Nhạc Bolero: tồn tại hay không tồn tại?
VNTN - Như một trào lưu đang thịnh và gần như là mode của thị trường âm nhạc Việt thời gian gần đây, Bolero - một thể loại nhạc được (bị) mệnh danh là “sến”, “nhạc vàng” của một thời bỗng dưng trỗi dậy, phát triển, lan tràn từ sân khấu phòng trà đến các gameshow truyền hình và cả các cuộc thi hát dành riêng cho Bolero. Cũng vì sự “lan tỏa” rộng mà Bolero đang trở thành “mục tiêu” tranh cãi trong giới âm nhạc Việt, tồn tại hay không tồn tại, tồn tại đến đâu, tại sao lại không cho tồn tại…?
Bolero được xem là dòng nhạc trữ tình của châu Âu - châu Mỹ Latinh đã du nhập vào Việt Nam cách đây gần 70 năm và chủ yếu ở miền Nam. Sau năm 1975, có thời gian nó gần như bị lãng quên, chỉ lác đác xuất hiện ở một số ca khúc của vài nhạc sĩ sáng tác thể loại này trước đó và được biểu diễn trong các phòng trà, café nhạc, hay vài show hát dạo của các ca sĩ không chuyên ở lục tỉnh Nam Bộ.
Khoảng vài chục năm im hơi lặng tiếng, khoảng 3 năm trở lại đây, Bolero hồi sinh và có “sức sống” cũng như sự lan tỏa chóng mặt, gây khá nhiều bất ngờ không chỉ với giới V- Biz mà còn cả với giới âm nhạc hàn lâm. Phòng trà cafe nhạc nào cũng có ít nhất một tiết mục Bolero, show ca nhạc lớn cũng có ít nhất một ca sĩ hát Bolero, chưa kể các phòng karaoke, các quán café đường phố, người hát rong… Cảm giác như Bolero đang “thống trị” sinh hoạt âm nhạc trong đời sống cộng đồng.
“Thánh nữ Bolero” Jang Mi với những bản cover “đốn tim” người yêu nhạc Nguồn: Internet
Bolero và sự du nhập vào Việt Nam
Cùng với sự du nhập của các loại nhạc “Tây” theo chân người Pháp vào Việt Nam, đặc biệt là ở miền Nam, khi “tân nhạc” phát triển, thì dòng nhạc Bolero cũng bắt đầu “mon men” hiện diện trong một số sáng tác. Nhưng khi vào Việt Nam, nó được biến tấu theo nhịp 4/4, và trở thành một “style” Bolero rất riêng của Việt Nam. Đến thập niên 1950, Bolero là một dòng nhạc khá thịnh ở miền Nam, đặc biệt là ở lục tỉnh Nam Bộ và Sài Gòn. Hầu hết, các ca khúc có giai điệu Bolero tại Việt Nam đều được sáng tác theo xu hướng đậm chất dân gian, dân ca, lời ca dễ thuộc, có tính khái quát cao, nhiều đề tài phong phú, nội dung dễ hiểu, có tính tự sự như một khúc Ballade, giai điệu du dương, êm đềm, có chút buồn man mác dễ đi vào lòng người. Ca từ cũng như nhạc điệu dễ tạo nên cảm xúc khi nghe, khiến cho người nghe cảm nhận được nỗi lòng, thấu hiểu tâm tư của tác giả. Chính vì sự “dân dã” mà Bolero Việt mang tính phổ thông đại chúng, đáp ứng nhu cầu của giới bình dân lẫn nhiều tầng lớp khác trong xã hội.
Một thời vàng son
Tại Việt Nam, nhạc sĩ tài hoa kiêm nhà nghiên cứu âm nhạc Lê Trọng Nguyễn được cho là tác giả đầu tiên viết thành công ca khúc Bolero, sau này trở thành bài tình ca nổi tiếng, ca khúc “Nắng chiều” (1952) với tiết tấu chậm, tự sự, diễn cảm. “Nắng chiều” được đánh giá là nhạc phẩm giàu tính văn học, giàu chất thơ, tỏ rõ tác giả là người thẩm thấu sâu đậm văn chương Việt Nam với phần lời: “Qua bến nước xưa lá hoa về chiều /Lạnh lùng mềm đưa trong nắng lưa thưa/ Khi đến cuối thôn chân bước không hồn/ Nhớ sao là nhớ đến người ngày xưa...”. “Nắng chiều” từng được nữ ca sĩ Nhật Bản Satsuki Midori dịch sang ca từ tiếng Nhật với tựa đề “Việt Nam tình ca”, thu thanh ở Tokyo, ca khúc này còn được dịch qua tiếng Anh, tiếng Thái và tiếng Khmer với nhiều ca sĩ hát, trở thành một bài “Á châu tình ca”.
Dòng nhạc Bolero ở Việt Nam hưng thịnh và phổ biến nhất vào những năm 1960 - 1970 với tên tuổi của các nhạc sĩ Trúc Phương, Lam Phương, Tô Thanh Tùng, Vinh Sử, Trầm Tử Thiêng, Hoàng Thi Thơ, Thanh Sơn... Đặc biệt, nhạc sĩ Trúc Phương đã biến tấu Bolero chậm lại theo nhịp 4/4, dung hợp với phong cách dân ca Nam Bộ, để sáng tác một loạt bài tình ca Bolero với ca từ rất lạ và sáng tạo, thoát khỏi những ảnh hưởng của nước ngoài. Nhiều ca khúc nổi tiếng của các nhạc sĩ được thu âm và phổ biến dưới dạng băng cassette như: “Tình như mây khói”, “Áo em chưa mặc một lần”, “Đừng nói xa nhau”, “Mười năm tình cũ”, “Mai lỡ hai mình xa nhau”, “Thói đời”, “Về đâu mái tóc người thương”, “Nỗi buồn hoa phượng”, “Chuyến tàu hoàng hôn”, “Mưa đêm tỉnh lẻ”, “Hai chuyến tàu đêm”, “Quán nửa khuya”...
Thời kỳ đỉnh cao của giai điệu Bolero Việt rộ lên phong trào “Thời trang nhạc tuyển”, và Bolero được được thâu một cách đại trà vào băng cassette hoặc đĩa vinyl, tiêu biểu như: “Những đồi hoa sim” (Dzũng Chinh phổ thơ Hữu Loan), “Tàu đêm năm cũ”, “Nửa đêm ngoài phố” (Trúc Phương), “Thành phố sau lưng” (Hàn Châu), “Áo em chưa mặc một lần” (Hoài Linh), “Xuân này con không về” (Trịnh Lâm Ngân), “Đêm buồn tỉnh lẻ” (Bằng Giang - Tú Nhi), “Vòng nhẫn cưới”, “Đêm lang thang”, “Không giờ rồi” (Vinh Sử), “Hoa sứ nhà nàng” (Hoàng Phương). Cố nhạc sĩ Trúc Phương được xem như là “Vua Bolero” giai đoạn này.
Sau năm 1975, dòng nhạc Bolero thoái trào, nhưng vẫn âm thầm lặng lẽ tồn tại trong công chúng. Nhiều nhạc sĩ sáng tác trước 1975 tiếp tục sáng tác như Anh Bằng, Giao Tiên, Nhật Ngân, Thanh Sơn, Tú Nhi (Chế Linh), Vinh Sử… Bên cạnh đó các nhạc sĩ trẻ cũng đang tiếp nối với một số ít ca khúc theo giai điệu Bolero với chủ đề tình yêu, âm hưởng dân ca Nam Bộ như Sơn Hạ, Hồng Xương Long, Minh Vy, Tô Thanh Sơn, Thái Hoàng,… Và có một “Ông hoàng Bolero” hiện đại là ca sĩ Ngọc Sơn. Đặc biệt, giai điệu Bolero hiện tại được bên Phật giáo dùng sáng tác các ca khúc tuyên truyền hoằng dương Phật giáo, nhất là chủ đề hiếu thảo, từ tâm.
Bùng nổ và phủ sóng toàn diện…
Vài năm trở lại đây, khi các cơn lốc nhạc thị trường, nhạc thời trang thế giới du nhập với nhiều thể loại mới tiết tấu sôi động, ồn ào, nhịp điệu mạnh mẽ, Bolero như một sự đối nghịch bỗng chợt tỉnh giấc, như một dòng chảy len lỏi chen vào, gây chút xao động, xáo trộn thị trường âm nhạc Việt.
Đã có nhiều chương trình, gamehow truyền hình, thi ca nhạc về Bolero được phát sóng trên nhiều kênh, kể cả kênh truyền hình quốc gia VTV: “Solo cùng Bolero”, “Thần tượng Bolero”, "Tình Bolero", "Khán giả với Bolero", "Người hát tình ca"…. Bolero còn phủ sóng cả ở những gameshow khác của truyền hình, nhiều thí sinh, ca sĩ chọn dòng nhạc Bolero thể hiện bài thi như trong: “Nhân tố bí ẩn”, “Giọng hát Việt nhí”, “Sol vàng”... Đồng thời nhiều ca sĩ, nghệ sĩ tìm đến Bolero như một sự làm mới mình. Công chúng yêu nhạc đã thấy sự trở lại của những ca sĩ Quang Linh, Quang Dũng, Cẩm Ly, Đan Trường, Lệ Quyên... thông qua những đêm nhạc Bolero, đồng thời những album nhạc Bolero của các ca sĩ liên tiếp được ra mắt và khá “đắt” hàng. Không còn xa lạ với diễn viên điện ảnh Quý Bình trở thành “Quý ông Bolero”, hay diễn viên Minh Luân, sau khi phim đóng máy làm hậu kỳ thì tiếp show đi hát Bolero ở các tỉnh, ngay ca sĩ thời thượng hát nhạc dance Hồ Quỳnh Hương cũng chuyển “tone” hát nhạc Bolero… Rồi các danh hài chuyên nghiệp như Hoài Linh, Trấn Thành, Trường Giang, Thúy Nga… cũng lấy Bolero như cầu nối giao lưu, tung hứng với khán giả trong các gameshow truyền hình.
Thêm sự trở về của hàng loạt ca sĩ Việt hải ngoại đã từng nổi tiếng với dòng nhạc Bolero trước năm 1975, làm cho Bolero thêm nhộn nhịp, hâm nóng thị trường âm nhạc trong nước: Phương Dung, Giao Linh, Lệ Thu, Họa Mi, Phi Nhung, Trường Vũ, Thanh Hà, Quang Lê, Chế Linh, Khánh Ly, Hương Lan, Như Quỳnh, Duy Quang, Tuấn Ngọc...
Có vẻ như thị trường V-Pop ngoài các trào lưu nhạc trẻ thế giới, nhạc Việt hiện tại đang thuộc về dòng nhạc Bolero. Như một trào lưu thời thượng, Bolero được hát khắp nơi, không chỉ thuộc về công chúng bình dân mà đã len lỏi vào cả những thánh đường nhà hát hay những show diễn lớn gồm nhiều tên tuổi lớn trong làng âm nhạc Việt đương đại.
Sự trở lại của những ca sĩ nổi tiếng ở gameshow Thần tượng Bolero Nguồn: Internet
Tồn tại hay không tồn tại?
Bolero chủ yếu phát triển ở miền Nam, vào thời điểm Việt Nam bị chia cắt hai miền, và đang trong cuộc chiến tranh Việt - Mỹ. Phải chăng vì cái “buồn man mác” thiếu sức chiến đấu, đôi khi làm con người chùng xuống, chìm trong sự ủy mị buồn thương, hoài niệm mà dòng nhạc này bị liệt là nhạc “vàng”? Có một thời trong chiến tranh và những năm đầu hòa bình (bị) xem như loại nhạc phản động, cấm được hát hay phổ biến. Hay sự phổ thông, đôi khi có phần chân quê, dễ dãi, thường chỉ phục vụ công chúng bình dân, ít khi nào được xem là dòng nhạc có giá trị nghệ thuật nên bị xem như nhạc “sến”?
Dòng nhạc Bolero hiện tại không còn bị xem là nhạc “vàng” cấm hát, nhưng việc phủ sóng của nó trong công chúng, gây một mối nghi ngại không nhỏ về sự phát triển âm nhạc Việt đương đại có phần xuống dốc của các nhạc sĩ có tính hàn lâm, chuyên nghiệp và các nhà Lý luận phê bình âm nhạc. Họ vẫn không cho đây là dòng nhạc có giá trị nghệ thuật cao, vẫn bảo lưu ý kiến là dòng nhạc bình dân ít giá trị sáng tạo nghệ thuật, thậm chí có người còn phản đối quyết liệt, cho rằng dòng nhạc Bolero là loại nhạc thấp kém, vô giá trị. Ở góc độ khác, khi các nhà quản lý văn hóa nghệ thuật vừa đưa ra danh mục 5 ca khúc Bolero ngừng lưu hành, đồng thời rà soát lại các ca khúc khác trước năm 1975 đã cấp phép lưu hành, trong số đó đa phần là ca khúc thuộc dòng nhạc Bolero. Phải chăng, Bolero đang có một rào chắn mơ hồ, khép “vòng kim cô”, không cho phép được “tự tung tự tác” phổ biến rộng khắp như hiện nay?
Nhưng nhìn ở góc độ tích cực, rõ ràng dòng nhạc Bolero với giai điệu nhẹ nhàng, lãng mạn, giàu tính nhân văn, khi được các ca sĩ hay thí sinh trình diễn trên sân khấu, trong các cuộc thi gameshow truyền hình với nhiều cảm xúc tinh tế, đã mang đến công chúng vẻ đẹp thẩm mỹ khá thuần hậu. Nó như một dòng nhạc điều chỉnh, làm cân bằng môi trường âm nhạc Việt khi có quá nhiều thể loại nhạc mới đầy tính cách “hiện sinh” quá gợi cảm, hay cuồng nhiệt đến nổi loạn…
Âm nhạc không biên giới, không phân chia đẳng cấp, không phân biệt giàu nghèo… mà dành cho tất cả mọi người, cho bất kỳ ai. Không thể áp đặt ý muốn của người này lên người khác, để cho rằng âm nhạc này chính thống, âm nhạc kia vô giá trị. Bolero đã tồn tại, là dòng nhạc không thể mất đi trong tình cảm của đông đảo công chúng, và nó vẫn cứ sẽ tồn tại như một đại diện của chân tình trong cộng đồng yêu nhạc Việt.
Hoài Hương
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...