Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
23:32 (GMT +7)

Nhớ rơm

VNTN - Tôi của ngày hôm nay đã gần bước qua tuổi băm, từ quê bước lên, sống và lập nghiệp ở thành thị. Thú thực rằng, tôi đã từng rất nhiều lần nhớ quê đến phát điên đi được, đến nỗi muốn bỏ tất cả để về với quê. Nhưng rồi vì mưu sinh, công việc lại phải ở phố tù túng và bức bối này. Lâu lâu bạn bè có rủ đi café, nhất định chỗ hẹn sẽ là tôi chọn và là một quán nào đó có hơi hướm của nét quê.

Trong tuần có công chuyện ghé qua dãy phố nằm bên rìa thành phố, lòng mừng rơn khi cái tên quán đập vào mắt “Cây rơm”. “Note” địa chỉ lại ở trong đầu, đợi cuối tuần hẹn hò với mấy đứa bạn. Rơm, thứ tưởng chừng được xếp cùng họ nhà rác nhưng lại là ký ức, là kỷ niệm và là ân huệ gắn bó với một tuổi thơ nghèo khó trong tôi.

Rơm sẽ có nhiều vào sau vụ gặt tháng năm và tháng mười. Ngày xưa, cái thuở còn chưa có máy tuốt, nhà nhà gặt lúa về, đêm lại rải đầy sân rồi trục. Dụng cụ để trục lúa là một khối đá hình trụ đúc sẵn, gắn vào khung gỗ, bên trên buộc dây thừng, chỗ tiếp xúc với vai người kéo được đệm bông hoặc vải cho khỏi đau. Thường thì sẽ có hai người cùng trục lúa, một người làm nhiệm vụ kéo, người kia lấy gậy chống vào những lỗ đục sẵn trên khung gỗ phía sau. Cứ thế, đi khắp vòng quanh sân cho đến khi hạt thóc rụng hết khỏi cây lúa.

                                                 Ảnh minh họa.        Nguồn: Internet

Lúc trục xong, mẹ xới tơi lên chất rơm thành một đống riêng biệt, tôi và đứa em chỉ chờ có thế là lao ra trổ tài “làm xiếc” nhào lộn trên đống rơm. Hai đứa lăn qua lăn lại, chí chóe cười, khóc, chơi đến vã mồ hôi đầm đìa, bố mẹ giục đi ngủ mới thôi. Có khi, mẹ luộc sẵn nồi khoai lang từ đầu hôm, lúc nghỉ giữa buổi mang ra cả nhà cùng ăn, hàng xóm “nghe mùi” cũng liền qua góp vui. Manh chiếu cũ được trải ngay trên chỗ rơm vừa mới trục làm nơi tiếp khách. Đám con trẻ lại nghển cái cổ lên, vừa ăn vừa nghe người lớn kể chuyện xưa cũ mà lại không cũ chút nào. Bà tôi thủ thỉ kể chuyện ngày xưa đi dân công, đói khổ chẳng còn từ nào tả xiết, ông thì nhắc tới thời quân ngũ anh dũng kháng chiến chống giặc cùng những chiếc mũ rơm ngụy trang, bấy nhiêu thôi cũng đủ thôi thúc trí tò mò của đám con trẻ. Tình làng nghĩa xóm cũng bắt đầu từ những câu chuyện giản dị, đời thường như vậy.

Ngày mới, nắng lên, bố cẩn thận cho rơm vào từng tải nhỏ rồi kênh lên ngõ, đường phơi. Những con ngõ, đường như được đắp lên một lớp mây vàng óng ả, bồng bềnh nối từ nhà này sang nhà khác. Lũ con nít mặc sức tưởng tượng rằng đang đi trên mây, cũng dang hai  tay ra thật rộng, mắt mở he hé ra điều đang “phiêu”, chân không ngừng dập dềnh trên những đám mây rơm, miệng thì cười ngoác cả ra.

Độ ba bốn ngày chang dưới nắng, từng cọng rơm khô khén, cong lên, giòn vàng thì được cào lại, xây thành cây rơm bên hông nhà. Rơm để dành mùa lạnh cho trâu bò thiếu thức ăn, những hôm mưa làm chất đốt. Bao nhiêu bữa cơm nhà nghèo tôi ăn là bấy nhiêu bữa cơm có khói rơm quyện vào. Thuở nghèo khó, bố tôi còn sáng tạo kết từng cọng rơm làm nệm cho cả nhà dùng trong mùa đông giá rét. Cũng nhờ chiếc nệm đặc biệt này mà cả nhà đã có những giấc ngủ thật êm, thật sâu. Và đó cũng là chiếc nệm đặc biệt nhất, êm ái nhất mà đời người tôi từng nằm. Tôi đê mê chìm vào giấc ngủ, một giấc mơ thật đẹp cùng hương rơm thoang thoảng dịu nhẹ.

Tôi ước giá như tôi có thật nhiều thời gian rảnh để đi đây đi đó, để số lần về quê vượt qua số đếm trên đầu ngón tay. Chính vì vậy, số lần hiếm hoi thấy rơm của tôi cũng chỉ là hình ảnh tượng trưng trên internet, bạn bè post lên facebook. Bố mẹ tôi phần vì tuổi cao sức yếu, phần nữa gánh nặng mưu sinh được trút bớt vì các con, đứa nào đứa nấy đều có công ăn việc làm ổn định, việc làm nông bây giờ quá vất vả lại chẳng hề có lãi nên quyết định nghỉ hẳn chuyển sang nuôi gà, trồng rau. Chỗ trồng cây rơm sau nhà trống huơ trống hoác. Những cọng rơm tượng trưng của quán café nhắc cho tôi nhớ về hương rơm, tuổi thơ thuở nghèo khó nhưng rất đỗi ngọt ngào. Tôi nhớ cả những trò chơi nghịch ngợm hai anh em, lũ bạn rồng rắn bên đống rơm vừa trục, những tiếng cười trong veo, ngây thơ đến thánh thiện. Là nỗi nhớ thật các bạn ạ! Bạn cùng phòng tôi bảo thi thoảng lại thấy tôi khóc bù lu bù loa giữa giấc ngủ, tôi biết ấy là khi tôi đang nhớ quê, nhớ hương rơm da diết.

Tản văn. Quyền Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự đêm giao thừa

Văn học 1 năm trước

Chợ

Văn học 2 năm trước

Tháng Tám mùa thu

Văn học 3 năm trước

Dưới tán côm xanh

Văn học 7 năm trước