại đội 429, 433, 431 liên tiếp cơ động chiến đấu buộc địch phải dàn quân chống đỡ. Dù bị thương vong lớn trong trận đánh Kim Nỗ, các Đại đội 429, 431 vẫn chiến đấu diệt gọn các đồn Cường Nỗ, An Cự trên tuyến đường giao thông huyết mạch, tạo thế phát triển phong trào du kích địa phương.
Ba tháng đầu năm 1954, Trung đoàn 246 tổ chức lực lượng thực hiện chỉ thị đẩy mạnh chiến tranh nhân dân, phối hợp chặt chẽ hiệu quả với chiến trường chính, củng cố cơ sở, tiêu hao, tiêu diệt địch, đánh địch càn quét, đồng thời tham gia mở một số đoạn đường tránh cho xe lên Điện Biên Phủ, tổ chức truy quét biệt kích, thổ phỉ, đánh quân nhảy dù bảo vệ kho tàng, bãi xe, nhổ các đồn bốt thuộc các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Sơn Tây. Trung đoàn bố trí cho Tiểu đoàn 185 cử Đại đội 86 nhiều lần vượt sông Hồng sang Hà Đông, Sơn Tây phối hợp với quân và dân địa phương chống càn, diệt các đồn bốt địch.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, thừa cơ địch hoang mang, Trung đoàn đã tổ chức lực lượng tiến công liên tục, tiêu diệt nhiều đồn bốt, đánh chiếm nhiều vị trí.
Kế thừa truyền thống của các đơn vị tiền thân (Khu 9B, C15), Trung đoàn 246 đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ, bảo vệ an toàn các lãnh tụ, các cơ quan đầu não của Đảng góp phần xây dựng vững chắc ATK. Những chiến công thầm lặng của cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 246 đóng góp quan trọng vào chiến thắng ngoài tiền tuyến. Từ bảo vệ vòng trong đến bảo vệ vòng ngoài, từ làm nhiệm vụ tác chiến ở vùng địch hậu hay nghi binh chiến lược, Trung đoàn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Cán bộ chiến sĩ được chọn lựa từ các đơn vị Vệ quốc quân tập hợp thành “Trung đoàn cận vệ”, luôn xứng đáng với tên gọi Đoàn Tân Trào và được mệnh danh là “Trung đoàn cận vệ thép”.
Trung đoàn 246 và hai tiểu đoàn đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Nhiều tập thể và cá nhân được đón nhận các phần thưởng cao quý.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và chiến đầu bảo vệ biên giới phía Bắc, các thế hệ cán bộ chiến sĩ của Trung đoàn 246 không ngừng nỗ lực phấn đấu, viết tiếp những chương sử vàng và tô thắm thêm truyền thống “Đoàn kết, kỉ luật, tuyệt đối trung thành, quyết chiến quyết thắng” của Đoàn Tân Trào.
* * *
Những năm gần đây Đảng ủy - Chỉ huy Trung đoàn 246, các cựu chiến binh và một số nhân chứng đã từng công tác tại Trung đoàn qua các thời kì, các cán bộ khai thác sưu tầm tư liệu đã dày công nghiên cứu hồ sơ, tài liệu lưu trữ tại K4 Bộ Quốc phòng và các tài liệu khác biên soạn Lịch sử Trung đoàn bộ binh 246 - Đoàn Tân Trào (1948 – 2018). Tuy nhiên, giai đoạn Trung đoàn tổ chức xây dựng lực lượng, chiến đấu và trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mới khái quát được những nét cơ bản. Các đơn vị tiền thân của Trung đoàn trước khi thành lập (Khu 9B, C15), Tiểu đoàn 9 và các đại đội bảo vệ “vòng trong” tại Trung tâm căn cứ địa ATK hầu như việc giải mã các “tài liệu mật” vẫn còn ở mức độ nhất định.
Dù các tài liệu mật giải mã ở mức độ nào đi nữa, trong suốt 9 năm trường kì kháng chiến, ATK Việt Bắc, trong đó có Khu 9B, Chủ tịch Hồ Chí Minh, tất cả các đồng chí lãnh đạo và mọi cơ quan Trung ương đều được bảo vệ an toàn tuyệt đối.
Đại tá Nguyễn Cao Thắng, nguyên Bí thư Đảng ủy Trung đoàn 246
Tiếp chuyện chúng tôi, Đại tá Nguyễn Cao Thắng, nguyên Bí thư Đảng ủy Trung đoàn 246 tỏ ý tiếc nuối: “Trung đoàn cơ động làm nhiệm vụ khắp nơi. Thế hệ cán bộ Trung đoàn sau này hầu hết đều tham gia kháng chiến chống Mỹ và chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Những nét cơ bản trong Lịch sử truyền thống Trung đoàn 246 là hoàn toàn chính xác và đã được ghi nhận. Tuy nhiên một số hoạt động cụ thể của tập thể, cá nhân thời kì kháng chiến chống Pháp chúng tôi chưa có cơ sở thể hiện rõ!”.
Với niềm tự hào về Trung đoàn, Đại tá Nguyễn Cao Thắng đã đưa chúng tôi về gặp Đại tá Giáp Ngọc Giới, nguyên Trưởng ban Biên soạn lịch sử và Tổng kết công tác Đảng, công tác chính trị trong các cuộc kháng chiến của Quân khu 1, hiện ông đang sinh sống tại thôn Um Ngò, xã Việt Lập, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Tuy năm nay đã 82 tuổi, Đại tá Giáp Ngọc Giới vẫn khỏe mạnh, minh mẫn, ông vui vẻ cung cấp cho chúng tôi một số tài liệu còn giữ được về Trung đoàn 246 và cho biết: “Trong điều kiện phòng gian bảo mật cực kì nghiêm ngặt bảo vệ trung tâm đầu não cuộc kháng chiến, hồ sơ tài liệu đều được lưu trữ theo chế độ “tuyệt mật”, không hẳn ai cũng có điều kiện tiếp cận. Ở cương vị của mình, Ban biên soạn chúng tôi phải rất vất vả, cẩn trọng. Trung đoàn 246 là đơn vị độc lập của Bộ Quốc phòng trong kháng chiến chống Pháp, nay thuộc biên chế của Quân khu 1. Chúng ta đã tổng kết các cuộc kháng chiến và Trung đoàn 246 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Trung ương. Tái hiện những cống hiến năm xưa của Trung đoàn là việc nên làm. Lẽ dĩ nhiên, có những việc chúng ta cũng cần tiếp tục nghiên cứu, giải mã!...”.
Đại tá Giáp Ngọc Giới, nguyên Trưởng ban Biên soạn lịch sử và Tổng kết công tác Đảng, công tác chính trị Quân khu 1
Những chương sử vàng truyền thống của “Trung đoàn cận vệ thép” đang được các thế hệ cán bộ chiến sĩ viết tiếp. Một thời hào hùng của thế hệ cha anh như trang sách mở với bao điều đầy ý nghĩa trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau.
Phan Thái
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...