Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
05:15 (GMT +7)

Người ruổi theo hồn văn hóa Dao

VNTN - Cứ nghe từ cha chú rồi tự nhiên cất lên những điệu kèn như thể bản năng là thế; dường như cái cách lĩnh ngộ, giữ gìn và phát huy giá trị của nhạc khí độc đáo dân tộc, với những người con của bản làng luôn giản đơn như vậy.


Nhân vật mà chúng tôi muốn nhắc đến là ông Triệu Phú Tài ở xóm Vụ Tây, xã Quân Chu, huyện Đại Từ. Ở tuổi 67, tính ra ông đã biết thổi và giữ những điệu kèn Pí lè - loại nhạc khí đặc sắc của dân tộc Dao chừng 55 năm; và cây kèn Pí lè ông đang sở hữu cũng đã hơn năm mươi năm tuổi.

Cho chúng tôi xem cây kèn có tuổi thọ hơn 50 đã được nâng niu như là tri kỷ, ông Tài tiếp chuyện vẻ bồi hồi: Biết thổi kèn khi mới là cậu bé 9 - 10 tuổi, đi chăn trâu đã biết chặt nứa tép làm kèn, tự tập những điệu đơn giản. Cây kèn này tôi được một người chú họ làm cho. Với người Dao, kèn Pí lè chứa đựng cả một nền văn hóa, tình cảm của bao thế hệ đồng bào dân tộc. Kèn Pí lè đóng vai trò là vật thiêng, xua đi sự xui xẻo và mang lại sự may mắn, bình an, chả thế mà nó được gọi là “báu vật nhạc khí” của người Dao đấy!

Không trực tiếp làm kèn, nhưng am hiểu về nó thì tường tận chân tơ kẽ tóc. Ông từ tốn đưa tay vuốt lên cây kèn lâu năm đã “lên nước” nhẵn bóng, giảng giải: Thân kèn dài khoảng 30 - 40 cm, được làm từ cây đanh trống, một loại cây bên trong có lõi xốp. Khi chế tác phải đẽo gọt cho ra hình hài, tạo vân thân kèn nếu muốn. Phần tạo vân này sẽ khiến cây kèn trông có nét riêng, kiểu cách hơn. Sau đó dùng dùi sắt nung nóng làm sạch phần xốp bên trong khiến thân kèn rỗng hoàn toàn. 7 lỗ bấm được đục theo hàng dọc ở giữa thân kèn. Loa kèn là phần đuôi của cây kèn, được làm bằng gỗ mít (hoặc lá đồng mỏng) theo hình chóp cụt, có độ dài khoảng 10cm, đường kính 12cm, đầu nhỏ của loa nối liền với thân kèn. Để thổi ra tiếng và tiếng hay thì kèn Pí lè phải có một chiếc lẫy khá đặc biệt. Chiếc lẫy này được chế tác từ kén của con sâu kèn (thường chỉ có ở các loại cây chanh, hồng, mận), dài khoảng 3cm, hai đầu to nhỏ khác nhau. Lấy xác sâu ra khỏi kén, bóp đầu to bẹt ra, kẹp cho phẳng; đầu còn lại luồn vào ống lông gà rồi đem ngâm vào nước nóng, sau đó cắt chéo hai bên mép đầu to, mài cho nhẵn và mềm. Trước khi thổi ngâm lẫy qua nước một lúc; làm như thế để tạo sự đàn hồi, sau những quãng nghỉ lẫy không bị khô, vì nếu khô sẽ không thành tiếng.

Từ thuở bé, ông Tài được ông nội dạy chữ Nho tại nhà chứ không cho đi học chữ. Sau khi nội mất, 12 tuổi ông mới được đi học hệ 4+3 (1963), xong tiếp tục học thêm một năm (hệ 7+1). Sau khi tốt nghiệp, ông về dạy học tại trường cấp 1 Tiên Hội (từ năm 1972 - 1975), rồi chuyển về dạy ở Quân Chu, được tín nhiệm làm phó hiệu trưởng nhà trường. Năm 1984 ông xin nghỉ hưu sớm. Kể từ đó cây kèn Pí lè và tài thổi kèn của ông mới bắt đầu phát huy sức sống. Nhắc chuyện cũ, ông cười hiền: những năm 70 - 90 thế kỷ trước, kinh tế bà con còn khó khăn nhiều, cả mười năm xóm mới có một gia đình làm được lễ cấp sắc. Đây là nghi lễ đặc biệt dành cho con trai đã có vợ, hoặc khi vợ chồng lấy nhau mà chưa có con. Sau này đời sống dần được cải thiện, các nghi lễ cấp sắc, tết nhảy, ma khô, tìm/làm nhà tổ… của đồng bào dân tộc được diễn ra thường xuyên hơn. Bây giờ trong xóm mỗi năm trên dưới chục đám, tiếng kèn không thể thiếu nên tôi cũng có cơ hội “hành nghề”.

Tập tục thổi kèn Pí lè cũng rất đặc biệt. Đến các bản làng người Dao vào những ngày đầu năm mới, từ mùng 1 tháng Giêng cho tới hôm rằm, đâu đâu cũng rộn ràng thanh âm trầm bổng tiếng kèn vui xuân. Ngoài những ngày này thì chỉ khi nhà có việc như ma chay, cưới xin, lễ lạt... mới được thổi kèn. Nếu muốn thổi vui trong nhà thì cũng phải lựa lúc mùa màng đã xong xuôi, lúa ngô ngoài đồng bãi đã thu hết. Bởi theo quan niệm dân gian, nếu thổi kèn trong lúc cây còn ở ruộng thì sẽ bị mất mùa.

Tiếng kèn Pí lè hay - dở là do khẩu khiếu của người thổi. Kỹ thuật thổi hay là phải biết cách nín hơi, nhả hơi và giữ hơi. Lấy hơi bằng mũi và giữ trong miệng, sau đó đẩy hơi ra thông qua đầu thổi và tác động các ngón tay vào những lỗ bấm trên thân kèn. Trong quá trình thổi, việc đổi hơi là khó nhất, đòi hỏi kỹ nghệ cao; người thổi phải ước tính được lượng hơi cần dùng sao cho vừa phải. Nếu lấy thiếu thì chỉ thổi được một luồng là hết, điệu kèn sẽ bị ngắt quãng. Trong mỗi nghi lễ khác nhau, người thổi kèn áp dụng các kỹ thuật rung hơi, vuốt hơi, phối hợp với các ngón tay bấm, vuốt trên thân kèn để tạo ra những âm thanh phù hợp.

Ở xóm Vụ Tây nói riêng, các xóm người Dao ở Thái Nguyên nói chung, những người thổi kèn Pí lè lành nghề rất ít. Nhuần nhuyễn các bài/điệu và có thâm niên về kèn như ông Tài thì ở Vụ Tây là “hàng độc”. Ông chia sẻ kinh nghiệm “tác nghiệp” có phần dí dỏm: trong lễ cấp sắc gần 3 - 4 tiếng, phải thổi kèn theo từng đoạn của nghi lễ (15 - 20 phút/đoạn), và có khoảng 5 đoạn như thế, không dám ăn no vì còn phải ép bụng giữ hơi. Cũng không dám uống rượu vì sợ tim sẽ đập nhanh hơn, thổi không bền sức. Công việc giúp bà con là chính, song được các gia đình trả lễ bằng chút thịt chút rượu thay tiền công. Nhờ tiếng kèn mà được tín nhiệm, giao lưu rộng rãi, thấy mình cũng vui vẻ, hoạt bát hơn.

Sau ngày nghỉ công tác ở trường học, ông Tài từng làm kế toán, sau đó làm Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp Tân Vinh (gồm 5 xóm lân cận Vụ Tây, thuộc xã Quân Chu). Hết thời hợp tác, ông được bà con tín nhiệm làm trưởng xóm (từ 2001), tính đến tháng 7/2017, ông có hơn 16 năm làm cán bộ xóm bản. Ông bộc bạch: làm công tác xã hội nên được gần dân, cũng để ý, động viên nhiều người giữ điệu kèn dân tộc. Nhưng lớp trẻ hiện không có ai thích và có ý muốn học, còn một số người trung niên thì lấy hơi, giữ hơi không được nên sau khi tập một thời gian cũng đều nản và bỏ cả. Nhiều khi vẩn vơ lo, sợ khi mình già yếu mà không có người tiếp nối thì rồi nét văn hóa, nghệ thuật độc đáo của dân tộc sẽ mai một. Vì tập tục, bản sắc dân tộc luôn phải duy trì, nếu không có tiếng kèn thì không thể được. Ông cũng đã nghĩ đến việc thu âm lại các bài kèn rồi dùng theo hình thức gián tiếp bằng băng đĩa, điện thoại…, nhưng bà con bảo nó mang lại cảm giác không thật nên không thích thế.

Gần 70 tuổi, song thần thái còn tinh anh, tư duy mạch lạc, hoạt bát. Trong giọng cười thảnh thơi, ông bảo rằng, trong các nét văn hóa nghệ thuật đặc sắc dân tộc Dao có nhiều người gắn bó, quảng bá được di sản và được phong nghệ nhân. Với tâm huyết giữ gìn những điệu kèn Pí lè suốt mấy chục năm qua, đã đủ để tôi được gọi tên là một nghệ nhân?

Câu hỏi của ông như mang chở trong đó một niềm mong mỏi giản dị, là tiếng nói để các cấp, ngành văn hóa quan tâm hơn đến những người nhiệt tâm gắn bó và giữ gìn bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc.

Lê Đình

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy