Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
19:40 (GMT +7)

Nhìn lại 300 năm nghệ thuật múa rối cạn của dòng họ Ma Quang

Nằm cách trung tâm xã Bình Yên, huyện Định Hoá chừng 3 cây số, bản người Tày Thẩm Rộc nép mình êm đềm dưới những tán cọ mát xanh. Trong làng có dòng họ Ma Quang là những người đã gìn giữ nghề múa rối cạn của cha ông mình qua ba thế kỷ.

Ông Ma Quang Nhanh thắp nhang xin phép Tổ tiên cho tôi được tiếp cận bộ rối cổ của dòng họ
Ông Ma Quang Nhanh thắp nhang xin phép Tổ tiên cho tác giả được tiếp cận bộ rối cổ của dòng họ

“Khai sinh” rối Tày từ 300 năm trước

“Trong gia phả dòng họ có ghi tôi là đời thứ 10. Hiện tôi đã có cháu, nghĩa là dòng họ Ma Quang đã có 12 đời. Tính bình quân, một đời khoảng 25 năm là có người nối dõi thì dòng họ của chúng tôi đã trải qua khoảng gần 300 năm rồi. Đấy là kể từ khi dòng họ nhà tôi sở hữu những con trò (con rối)”. Ông Ma Quang Nhanh kể cho tôi nghe điều đó trong căn nhà được bao phủ bốn bề bởi cây cối nơi gia đình ông đang sinh sống. Tiếng chim hót líu lo trong những tán cây quanh nhà như lời chào thân thương của xóm nhỏ yên bình với vị khách đường xa. Mùi hương man mác của chồi non, tán biếc và những bông hoa dại toả lan trong không khí, làm cho không gian nơi đây vô cùng dễ chịu.

Ông Ma Quang Nhanh rót mời tôi cốc nước có màu đỏ gụ, là một loại nước pha bằng lá cây ở trên rừng, có tác dụng thanh nhiệt, ông chậm rãi bảo: Tôi hiện là Trưởng dòng họ Ma Quang, cũng là Trưởng Phường Rối Tày Thẩm Rộc. Nhưng ông vội giải thích ngay, Trưởng Phường là do chúng tôi tự phong, tự gọi cho dễ hiểu chứ chúng tôi chưa được đơn vị nào công nhận.

Ông Ma Quang Nhanh và những con trò trong vở “Rối chơi nhạc”
Ông Ma Quang Nhanh và những con trò trong vở “Rối chơi nhạc”

Ông Nhanh chậm rãi kể cho tôi nghe về ngọn nguồn của những con rối thuộc về dòng họ Ma Quang: Chúng tôi được các cụ, kỵ của mình truyền lại, tổ tiên của chúng tôi từ cách đây mấy trăm năm đã rất đam mê nghệ thuật. Khoảng 300 năm trước, các cụ đã sưu tập được một bộ con rối. Ngày đó, múa rối thường được mời đi biểu diễn ở đình, chùa, miếu vào các dịp lễ, Tết chứ chưa có đất diễn rộng như bây giờ.

Thời điểm khoảng năm 1973, 1974, Nhà hát múa rối Trung ương đã đến và đề nghị gia đình ông trao lại bộ rối cổ để mang về Hà Nội trưng bày và tổ chức hội thảo. Nhưng các cụ nhà tôi buộc phải từ chối, mặc dù cũng hiểu rằng nếu giao cho các tổ chức như Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam hay Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam họ sẽ có điều kiện gìn giữ những con rối tốt hơn chúng tôi. Nhưng đối với gia đình tôi, những con rối cổ không chỉ là hiện thân của nghệ thuật mà đó còn mang yếu tố tâm linh nên gia đình tôi dù thế hệ nào cũng phải có trách nhiệm gìn giữ, thờ cúng. Và, trách nhiệm đó thuộc về Trưởng dòng họ.

Từ xưa cho đến tận bây giờ, trước khi đưa các con trò đi biểu diễn, Trưởng dòng họ đồng thời là Trưởng Phường Rối đều phải làm lễ, thắp hương xin phép. Người mà ông Nhanh phải khấn, xin hiện nay là “cụ Lục đại” tức là người cách ông 6 đời gần nhất trở về trước. Lúc xin phép mang con trò đi thì làm lễ chay khá đơn giản, còn khi biểu diễn xong bắt buộc phải làm một mâm lễ mặn, có ý nghĩa khao quân (khao các cụ rối).

Sau khi làm lễ xin phép gia tiên xong, ông Nhanh dẫn tôi qua thăm ngôi lán lợp bằng lá cọ nằm sát hiên ngôi nhà vợ chồng ông đang ở, là nơi cất giữ những con trò. Ông mở hòm lấy ra những con rối được xếp cẩn thận trên một lớp vải mịn. Ông cảm thán: Không biết bằng cách nào mà các cụ có thể gìn giữ được những con trò này còn nguyên vẹn ngay cả trong thời kỳ chiến tranh, loạn lạc. Cẩn thận nâng niu từng con trò, ông Nhanh cho biết: Các thế hệ trước truyền lại cho chúng tôi bộ rối cổ, được hơn 30 con. Từng con rối trên tay ông Nhanh đều có đường nét tinh xảo, chỉ tiếc chúng đã bị hỏng khá nhiều. Như đôi chim hạc (thường xuất hiện trong vở giáo Bố Mẹ) đã bị vỡ ở phần mỏ, nhiều con rối khác cũng đã nứt gãy, nhiều vết lõm do mối mọt.

Những con trò mới dù được nắn nót nhưng vẫn có sự khác biệt với những trò trong bộ trò cổ
Những con trò mới dù được nắn nót nhưng vẫn có sự khác biệt với những trò trong bộ trò cổ

Theo lời kể của ông Nhanh, múa Tày Thẩm Rộc được truyền lại có 16 vở (trò), nhưng cũng không mấy khi dùng đến hết 30 con rối cho 16 vở. Có trò không cần đến con rối. Đó là “Giáo pháo”. Trò này chúng tôi chỉ múa thôi. Ông Giải thích: Trước đây, nghệ thuật múa rối của chúng tôi rất được săn đón, biểu diễn ở đâu người dân cũng háo hức đi xem. Vì thế, vở đầu tiên được diễn bao giờ cũng mang tính chất duy trì trật tự, hay còn gọi là “dẹp đám”, có tên là “Giáo Pháo”, rồi mới đến các trò khác.

Các trò rối của dòng họ Ma Quang đều chủ yếu mang ý nghĩa cầu bình an, sức khỏe cho mọi nhà, mọi người; cầu cho mùa màng bội thu; cầu lộc cầu tài; cầu cho sinh con đẻ cái… Các con rối được tạc bằng cây thừng mực. Đây là loại cây khi tươi gỗ mềm, dễ chế tác, nhưng khi khô, gỗ trở nên rắn chắc, vô cùng bền chắc. Nói đoạn, ông đưa cho tôi một con trò còn khá mới và hỏi xem tôi có nhận thấy sự khác biệt nào không. Ngắm nghía thật kỹ hai con trò, nâng lên đặt xuống để cảm nhận, tôi vẫn không lý giải được tại sao dù con trò mới được chạm, vẽ khá công phu, nét mực gọn ghẽ không một chút thừa nhưng xét về thần thái thì vẫn kém con trò cổ nhiều phần. Chưa kể, con trò mới cầm rất nặng tay, không nhẹ như con trò cổ.

Tôi rụt rè nói ra suy nghĩ của mình không ngờ được ông Nhanh ghi nhận. Ông gật gù: Chính xác là như vậy. Chúng tôi cũng có thể nói có nghề mộc gia truyền, cũng được trời phú cho chút hoa tay nhưng dù có cố gắng cỡ nào thì cũng không làm ra được thần thái của những con rối cổ. Thậm chí, tôi đã ngồi nghiên cứu tỉ mỉ từng nét vẽ dù là nhỏ nhất trên con trò cổ để làm theo mà vẫn không thể! Các cụ năm xưa và chúng tôi hôm nay đều chỉ làm các con trò bằng tình yêu và sự say mê với môn nghệ thuật của gia đình, dân tộc mình thôi chứ không hề được đào tạo qua bất kể trường lớp nào. Vậy mà các cụ làm đẹp quá! Chúng tôi vô cùng thán phục cha ông mình. Còn về độ nặng nhẹ, con trò cổ và con trò mới đều được làm bằng gỗ thừng mực, không biết có phải là cần quãng thời gian dài, rất dài không mà con trò mới dù có kích thước bằng con trò cũ, gỗ thì cũng đã khô kiệt nhưng vẫn nặng hơn con trò cổ rất nhiều.

Tôi hỏi ông trong dòng họ Ma Quang còn nhiều người có thể tạc được con rối không, ông lắc đầu: Người có thể làm nghề mộc thì nhiều nhưng để làm được con rối hiện chỉ có 3 người khác, cả tôi là 4 mà thôi. Cũng có thể một phần do việc tạc những con trò hầu hết chỉ mang yếu tố tinh thần, không mang lại giá trị kinh tế như làm nghề mộc thông thường nên không mấy người quan tâm.

Những con trò cổ vẫn giữ được nét tinh xảo dù trải qua ba thế kỷ
Những con trò cổ vẫn giữ được nét tinh xảo dù trải qua ba thế kỷ

 Trước ý kiến lo ngại của nhiều người, liệu múa rối Tày của dòng họ Ma Quang có nguy cơ thất truyền như một số loại hình nghệ thuật dân gian khác, ông Ma Quang Nhanh khẳng định: Chỉ cần dòng họ Ma Quang còn tồn tại thì nghệ thuật múa rối Tày sẽ không bao giờ bị mất đi dù rằng không tránh khỏi những lúc trầm. Bởi lẽ, nó đã vượt lên trên ý nghĩa một môn nghệ thuật thông thường mà còn là “hồn cốt” của dòng họ Ma Quang. Chúng tôi luôn tâm niệm, mỗi con trò cổ đều có linh hồn nên việc nâng niu, gìn giữ và trao truyền là điều chúng tôi không thể không làm.

Những thăng, trầm cùng thời cuộc

Từ khi biết nhận thức, ông Nhanh đã chứng kiến rất nhiều trạng thái của Phường Rối, lúc hân hoan rộn rã, lúc trầm buồn, hiu hắt. Thời gian trầm lắng của Phường diễn ra trong nhiều thời điểm và trong những quãng thời gian dài, ngắn khác nhau, cho đến năm 2000. Ông Nhanh kể: Năm 2000, có một đoàn cán bộ của Viện Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cùng một người đại diện cho tổ chức nước ngoài (Mỹ) đến nhà chúng tôi. Họ đi tìm hiểu về các di sản văn hóa. Sau khi biết và chiêm ngưỡng những con trò cổ của gia đình chúng tôi, Đoàn đã động viên và giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần để chúng tôi phục dựng lại các vở diễn, kiện toàn lại Phường Rối. Thời điểm trước đó, Phường Rối gần như không có hoạt động.

Nhiều con rối cổ đã bị gãy, vỡ
Nhiều con rối cổ đã bị gãy, vỡ

Được hỗ trợ, hồi đó gia đình chúng tôi cũng phát động mọi người trong dòng họ làm các con trò. Ai tạc ra được con trò nào đạt tiêu chuẩn, Phường sẽ lấy lại và hỗ trợ công từ nguồn kinh phí được đài thọ. Tất nhiên là hỗ trợ thôi chứ không thể so với ngày công làm mộc được. Chúng tôi cũng làm ra được thêm hai bộ con trò mới nữa. Một bộ chúng tôi tặng lại Viện Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, một bộ chúng tôi giữ lại để nếu một ngày, những con trò cổ có hỏng, có mất đi thì còn có cái để thay thế.

Hồi tưởng lại thời điểm cách đây hơn 20 năm, ông Nhanh nói khẽ: Các cụ lúc ấy trực tiếp gây dựng lại Phường giờ đi hết cả rồi. Ngay bố tôi (ông Ma Quang Mai, Trưởng Phường cũng là trưởng dòng họ) là người kế cận các cụ khi ấy cũng đã khuất núi từ lâu. Thời điểm bố tôi còn phụ trách Phường Rối, em chú tôi là Ma Quang Chóng hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, chú ấy đã hỗ trợ ông “chèo lái” hoạt động của Phường và trực tiếp đi biểu diễn. Sau khi bố tôi qua đời, tôi còn bận công tác tại cơ quan Nhà nước nên chú Chóng đã tiếp quản Phường Rối. 

Căn lán dựng riêng để lưu giữ những con trò cổ của dòng họ Ma Quang
Căn lán dựng riêng để lưu giữ những con trò cổ của dòng họ Ma Quang

Hoạt động của Phường kể từ khi được phục dựng lại các vở diễn nhộn nhịp hơn. Chúng tôi cũng nhận được sự quan tâm thêm từ chính quyền địa phương, cứ mỗi năm đến các lễ hội đầu Xuân, Phường lại được mời đi diễn ở nhiều nơi. Đặc biệt là từ khi Nhà Tưởng niệm Bác Hồ ở ATK Định Hóa được khánh thành, huyện tổ chức lễ hội Lồng Tồng vào tháng Giêng thì năm nào Phường Rối chúng tôi cũng được góp mặt biểu diễn phục vụ bà con và du khách. Đội ngũ tham gia biểu diễn lúc ấy chủ yếu là trong nội tộc. Ngoài ra, gia đình chúng tôi có mời và truyền dạy thêm cho một số người trong xóm có đam mê với môn nghệ thuật này để cùng tham gia biểu diễn.

Đến năm 2011, chúng tôi được tham gia vào đề án về "Tiếp tục khôi phục, bảo tồn và phát huy những giá trị tinh hoa văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Định Hóa" giai đoạn 2011-2015 do Phòng Văn hóa Thông tin huyện Định Hóa thực hiện. Được sự quan tâm của ngành Văn hóa, Phường Rối đã tổ chức được các buổi tập luyện. Mỗi khi chúng tôi tập, khán giả đến chật cả nhà văn hóa thôn để xem. Từ đó, Phường Rối cũng thường xuyên biểu diễn, được nhân dân đón nhận nồng nhiệt. Bên cạnh những con trò cổ, gìn giữ và biểu diễn các vở diễn xưa các “nghệ nhân” của Phường cũng đã tạo ra nhiều con trò mới với những vở diễn mới để phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của người xem hiện tại. Ví như những con trò của vở “Rối chơi nhạc” do ông Ma Quang Nhanh sáng tạo ra.

Năm 2015, nghệ thuật múa rối Tày của chúng tôi được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia, chú Chóng cũng được phong tặng Nghệ nhân. Sau khi được công nhận, rối cạn của người Tày thường xuyên được biểu diễn trong cộng đồng,các “nghệ nhân” của Phường Rối cũng có cơ hội đi biểu diễn ở nhiều nơi như phố đi bộ Hà Nội, Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô, Sơn Tây… Tuy nhiên, dù hoạt động của Phường có nhiều khởi sắc hơn nhưng nó vẫn “lép vế” hơn nhiều so với các loại hình nghệ thuật đương đại. Số lần đi biểu diễn của Phường Rối vẫn có thể đếm được trên đầu ngón tay, thời gian được đi giao lưu biểu diễn cũng không đều.

Sau đó không lâu, không may chú Ma Quang Chóng mắc bạo bệnh và qua đời. Tôi hoàn thành nghĩa vụ công tác, về nghỉ chế độ và tiếp quản lại Phường Rối cho đến hôm nay.

Những nỗ lực cần được tiếp sức

Tôi phần nào hiểu được nỗi lòng người Trưởng Phường như ông Nhanh khi suốt buổi trò chuyện, ông đã vài lần tủi thân bảo: Ngay cả khi Phường Rối gọi là hoạt động khởi sắc thì cũng không thể làm kinh tế được, chỉ mong mang lại giá trị và ý nghĩa tinh thần cho mọi người thôi. Kể cả khi được phục dựng lại các vở diễn, thì cũng vẫn có những thời đoạn, Phường Rối gần như “im hơi lặng tiếng”.

Nghe ông nói vậy, tôi chợt nhớ tới ánh mắt hằn in những khắc khoải của nghệ nhân Ma Quang Chóng khi tôi gặp ông vài năm về trước. Lần tôi đến thăm, ông di chuyển đã có phần khó khăn do ảnh hưởng của một cơn đột quỵ. Hỏi thăm về Phường Rối, ông dẫn chúng tôi lên gác 2 căn nhà nơi ông đang sống. Chỉ vào chiếc hòm đựng những con rối cổ, ông nín thinh hồi lâu rồi buông một câu đầy khó nhọc: “Chúng ở đây đã lâu lắm rồi mà chưa được múa cho ai xem”.

Ông Nhanh trải lòng: Cũng khó trách nhiều người không còn mặn mà với rối, kể cả người biểu diễn và người thưởng thức. Năm 2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia, nghệ thuật múa rối cạn của đồng bào dân tộc Tày ở cả 2 xóm Thẩm Rộc (xã Bình Yên) và Ru Nghệ (xã Đồng Thịnh), huyện Định Hóa. Dù khẳng định gia đình, dòng họ chúng tôi là nơi “phát tích” loại hình nghệ thuật này trên vùng đất Định Hóa nhưng chúng tôi cũng mong nó trở thành tài sản của cả cộng đồng người Tày nơi quê hương mình. Chính vì vậy, chúng tôi đã vận động và mời thêm một số người yêu thích bộ môn này trong làng, ngoài xã tham gia Phường Rối. Tuy nhiên, những người muốn tham gia hầu hết vẫn là người trong dòng họ, chỉ khác là họ đi làm ăn, dựng vợ gả chồng ở ngoài xóm, ngoài xã mà thôi. Khó trách người dân không mặn mà với rối vì bà con ở đây chủ yếu làm nông nghiệp, thu nhập vô cùng hạn hẹp. Trong khi đó, tham gia Phường Rối phải tập luyện hay khi đi biểu diễn phải mất ngày, mất buổi. Mà mỗi lần đi biểu diễn như thế, thù lao của chúng tôi đều tùy tâm đơn vị tổ chức, chứ chúng tôi không đòi hỏi.

Thường mỗi lần đi diễn, trừ tiền xe, tiền để lại làm lễ “khao quân” thì mỗi người chỉ được 50 đến 100 nghìn đồng. Hãn hữu, lần nào tươm tất lắm cũng không quá nổi dăm ba trăm nghìn. Ngay cả bản thân ông Nhanh, dù có lương hưu cuộc sống cũng còn nhiều chật vật, nói gì những người làm nông nghiệp thuần túy. Sở dĩ như vậy là vì tiền “cát - xê” mỗi đơn vị mời Phường đi diễn đã ít, chi phí cho một chuyến đi lại nhiều. Ông Nhanh nhẩm tính, mỗi lần đi biểu diễn trong tỉnh chi phí cũng đã phải hết 5 - 10 triệu đồng.  Còn nếu đi ngoài tỉnh thì chi phí phải gấp đôi, thậm chí gấp ba. Vì đặc thù của bộ môn này, ít người không làm được. Chưa kể đồ đạc mang theo lại cồng kềnh. Còn với khán giả, không hẳn “quay lưng” với nghệ thuật truyền thống nhưng giữa thời đại có quá nhiều sự lựa chọn phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật hiện nay thì mong muốn được xem múa rối cũng vơi dần.

Mặc dù, Phường Rối vẫn nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, như mới đây Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có hỗ trợ để các thành viên trong Phường tạo thêm một số bộ con trò mới. Hay, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam cũng vừa hỗ trợ kinh phí cho những người như ông Nhanh truyền dạy một lớp trong vòng một tuần cho học sinh Trường Dân tộc nội trú trên địa bàn; Đồng thời, mua lại một bộ con trò mới tạc của Phường tặng lại nhà trường có học sinh theo học.

Ông Ma Quang Nhanh vẫn cần mẫn tạo ra những con trò mới
Ông Ma Quang Nhanh vẫn cần mẫn tạo ra những con trò mới

Đó đã là những tín hiệu rất đáng mừng với Phường Rối của dòng họ Ma Quang nói riêng và của xã Bình Yên nói chung, song bấy nhiêu thôi vẫn chưa đủ để giúp Phường hoạt động được thường xuyên, liên tục như mong muốn. Ông Nhanh đưa tôi xem tờ danh sách được đánh thứ tự từ 1 đến 20 gồm tên của các “Thành viên Câu lạc bộ Phường Rối Tày Thẩm Rộc xóm Thẩm Rộc, xã Bình Yên, huyện Định Hóa” được lập từ năm 2022 và dốc lòng: Là người dòng họ Ma Quang, khó khăn thế chứ có khó khăn nữa chúng tôi vẫn quyết gìn giữ và trao truyền môn nghệ thuật này. Chỉ là dù rất mong muốn có thể thành lập Phường Rối hay Câu lạc bộ đặt dưới sự quản lý của cơ quan, tổ chức Nhà nước để chúng tôi thuận lợi hơn trong hoạt động song đến nay vẫn chưa được toại ý.

Thiết nghĩ, để duy trì và phát triển nghệ thuật múa rối cạn đã được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia của người Tày, đồng thời tri ân những nỗ lực của những người yêu nghệ thuật truyền thống trong suốt ba thế kỷ qua, ngoài sự nỗ lực của những “nghệ nhân” làng, rất cần sự quan tâm, tiếp sức một cách sâu sắc hơn từ cơ quan chức năng các cấp ở địa phương và cao hơn nữa.

Sa Mộc

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục