Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
13:26 (GMT +7)

Người đàn bà mang nợ những trần ai

Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội (Sở Lao động -TB&XH) tỉnh Thái Nguyên (Trung tâm) - một mái ấm cưu mang những phận đời nặng nợ trần ai. Ở đó có một người đàn bà được các cụ xưng mẹ, tụi trẻ xưng con. Đó là chị Nguyễn Thúy Hường, Giám đốc Trung tâm, đằng đẵng 35 năm có lẻ lặng thầm gắn bó với công việc nuôi dưỡng, chăm sóc các đối tượng xã hội có số phận, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không người thân thích. Chị được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; Bộ Lao động - TB&XH tặng Huy chương "Vì sự nghiệp Lao động TB&XH", được tuyên dương Gương sáng thầm lặng vì cộng đồng và được các cấp, ngành trao tặng nhiều Bằng khen.

Chị Nguyễn Thúy Hường cùng các con sau giờ tan trường
Chị Nguyễn Thúy Hường cùng các con sau giờ tan trường

Làm con cho người thiên hạ

Có nhiều “con đường” đưa các đối tượng đến với Trung tâm. Nhưng họ - từ cụ già đến em nhỏ giống nhau ở điểm rơi vào tình cảnh cùng cực, bi đát nhất: có trường hợp người cao tuổi sống cảnh màn trời, chiếu đất; có trẻ sơ sinh bị cha mẹ ruồng bỏ trách nhiệm. Còn chị Hường đến với Trung tâm như một duyên phận ông trời sắp đặt. Chị đến Trung tâm với bổn phận chăm sóc các đối tượng bảo trợ xã hội. Nhiều bạn bè khích: “Bà” có nhiều cơ hội về việc làm, nhưng sao lại vào Trung tâm để làm con cho người thiên hạ.

Mặc kệ.

Chị lặng người trong giây lát như đang hoài cổ riêng mình. Là con người, ai cũng giống nhau cả. Nhất là ở tuổi chuẩn bị cầm sổ hưu, rời khỏi nơi suốt phần đời, tuổi thanh xuân mình từng gắn bó, cống hiến. Kỷ niệm buồn, vui đời người, đời nghề đều gói ghém ở Trung tâm. Tôi nghĩ như thế về chị khi nhìn lên chiếc đồng hồ treo tường quay đều điểm nhịp thời gian.

Chị kể thong dong: Sau tốt nghiệp Trung cấp Tổ chức - Hạch toán - Kế toán, tôi có nhiều lựa chọn, nhưng cuối cùng lại chọn vào Trung tâm làm nhân viên kế toán… Bấy giờ là mùa mưa năm Kỷ Tỵ năm 1989, bước chân vào nghề, đến cơ quan cơ sở vật chất cũ kỹ, nghèo nàn đơn vị được tiếp nhận từ Trường Công nhân Xây dựng Bắc Thái để lại. Mấy cán bộ tiền bối của Trung tâm “vật vã” tu sửa nhà cửa, ổn định công tác tổ chức và chính thức tiếp nhận các đối tượng xã hội đầu tiên vào quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng.

Tận mắt chứng kiến những cụ già không còn nơi nương tựa được vào Trung tâm, nhiều lần chị lén lau nước mắt vì chưa hiểu tại làm sao cuộc đời lại bất công với bao thân phận như vậy? Công việc bận rộn, chị mau chóng nguôi ngoai cái cảm giác ngán ngẩm giấu trong lòng để từ đây gắn bó cuộc đời mình với những phận đời từng “khổ tận cam lai”. Như một lẽ tự nhiên, chị cùng các đồng nghiệp của mình trở thành “người con hiếu thảo” của bao người thiên hạ. Tôi động viên: Đó là một công việc thầm lặng, đầy ý nghĩa nhân văn, vì không phải ai cũng đủ phước lành để người thiên hạ xưng cha, xưng mẹ.

Chị không nghĩ mình làm việc tận tâm để Đảng, Nhà nước trao tặng huy chương và những tấm bằng khen. Chị nghĩ giản đơn rằng: Các cụ cũng như cha mẹ mình. Thậm chí thiệt thòi hơn cha mẹ mình vì neo đơn, cơ nhỡ, không cửa, không nhà, không người thân. Mình phải làm việc hết sức để bù đắp cho các cụ vơi nguôi nỗi đau cay đắng thiệt thòi một đời người. Nhưng chuyện đời không giản đơn, bởi hầu hết đối tượng vào Trung tâm đã có một quãng đời đầy ải, tự ti, tinh thần bấn loạn. Chị tâm sự: Chỉ một lời nói không đúng chỗ của cán bộ Trung tâm cũng có thể làm đối tượng bất mãn, bỏ trốn, thậm chí có ý định tự tử. Chúng tôi phải nắm rõ tâm lý từng cụ để lựa lời, động viên, khích lệ các cụ yên tâm gắn bó cuộc đời mình với Trung tâm.

Chị Nguyễn Thúy Hường (bên trái) động viên các mẹ sống vui, sống khỏe
Chị Nguyễn Thúy Hường (bên trái) động viên các mẹ sống vui, sống khỏe

Cuộc sống một số đối tượng lang thang “đầu đường, xó chợ”, ăn ở không vệ sinh khiến đối tượng mang nhiều căn bệnh về lục phủ ngũ tạng. Tệ hại hơn là bệnh tâm lý, luôn lo sợ, cảnh giác với những người xung quanh. Nhiều trường hợp vào Trung tâm được ăn bát, ngủ giường nhưng lòng nung nấu tìm cách bỏ trốn. Bà Lương Phúc là một trường hợp như thế. Cả Trung tâm nhao nhác đi tìm suốt tuần mới bắt gặp bà đang bới thùng rác tìm đồ ăn, rồi đằm mình dưới vũng nước tanh bẩn bên đường. Chị Hường nói ấm ức: Sao mẹ lại bỏ chúng con đi như thế? Bà Lương Phúc cười hơ hơ và nói vô hồn: Mẹ thích như thế, vì được tự do.

Quãng đời “lang bạt kỳ hồ”, cuộc sống khổ hạnh đã làm nhiều người rối loạn tâm thần. Chính vì thế trong Trung tâm, phía sau sự yên ấm là bao câu chuyện cười ra nước mắt. Ông Minh Hoàng khoe: Người tôi có lúc phát ra điện, vì đêm tối đi ngủ lúc cởi áo khoác ngoài thấy phát ra ánh sáng… Luôn cho mình là người tài nên gặp ai ông cũng gây sự, làm mất đoàn kết trong nội bộ đối tượng. Bị cán bộ nhắc nhở, ông kiên quyết không ăn uống gì. Nghĩ cả đêm, chị Hường thở phào, từ sáng sớm chị mang cơm đến tận đầu giường: Bố ơi, tuyệt thực làm gì cho khổ cái dạ dày. Bố ăn lưng cơm rồi ra ngoài tập thể dục, cùng các cụ vệ sinh khu nhà cho sạch đẹp. Bố giúp chúng con “chỉ đạo” mọi người tham gia cùng cán bộ lau nhà, nhặt rau… “Gãi đúng chỗ ngứa”, kể từ đó bố Hoàng lúc nào cũng hăng hái “đi đầu” phong trào ăn ở gọn gàng, hợp vệ sinh và giúp nhân viên nhà bếp nhặt rau, chia cơm.

Chị Hường chia sẻ: Các cụ mỗi người mỗi tính, phải khéo lựa để các cụ sống vui, sống khỏe, coi nhau như người thân trong nhà. Từ đó các cụ tự giác giúp nhau khâu vá, giặt quần áo, gấp chăn màn, lấy cơm. Một số cụ cái gì cũng đến mách. Mách xong bao giờ cũng kèm câu: “Mày là con, mày phải giúp bố, mẹ xử lý dứt điểm”. Bao giờ tôi cũng kiên trì lắng nghe, giảng giải nhẹ nhàng. Có cụ cười xòa để lộ cả hàm răng cái còn, cái mất.

Chị được các cụ mến quý coi như con gái ruột. Làm gì cũng hỏi ý kiến “gái Hường”. Cụ Đức Mộc viết di chúc: “Tôi xin để lại một phần tài sản tiết kiệm cả đời mình cho gái Hường…”. Đọc dòng chữ ấy chị trào nước mắt, bảo: Bố ơi, còn lâu mới đến ngày trăm tuổi, bố cứ giữ lấy để chi tiêu thêm hằng ngày. Nhiều đêm chị thức trắng vì Trung tâm có bố, mẹ bị ốm phải vào viện cấp cứu. Dù đi chăm nom người ốm trong bệnh viện đã có cán bộ nuôi dưỡng của Trung tâm đi cùng, nhưng có gì đó làm chị thao thức, không thể ngủ.

Với chị, các đối tượng được nuôi dưỡng, chăm sóc đều thân thiết, gắn bó, được đối xử bình đẳng, công tâm như ruột thịt. 35 năm gắn bó với Trung tâm, 158 lần tiễn đưa đối tượng về miền cực lạc, cũng là ngần ấy lần chị cùng các cộng sự của mình khâm liệm, an táng. Đặc biệt vào dịp rằm tháng Bảy hằng năm, chị mời nhà sư về thỉnh chuông, cầu an, mong nếu có kiếp sau các cụ không phải sống đời lay lắt nữa.

Làm mẹ của trẻ bất hạnh

Trong lúc đi thăm cơ ngơi của Trung tâm, chị nói rủ rỉ đủ cho tôi nghe: Mình là “con nhà nghèo”, mọi chế độ đều báo sổ Nhà nước, có các mạnh thường quân hỗ trợ thêm. Thôi thì “Bấc đến đâu, dầu đến đó”. Hiện Trung tâm đang làm mái che khuôn viên sân chơi dành cho trẻ. Tuy không nhiều dụng cụ, đồ chơi, nhưng chúng tôi cố gắng bù đắp cho các con vơi bớt thiệt thòi so với chúng bạn cùng trang lứa.

Chị Hường (phải) bên bé em bị bệnh não úng thủy bị cha mẹ bỏ rơi mới được chính quyền địa phương gửi gắm vào Trung tâm
Chị Hường (phải) bên bé em bị bệnh não úng thủy bị cha mẹ bỏ rơi mới được chính quyền địa phương gửi gắm vào Trung tâm

Chợt mấy bé em ùa về sau giờ tan học, nhanh nhảu khoe: Mẹ ơi, hôm nay cô giáo cho con điểm 10; hôm nay con được cô mời phát biểu; cô dặn con phải học thuộc bài trước khi đến lớp… Mỗi bé một câu, ríu ran như bầy chim về tổ. Tôi buột miệng góp vui: Chị là một người mẹ hạnh phúc. Hàng trăm đứa trẻ từ bi bô tập nói, cho đến những người từng lớn lên, trưởng thành từ đây, nay tóc điểm màu sương, gặp lại đều gọi chị bằng một từ thiêng liêng: MẸ.

Chị có quyền tự hào về điều đó. Và chị đã sống như một người mẹ thực thụ với những đứa trẻ rơi vào tận cùng bất hạnh. Vâng! Có còn gì đau xót hơn khi một đứa trẻ mới sinh ra đã bị cha mẹ cắt bỏ tình mẫu tử. Hoặc vì một lý do đặc biệt nào đó, cả bố mẹ cùng qua đời, các em sẽ sống ra sao nếu thiếu đi tình yêu thương của người lớn. Vậy nên có còn gì cao cả, lớn lao hơn khi trong cuộc đời có những người như chị Hường luôn mở rộng lòng đón nhận, nuôi dưỡng những thiên thần không may mắn. Chị kể: Có bé bị bỏ rơi trong bệnh viện; có bé người dân nhặt được bên đống rác; có bé “người ta” mang đặt ở ngoài cổng cơ quan; có bé mẹ đang ở tù vì vi phạm pháp luật… Tội tình lắm, đơn vị thu nhận về nuôi dưỡng, chăm sóc và trang bị cho các con kiến thức, kỹ năng sống lương thiện.

Nhưng không dễ dàng gì bởi nhiều trẻ bị cha mẹ bỏ rơi do mắc các chứng bệnh vô phương cứu chữa: Thiểu năng trí tuệ; não úng thủy; rối loạn tâm thần; HIV; tim bẩm sinh… Phải thật khéo nuôi, khéo dỗ các con mới mau ăn, mau lớn. Thu Hoài là một minh chứng. Bố mẹ chết vì căn bệnh HIV, Hoài được địa phương làm thủ tục gửi vào Trung tâm. Nhìn toàn thân lở loét, chị Hường không cầm được nước mắt, động viên cán bộ nuôi dưỡng bồi bổ thêm cho Hoài, lấy lá thuốc tắm hằng ngày. Sau 3 tháng kiên trì điều trị, Hoài bình phục sức khỏe, tích cực tham gia giúp các mẹ, các chị nhặt rau, quét nhà. Còn Văn Hồng bị cha mẹ bỏ rơi lừ lúc mới sinh. Hồng được một phụ nữ góa bụa nhận làm con nuôi. Nhưng đến năm 3 tuổi, một lần nữa Hồng bị người cưu mang chối bỏ nuôi dưỡng. Từ đó Hồng trở thành đứa con của Trung tâm. Một số trẻ bị thiểu năng trí tuệ không đi học, song cũng biết làm các việc quét nhà, tham gia “đội văn nghệ măng non” do Trung tâm tổ chức. Còn với những trẻ khỏe mạnh, trí tuệ phát triển bình thường được Trung tâm gửi gắm vào các trường học chữ. Nhiều trẻ có thành tích học tập tốt.

Chị Hường cùng nhân viên nhà bếp chăm lo cho các con từng bữa ăn, giấc ngủ
Chị Hường cùng nhân viên nhà bếp chăm lo cho mọi người từng bữa ăn

Từ văn phòng làm việc, chị lơ đãng nhìn ra khoảng sân trước nhà đầy mưa. Tôi biết, chị nghĩ suy về tương lai của những đứa trẻ đang hằng ngày cắp sách từ Trung tâm đến trường học chữ. Chợt tôi bắt gặp trong ánh mắt của chị một nụ cười hiền hậu. Chị đang tự hào về sự trưởng thành của những đứa lớp trước đã trưởng thành, trở thành người có ích trong xã hội. Giây lát, chị kể: Ở Trung tâm từng có nhiều cháu được các gia đình trong, ngoài nước đón nhận làm con nuôi. Các cháu đã có cha mẹ mới. Còn từ Trung tâm, kể từ ngày thành lập đến nay đã có hơn 60 trẻ em trưởng thành trở về địa phương. Hầu hết các cháu trong số này đều đã lập gia đình. Năm 2013 và năm 2024, nhân Ngày gia đình Việt Nam (28/6), Trung tâm tổ chức Chương trình “Ngày trở về yêu thương”. Các con xa, gần về Trung tâm đoàn tụ, cả Trung tâm trở thành một ngày hội lớn. Gặp lại, “mẹ - con” chúng tôi vỡ òa nước mắt vì hạnh phúc. Ví như Lý Thị Dung, lớn lên ở Trung tâm, sau này học hành thành đạt đã trở lại Trung tâm làm việc. Dung cho biết: Con đã lập gia đình, có 2 con: 1 trai, 1 gái. Con được đứng trong hàng ngũ của Đảng từ tháng 7 năm 2024. Con luôn biết ơn mẹ Hường và các cô bác làm việc ở Trung tâm. Còn Hoàng Thị Yến cho biết: Cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ, nhà có anh trai bị khuyết tật, nên cháu được Trung tâm tiếp nhận vào nuôi dưỡng, được ăn học. Năm 2018 cháu thi đỗ thủ khoa ngành Y học Dự phòng, Trường Đại học Y - Dược (Đại học Thái Nguyên).

Thành tích học tập, sự trưởng thành của các con thể hiện tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động ở Trung tâm. Dù không trực tiếp chăm sóc cho từng con, nhưng chị Hường luôn bù đắp cho những đứa trẻ bất hạnh sự khao khát về tình mẫu tử. Nhiều đêm trường, chị cùng cán bộ nuôi dưỡng trẻ thức trắng đêm trong bệnh viện, ầu ơ ru hời đưa con vào giấc ngủ ngon. Chị động viên các mẹ chăm nuôi trẻ cố gắng ru, dỗ con ăn hết khẩu phần. Khi con cắp sách đến trường, chị nhắc nhở từng đứa mang sách bút đầy đủ, không chơi cùng bạn xấu, tan trường phải về ngay với mẹ. Nhiều thầy cô giáo tôn trọng gọi chị là “đại phụ huynh”. Chị vui khi con chăm ngoan học giỏi; chị buồn khi thầy cô thông báo trường hợp con em trong Trung tâm thuộc diện học sinh cá biệt.

Niềm vui Trung thu
Niềm vui Trung thu

Đành rằng những đứa trẻ đến với Trung tâm có nhiều nguồn gốc khác nhau, có đứa thế này, đứa thế kia, nhưng mỗi lần có đứa nào bị bạn bè trêu chọc, chị như con chim mẹ giang rộng đôi cánh bảo vệ đàn con, đồng thời phối hợp với nhà trường nhắc nhở học sinh không chòng ghẹo, không phân biệt, tạo cho các con được sống hòa đồng. Hết lòng như thế, nhưng vẫn có những đứa con tinh nghịch, sơ sểnh là bỏ trốn khỏi Trung tâm, đi lang thang. Ví như trường hợp của Phong Ba, thường xuyên trốn, bỏ đi lang thang. Lần nào cũng mất vài ba ngày cán bộ Trung tâm mới tìm được. Một lần trong lúc trở về, Phong Ba nhảy khỏi xe máy, ngã xuống vệ đường rồi cầm đá tự đập vào đầu. Giận lắm, nhưng chị không nỡ mắng một câu… Trường hợp Văn Hồng lại khác. Ngồi học trong lớp, nghịch ngợm gây mất trật tự khiến cô giáo không chịu nổi, đuổi ra khỏi lớp. Hồng bỏ đi lang thang. Chiều muộn không thấy Hồng về, chị điện cho cô chủ nhiệm, ai nấy tá hỏa, nhờ công an địa phương tìm giúp; 5 ngày sau sau mới tìm thấy Hồng đói lả đang vạ vật bên đường. Chị mím môi, nước mắt trào ra, vội ôm bé vào lòng. Hồng ơi, sao con lại làm khổ mình, khổ các mẹ như thế?

Tiểu kết

Chị Hường giống như người mang nợ những trần ai. Mà nợ thì đương nhiên phải trả. 35 năm là 12 nghìn 600 ngày chị cùng các cộng sự của mình thay mặt Nhà nước nuôi dưỡng, chăm sóc những phận đời không may mắn. Với người cao tuổi chị là con gái; với các cháu nhỏ chị là một người mẹ hiền. Ở vị trí nào chị cũng tận tâm, tận lực, cống hiến hết mình. Chị trăn trở: Hiện Trung tâm đang quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng 58 đối tượng, trong đó 22 người cao tuổi; 13 trẻ em; 23 đối tượng khác. Đặc biệt trong Trung tâm có 32 trường hợp là người khuyết tật, 2 trường hợp nhiễm HIV. Các cụ, các cháu luôn rất cần sự quan tâm, chia sẻ của mọi người trong cộng đồng xã hội. Chúng tôi luôn mong muốn có nhiều tổ chức, cá nhân đồng hành cùng Trung tâm để những mảnh đời cô quạnh đỡ phần hiu hắt...

Phạm Ngọc Chuẩn

2 đã tặng

1

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy