Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
15:24 (GMT +7)

Nhọc nhằn đời thợ hồ

Áo, quần lấm lem xi cát; tóc bết cứng như sợi thép; mồ hôi chảy thành giọt trên khuôn mặt nhẻm đen vì nắng, gió công trường… tôi bắt chặt từng đôi bàn tay chai nhám, cảm nhận được từ thẳm sâu đôi mắt một nỗi niềm cơm áo thợ hồ. Nhọc nhằn mưu sinh, nhưng có lẽ trong cuộc đời, thợ hồ là những người vô tư, hồn nhiên, chân chất nhất.

Tiếng đàn ghi ta rộn ràng như kéo tôi vào với những người thợ. Họ vừa xong bữa cơm tối. Cánh đàn ông ngồi trà nước, mấy chị phụ nữ dọn dẹp bát đĩa, tranh thủ gội, giặt sau một ngày làm việc cật lực ngoài công trường. Tôi khom người bước vào lán, đưa mắt quan sát khắp lượt theo phản xạ tự nhiên.

Đánh đu với may rủi

Trong mái lán dựng tạm là một chiếc sạp dài làm chỗ ngả lưng mỗi đêm cho hơn chục con người. Một góc lán hôm trước kê tấm phản nhỏ làm bàn uống nước cho thợ, nhưng hôm nay ấm chén để ra sạp, nhường chỗ cho máy cắt, máy khoan bê tông, cuộn dây điện và lỉnh kính mấy thứ dụng cụ lao động. Một sợi dây thừng buộc tạm vào cột lán làm chỗ treo bảo hộ lao động; các vật dụng xoong nồi, xô chậu, bát đĩa dồn hết vào dưới gầm sạp. Một đời sống đơn giản, tạm bợ của những người thợ hồ được dựng lên ngay bên công trường xây dựng.

Sau cái bắt tay xã giao, Vũ Hồng Ba tiếp tục ôm cây đàn, phập phừng câu hát: “Bạn đời ơi/ Hãy tin, hãy yêu và hát cùng chúng tôi/ Những người thợ xây, tin yêu cuộc đời mới…”. Câu hát thiết tha đầy khát vọng yêu thương trong “Bài ca xây dựng” của nhạc sĩ Hoàng Vân sáng tác từ những năm đầu thập niên bẩy mươi của thế kỷ trước như làm nhòa khoảng cách lạ, quen giữa tôi và đội thợ. Tôi nói “khích”: Cái nghề thợ xây cũng thi vị lắm chứ. Mỗi công trình xây lên, ngoài ý nghĩa là một tác phẩm nghệ thuật lớn, còn mang nghĩa an sinh xã hội. Công trình ấy do bàn tay người thợ, những nghệ nhân của đời thường bồi đắp nên. Chằng do dự gì, Vũ Hồng Ba bộc tuệch: Nghệ nghẽo gì đời thợ hồ. Phiêu bạt chân trời, góc bể vì miếng cơm, manh áo. Năm vài lần tranh thủ về quê, nằm với vợ có khi giật mình tưởng đó là bao xi măng, bao cát… Anh Ba là đời thứ ba của dòng họ Vũ từ tỉnh Nam Định lên Thái Nguyên làm nghệ thợ hồ. Cũng như bao đoàn thợ người miền xuôi từ các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên… phiêu bạt hải hồ đi “ăn cơm thiên hạ”. Trong nhóm thường là anh em, cha con, họ mạc nên dễ bảo ban nhau.

Công việc ốp, lát gạch đòi hỏi thợ hồ có đôi tay khéo léo

Không làm dối, làm ẩu, “chấp hành” làm việc theo yêu cầu của “nhà đầu tư”, kiên nhẫn làm việc, không đòi hỏi và biết phận mình là người làm thuê, đó là cách xây dựng uy tín của các nhóm thợ. Họ không nghĩ đến mỹ từ “thương hiệu”, nhưng hay nói đến lương tâm nghề thợ. Công trình có chất lượng, đẹp mắt, ứng xử nhã nhặn, được bà con mến quý thì quanh năm không hết việc làm. Cứ nhà này giới thiệu cho nhà khác, liền lúc làm vài ba công trình, bảo đảm tiến độ, kỹ thuật thi công, đồng thời thu nhập của thợ được ổn định.

Thời vụ nông nhàn, nhiều nông dân tranh thủ làm thêm, kiếm thêm bằng công việc phụ hồ. Nhưng đó là chuyện của nhiều năm về trước. Nay khác, phải chuyên nghiệp, kể từ thợ phụ vữa, thợ xây chính, thợ chuyên sắt, chuyên cốp pha, chuyên lát, ốp… Anh Trần Văn Minh, người Thái Bình từng có thâm niên gần 40 năm làm công việc đội bê tông ở tỉnh Thái Nguyên trần tình: Thấy tôi nhác học, bố bảo: Con không có ước mơ thì theo bố đi xây ước mơ cho thiên hạ. Năm đó tôi 16 tuổi, hào hứng vì không phải ngồi học bài mỗi tối. Theo bố làm phu hồ, chí ít mình tự nuôi sống được bản thân.

Có tư duy sống độc lập, lại có sức, nên chỉ 7 năm sau anh đã đứng vai chính. Nói đúng hơn là khi đó ông Trần Văn Bình, bố anh bị sụn lưng vì đội cát, sỏi quá nặng. Ông không nhớ đầu mình đã đội bao nhiêu thúng cát, sỏi, đã góp sức cùng thợ thuyền hoàn thiện bao nhiêu công trình xây dựng, chỉ biết mỗi ngày ông nhận được số tiền tương đương với 20 kg gạo, hơn chán vạn ở nhà làm diêm dân (làm muối).

Thay bố làm… “con chim đầu đàn”, anh tiếp tục dẫn đội thợ gắn bó với các công trình xây dựng. Rồi anh cũng thành hôn với một nữ phu hồ. Đơn giản, tán tỉnh mấy câu bâng quơ. Anh kể: Hôm ấy, sau buổi tổ thợ đổ mái bê tông cho một công trình xây dựng ở phường Tân Thịnh (TP. Thái Nguyên), chủ nhà mời cơm thịt chó. Làm mấy chén cho giãn gân cốt, người tây tây, trở về lại thấy cô bạn cùng làng quần áo ngủ mỏng mảnh ngồi khâu vá ở góc lán. Ẫm ờ mấy câu thấy “đằng ý” chẳng nói gì, sẵn có tí men, tôi liều mạng kéo cô ấy vào lòng… Ngày đưa nhau về quê ra mắt tổ tiên, tôi mới vỡ lẽ là các cụ ở nhà đã “bài binh bố trận” nên cái sự bữa đó đều thuận. Nay chúng tôi đã có 2 con gái. Cả nhà tiếp tục sống đời du mục. Thuê nhà, đăng ký ở tạm trú. Các con học gửi tại Thái Nguyên.

Những thợ hồ miệt mài với công việc

So với các tổ thợ miền xuôi, thì những tổ thợ bản địa (người Thái Nguyên) thuận lợi hơn rất nhiều. Được cơm nhà và dễ nhận được công trình vì có quen biết. Nhưng là đời thợ hồ thì dù ở đâu cũng cực như nhau cả. Anh Nguyễn Văn Hải, phường Đồng Bẩm, TP. Thái Nguyên chia sẻ: Ngày nào cũng như nhau, chúng tôi phải thức dậy từ rất sớm, ăn thật no rồi vội vã đến công trường đúng giờ hẹn làm việc. Cực nhất là những tháng hè, nắng như thiêu đốt, song vẫn cùng nhau làm đủ 8 tiếng/ngày mới nghỉ. Trong đợt nắng cao điểm đầu tháng Sáu này, chúng tôi bố trí thời gian làm việc buổi sáng từ 5 đến 9 giờ; chiều từ 15 đến 19 giờ là buông bay, xuống giáo.

Làm thợ cả, một ngày phải chạy qua - lại từ 3 đến 4 công trình xây dựng. Công việc vắt kiệt nước trong người khiến chúng tôi cảm nhận cơ thể anh không có tí mỡ thừa. Nhìn vóc dáng người se khô lại, càng mến nể “tinh thần” lao động quên mình của anh. Cánh thợ hồ nói vui, anh được giời ban cho lộc về sức khỏe, nên ngày nào cũng thế, anh có mặt tại công trường từ 4 giờ sáng để chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho thợ thi công, kể từ ấm nước cho đến thiết bị thi công an toàn. Cuối ngày, thợ hồ đã về nhà, anh cặm cụi một mình dọn dẹp, cất đồ đoàn để tránh thất thoát.

Chỗ ở của một nhóm thợ hồ

Tốp thợ của Hải có hơn 30 lao động. Ai vào việc nấy, phân công rõ ràng. Chủ yếu người phường Đồng Bẩm; Quang Vinh và Túc Duyên. Nhiều người trong tốp gắn bó với nhau hơn 30 năm nay. Họ tự làm, tự nuôi nhau. Họ sống đoàn kết như trong một gia đình. Lúc nhàn tản, trản trà thấy đời thợ xây đầy chất thơ. Nhưng được trực tiếp chứng kiến họ làm việc quần quật dưới nắng nóng hầm hập ở nhiệt độ 38, 40 độ C, mới cảm nhận được phần nào nhọc nhằn lao lực. Thấy chúng tôi tò mò về đời phu hồ, anh Hoàng Hồng Minh, một thợ hồ có thâm niên gắn bó với nhóm thợ này nhiều năm nhất, bảo: Nghề ngỗng gì, ráo mồ hôi là hết tiền. Chính vì thế chúng tôi cần được đổ mồ hôi để gia đình bớt thiếu thốn, các con có tiền học chính, học thêm.

Thợ hồ Trần Quang Phòng, xóm Vải, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) bị cắt bỏ đôi tay do điện giật.

Giây lát dừng lời để kéo khói thuốc lào, anh thong thả ngửa mặt nhả từng quầng chữ O tròn trĩnh quấn vào nhau trông thật thích mắt. Đoạn nói như khoe: Tôi có tay nghề cao, làm đủ công được lĩnh 15 triệu đồng/tháng. Đều như “vắt chanh”, tháng nào cũng đủ công, đủ lương. Mưa làm trong nhà như đắp phào chỉ, trát trần, trát tường hoặc lát, ốp; nắng làm ngoài trời. 2 con tôi, gái lớn là thạc sĩ; trai út cũng cử nhân, đều làm trong cơ quan nhà nước. Hôm rồi chê bố lạc hậu, tôi bực mình bảo: Nhờ bố mày lạc hậu thì chúng bay mới có cái cho vào miệng mà học thành ông nọ, bà kia. Đứa con gái ngúng nguẩy bảo cắt cơm nhà, đi ăn hải sản Biển Đông, tiền cơ quan trả chẳng tội gì mà không chén. Thằng con trai ở nhà ăn cơm với bố mẹ, khen cà ngon, món mướp đắng xào với trứng gà tốt cho gan, thận…

Trở lại câu chuyện công việc của người thợ hồ, chị Lê Thị Hằng cho biết: Tôi làm thợ phụ, hằng ngày xách xô, bốc xi, ném gạch, làm giáo… tiền công 300.000 đồng/ngày. Hôm nào cũng tối nhọ mặt người mới được về, lại cơm nước, giặt giũ cho chồng con như một bản năng của phái nội trợ. Sáng dậy sớm lo cái ăn cho cả nhà, người lúc nào cũng đau ê ẩm, nhưng đến công trường, uống cốc nước đá, ném mấy viên gạch lên giáo là quên đau mỏi, nhưng không phải ai, và lúc nào cũng khỏe. Phút giải lao bên công trình xây dựng, anh Phan Hùng Dũng kể lần bị say nắng khi đang tham gia thi công tại một công trình ở T.P Thái Nguyên: Đận ấy tôi thấy trước mắt đầy đom đóm, người lạnh toát, vội ngồi thụp xuống giàn giáo… Mấy bạn thợ gần đó nhao lại, công kênh đưa xuống đất an toàn… Nhìn tia nắng xiên khoai, mấy bạn hồ cũng lắc đầu: Nắng nóng kinh khủng, hết đợt này sang đợt khác, nhưng vì mưu sinh mà phải cố gắng.

Câu chuyện giữa chúng tôi chuyển hướng sang chủ đề thời tiết, ai cũng mong đêm xuống, trời cho tí mưa để không khí dịu lại. Anh Lưu Văn Kiên, người đứng đầu một tốp thợ xây ở xã Cù Vân (Đại Từ) chia sẻ: Trước đây tôi làm phu hồ tại một công trình nhà cao tầng ở Hà Nội. Đợt nắng nóng gay gắt cũng vào tháng Sáu, 3 giờ chiều nhóm thợ chúng tôi mới trèo giáo. Làm việc được chừng nửa giờ, tôi thấy chân tay bủn rủn, mắt như kéo màng. Chắc mình quỵ rồi. Vừa nghĩ đến đó thì sểnh chân ngã đánh rầm. Giây lát định thần lại, mở mắt nhìn xuống thấy thăm thẳm. May là đeo thắt dây an toàn, chứ rơi từ tầng 17 xuống chắc hết cứu.

Bị choáng váng tinh thần, còn may chán vạn. Ví như trường hợp anh Nguyễn Văn Tuân, xóm Gốc Vối, xã Khôi Kỳ (Đại Từ). Hôm chúng tôi đến thăm, cụ Nguyễn Thị Ngà, 91 tuổi khóc nức nở: Tuân là con trai tôi, cháu bị chết do bờ tường xây đổ đè lên người… Nhìn cảnh “lá vàng còn ở trên cây”, lòng quặn đau nghĩ đến tai nạn lao động có thể đến bất thình lình với cánh thợ hồ. Ví như trường hợp anh Lê Công Lai, xóm Bến Chảy, xã Vạn Phái (TP. Phổ Yên), khi đang xây tường rào dưới đường điện cao thế, sơ ý để điện phóng phải vào viện cắt cụt cánh tay trái, còn chân phải mang tật nặng.

Chuyện thợ hồ gặp nạn, anh Lương Văn Vinh, phường Đồng Bẩm kể: Dạo đó đã áp Tết Nguyên đán, nhóm thợ chúng tôi đang thi công tại một công trình ở phường Quang Trung (TP. Thái Nguyên). Trong lúc kéo sắt lên làm mái tầng 3, không may bị điện giật làm anh N. P. H , phường Đồng Bẩm chết cháy tại chỗ. Còn anh Trần Quang Phòng, xóm Vải, xã Hoá Thượng (Đồng Hỷ) bất tỉnh. Nhờ được cấp cứu kịp thời, anh Phòng thoát chết, nhưng bị cắt cụt đôi tay, mọi sinh hoạt cá nhân đều do vợ phụ giúp.

Biết mình đang làm việc trong môi trường mất an toàn lao động, sơ ý sểnh chân, nhẹ thì mang thương tật vĩnh viễn, nặng thì người thân đi rước thợ kèn, nhưng vì mưu sinh nên người thợ hồ không đòi hỏi, ca thán. Có việc là làm. Làm bằng xong để xứng đáng nhận tiền công. Còn không may bị tai nạn, người thợ phải gánh chịu tất cả thiệt thòi.

…Đã tối nhọ mặt người, tôi trở lại lán ở của tốp thợ Nam Định, thấy chị Trần Thị Huyền Trang đang lúi húi thổi nấu. Cơm thợ bữa nay có canh rau đay, cà muối và một ít lòng lợn. Ăn giản tiện còn dành tiền mang về quê xây nhà. Chị Trang khoe: Hầu hết chúng tôi đều xây được nhà to ở quê. Nhưng một năm chỉ ở mấy ngày tết, còn chủ yếu đi công trường, này đây, mai đó, như dân du mục tha phương. Cơ cực nhiều cũng quen, nhưng cũng thon thót giật mình lo lắng, chỉ đến lúc màn đêm buông, thợ thuyền về quây quần đầy đủ bên mâm cơm mới nhẹ lòng thở phào qua một ngày an toàn.

Nhìn mâm cơm dọn sẵn đợi người ăn, tôi mong mỗi một ngày trôi qua đều bình yên với những người thợ hồ. Họ là những nghệ nhân của đời thường. Họ đang đến với công trình mới, dựng xây nên bao ngôi nhà cho cuộc đời ngày càng đẹp hơn

Phạm Ngọc Chuẩn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Xuân về một dải biên cương

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Nghiêng mình bên xứ lạ

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Nơi ngày xuân vương vấn niềm thương

Xem tin nổi bật 3 tháng trước