Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
05:18 (GMT +7)

Nhạc bác học đã đến được công chúng

VNTN - Nhạc thính phòng cổ điển (hay còn được gọi là nhạc bác học) từ trước đến nay mặc định chỉ biểu diễn trong thính phòng, trong nhà hát có chuẩn âm thanh và dành cho một số công chúng thưởng thức… Nhưng năm 2017, dòng nhạc này đã được “xuống phố” như một cách thức tiếp cận và tạo sự gần gũi với đông đảo người nghe nhạc. Không những thế, năm 2017 còn là năm được mùa nhạc thính phòng khi có tới mấy chục chương trình từ TP. HCM đến Hà Nội và một số tỉnh thành khác.


Như một sự tiếp nối không để “đứt đoạn”, khi nguồn cảm hứng thưởng thức của công chúng Việt đang dâng trào, nên ngay từ ngày đầu tiên của năm mới 2018 đã có chương trình “V-Concert: Hòa nhạc năm mới 2018” giới thiệu các tác phẩm và nghệ sĩ tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Người yêu nhạc hẳn vẫn khó quên kỷ niệm tháng 3/2017, khi dàn nhạc giao hưởng London (London Symphony Orchestra - LSO) danh tiếng đến từ nước Anh biểu diễn tại Quảng trường tượng đài Lý Thái Tổ, Hà Nội thu hút sự tham gia của đông đảo công chúng, tạo nên một “hiện tượng” trong đời sống văn hóa nghệ thuật Việt Nam, những xúc cảm mới lạ, cuốn hút khán giả ở mọi thành phần, trình độ âm nhạc khác nhau; gợi mở nhiều ý tưởng về con đường đưa nhạc giao hưởng, nhạc “bác học” đến với số đông công chúng.

Khi nhạc thính phòng “xuống phố”

Những người yêu âm nhạc Thủ đô Hà Nội và du khách các tỉnh thành, quốc tế chắc chưa quên 2 năm trước, khi dự án âm nhạc thính phòng LUALA Concert “xuống phố” vào các ngày cuối tuần, phá vỡ khoảng cách bấy lâu khán giả vẫn tự tạo ra đối với các loại hình nghệ thuật đỉnh cao. Dù chưa phải là những bản giao hưởng lớn với dàn nhạc đầy đủ các bộ khí, hơi, gõ…, nhưng những trích đoạn các tác phẩm kinh điển trên thế giới của J.Strauss II, Beethoven, V.A.Mozart, Shostakovich, Gioacchino Rossini, Johannes Brahms, Eduardo di Capua…, hay các bản nhạc nhẹ không lời nổi tiếng quen thuộc từ tứ tấu, tam tấu, song tấu, độc tấu các loại nhạc cụ như violin, viola, kèn, guitar,... đã làm cả không gian ven Hồ Gươm như vỡ òa trong nhiều cảm xúc của công chúng.

Năm 2016, hoạt động của âm nhạc bác học có phần lặng lẽ chỉ với vài chương trình mang tính truyền thống mỗi năm/lần, đến hẹn lại lên, tưởng chừng sang năm 2017 sẽ càng tẻ nhạt hơn. Thì như một cuộc “đổi ngôi” ngoạn mục, nhạc thính phòng cứ dần lấn chiếm, lan tỏa, không tạo ồn ào náo nhiệt như các dòng nhạc đương đại, nhưng lại thu hút đông đảo công chúng đến với mỗi chương trình. Không chỉ là các chương trình hòa nhạc cổ điển, giao hưởng như trước mà có rất nhiều vở opera, nhạc kịch được “hồi sinh”, được sáng tác và biểu diễn trên sân khấu như: “Hồ Thiên Nga”, “Kẹp hạt dẻ”, “Yuzuru” (Hạc đêm), “Cây sáo thần”, “Bóng ma trong nhà hát”, “Carmen”, “Con dơi”, “Hoàng hậu Frédégonde”, đặc biệt là vở “Lá đỏ” của Việt Nam… Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam và Nhạc Vũ Kịch TP. HCM cũng đưa âm nhạc bác học vào những vở nhạc kịch, vũ kịch, đồng thời đưa dàn nhạc đi biểu diễn ở các trường đại học, trung học phổ thông, thậm chí vào cả trường tiểu học để học sinh được cảm nhận về một vở nhạc kịch kinh điển.

Một sự phấn khích không tưởng với công chúng trên phố đi bộ Hồ Gươm, khi xem dàn nhạc giao hưởng đẳng cấp quốc tế London Symphony Orchestra - LSO danh tiếng lẫy lừng, cùng 90 thành viên là các nghệ sĩ nổi tiếng ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có nhạc trưởng ưu tú Niklas Benjamin Hoffman (người Đức, 27 tuổi) là tài năng trẻ của giới nhạc trưởng thế giới, biểu diễn trong 90 phút, cống hiến qua những tác phẩm kinh điển như “Festive Orverture” của Shostakovitch, trích đoạn “Four Sea Interude” của Benjamin Britten, Giao hưởng số 2” của Rachmaninov, trích đoạn vở “Kẹp hạt dẻ” và đặc biệt một đoạn nhạc phim “Star World” như một món quà dành tặng người dân Thủ đô.

Từ tháng 6/2017, tại tuyến phố đi bộ Hà Nội vào những ngày cuối tuần, công chúng yêu nhạc sẽ gặp các nghệ sĩ của dàn nhạc giao hưởng trẻ Maius Philharmonic với các thành viên chủ yếu thế hệ 9X được đào tạo chuyên nghiệp từ Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam biểu diễn trên đường phố. Đây là dàn nhạc đã từng gây ấn tượng cộng đồng mạng khi làm MV “Tiến quân ca” theo phong cách giao hưởng, chuyển soạn bởi nhạc trưởng thế hệ 8X Lưu Quang Minh, mà mỗi khi kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước, MV lại được chia sẻ liên tục trên mạng xã hội như cách những người trẻ thể hiện tình yêu, niềm tự hào dân tộc. Theo dự định, trong 5 năm đầu, với nỗ lực mang nhạc bác học đến gần khán giả, dàn nhạc sẽ tiếp cận công chúng trẻ dưới nhiều hình thức như diễn ở quảng trường, rạp hát, tham gia liveshow của các ca sĩ tên tuổi. Mục tiêu của dàn nhạc là mang bản sắc dân tộc vào nhạc bác học, thể hiện nhiều hơn âm nhạc của riêng mình bằng những tổ hợp tự viết thay vì phối lại những sáng tác nổi tiếng như trước đây, chí hướng viết nên giấc mơ đưa âm nhạc bác học Việt Nam đến gần hơn với công chúng.

Trong năm 2017, công chúng yêu nhạc bác học TP Hồ Chí Minh cũng “no nê” bởi hàng chục chương trình hòa nhạc và các Festival âm nhạc, từ Nhạc viện thành phố, Nhà hát thành phố, Nhà hát Hòa Bình đến phố đi bộ Nguyễn Huệ, nhiều hình thức từ hòa nhạc đến nhạc kịch, từ chương trình theo chủ đề các mùa trong năm đến các trích đoạn opera nổi tiếng… Ấn tượng nhất có thể kể đến Festival Vietnam Connection (VNCMF) mùa thứ 3, nơi hội tụ của các nghệ sỹ tầm cỡ quốc tế cùng các nghệ sỹ tên tuổi của Việt Nam đang hoạt động nghệ thuật trong và ngoài nước theo sáng kiến của nhạc sĩ - NSƯT Bùi Công Duy, nghệ sỹ violin Việt Nam với đẳng cấp quốc tế và Tiến sĩ Vũ Chương, một trong những nghệ sỹ violin xuất sắc người Mỹ gốc Việt. Qua các hoạt động giao lưu văn hóa đầy ý nghĩa, VNCMF mong muốn đưa âm nhạc bác học đến gần hơn nữa với công chúng.

Nuôi dưỡng khán giả cho nhạc thính phòng

Cái khó của nhạc thính phòng là kén khán giả, là dòng âm nhạc bị mặc định chỉ dành cho giới quý tộc. Khi nó đang dần tiếp cận, lan tỏa và trở nên gần gũi với đông đảo công chúng, thì còn gặp cái khó khác nữa. Không chỉ khó về nghề, mà còn khó là làm sao “nuôi dưỡng” được khán giả càng ngày càng đông, trong tầng lớp công chúng, sao cho hài hòa cả hai. Không vì công chúng trình độ thưởng thức hạn chế mà “hạ” chuẩn chất lượng âm nhạc bác học, mà là dùng âm nhạc bác học nâng dần trình độ thẩm mỹ, thưởng thức âm nhạc của công chúng, để công chúng yêu thích và trở thành những “fan” ruột, tạo cơ sở cho dòng âm nhạc này phát triển. Việc làm mới hoặc đại chúng hóa nhạc bác học là điều tất yếu và nên làm. Sự làm mới này cho thấy sức sáng tạo và cả sự nỗ lực của nghệ sĩ khi muốn kéo người hâm mộ về phía mình, mang đến những sản phẩm âm nhạc vừa chất lượng, giữ được chất thính phòng nhưng vẫn kích thích được sự quan tâm của khán giả.

Các dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam, các dàn nhạc giao hưởng của Nhạc viện Hà Nội, Nhà hát giao hưởng Vũ kịch TP. Hồ Chí Minh,… đã cố gắng đổi mới tư duy trong việc dàn dựng và biểu diễn các chương trình hòa nhạc bác học, mang đến cho khán giả sự thích thú, xích lại gần với âm nhạc bác học bằng những tác phẩm của các tác giả Việt Nam tên tuổi như: Hoàng Việt, Nguyễn Văn Thương, Hoàng Vân, Ca Lê Thuần, Trọng Bằng, Chu Minh, Hoàng Cương, Đặng Hữu Phúc, Đỗ Hồng Quân…, và chính cảm giác thân quen, dần dần hướng khán giả thưởng thức những tác phẩm cổ điển của các nhà soạn nhạc danh tiếng thế giới.

Đầu tư phát triển âm nhạc đỉnh cao đúng hướng và nâng tầm hưởng thụ văn hóa của số đông công chúng không phải là câu chuyện ngày một ngày hai. Không chỉ quyết định bởi tầm nhìn và chính sách, điều đó rất cần sự nỗ lực từ giới sáng tác và biểu diễn; các nhà quản lý, giáo dục cho đến vai trò quan trọng của những “Mạnh thường quân”, để góp phần định hướng, bồi đắp và lan tỏa những giá trị tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại đến công chúng, nhất là lớp trẻ.

Một cảnh trong vở nhạc kịch “Lá đỏ”.            Nguồn: Internet

Lấy thực tế trong năm 2017, đã có nhiều tổ chức, doanh nghiệp lớn và cả nghệ sĩ, đơn vị nghệ thuật đã nỗ lực bỏ công sức, tiền của đầu tư nhằm mang tới các tác phẩm nhạc bác học chất lượng. Các chương trình hòa nhạc quốc tế, hay các chương trình hòa nhạc theo mùa, theo chuyên đề đều có bóng dáng các doanh nghiệp lớn tài trợ, hỗ trợ, để giảm đi chi phí, giảm giá vé, đặc biệt với giới sinh viên - học sinh, tạo điều kiện cho nhiều khán giả được tiếp cận với âm nhạc bác học. Ngoài ra còn có những nhạc sĩ tâm huyết muốn dùng âm nhạc bác học như một cách nuôi dưỡng tâm hồn. Nhạc sĩ Nguyễn Cường thành lập Câu lạc bộ thính phòng CEG Music - câu lạc bộ đầu tiên biểu diễn khí nhạc miễn phí tại 61 Lý Thái Tổ, Hà Nội… Hay như sự ra đời của Dàn nhạc giao hưởng Mặt trời - Sun Symphony Orchestra - SSO, ấp ủ ước mơ mang âm nhạc bác học đến học đường và công chúng phổ thông, mà PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã đặt kỳ vọng: “Dàn nhạc hãy dành thời gian tới các trường học để giới thiệu cho các bạn học sinh về những nhạc cụ, những phần nho nhỏ về âm nhạc cổ điển thì trong tương lai chính khán giả trẻ sẽ cùng chúng ta nuôi dưỡng thế giới âm nhạc kinh điển”.

Nuôi dưỡng khán giả cho nhạc bác học là việc vô cùng quan trọng sau việc gây dựng một dàn nhạc và tổ chức những buổi hòa nhạc chất lượng: “Thế hệ chúng tôi có thể không được thưởng thức nhiều đêm nhạc kinh điển nữa nhưng hy vọng thế hệ con, cháu chúng ta sẽ tung tăng tới nhà hát với niềm hào hứng, và biết đâu sẽ có lúc coi đó là giá trị tinh thần không thể thiếu trong đời sống của công dân Việt Nam tương lai”- Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chia sẻ.

Bên cạnh việc tích cực xây dựng các nhà hát, tổ chức các dàn nhạc, cùng với việc tạo điều kiện để những tài năng âm nhạc phát triển, tôn vinh những nhạc sĩ nhiều cống hiến, đào tạo đội ngũ lý luận phê bình âm nhạc, thì các nhà quản lý cũng cần lưu tâm đến việc giáo dục thẩm mỹ âm nhạc cho công chúng, tạo cho họ thói quen nghe nhạc và nâng cao thẩm mỹ âm nhạc. Bởi một khi công chúng đủ khả năng thẩm định cái hay, cái đẹp của âm nhạc đích thực, họ sẽ tự lựa chọn những dòng nhạc mà mình yêu thích và tự đào thải những sản phẩm âm nhạc kém giá trị.

Hoài Hương

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy