Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
16:36 (GMT +7)

Nhạc thiếu nhi của Trịnh Công Sơn

VNTN - Thời thơ ấu, Trịnh Công Sơn được sống trong thiên nhiên tươi đẹp của Huế, ngập tràn niềm vui bạn bè quý mến, gia đình quan tâm, yêu thương; niềm hạnh phúc đó như được nối dài thêm khi ông theo nghề dạy học tại tỉnh Lâm Đồng. Những ký ức đẹp đẽ của tuổi thơ và lòng nhiệt thành yêu trẻ đã giúp người nhạc sĩ tài danh này sáng tác nên những ca khúc thiếu nhi hồn nhiên, trong sáng, có sức lôi cuốn và đi cùng năm tháng.

Sinh ra ở Đắk Lắk nhưng từ khi 4 tuổi, cậu bé Trịnh Công Sơn đã theo gia đình ra Huế sinh sống. Có người đã nhận định rằng, những năm tháng tuổi thơ ở Huế là những năm tháng đẹp nhất trong cuộc đời của Trịnh. Ông sống giữa tình yêu thương của gia đình, hít thở thiên nhiên Huế vàng son và thơ mộng... Nó chói lên ánh hồ quang của một tiềm thức sâu thẳm với đường phượng bay tràn ngập sương mù, và những hàng cây thắp những ngọn nến màu xanh non. Có lẽ bởi thế mà thiên nhiên mọi người biết sau này qua những ca khúc của Trịnh Công Sơn là một thiên nhiên Huế đã được tái tạo từ nỗi đam mê.

 

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường từng chia sẻ: “Thời kì ở Bến Ngự, Trịnh Công Sơn thường ham mê thú vui đi bắt ve với một vài người bạn thân. Những con ve sống đời ấu trùng suốt bốn năm dưới các hang sâu tự khoét lấy trong lòng đất, đợi đến mùa hè để trưởng thành. Khi thân thể đã chuyển hóa thành hình con ve, chúng ngoi lên mặt đất đậu trên những cành cây, tấu vang lừng khúc ca chào mùa hạ, cho đến một ngày đầu thu thì đời ve kết thúc. Suốt đời ve ve, nó chỉ biết ca hát, người ta thường mệnh danh nó là “ca sĩ mùa hè”. Đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như là một mô phỏng của đời ve, với tấm thân rỗng không, suốt đời chạy về phía chân trời tràn ngập tiếng hát ca”.

Sau này, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có bài hát “Tiếng ve gọi hè” khiến không chỉ những em thiếu nhi mà người lớn cũng cảm thấy xuyến xao khi mùa hè về. Thời khắc được vui thú với bạn bè sau những ngày tháng học tập vất vả: “Khắp phố phường tiếng ve kêu hè hè hè/ Và trong những tàn lá me kêu hè hè hè/ Chạy theo tiếng ve, từng cơn mưa về/ Giọt mưa âm vang trên lá tiếng ve bay đầy trong gió/ Giọt mưa long lanh trên những cánh hoa phượng thắm như màu ngọn cờ/ Em đã mừng tiếng ve những ngày đầu mùa/ Và em vẫy chào tiếng ve sau một mùa hè…”. Ưu ái mùa hè, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn còn có bài hát “Mùa hè đến” với những ca từ thật dễ thương: “Mùa hè đến những cơn mưa vội vàng qua/ Phượng tươi thắm nhớ đôi môi hồng mùa hạ/ Có đầy trong lá và trong gió/ Bầy ve hát xôn xao phố nhà…”.

Mãi đến độ tuổi thiếu niên, gia đình mới mua cho Trịnh Công Sơn một cây đàn ghi-ta, điều mà lâu nay ông vẫn hằng mơ ước. Những ca từ của bài hát “Mẹ đi vắng” thật giản đơn mà chất chứa yêu thương: “Mẹ đi vắng, mẹ đi vắng, con sang chơi nhà bạn í a/ Con cầm cây đàn con hát/ Con cầm cây đàn con hát/ Hát cho mẹ về với con/ Hát cho mẹ về với con”. Gói ghém ký ức tuổi thơ của chính mình, những kỷ niệm được nhắc nhớ trong “Tuổi đời mênh mông” thật tươi đẹp: “…Thời thơ ấu, bướm hoa và chim cùng mưa nắng/ Em đứng bên trời tự do, yêu đời thiết tha/ Bao đường phố em qua nắng lên đứng chờ/ Đường dìu chân em đi đến những miền xa/ Thăm ruộng đất bao la những làng quê cũ/ Mùa cây trái níu chân về…”. Ký ức về ngày tết Trung thu cũng hiện lên trong những ca từ, như vẽ ra bức tranh hiện thực đầy dung dị, ấm áp: “Trung Thu đốt đèn lên cho sáng/ Cho bao con đường rộn vui/ Đêm trăng với đèn lồng thay nắng/ Em như giấc mộng giữa đời/ Cùng nhau hát lên/ Đường đêm xôn xao trống lân/ Về thăm phố quen, ngàn sao lung linh suốt đêm...”.

Phải khẳng định rằng, nhờ tài năng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, vùng đất và con người xứ Huế đã được thổi hồn vào âm nhạc, “quảng bá” đến đông đảo các thính giả nhỏ tuổi cả nước. Trong bài hát “Em sẽ là hoa hồng nhỏ”, dường như cả đất trời, tính cách của người Huế như thu lại trong “Trời mênh mông đất hiền hòa/ Bàn chân em đi nhè nhẹ/ Đưa em vào tình người bao la…”.

Từng học chuyên ngành Tâm lý giáo dục trẻ em trường Sư phạm Quy Nhơn tỉnh Bình Định (1962 - 1964), sau khi mãn khóa, Trịnh Công Sơn lên B'Lao (nay là thành phố Bảo Lộc - tỉnh Lâm Đồng) dạy học tại trường sơ học Bảo An trong 3 năm (1964 - 1967). ở đây, những học sinh đa số là người dân tộc thiểu số nên thường phải nghỉ học để phụ ba mẹ làm nương rẫy. Thông cảm với sự nghèo khó của các em, dù điều kiện vật chất thiếu thốn, phải cuốc bộ đường dốc đến trường mỗi ngày, thầy giáo Trịnh Công Sơn luôn nhiệt tâm, dành thời gian dạy âm nhạc cho các em. Công việc chăm sóc, dạy dỗ trẻ thơ dường như đã ảnh hưởng sâu sắc, khiến cho những sáng tác dành cho thiếu nhi của ông sau này luôn có được sự vui nhộn, hồn nhiên, trong sáng nhưng lại đậm chất trữ tình.

Những năm tháng sống và làm việc ở Lâm Đồng, một trong những ca khúc ra đời và tạo ấn tượng của Trịnh Công Sơn là “Ông tiên vui”. Nghe ca từ bài hát, không khó để chúng ta nhận ra “ông tiên” ấy chính là thầy giáo Trịnh Công Sơn. Còn nhân vật “em” là cô/cậu học trò cũ: “Ông tiên vui ông có cái râu dài/ Đêm ông về nằm yên trên đỉnh mây/ Ông tiên vui, ông thường hay nói tới/ Chốn thiên đường chẳng có tháng ngày trôi/ Ông tiên vui ông có cái căn nhà/ Bên lưng đồi thường khi ông ghé qua/ Hôm em lên ông chợt đi đâu vắng/ Khiến em buồn em nhớ đến ngẩn ngơ…”. Thông tin “ông tiên vui ông có căn nhà” là để chỉ về nhà trọ của thầy giáo Trịnh Công Sơn tại B'Lao. Đó là một ngôi nhà kiểu biệt thự mới xây trên khu đất khoáng đạt ở gần Ty Công chính Lâm Đồng ngày ấy.

Qua cuốn hồi ký “Về một quãng đời của Trịnh Công Sơn” của Nguyễn Thanh Ty (một đồng nghiệp thời đó) thì được biết, các em học sinh trường sơ học Bảo An rất thích và hay chơi trò bắn bi. Trò chơi ấy đã đi vào âm nhạc Trịnh Công Sơn, như một phần ký ức không thể nào quên về những tháng năm ở nơi này: “Như một hòn bi xanh/ Trái đất này quay tròn/ Căn nhà ta nằm nhỏ/ Trong một lòng quê hương/…/ Như một hòn bi xanh/ Trái đất này quay tròn/ Đất già cho đời trẻ/ Nên đời được yêu luôn/ …/ Nơi này ta cùng gặp/ Những ngày buồn vui chung/ …/ Vô tình ta cùng chọn/ Nơi này làm quê chung…”.

Đến năm 1975, khi đất nước thống nhất, tâm hồn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dường như trẻ lại. Người thầy giáo năm nào đã “sống lại” trong tâm trí của người nhạc sĩ tài danh này. Những ký ức tháng ngày đứng lớp năm nào vẫn sống động, là dòng cảm hứng nối dài để ông vui sống. Lúc này, thêm một ca khúc về thiếu nhi ra đời: “Vì có chúng em nên đời sống mãi không già/ Vì có chúng em nên mặt đất luôn nở hoa/ Bàn chân em đến giữa đời/ Là thế giới thêm niềm vui/ Bàn tay măng non bên người/ Tìm xóa những lo âu dài/ Vì có chúng em như mùa xuân cho mọi nhà/ Vì có chúng em nên đời sống như trẻ ra” - (Đời sống không già vì có chúng em).

Bước vào thời đoạn mới với công cuộc xây dựng, kiến thiết đất nước, hình ảnh những học sinh của thời đại mới trong “Khăn quàng thắp sáng bình minh” mang chở đầy ắp ước mơ, hoài bão: “Kìa có con chim non, chim chơi ở sân trường/ ồ chú chim xinh đẹp hót chào mừng xuân/ Kìa các em thơ ngây như giấc mộng giữa đời/ Lòng biết ơn bao điều cô thầy đã dạy/ Học cho ngoan, lớn cho nhanh, bay vào đời xây dựng/ Rèn đôi tay, chắc đôi chân lao động là vinh quang/ Kìa các em xinh xinh, chân bước vội đến trường/ Từng chiếc khăn em quàng thắp đỏ bình minh/…”.

Mảng âm nhạc thiếu nhi của Trịnh Công Sơn tiếp sau này còn có những: “Vì bé ngoan”, “Ai ngoài cánh cửa”, “Tết suối hồng”, “Mừng sinh nhật”, “Em đến cùng mùa xuân”…

Gia tài âm nhạc thiếu nhi của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chỉ độ gần hai mươi tác phẩm. Những sáng tác hồn nhiên, vui nhộn, trong sáng ấy cũng đã tạo sức lôi cuốn và có sức sống đi cùng năm tháng.

Nguyễn Văn Toàn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy